Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu rất hệ trọng, nhạy cảm, tế nhị, phức tạp đòi hỏi tính khoa học, nhân văn, sự công tâm, chính xác, vì lợi ích chung của đất nước. Bản chất của công tác đánh giá cán bộ là công tác đánh giá về con người, liên quan đến sinh mệnh chính trị của con người. Vì vậy, đánh giá cán bộ phải được tiến hành trên cơ sở khoa học về con người. Theo chúng tôi, để đánh giá, bố trí đúng cán bộ phải dựa vào ba tiêu chuẩn quan trọng: trình độ, năng lực và tư cách cán bộ. Đây là ba tiêu chuẩn “cần và đủ” để đánh giá cán bộ.
Về trình độ: Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi đầu tiên của người cán bộ là phải có trình độ. Muốn có trình độ tất yếu người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp và tự đào tạo, rèn luyện qua thực tế công tác, cả về chuyên môn và trình độ chính trị. Người cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi sẽ thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành, không bị cấp dưới, anh em coi thường. Nếu ngược lại, người đó sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có trình độ lý luận chính trị, nắm chắc các quy luật vận động của cuộc sống, biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị. Một cán bộ có chuyên môn giỏi, có trình độ lý luận vững vàng, khẩu khí tốt, sẽ có lợi thế lớn trong công tác lãnh đạo hay quản lý, nhất là khi trình độ dân trí ngày càng cao.
Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, trình độ của cán bộ cả về chuyên môn và chính trị đang là vấn đề làm trăn trở dư luận. Không ít cán bộ có bằng cấp chuyên môn, chính trị đầy đủ nhưng lại không có đủ năng lực công tác, không phát huy được khả năng. Nguyên nhân một phần là do cung cách đào tạo, một phần là do bản thân từng người cán bộ. Trong đào tạo, nhất là đào tạo tại chức, từ xa còn chạy theo thành tích, phong trào, không đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể có những tấm bằng dỏm có được do rất nhiều cách. Bởi vậy có người làm lãnh đạo, quản lý, là “tiến sĩ”, “thạc sĩ” bằng giỏi, bằng khá nhưng chuyên môn, lý luận không bằng cấp dưới, chỉ cậy thế cấp uỷ, thủ trưởng để đè nẹt, trấn áp cấp dưới, làm cho họ không những không "tâm phục khẩu phục" mà còn tỏ thái độ khinh thường. Chưa nói đến không ít trường hợp năng lực thực tế rất yếu nên khó, thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ.
Về năng lực: Trình độ là thứ được đào tạo, được tiếp thu, nhưng năng lực như là cái vốn có, bẩm sinh, cái ‘trời cho” của mỗi người. Năng lực là vốn quý, được kế thừa từ gia đình, di truyền cộng với khả năng tư duy, nắm tình hình, biết vận dụng sáng tạo vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để phát huy thắng lợi. Người có năng lực nếu được đào tạo tốt sẽ phát huy được khả năng. Bởi năng lực như là cái vốn có, còn trình độ là cái được bổ sung. Trong thực tế không ít cán bộ tuy không được học hành đầy đủ nhưng trong quá trình công tác họ tự rút ra nhiều kinh nghiệm hay, chịu khó tổng kết nên có được những phương pháp, cách làm hiệu quả.
Người có năng lực thường dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay tìm tòi, khám phá và không bao giờ chịu khuất phục kẻ dốt nát, bất tài, cơ hội. Tính tình cương trực, thẳng thắn, nên thường hay làm mất lòng, thậm chí dễ bị cô lập. Nếu trong cơ quan, tập thể không công tâm, không biết quý trọng, sử dụng người có năng lực, họ sẽ dễ bất mãn hoặc rời bỏ cơ quan, đơn vị, tìm môi trường làm việc khác. Để người có năng lực phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, công tác cán bộ cần khách quan, công tâm trong đánh giá, bố trí và phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy. Cấp uỷ cần nhìn nhận đúng và luôn động viên, ủng hộ người có năng lực, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng để có nhận xét, đánh giá đúng cán bộ. Tránh tình trạng định kiến, thiếu khách quan, thiếu công tâm làm thui chột người tài, cản trở đến việc hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về tư cách cán bộ: Người cán bộ có trình độ, có năng lực nhưng nếu không có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt cũng không được dân tin. Khi không được tin sẽ không được ủng hộ, dẫn đến khó hoàn thành nhiệm vụ. Một người có tư cách, nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt sẽ được mọi người nể phục, ủng hộ. Thực tế hiện nay không ít cán bộ không đủ tư cách, trong công tác kém cỏi, trong quan hệ với anh em, đồng chí không hoà đồng, đạo đức, phẩm chất kém, nói một đường làm một nẻo; thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm kỷ luật, vi phạm nhân cách… nhưng vẫn được bố trí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Để thực hiện mục tiêu Đại hội XI của Đảng: xây dựng đất nước “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” đòi hỏi rất lớn sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực và tư cách.
Phùng Văn Mùi
Huyện uỷ Con Cuông, Nghệ An