Chức vụ và uy tín

Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) đều cần phải có một uy tín nhất định, chức vụ càng cao đòi hỏi uy tín càng lớn. Bởi vì, nếu không có uy tín thì không thể được đề bạt, bổ nhiệm, không thể tập hợp, thuyết phục, lãnh đạo người khác, uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người cán bộ LĐQL.

Tuy nhiên, không phải cứ có chức vụ là có uy tín tương xứng, chức vụ không sinh ra và quyết định uy tín, uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế cho thấy không ít người chức vụ khá cao, thậm chí rất cao nhưng uy tín lại rất thấp. Chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một, chức vụ là điều kiện để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Uy tín là kết qủa tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố cơ bản là: quyền lực của người cán bộ LĐQL, phẩm chất, năng lực tương xứng với chức vụ được giao; có nhân cách mẫu mực, thực thi được quyền lực; có sự tín nhiệm phục tùng, tự nguyện của quần chúng, cấp dưới và phạm vi ảnh hưởng tác động sâu rộng, tương xứng với quyền lực và phẩm chất, năng lực; có sự tin tưởng, đánh giá cao của cấp trên và sự khâm phục của bạn bè, đồng nghiệp; có phong thái thích hợp với cương vị, chức vụ LĐQL; có những nét cá tính hấp dẫn, thu hút mọi người.

Uy tín không phải tự nhiên mà có, nó phải là kết quả của sự phấn đấu, rèn luyện gian lao, bền bỉ không ngừng của bản thân mỗi người. V.I.Lênin đã từng cho rằng, người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.(*)

Không ít cán bộ LĐQL hiện nay không nhận thức được điều đó, họ lầm tưởng có chức vụ là có uy tín, chủ quan trong công tác, không chịu học tập, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Có những người muốn xây dựng uy tín cho mình nhưng không phải bằng sự cố gắng của bản thân mà lại dùng những thủ thuật như lôi kéo người này, nói xấu, hạ thấp uy tín của người khác để đề cao mình. Họ không dám tự phê bình, càng không muốn người khác phê bình mình, không nói thẳng, nói thật, rất chú ý giữ mình cốt không để vi phạm khuyết điểm và giữ “thể diện”. Họ cũng rất chuộng hình thức, thích “nổi tiếng”, thích được lên các phương tiện thông tin đại chúng, thích nịnh bợ,  khoe khoang; đồng thời lại có thái độ quan cách với cấp dưới và nhân dân để thể hiện “quyền uy” của mình. Họ luôn tìm cách “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” bằng cấp, “chạy” huân chương để nâng cao “uy tín” của mình, nếu bị phát hiện thì “chạy” tội để giữ gìn “uy tín” đó. Họ không biết rằng đó đâu phải là uy tín thật mà chỉ là uy tín giả.

Tình trạng giảm sút và mất uy tín ở một bộ phận cán bộ LĐQL đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Việc củng cố và nâng cao uy tín của cán bộ LĐQL ở các cấp, các ngành trở thành một yêu cầu quan trọng, cấp thiết không chỉ đối với tổ chức mà với chính mỗi cán bộ LĐQL. Để có thể xây dựng, củng cố và nâng cao uy tín của người cán bộ LĐQL, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là, người cán bộ LĐQL cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, thực hiện lý tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân, không được lấy uy tín làm mục đích mà phải coi đó là phương tiện, điều kiện để thực hiện mục đích LĐQL. Như thế uy tín sẽ được giữ gìn và bảo vệ từ mọi phía, nhất là từ phía quần chúng nhân dân và cấp dưới. Phải thường xuyên rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cần thiết, có thái độ nghiêm khắc với bản thân, đề cao tính tự chủ, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, đặc biệt là luôn đề cao tự phê bình và phê bình.

Hai là, các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện để cán bộ LĐQL phát huy hết phẩm chất, tài năng của mình, quan tâm củng cố và nâng cao uy tín của người cán bộ LĐQL bởi uy tín của cá nhân họ cũng là uy tín của tổ chức. Sự quan tâm đó sẽ góp phần giữ vững và nâng cao uy tín thực của người cán bộ LĐQL, đồng thời khắc phục những hiện tượng tạo uy tín giả.

Ba là, thường xuyên kiểm tra uy tín của đội ngũ cán bộ LĐQL bằng cách lấy phiếu tín nhiệm của tổ chức, ý kiến đóng góp của cán bộ cấp dưới, của quần chúng nhân dân một cách chân thực. Trên cơ sở đó mà mỗi cán bộ LĐQL có phương hướng, biện pháp để tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và nâng cao uy tín của mình.

 ------------

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H. 2002, tr.552.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất