Nhận thức rõ ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên mới đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, nhất là với một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới ở các các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Những cách làm hiệu quả Thôn, bản “trắng” đảng viên là cách gọi quen thuộc dùng để chỉ những thôn, bản chưa có đảng viên, chưa thành lập được chi bộ. Do nhiều nguyên nhân như địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán, việc tạo nguồn phát triển đảng viên chưa được chú trọng… nên những năm trước đây, tỷ lệ thôn, bản “trắng” đảng viên và chưa có chi bộ ở Điện Biên khá cao. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tế, từ năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Điện Biên về “Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ đảng giai đoạn 2012-2015”, tổ chức đảng các cấp đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng.
Huyện Nậm Pồ mới được chia tách, thành lập từ năm 2013. Ngay từ đầu, Đảng bộ huyện đã đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên. Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề, thực hiện các giải pháp như điều chuyển đảng viên, tạo nguồn phát triển đảng viên từ những thanh niên dân tộc thiểu số ưu tú… phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ vậy, công tác phát triển đảng viên mới, "xóa" bản “trắng” về đảng viên và chi bộ đảng ở huyện Nậm Pồ đã thu được nhiều kết quả tích cực. Riêng trong năm 2014, đảng bộ huyện đã kết nạp được 130 đảng viên, toàn huyện chỉ còn 1 bản chưa có đảng viên.
Tìm hiểu được biết, huyện Nậm Pồ chỉ là một trong nhiều địa phương ở Điện Biên đã thực hiện tốt công tác "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Theo đó, các đảng bộ trực thuộc tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức đảng cấp dưới thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, trọng tâm là điều chuyển đảng viên là giáo viên, bộ đội, công an về những thôn, bản chưa có đảng viên. Các đồng chí được điều chuyển vừa có nhiệm vụ bám nắm tình hình cơ sở; vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, vừa trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú tại địa bàn. Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở đảng cũng coi trọng việc tạo nguồn phát triển đảng viên từ lực lượng dân quân, an ninh viên, đoàn viên thanh niên và hội viên ưu tú trong các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở cơ sở… Sau khi kết nạp, các đảng viên mới đã nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực lao động, sản xuất. Đến nay, việc "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến. Theo thống kê, năm 2012, Điện Biên có 104 thôn, bản “trắng” đảng viên, 518 thôn, bản không có chi bộ thì đến hết năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 85 bản “trắng” đảng viên và 146 thôn, bản chưa thành lập được chi bộ. Những đảng bộ tiêu biểu trong công tác phát triển đảng viên là đảng bộ huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng… Tính riêng năm 2014, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã kết nạp được gần 2.100 đảng viên mới, sinh hoạt tại 630 tổ chức cơ sở đảng, nâng tổng số đảng viên của Điện Biên lên hơn 30.400 đảng viên.
Nhiệm vụ đặt ra
Có được những kết quả tích cực như trên đó chính là nhờ Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng nhất là đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ "xóa" thôn, bản “trắng” về đảng viên và tổ chức đảng. Thực tiễn từ năm 2012 đến nay cho thấy, tỷ lệ đảng viên được kết nạp mới tại các đảng bộ trực thuộc đều tăng lên qua các năm; chất lượng của đảng viên mới kết nạp cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở cơ sở; việc trẻ hóa đội ngũ đảng viên đã được chú trọng nhiều hơn. Hiệu quả từ công tác "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và chi bộ đã trực tiếp giúp nâng cao sức lãnh đạo của các tổ chức đảng; hoạt động của cấp ủy đảng đã bám sát thực tiễn hơn, đáp ứng ngày càng tốt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đã và đang đặt ra cho Đảng bộ tỉnh Điện Biên đó là tình trạng “tái trắng” đảng viên. Do việc sắp xếp, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính; thuyên chuyển công tác của cán bộ, đảng viên hay một số tổ chức cơ sở đảng có nhiều đảng viên cao tuổi… nên không ít thôn, bản đã rơi vào tình trạng “tái trắng” đảng viên. Năm 2014, toàn tỉnh "xóa" được 28 thôn, bản “trắng” đảng viên nhưng lại có 13 thôn, bản khác “tái trắng” đảng viên. Điều này đã làm cho tỷ lệ thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng ở Điện Biên còn khá cao. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 85/1.781 thôn, bản chưa có đảng viên, chiếm tỷ lệ khoảng 4,8%.
Để phát huy những kết quả đạt được, Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức đảng tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng ở những thôn, bản “trắng” đảng viên; phát triển đảng ở các điểm trường, các trung tâm y tế, đẩy mạnh bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ đó tạo sự lan tỏa để quần chúng tự giác phấn đấu trở thành đảng viên…
Tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển đảng viên mới, nỗ lực "xóa" thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng, tin tưởng công tác xây dựng đảng của Đảng bộ tỉnh Điện Biên sẽ thu được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách với các địa phương.
Tạ Quang Đạo
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị
Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng