Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”(1). Lời của Người luôn mang tính giáo dục sâu sắc, giúp mỗi cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm.
Thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã có nhiều tấm gương đảng viên chiến đấu quên mình, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi… Bao người đã bỏ lại chiến trường một phần xương máu, có người còn mang trong mình những vết thương của chiến tranh hay nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau da cam còn để lại di chứng dai dẳng... Sau khi đất nước thống nhất, trở về đời thường, họ vẫn giữ và phát được huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Bằng tri thức, trí tuệ và sức lực của mình, họ tiếp tục góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hơn hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới đất nước đã làm xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên đầu tàu, gương mẫu trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đấu tranh chống tiêu cực... Những con người ấy thực sự trở thành những tấm gương cho quần chúng, nhất là thế hệ trẻ noi theo.
Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn có người không giữ được bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc hoặc bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất tầm thường, thiếu gương mẫu trong thực hiện nghĩa vụ công dân… Điều đó làm cho lòng tin của quần chúng nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy giảm. Hình ảnh tiền phong, gương mẫu “khó khăn, gian khổ đi trước” trong những năm tháng hào hùng trước đây của cán bộ, đảng viên phần nào bị mai một.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Mực thước của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Nó không phải trên trời rơi xuống” mà phải do chính người cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện thông qua quá trình phấn đấu không mệt mỏi mới có được. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu và sự gương mẫu đó phải được thể hiện cụ thể trong giải quyết các mối quan hệ xã hội: quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp; trong lao động sản xuất, công tác hay trong chiến đấu; dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng vượt qua.
Để phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên phải thực hiện tốt các yêu cầu:
Thứ nhất, tổ chức đảng phải thường xuyên quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời nhanh chóng phổ biến các chủ trương, chính sách, những định hướng và giải pháp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước; cụ thể hoá nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở.
Thứ hai, chi bộ phải trực tiếp phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, thích hợp cho từng đảng viên theo cương vị, chức trách mỗi người đảm nhiệm; có kế hoạch phân công, theo dõi, kiểm tra, giám sát lẫn nhau và duy trì nền nếp chế độ báo cáo kết quả cho cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị.
Thứ ba, thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, không “dĩ hoà vi quý” trong sinh hoạt, học tập, công tác cũng như cuộc sống đời thường. Người phê bình phải có thái độ chân thành, người được phê bình phải thực sự cầu thị trong tiếp thu phê bình để sửa chữa, tiến bộ.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chế độ quy định của đơn vị; kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong sinh hoạt, học tập và công tác.
Thứ năm, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tích cực học tập nâng cao trình độ, góp phần thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao, sống chan hoà, cởi mở và lành mạnh; thực hiện tốt việc học và làm theo gương Bác Hồ.
_________
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 12, tr.438.
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 5, tr.552.
Trần Thông
Xóm Đông, xã Trung Thành, Vụ Bản, Nam Định