Vai trò của mặt trận Tổ quốc trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Ngày 18 - 11 - 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau (Hội Phản đế đồng minh, Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt…), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn với dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta giành thắng lợi, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất vào toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai, hòng biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Với đặc điểm đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện một mục tiêu chung là độc lập, thống nhất nước nhà. Để huy động lực lượng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đảng ta quyết định thành lập một tổ chức chính trị ngoại vi mới. Ngày 10 - 9 - 1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích “đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đây là Mặt trận dân tộc thống nhất kế tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên - Việt. Phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch và Mặt trận dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi”[1]. Ngày 8 - 1 - 1962, phát biểu tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, Người còn chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”[2].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các hình thức tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc cùng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở miền Nam đã đoàn kết sức mạnh của mọi người dân Việt Nam trong nước và Kiều bào yêu nước ở nước ngoài thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn kết dân, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông liền một dải, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, các lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị ngoại vi hợp pháp trên đã họp từ ngày 31 - 1 đến ngày 4 - 2 - 1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các đoàn thể thành viên: Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam… có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa là hạt nhân lãnh đạo Mặt trận. Là tổ chức thành viên, Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Mặt trận bình đẳng và có nghĩa vụ như mọi hành viên khác. Là hạt nhân lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đứng trong Mặt trận và thực hiện vai trò lãnh đạo bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đảng tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức kiểm tra và bằng sự gương mẫu của đảng viên. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua Đảng đoàn Mặt trận, thông qua Đảng đoàn các tổ chức thành viên của Mặt trận và thông qua đại diện của cấp uỷ Đảng tham gia Uỷ ban Mặt trận cùng cấp. Đảng chăm lo bồi dưỡng cán bộ và giới thiệu những Đảng viên có phẩm chất, có tín nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, có năng lực làm công tác Mặt trận, để Mặt trận chọn cử theo đúng điều lệ. Đảng lãnh đạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền. Đảng tôn trọng tính độc lập về tổ chức và hoạt động sáng tạo của Mặt trận. Đảng lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với cán bộ đảng viên. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là vấn đề có tính nguyên tắc, đảm bảo cho Mặt trận không ngừng được củng cố và mở rộng. Mặt trận có nhiệm vụ truyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức mới, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


Quan hệ giữa mặt trận Tổ quốc với chính quyền là quan hệ hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Quyền hạn của Mặt trận đã được Hiến pháp và pháp luật qui định Mặt trận hoạt động theo pháp luật và qui chế làm việc đã được thoả thuận giữa Mặt trận và chính quyền. Mặt trận tham gia xây dựng, giám sát và bảo vệ Nhà nước như: vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ, bầu ra cơ quan dân cử, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ viên chức Nhà nước; tham gia xây dựng pháp luật và chính sách; đóng góp ý kiến với cơ quan Nhà nước các cấp, vận động nhân dân xây dựng các qui ước, qui chế trên địa bàn cư trú về các vấn dề liên quan đến đời sống nghĩa vụ và lợi ích của công dân phù hợp với pháp luật. Mặt trận tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân, đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, gây phiền hà cho dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của dân.


Nhà nước dựa vào mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để phát huy quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của nhân dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để nhân dân trực tiếp hoặc thông qua đoàn thể của mình tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ Nhà nước. Đó cũng là sức mạnh của chính Nhà nước.


Trong quá trình ra các quyết định về quản lý và điều hành, Nhà nước các cấp cần lắng nghe những kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể. Nhà nước căn cứ qui chế tổ chức và cơ chế hoạt động để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với Mặt trận. Nhà nước cần tiếp tục thể chế hoá quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận trong việc tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội và xây dựng cuộc sống tự quản của dân. Nhà nước phối hợp với Mặt trận trong việc chăm lo lợi ích chính đánh của nhân dân, trong việc vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào hành động thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế xã hội.


Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường và tồn tại nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức sở hữu. Trong quá trình đó, vẫn còn có sự khác nhau giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo. Đồng thời, những biến đổi về cơ cấu giai cấp và thành phần xã hội đang đặt ra cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác Mặt trận nói riêng những vấn đề mới. Yêu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước đặt ra một cách bức thiết. Mặt khác, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình và nhiều âm mưu chia rẽ khối đại đoà kết dân tộc, hòng phá hoại sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên càng quan trọng. Nâng cao vai trò, tác dụng của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, ngày 12 - 6 - 1999, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá X) đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong khoản 2, điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.


Trải qua 7 kỳ đại hội và chuẩn bị kỳ Đại hội lần thứ VIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào tiến trình lịch sử đi lên của dân tộc Việt Nam. Nhìn vào biểu tượng của Mặt trận: Hình tròn tượng trưng cho khối thống nhất dân tộc, chung mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền của biểu tượng là lá cờ Tổ quốc với sao vàng trên nền đỏ - hồn nước, niềm tự hào, khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình, biểu tượng thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Hoa sen trắng cách điệu tượng trưng cho hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, người đã sáng lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những cánh sen liên kết thành một khối chính là sự đoàn kết thống nhất chính trị của tất cả người Việt Nam yêu nước. Đường ngoài vòng cung cách điệu hai nhánh lúa nâng dòng chữ Mặt trận Tổ quốc. Phía dưới là nửa bánh xe cách điệu tượng trưng cho giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp cách mạng. Biểu tượng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là minh chứng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,, phấn đấu vì một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

 

ThS. Phạm Thị Nhung

Trường Sĩ quan Lục quân 1



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H.2011, tr.131.

[2] Sđd, t.13, tr.453.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất