Những ngày này, các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, do đó để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân. Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng đảng, đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, Người căn dặn "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Muốn thế, người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân. Người nói “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ”. Bởi vậy, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. Để làm được điều đó, người lãnh đạo phải có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở.
Theo sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 6, NXBCTQG, H.2008, vào khoảng tháng 4-1956, tại một cuộc họp Bộ Chính trị, như thường lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói mọi người hãy làm một "tour d'horizon" (nhìn quanh chân trời), xem tình hình thế giới, trong nước ra sao, ai biết gì cứ nói. Đây là một cách lắng nghe ý kiến hết sức dân chủ mà Người thường làm. Khi nghe một đồng chí nói về cải cách ruộng đất “... có nên xem lại không?”, Người đã yêu cầu phải kiểm tra kỹ việc thực hiện cải cách ruộng đất. Chỉ mấy ngày sau, các báo cáo gửi về phản ánh nhiều sai lầm nghiêm trọng. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 mở rộng (9-1956), từ việc chỉ ra và phân tích những sai lầm trong quá trình thực hiện, Đảng ta đã có những chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm, mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân và tǎng cường chế độ pháp trị dân chủ; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới… Mọi đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh tới lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thu hút và động viên quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; tham gia hoạch định, thực thi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước cần phải tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt quyền phản biện xã hội. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, ngày 26-11-2003 đã quy định các ban của hội đồng nhân dân có trách nhiệm thẩm tra các báo cáo, đề án trình ra các kỳ họp của hội đồng nhân dân; trong các báo cáo thẩm tra có những ý kiến phản biện, giúp các đại biểu hội đồng nhân dân có những thông tin cần thiết để từ đó tham gia quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng phù hợp thực tế địa phương, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó mục đích của phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều khi khái niệm “phản biện” và “phản đối” vẫn bị nhầm lẫn; nên có lúc những ý kiến trái chiều của cán bộ, đảng viên và nhân dân lại bị cho là những ý kiến “phản đối”; từ đó không sẵn lòng tiếp thu những ý kiến phản biện, ảnh hưởng đến việc lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, thực hiện những lời căn dặn của Người trong Di chúc, thiết nghĩ trong sinh hoạt đảng, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên tổ chức cách sinh hoạt “nhìn quanh chân trời”, nhất là trong việc tổ chức lấy ý kiến xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp. Làm như thế sẽ động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn cho dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói... Như vậy, vừa nâng cao trình độ dân chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình; và Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành.
Lê Quang Thới
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum