Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới dài hơn 332 km, có 95% dân số là dân tộc thiểu số (là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất nước). Đảng bộ tỉnh Cao Bằng có 19 đảng bộ trực thuộc, với 709 TCCSĐ, 3.207 chi bộ, với tổng số 40.162 đảng viên (tính đến 31-12-2011). Hiện toàn tỉnh còn 171 xóm chưa có chi bộ, chất lượng đảng viên và TCCSĐ còn nhiều yếu kém, chủ yếu tập trung ở 9 huyện biên giới, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.
Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng TCCSĐ, góp phần quan trọng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương, thực tế cho thấy nơi nào thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, đời sống của đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn, luôn bị các phần tử xấu lôi kéo, truyền đạo trái pháp luật, ảnh hưởng lớn đến tình hình, an ninh chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc. Do vậy, Đảng bộ Cao Bằng xác định tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, xây dựng chương trình nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2011-2015, trong đó có nội dung về công tác xây dựng TCCSĐ và phát triển đảng viên; ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về tổ chức xây dựng Đảng giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu 100% xóm có chi bộ, 75% TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh. Để thực hiện tốt chương trình, Tỉnh uỷ đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí phó bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy làm phó ban thường trực, các đồng chí bí thư huyện uỷ và một số sở, ngành của tỉnh làm thành viên. Ban chỉ đạo đã cụ thể hoá chương trình bằng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở; kế hoạch xây dựng trụ sở cấp xã, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị...; phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; giao ban định kỳ để kiểm điểm, đánh giá kết quả.
Hai là, tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, cấp uỷ các cấp đã tích cực tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng nhận thức về Đảng bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc; cấp uỷ cơ sở thực hiện rà soát, nắm chính xác số nhân khẩu từ 18-25 tuổi, chưa học văn hoá hoặc trình độ thấp ở từng thôn, bản vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, sát biên giới để động viên đi học bổ túc văn hoá, nhằm tạo nguồn phát triển đảng viên, nguồn cán bộ kế cận; phân công các đồng chí đảng uỷ viên của đảng bộ xã sở tại theo dõi, phụ trách từng chi bộ, thôn bản; chỉ đạo cụ thể đối với ngành giáo dục trong việc bố trí giáo viên là đảng viên tại các điểm trường về sinh hoạt tại chi bộ xóm để vừa đảm bảo số lượng đảng viên, đồng thời giúp đỡ tạo nguồn phát triển đảng viên mới; tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, giảm hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện đề án của Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ ở các xóm đặc biệt khó khăn, xóm biên giới chưa có đảng viên và chi bộ. Các cấp uỷ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, giác ngộ về đảng cho quần chúng; các tổ chức, đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng; xác định nguồn phát triển đảng viên tại các xóm đặc biệt khó khăn, xóm sát biên giới, trước hết là trưởng xóm, công an viên, cán bộ phụ nữ, mặt trận, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, khuyến nông, khuyến lâm...; chỉ đạo, lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên ở vùng đồng bào theo đạo; tăng cường cán bộ, đảng viên xuống xóm cùng tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, lựa chọn, giúp đỡ quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng; đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên, phát triển chi bộ ở các xóm đặc biệt khó khăn, xóm sát biên giới thành nghị quyết của cấp uỷ. Đối với người dân tộc thiểu số ở những xóm bản có ít đảng viên tuy có hạn chế về trình độ văn hoá, đông con (nhưng bản thân quần chúng có cam kết không tiếp tục sinh con), tích cực học tập, có uy tín trong nhân dân thì vẫn được xem xét, giới thiệu kết nạp Đảng.
Bốn là, xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh với các huyện biên giới. Đến nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Quy chế phối hợp. Tính từ ngày 1-1-2010 đến 31-5-2012 Đảng uỷ BĐBP tỉnh đã cử 32 cán bộ tăng cường xuống các xã, thị trấn biên giới; trong đó có 14 đồng chí được chỉ định giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã (trong đó bí thư đảng ủy xã 09 đồng chí, phó bí thư 03, chủ tịch, phó chủ tịch 02) và 18 đồng chí ở các tổ, đội công tác sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ xóm sát biên giới. Đội ngũ cán bộ BĐBP được tăng cường đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp kiện toàn cán bộ cấp xã, cán bộ xóm bản phát hiện, bồi dưỡng quần chúng, phát triển đảng viên, củng cố kiện toàn chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ trong phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh, chính trị. Các cán bộ BĐBP đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng đảng, góp phần ổn định an ninh, chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Các cấp uỷ cũng phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng để thẩm định về tiêu chuẩn chính trị đối với những quần chúng khi xem xét kết nạp vào Đảng.
Năm là, cùng với việc thực hiện đồng thời các giải pháp trên, tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp học văn hoá, lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đến tận xã, cụm xã; kết hợp công tác tạo nguồn cán bộ cho cơ sở bằng việc tuyển chọn những thanh niên dân tộc thiểu số đang tham gia nghĩa vụ quân sự để đào tạo, bồi dưỡng về văn hoá, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tham gia công tác, giữ các cương vị chủ chốt ở cơ sở, xóm, bản.
Hơn hai năm chỉ đạo thực hiện các giải pháp trên, đến tháng 6-2012, toàn tỉnh đã tăng thêm 203 xóm có chi bộ, trong đó đa số là các xóm đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng tổng số xóm có chi bộ cả tỉnh lên 2.304/2.475 xóm, bằng 93,09%. Toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 5.304 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ chiếm 13% so với đảng viên mới được kết nạp. Kết quả đó đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương ngày càng được thể hiện rõ hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, chủ quyền biên giới được giữ vững.
Thời gian tới Tỉnh uỷ Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tập trung xây dựng, củng cố phát triển tổ chức đảng ở những nơi chưa có tổ chức đảng, nơi có ít đảng viên; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức Đoàn thanh niên ở các xóm, bản vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số ít người; quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên, trong đó chú trọng nguồn tại chỗ là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, học sinh, sinh viên tốt nghiệp phổ thông, trường dân tộc nội trú và các trường chuyên nghiệp. Tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phát triển đảng vùng đồng bào theo đạo Tin lành.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tạo nguồn, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong các đoàn thể chính trị, xã hội; tích cực bồi dưỡng, giáo dục để quần chúng có nhận thức sâu sắc về Đảng, có động cơ đúng đắn và tự nguyện phấn đấu vào Đảng, đặc biệt quan tâm ở những xóm chưa có chi bộ.
Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ Bộ Chỉ huy BĐBP với các huyện biên giới, phát huy vai trò của lực lượng Biên phòng trong công tác xây dựng TCCSĐ và phát triển đảng viên ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo cấp ủy cơ sở ở các xã có xóm chưa có chi bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công đảng viên chính thức tuyên truyền, giúp đỡ người vào Đảng; khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì chi bộ - nơi có đảng viên giúp đỡ người vào Đảng đang sinh hoạt - làm thủ tục đề nghị kết nạp vào Đảng cho có đủ số lượng đảng viên chính thức để lập chi bộ.
Hồng Phúc (tổng hợp)