Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích hơn 4.000 km2, dân số gần 1,1 triệu người, số chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo chiếm gần 56,81% dân số (trong đó số tín đồ các tôn giáo chiếm gần 56,22% dân số toàn tỉnh). Tính đến ngày 31-12-2010, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh có 14 đảng bộ trực thuộc (8 đảng bộ huyện, 1 đảng bộ thị xã và 5 đảng bộ khối); 643 tổ chức cơ sở đảng; 5 đảng bộ bộ phận; 1.588 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 25.272 đảng viên, chiếm 2,37% dân số.
Thực hiện quy định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Tỉnh ủy Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện kết nạp đảng viên là người có đạo, qua đó tăng cường lực lượng nòng cốt, thực hiện chính sách tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận của đồng bào có đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên là người có đạo được quan tâm theo hướng coi trọng chất lượng, bảo đảm chặt chẽ về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục quy định của Đảng. Giai đoạn 2005-2010, Tây Ninh có 1.248 tín đồ ưu tú chiếm 8,53% số quần chúng ưu tú được công nhận cảm tình đảng; kết nạp được 816 đảng viên có đạo chiếm 10,89% tổng số đảng viên mới kết nạp (Cao Đài 727, Thiên Chúa 46, Phật 36, Hồi 5, Tin Lành 2 nâng tổng số đảng viên có đạo lên 2.021 (Cao Đài 1.675, Phật 234, Thiên Chúa 99, Hồi 11, Tin Lành 2), chiếm 7,99% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ và bằng 0,33% tổng số tín đồ các tôn giáo trong tỉnh.
Trong số đảng viên có đạo mới kết nạp, phụ nữ chiếm 54,17%; đoàn viên thanh niên chiếm 43,01%; viên chức hoạt động sự nghiệp chiếm 47,43%; trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 93,5%; trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng, đại học, thạc sỹ chiếm 45,71 %.
Đa số đảng viên có đạo luôn gương mẫu trong công tác, giữ vững lập trường, phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, giản dị, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi tham gia sinh hoạt tôn giáo các đảng viên có đạo luôn giữ gìn tư cách đảng viên, không mê tín dị đoan; là lực lượng nòng cốt trong tập hợp quần chúng tín đồ hưởng ứng công cuộc đổi mới của đất nước, tích cực đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; tuyên truyền vận động tín đồ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết giữa đảng viên với quần chúng có đạo.
Năm 2010 có 1.976 (chiếm 97,77%) đảng viên có đạo được đánh giá chất lượng, trong đó: 234 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,84% số đảng viên được đánh giá), đảng viên đủ tư cách hoàn thành lốt nhiệm vụ 1.704 đồng chí (chiếm 84,31 % số đảng viên được đánh giá); đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ 38 đồng chí (chiếm 1,92% số đảng viên được đánh giá), đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ 06 đồng chí (chiếm 0,3% số đảng viên được đánh giá).
Việc xử lý kỷ luật đảng viên có đạo vi phạm tư cách đảng viên được các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục theo thẩm quyền, quy định của Điều lệ Đảng, đảm bảo tính công minh, chính xác, kịp thời. Giai đoạn 2005-2010, có 59 đảng viên có đạo vi phạm bị xử lý kỷ luật, chiếm 3,72% so với tổng số đảng viên vi phạm của đảng bộ. Nội dung vi phạm tập trung chủ yếu về nguyên tắc quản lý tài chính, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống…
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp uỷ cơ sở chưa nắm chắc quy định, hướng dẫn của Trung ương về kết nạp đảng viên là người có đạo, lúng túng trong tổ chức thực hiện; còn trường hợp đảng viên có đạo tự ý tham gia chức sắc trong tôn giáo hoặc theo đạo sau khi đã vào Đảng nhưng không báo cáo tổ chức đảng và cấp uỷ cơ sở; vẫn còn những định kiến, thiếu tin tưởng đối với người có đạo và không muốn kết nạp chức sắc tôn giáo vào Đảng; có quần chúng có đạo còn băn khoăn cho rằng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo luật.
Thu Huyền (tổng hợp)