Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Đảng bộ tỉnh hiện có 22 đảng bộ trực thuộc, trong đó 13 đảng bộ huyện, 1 thành phố, 1 thị xã; 2 đảng bộ khối; 4 đảng bộ lực lượng vũ trang và 1 đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Nguyên; với 801 TCCSĐ (384 đảng bộ và 417 chi bộ); có 4 đảng bộ bộ phận và có 5.197 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn (152 xã, 20 phường, 12 thị trấn), với 2.475 thôn, buôn, tổ dân phố (1.545 thôn, 610 buôn, 320 tổ dân phố); trong đó có 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ.
Chỉ đạo tập trung
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của thôn, buôn, tổ dân phố trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, tổ dân phố như: Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 3-3-2003 Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”, Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện; Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường cán bộ cho xã, phường, thị trấn; Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 21-7-2006 về phát triển đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố; Kế hoạch số 32-KH/TU, ngày 22-11-2007 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các loại hình TCCSĐ; Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đến 2010... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đồng thời lồng ghép triển khai có hiệu quả các quyết định, chương trình của Chính phủ như 132, 134, 135, 167, 168… từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trong tỉnh. Cùng với đó, chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở của tỉnh ngày càng được quan tâm, ngày 10-12-2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND, về quy định chức danh, số lượng, hệ số phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố và sinh hoạt phí đối với một số chức danh cán bộ cơ sở.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời bám sát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Chỉ đạo ban thường vụ các huyện ủy, thành uỷ, thị ủy đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên tại những thôn, buôn chưa có hoặc ít đảng viên là người tại chỗ. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sớm có thông báo những chỉ tiêu xây dựng Đảng hằng năm cho các đảng bộ trực thuộc, để các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch công tác và đây là cơ sở để đánh giá, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hầu hết các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc đều xây dựng kế hoạch, chương trình cong tác và ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy, TCCSĐ trực thuộc triển khai thực hiện; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, củng cố TCCSĐ và phát triển đảng viên, kết hợp giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho từng đảng bộ, chi bộ cơ sở, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và thôn thực hiện. Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, gắn công tác phát triển đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ ở thôn, buôn, tổ dân phố. Chính sách trợ cấp cho cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố từng bước được cải thiện. Đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố có bước trưởng thành và đã có những đóng góp nhất định trong tiến trình đổi mới của đất nước. Hệ thống chính trị ở cơ sở dần được tốt hơn, đáp ứng được với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Nhiều cách làm sáng tạo
Sau khi có chỉ đạo từ Tỉnh uỷ, nhiều cấp ủy đảng đã có những giải pháp hiệu quả như ban hành nghị quyết chuyên đề, thành lập ban chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ, kèm cặp quần chúng ưu tú để kết nạp vào đảng; phân công cấp ủy viên xuống sinh hoạt từng thôn, buôn, tổ dân phố để theo dõi, chỉ đạo nhằm phát triển đảng viên là người tại chỗ ở các thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên và thành lập chi bộ.
Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1-12-2011 và Kế hoạch số 29-KH/TU, ngày 24-2-2012 về việc xây dựng chi bộ, thôn, buôn, tổ dân phố và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường. Trong nghị quyết và kế hoạch Thị ủy Buôn Hồ đã phân công cụ thể nhiệm vụ của các đồng chí thị ủy viên theo địa bàn phụ trách, phối hợp với đảng uỷ cơ sở, khảo sát thực trạng tình hình của từng địa phương, đề xuất những giải pháp có hiệu quả để đến cuối năm 2012 khắc phục cho được tình trạng thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên; đồng thời giao cho UBND thị xã cân đối nguồn ngân sách để ưu tiên cho việc xác minh lý lịch đảng viên theo thực tế chi phí, mở các lớp nhận thức về Đảng ở cơ sở.
Huyện ủy Krông Bông có chủ trương hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho những đảng viên ở chi bộ cơ quan xã tăng cường xuống làm bí thư chi bộ các thôn, buôn vùng sâu, xa trung tâm để tạo điều kiện cho đảng viên bám sát địa bàn, tham gia sinh hoạt với các tổ chức thôn, buôn, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người tại chỗ. Nhiều xã, phường, thị trấn đã xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, xác định chỉ tiêu phát triển đảng viên là người có đạo, người dân tộc thiểu số để phấn đấu thực hiện. Đối với các chi bộ thôn, buôn có ít đảng viên thì đảng ủy cơ sở rà soát lập danh sách những quần chúng ưu tú đã học lớp nhận thức về Đảng, những quần chúng sẽ cử đi học, những quần chúng ưu tú có khả năng kết nạp trong thời gian tới… từ đó có hướng tập trung chỉ đạo bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng.
Kết quả nổi bật
Thông qua các đợt phát động phong trào thi đua yêu nước thiết thực; các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ… đã phát hiện, lựa chọn những đoàn viên, hội viên thực sự gương mẫu, tiêu biểu đã qua thử thách, rèn luyện, trưởng thành để giới thiệu với cấp ủy, chi bộ đưa vào nguồn, bồi dưỡng để kết nạp đảng viên mới. Từ năm 2011 đến năm 2014 các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố đã kết nạp mới được 3.934 đảng viên; trong đó; đảng viên nữ có 1.400 đồng chí, chiếm tỷ lệ 35,6%; đảng viên dân tộc thiểu số có 680 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,3%; đảng viên trong các tôn giáo có 77 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 2%.
Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để củng cố TCCSĐ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có nhiều giải pháp để lãnh đạo các cấp uỷ trực thuộc triển khai thực hiện như là chỉ đạo phân công tác viên về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố hoặc thành lập chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố sau khi đã phát triển đủ đảng viên là người tại chỗ để thành lập chi bộ thì các đồng chí đảng viên ở cơ quan xã, phường, thị trấn mới được rút về. Năm 2011, có 1.028 đảng viên được tăng cường, chiếm 5,4% tổng số đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 506 đảng viên được tăng cường, chiếm 2,1% tổng số đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố.
Các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, trực thuộc đã tiến hành rà soát về tình hình hoạt động và chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng ở loại hình tổ chức đảng ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Chính vì vậy, số lượng và chất lượng của các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố không ngừng tăng lên. Năm 2011, có 2.259 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố, chiếm 92,4% so với 2.445 thôn, buôn, tổ dân phố thì đến năm 2014 có 2.473 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố; tăng 214 chi bộ và đến quý III năm 2013 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% thôn, buôn, tổ dân phố đều có chi bộ.
Số lượng chi bộ thôn, buôn đã tăng lên, sau tách, thành lập mới các thôn, buôn, tổ dân phố nhưng các cấp uỷ đã kịp thời tổ chức, kiện toàn các chỉ bộ ở các thôn, buôn, tổ dân phố bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở địa phương. Các chi bộ sau chia tách, thành lập mới đã kịp thời bổ sung, hoàn thiện và thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ; cơ bản duy trì tốt nền nếp sinh hoạt; hình thức, nội dung sinh hoạt chi bộ từng bước được cải tiến và đổi mới, nâng dần về chất. Việc sắp xếp, chia tách và thành lập mới thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và từng bước hạn chế tình trạng sinh hoạt ghép.
Nhìn chung, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, tổ dân phố được phát huy, các cấp ủy chi bộ cơ bản nắm bắt được tình hình tư tưởng của đảng viên và nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho đảng viên, nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt. Công tác đánh giá phân loại tổ chức đảng và đảng viên có chuyển biến tích cực, phản ánh sát thực kết quả hoạt động của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên, đội ngũ đảng viên đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Song Thu