Chuyện
hai ông viện trưởng và phó viện trưởng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cần
Giuộc, tỉnh Long An đi nhậu “sinh thái” trên thuyền với em út sẽ không bị lộ,
nếu như không xảy ra cái chết của một trong những cô gái đi cùng. Hóa ra các vị
có lối sống khá phong lưu, đi thuyền thả trôi sông, ăn nhậu, bơi lội đều có
người đẹp hầu hạ.
Cán bộ có chức vụ trong bộ máy nhà nước luôn phải
biết giữ mình, chức vụ càng cao càng phải nghiêm chỉnh trong hành vi, lối sống.
Đặc biệt, đối với cán bộ hoạt động trong các cơ quan tố tụng - có trách nhiệm
và quyền hạn trong các vụ án, có thể đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến
số phận, tài sản, sinh mệnh chính trị của công dân - thì việc tiếp xúc, quan hệ
xã hội lại càng phải thận trọng.
Ăn nhậu bình thường cần phải hạn chế, còn quan hệ
với đại gia và cùng nhau ăn nhậu theo kiểu không lành mạnh thì tuyệt đối không
nên. Người dân nhìn vào, khó có thể tin được tư cách, đạo đức của những cán bộ
có lối sống như vậy.
Vụ ăn nhậu của hai ông cán bộ lãnh đạo Viện KSND
huyện Cần Giuộc chưa nguội thì dư luận ồn ào về đám cưới con trai ông Phó
trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Cần
Thơ. Chuyện “lạ” là tấm thiếp cưới của con trai ông cán bộ này ghi rõ chức danh
của ông là: “Phó trưởng ban chỉ đạo TP.Cần Thơ về phòng, chống tham nhũng”. Vì
sao ông cán bộ này ghi rõ chức danh của ông vào thiếp cưới của con trai ông
cũng không khó hiểu, người ta thu hoạch từ đám cưới con cái, kỷ niệm ngày cưới,
sinh nhật của mình rất nhiều. Chỉ có điều ít ai bất cẩn và lộ liễu như ông Phó
ban phòng, chống tham nhũng này.
Có thể hai ông cán bộ viện KSND chỉ ham vui chứ
không quan hệ thiếu lành mạnh, nhưng không may chỉ một lần mà gặp tai họa. Ông
cán bộ phòng, chống tham nhũng cũng vậy, như ông nói chuyện in thiếp là do
người nhà làm, họ muốn ghi chức danh ông để đừng nhầm với những ông cùng tên
khác. Nhưng ở đời, để đừng ai nói đến mình, chỉ có cách tốt nhất là đừng làm
những điều không đúng và không trong sáng.
Có những việc người ta làm không vi phạm pháp
luật, nhưng lại không hợp đạo lý và khó chấp nhận về mặt tư cách. Người có nhân
cách càng cao càng dễ xấu hổ khi làm điều gì đó không phải. Đó là sự cả thẹn
cần thiết.
Trao đổi với báo chí về vụ tấm thiếp cưới tai
tiếng trên, nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đó là biểu hiện trục
lợi, rồi ông ví von chuyện một người đi qua ruộng dưa, dép bị trật quai nhưng
ông ta không cúi xuống sửa dép. Lý do là vì ông sợ cúi xuống sửa dép sẽ bị nghi
ngờ cúi xuống để hái dưa.
Dân gian có câu “Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày”
là vì vậy. Chuyện thứ hai là có ông quan nọ nhậm chức ở một huyện xa, được
người ta tặng một xấp lụa, ông gửi về tặng mẹ. Mẹ ông gửi trả lại xấp lụa cùng
với chiếc roi. Ông hiểu mẹ mắng mình về việc nhận quà của dân. Ông nằm xuống
quay về hướng quê nhà, đặt xấp lụa và cây roi trên lưng của mình như một hành
vi nhận lỗi và xin được nhận sự đánh đòn của mẹ.
Ngẫm lại, người quân tử và quan thanh liêm ngày
xưa giữ mình và tự răn mình nghiêm khắc như thế, vậy mà...!
Nguồn: Báo Lao Động