Từ việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân ở Đại hội X, đến Đại hội XI, Đảng ta cho phép “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ DNTN đủ tiêu chuẩn vào Đảng”(*). Đây là sự đổi mới trong tư duy lý luận quan trọng của Đảng, góp phần tăng cường trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này.
Hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân phát triển khá nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp (DN), với khoảng 5 triệu người kinh doanh (tính cả chủ hộ kinh doanh). Hằng năm, các DN nhỏ và vừa đóng góp 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân… Đội ngũ chủ DNTN cơ bản là những người có kiến thức, có bản lĩnh trên thương trường. Sự phát triển của các DNTN, sự thành đạt của các chủ DNTN cũng chính là sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Do vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ chủ DNTN có đủ điều kiện được đứng trong hàng ngũ của Đảng để họ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tuy Đảng ta đã tin tưởng và cho phép những chủ DNTN được đứng trong hàng ngũ nhưng không ít chủ DNTN vẫn cảm thấy băn khoăn. Nhiều chủ DNTN đặt vấn đề: nếu vào Đảng thì họ và DN của họ có những quyền lợi gì hay lại đóng nhiều đảng phí hơn, phải làm nhiều việc phúc lợi cho xã hội hơn? Họ sợ mất thời gian cho hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Một số khác muốn vào Đảng thì cho rằng, với thời gian eo hẹp của mình, sẽ rất khó để tham gia sinh hoạt đảng đầy đủ. Họ cũng đặt câu hỏi nếu vào Đảng, vào cấp uỷ, những ý kiến của họ có được tổ chức đảng đồng tình, ủng hộ hay không? Hoặc không ít người lại có suy nghĩ rằng, vào Đảng để chuyển sang làm chính trị, có thể mưu cầu danh lợi cá nhân, lấy ảnh hưởng chính trị để làm kinh tế...
Hiện nay, nhiều địa phương đã mạnh dạn kết nạp một số chủ DNTN vào Đảng. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đảng đã cho phép nhưng các chủ DNTN có muốn vào không, làm thế nào để động viên, khuyến khích họ vào Đảng? Khi đã kết nạp thì công tác tổ chức, công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra, giám sát phải làm thế nào để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng? Ở đây, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Đảng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về kết nạp các chủ DNTN, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, quan tâm lãnh đạo phát triển khu vực kinh tế tư nhân và có nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhà nước cần có những chính sách để các thành phần kinh tế được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, để họ có thể tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, thị trường, và các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển.
Hai là, đối với các đảng viên là chủ DNTN, các tổ chức đảng cần có yêu cầu cao trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quan tâm giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như bồi dưỡng lý luận chính trị với những nội dung, hình thức phù hợp, để họ thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng các kiến thức về công tác đảng…
Ba là, khi kết nạp chủ DNTN vào Đảng, cần ưu tiên những chủ DN thành đạt, có tâm, có tài, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, trước hết là chính sách về bảo hiểm, thuế, lao động, môi trường. Với những chủ DNTN biết quan tâm tới đời sống của công nhân, làm tốt công tác xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, có uy tín đối với công nhân viên trong DN và nhân dân địa phương…, các tổ chức đảng cần quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi, có các biện pháp giúp đỡ để họ thực sự trở thành các đảng viên ưu tú của Đảng.
Bốn là, giữ vững các chế độ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, phát huy dân chủ trong Đảng để các đảng viên là chủ DNTN đóng góp ý kiến cho Đảng. Cần có các hình thức tổ chức, chế độ sinh hoạt đảng phù hợp để họ có thể tham gia sinh hoạt đều đặn. Không nên có sự phân biệt, đối xử giữa đảng viên là chủ DNTN với các đảng viên khác, nếu họ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thì có thể quy hoạch họ vào cấp uỷ các cấp. Cần tôn vinh các đảng viên là chủ DNTN kinh doanh có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho đất nước và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các đảng viên là chủ DNTN và các tổ chức đảng trong các DNTN về việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ và các nghị quyết, chỉ thị của các cấp uỷ đảng, về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của đảng viên… Cần hết sức lưu ý những phần tử cơ hội, lợi dụng vào Đảng để mưu lợi cá nhân, dùng đồng tiền để mua chuộc tổ chức, âm mưu “luồn sâu, leo cao”, mang những tư tưởng, quan điểm phi vô sản vào trong Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết, tự diễn biến trong Đảng… Nếu có biểu hiện trên thì kiên quyết khai trừ khỏi Đảng. Đề phòng các thế lực thù địch lợi dụng, móc ngoặc đưa những kẻ cơ hội vào Đảng để chống phá Đảng từ bên trong.
Có thể khẳng định, từ cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đến kết nạp chủ DNTN vào Đảng là bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không hề đơn giản, dễ dàng. Cấp uỷ và toàn thể đảng viên cần nhận thức và thực hiện đúng các quy định của Đảng về vấn đề này, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân các điển hình tốt và chấn chỉnh những hạn chế, lệch lạc.
----------------------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG-ST, HN 2011, tr.260.
Phạm Văn Phong
Trường Đại học Chính trị