Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Đối với cấp vĩ mô, nghị quyết là một văn kiện cô đúc về nhận thức tình hình, quyết định những chủ trương, quan điểm, chính sách lớn về một hay nhiều lĩnh vực công tác của Đảng. Đối với cơ sở xã, phường, thị trấn, nghị quyết là sự cụ thể hoá nghị quyết cấp trên thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội trên một địa bàn cụ thể.
Có thể khẳng định rằng, ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết là một trong những hình thức lãnh đạo chủ yếu của tổ chức cơ sở đảng, là yêu cầu hàng đầu thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng ở cấp cơ sở. Thông qua đó, thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một tổ chức đảng ở địa phương với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Xuất phát từ vị thế của đảng cầm quyền nên nghị quyết của đảng có một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở, đặc biệt là đại bộ phận quần chúng nhân dân. Một nghị quyết đúng sẽ phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng như phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Một nghị quyết chưa đúng, chưa sát với thực tế sẽ ảnh hưởng đến quy trình lãnh đạo, hiệu quả kinh tế-xã hội, thậm chí dẫn đến mất cán bộ (làm sai do nghị quyết sai hoặc lợi dụng nghị quyết để làm sai) và mất mát lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tế cho thấy, hiện nay, ở một số nơi, nghị quyết đảng ở cơ sở vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau nên sự tác động của nó chưa thật sâu rộng, chưa thật sự đi vào đời sống của nhân dân. Nghị quyết ra nhiều nhưng nội dung, hiệu quả lại tỷ lệ nghịch với nguyện vọng, mong muốn của quần chúng, làm cho nghị quyết trở nên “xa lạ”, không có đất gieo mầm trong đời sống cơ sở, từ đó tạo ra tâm lý thực hiện nghị quyết vì trách nhiệm chứ không phải bằng nhiệt huyết và mệnh lệnh của con tim. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm hơn nữa tới đổi mới quá trình ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của mình. Cụ thể là đổi mới bốn khâu sau:
Trước khi ra nghị quyết
Đây là một khâu quan trọng đảm bảo cho nghị quyết được thực hiện có kết quả ở các khâu tiếp theo. Đầu tiên là quá trình thu thập, xử lý thông tin, được bắt đầu từ những nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên và cấp trên trực tiếp hoặc từ nghị quyết của cấp mình trước đó. Kênh thứ hai là từ kinh nghiệm làm thử của các địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kênh quan trọng thứ ba là xuất phát từ thực tế địa phương. Có thể nói đây là những cơ sở hết sức quan trọng mà tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm nghiên cứu trước khi ra nghị quyết để đảm bảo một nghị quyết đáp ứng được tính đảng, khoa học, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Khi nghị quyết còn là dự thảo, tổ chức cơ sở đảng phải tranh thủ lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân, nếu xét thấy vấn đề mình quyết định có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lợi ích quần chúng. Có thể lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức như: hội nghị dân chủ hoặc hội nghị chi bộ mở rộng... Trong thảo luận, cần phát huy dân chủ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề phức tạp, đồng thời cần tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Tổ chức thực hiện nghị quyết
Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của một nghị quyết. Tổ chức cơ sở đảng có những định hướng hoạt động đối với hội đồng nhân dân để hội đồng nhân dân cụ thể hoá nghị quyết của Đảng thành nghị quyết của hội đồng, từ đó chính quyền cơ sở cùng các đoàn thể điều hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng thời phải có sự phân công công việc, quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với từng cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi nghị quyết thực hiện không có kết quả và ngược lại. Cùng với việc phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng phải quan tâm đến công tác vận động, tuyên truyền đến từng người dân về những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà nghị quyết cần đạt tới cũng như mỗi người dân cần phải làm những gì trong quá trình này. Tránh hiện tượng phổ biến, vận động chung chung khi tổ chức triển khai nghị quyết.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết
Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền một cách tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra, giám sát đảm bảo cho nghị quyết của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh. Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tổ chức mới có căn cứ kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện nghị quyết. Ban thường vụ đảng ủy cơ sở cần xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết thường xuyên hay định kỳ, hằng quý, hằng tháng. Sau khi kết thúc kiểm tra, giám sát phải có báo cáo và thông báo kết luận bằng văn bản gửi về cấp ủy cấp trên trực tiếp.
Thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời nhận xét, đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng hoặc đảng viên trong việc chấp hành nghị quyết; có biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, đôn đốc và thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện.
Sau khi thực hiện nghị quyết
Đây là khâu lâu nay chúng ta làm chưa tốt. Kết quả của việc thực hiện nghị quyết lâu nay mới chỉ được định tính mà ít khi định lượng. Cần công khai hoá kết quả thực hiện nghị quyết, thành công cũng như chưa đạt của mỗi tổ chức, của từng cá nhân cán bộ, đảng viên để từ đó có những biện pháp phát huy, nhân rộng, biểu dương, khen thương hoặc khắc phục hay xử lý, kỷ luật thích hợp. Không những vậy, qua việc tổ chức thực hiện nghị quyết, phải xác định rõ trách nhiệm của khách thể là quần chúng nhân dân. Đây là sự thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Đảng. Không thể chấp nhận hiện tượng chống đối nghị quyết của Đảng vì lợi ích cá nhân một khi nghị quyết đó mang lại lợi ích chung cho toàn thể quần chúng ở cơ sở.
Công tác sơ kết, tổng kết không chỉ dừng lại ở việc rút ra những kinh nghiệm mà còn rút ra những vấn đề mang tính lý luận, là căn cứ quan trọng cho cấp ủy cơ sở đề ra những nghị quyết tiếp theo để chỉ đạo phát triển toàn diện đời sống xã hội ở địa phương. Đây là khâu cuối cùng và kết nối các khâu khác của một quy trình lãnh đạo. Qua sơ kết, tổng kết nắm bắt tiến độ, tình hình triển khai và tổ chức thực hiện nghị quyết; đánh giá kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết; định ra phương hướng, xác định những việc cần tập trung trong thời gian tới, đề xuất, kiến nghị những việc cần làm, nếu cần, điều chỉnh nghị quyết.
Việc nâng cao chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng hiện nay là một nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Để nghị quyết thiết thực với đời sống nhân dân, việc đổi mới công tác chuẩn bị, ra và thực thi nghị quyết là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng của cả hệ thống chính trị còn phải kể đến ý thức trách nhiệm, sự tự giác của quần chúng nhân dân ở cơ sở, để từ đó kết thành một khối, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt ở địa phương. Qua đó, tổ chức cơ sở đảng khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, tạo cơ sở cho ý chí, mục tiêu của Đảng ngày càng ăn sâu bám rễ trong quần chúng, củng cố thêm niềm tin của quần chúng vào Đảng vào sự nghiệp đổi mới hiện nay, làm cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.
Phạm Hùng Minh
Ban Tổ chức Huyện ủy Ba Tri, Bến Tre