Bám cơ sở, dựa vào dân để làm báo
Phóng viên Đài PT-TH Sơn La tác nghiệp tại xã vùng cao Háng Đồng, Bắc Yên (Sơn La).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chính bản thân Bác luôn là người làm gương trước. Phong cách quần chúng của Bác nếu cán bộ, đảng viên thực hiện tốt, nhất là các nhà báo - những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, với cơ sở thì chắc chắn sẽ luôn thành công trong công việc, được nhân dân tin tưởng. Do vậy, đây chính là điều mà bất kỳ người làm báo nào cũng cần phấn đấu học tập và làm theo.  

Học Bác về phong cách quần chúng, luôn vì lợi ích nhân dân, biết dựa vào dân; không vì lời ích trước mắt hay e ngại cái xấu mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của quần chúng nhân dân. Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tư cách của người làm báo, coi những người làm báo là người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Phải luôn khắc ghi những lời Bác dạy về cách làm báo và viết báo: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào? Bác Hồ không những chỉ cho chúng ta cách tiếp cận quần chúng mà còn chỉ cho chúng ta phương pháp làm báo đó là thường xuyên học tập, suốt đời rèn luyện để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xứng đáng là nhà báo luôn vì đất nước, vì nhân dân.

Trong đời sống hằng ngày, Bác Hồ thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ việc lớn đến việc nhỏ Bác luôn thể hiện tư tưởng "nước lấy dân làm gốc", "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng"... Đây cũng là những điều mà mỗi nhà báo cần học tập một cách tự giác. Bởi lẽ, làm được điều này thì người làm báo sẽ có điều kiện tiếp xúc, hiểu rõ hơn về đời sống của người dân, nắm chắc tình hình tại cơ sở và người làm báo sẽ là “kênh thông tin” chuyển tải hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới nhân dân, người làm báo được nhân dân tin tưởng và khi đó nhân dân sẽ trở thành “tai, mắt” giúp các nhà báo...

10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã có trên 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... từ miền núi đến hải đảo để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, kiểm tra công việc. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một vị lãnh tụ ở tuổi 70...  Hình ảnh Bác cùng lội ruộng với nông dân, cuốc đất, đẩy xe với người lao động... Mỗi khi xuống thăm các cơ sở, cơ quan, trường học, Bác Hồ không cho báo trước bởi Bác muốn biết thực chất tình hình của cơ sở,... là điều mà người làm báo cần khắc nghi và học tập. Nghề báo đòi hỏi thường xuyên bám nắm địa bàn, không ngại khó, ngại khổ để đến với các đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, có thế các bài viết của chúng ta mới mang hơi thở cuộc sống, phong phú, sinh động...

Nghề báo, một nghề đầy gian nan, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang, mỗi người làm báo cần  học Bác một cách thiết thực, nhất là phong cách quần chúng, luôn vì nhân dân, biết dựa vào dân. Nếu xa rời quần chúng, không bám, nắm cơ sở thì khó có những bài báo có chất lượng, uy tín của người làm báo sẽ bị ảnh hưởng, mất lòng tin với người dân và thiếu đi chỗ dựa vững chắc là quần chúng nhân dân...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất