Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong điều kiện hiện nay, cần tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng phải có quyết tâm chính trị cao trong cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí.
Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội, do vậy, quyết tâm chính trị của Đảng là điều kiện tiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nói cách khác, tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta.
Quyết tâm chính trị ở đây được hiểu là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng từ cấp cao nhất trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Được thể hiện bằng những chiến lược và hành động thực tiễn, được cụ thể hoá và công khai hoá để nhân dân giám sát chứ không chỉ dừng lại ở những nghị quyết, những lời nói mang tính hô hào, khẩu hiệu.
Bên cạnh cam kết chính trị ở cấp cao nhất, những nỗ lực chống tham nhũng lâu bền còn bao gồm sự cam kết từ các cơ quan của hệ thống chính trị, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ máy đảng và nhà nước ở các cấp. Người đứng đầu các cấp có vị trí trực tiếp quyết định trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Khi người đứng đầu các cấp kiên quyết chống tham nhũng chắc chắn sẽ tập hợp xung quanh mình lực lượng mạnh mẽ chống tham nhũng.
Trước hết, người đứng đầu phải thực sự trong sáng, liêm chính, là tấm gương sáng về đạo đức lối sống, không chấp nhận tham nhũng. Sự trong sáng, liêm chính đó bắt đầu từ bản thân, tới tập thể những người thân xung quanh, gần nhất như: tập thể lãnh đạo, các cộng sự, cấp dưới trực tiếp, cho đến những người trong gia đình phải tạo thành tấm gương tập thể, chiếu vào cộng đồng xung quanh, tạo những vùng sáng liêm chính trong toàn xã hội. Đã đến lúc những cam kết này phải gắn liền với trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu. Nếu ai không làm được thì kiên quyết thay bằng người khác.
Việc xây dựng quyết tâm chính trị phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo Đảng lãnh đạo trong khuôn khổ luật pháp, không can thiệp vào các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử và kiên quyết xóa bỏ “vùng cấm” trong thực tế. Đảng cần phát huy dân chủ thực sự, nâng cao tính công khai, minh bạch về hoạt động của đội ngũ cán bộ các cấp, công khai địa chỉ, điện thoại, thư điện tử, tăng cường các mối quan hệ trực tiếp giữa người dân và cán bộ, đảng viên. Tăng cường các buổi tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân, không lựa chọn hay hạn chế diện người được tham gia tiếp xúc. Bên cạnh đó, cần thẩm tra lại những vụ thanh tra đã phát hiện tham nhũng nhưng sau đó lại kết luận chỉ xử lý hành chính, đưa ra xét xử công khai tất cả các trường hợp đúng người, đúng tội, không để lọt người, lọt tội, cũng không để oan sai.
Để chống tham nhũng thực sự đi vào chiều sâu, cũng cần mở một cuộc vận động trong quần chúng chống tham nhũng, tạo dư luận lên án buộc cơ quan chức năng phải xử lý mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, làm cho những kẻ tham nhũng không tồn tại được và đội ngũ cán bộ, công chức phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình.
Vai trò của quyết tâm chính trị và sức ép dư luận là rất quan trọng, bởi nó sẽ trở thành động lực và tạo ra những ràng buộc thúc đẩy cho những quyết tâm chính trị. Và một khi quyết tâm chính trị được xây dựng sẽ tạo ra sức đề kháng bên trong một cách chủ động và tự giác của đảng cầm quyền và đòi hỏi những người đứng đầu Đảng, Nhà nước phải trở thành người tiên phong nhất, kiên quyết nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Thứ hai, đổi mới có hiệu quả nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước.
Phải khắc phục triệt để tình trạng đảng bao biện làm thay nhà nước, can thiệp quá sâu vào các công việc của nhà nước và cách thực hiện đó là phải sớm thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng về nội dung, phương thức, phạm vi và trách nhiệm của Đảng, phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Điều này sẽ góp phần làm cho các cơ quan chống tham nhũng có đủ thực quyền.
Để thực hiện dân chủ trong xã hội thì trước hết phải đảm bảo dân chủ trong Đảng. Đảng đòi hỏi mỗi đảng viên phải nói và làm đúng đường lối, nghị quyết của Đảng, kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ, chống mọi biểu hiện vi phạm quyền dân chủ, dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vì vậy, muốn phát động quần chúng đẩy lùi tham nhũng thì trước hết phải phát động dân chủ và thực hiện dân chủ trong Đảng và người đảng viên phải thực sự là người tiên phong, gương mẫu trong việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, để dân chủ thực chất, thực sự là công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh với tham nhũng thì việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế dân chủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; dân chủ trong bầu cử, dân chủ quá trình ra quyết định, dân chủ trong quản lý, dân chủ trong kiểm tra và dân chủ trong bãi miễn cán bộ, đảng viên mất uy tín, đồng thời triển khai nó trong thực tiễn.
Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, không một cá nhân nào, không một tổ chức nào đứng trên pháp luật và ngoài pháp luật, tất cả đều phải tuân thủ pháp luật; mọi công dân và cơ quan nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật.
Hiện nay, để có cơ sở pháp lý cho đấu tranh với nạn tham nhũng, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng như tổ chức hệ thống các cơ quan thực hiện. Vấn đề cơ bản hiện nay là khắc phục những rào cản trong quá trình thực thi pháp luật, trước hết là Luật Phòng, chống tham nhũng được thực thi một cách hiệu quả.
Hơn nữa, cần thực hiện đồng bộ hệ thống luật pháp liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán, Quy chế dân chủ ở cơ sở..., khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, cần coi trọng tổng kết thực tiễn, rà soát lại hệ thống các chủ trương, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực, phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu đồng bộ trong các văn bản, những yếu kém trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và đề ra những giải pháp khắc phục. Có như vậy chúng ta mới dần loại bỏ được những cơ hội nảy sinh tham nhũng.
Thứ ba, xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Việc xây dựng các thể chế này càng cụ thể và càng chặt chẽ bao nhiêu thì quyền lực càng bị kiểm soát chặt chẽ bấy nhiêu, đặc biệt là trong các lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng. Tham nhũng là căn bệnh của nhà nước, thể hiện sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Do vậy, để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, có sự chuyển biến về chất thì các giải pháp đưa ra phải tập trung vào cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, làm cho quyền lực bị giới hạn theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật, khắc phục tình trạng lạm quyền, chuyên quyền trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Có như vậy mới xóa bỏ được gốc rễ của những nguyên nhân phát sinh tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát của người dân, các đoàn thể nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong xã hội dân chủ. Có thể thấy, nạn tham nhũng tỷ lệ nghịch với quá trình thực hiện dân chủ, nơi nào mà quyền làm chủ của nhân dân được phát huy thì ở đó tham nhũng bị hạn chế ở mức thấp nhất và ngược lại.
Nhưng dân chủ ở đây phải là dân chủ thực chất, nghĩa là người dân có quyền lực thực sự trong việc chủ động tham gia các công việc của nhà nước và nhà nước cũng phải có trách nhiệm để bảo đảm các quyền làm chủ của nhân dân.
Để dân chủ thực sự là phương thức kiềm chế hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực, các giải pháp cần thực hiện là: Nhà nước cần thể chế hoá cụ thể và chặt chẽ các quy định cũng như cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó phản ánh, kiến nghị, tố cáo những hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là thực hiện quyền bãi miễn của mình đối với những cán bộ tham nhũng; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời mạnh dạn thí điểm và nhân rộng các hình thức động viên nhân dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức trách nhiệm và tinh thần tự giác của nhân dân, ban hành những quy định, cơ chế bảo vệ người dân trong cuộc đấu tranh này.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xác định rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, bãi bỏ cơ chế xin - cho tài chính, bao cấp, chủ quản đối với doanh nghiệp, hình thành cơ chế quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức sở hữu, xoá bỏ tính chất “vô chủ” trong tất cả các lĩnh vực thuộc sở hữu nhà nước. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, giảm tính độc quyền của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hợp đồng kinh tế có yếu tố tham nhũng.
Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức, từng cá nhân cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu quản lý hành chính nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ công trong thời kỳ mới. Đồng thời cải tổ các cơ quan công quyền nhằm giảm thiểu bộ máy quan liêu cũng như cơ hội cho tham nhũng.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động hành chính vốn có tác động trực tiếp đến quyền lợi thân thiết của người dân và doanh nghiệp; cải cách tài chính công để tạo ra các cơ quan giám sát hiệu quả được trang bị những kỹ năng về kế toán và kiểm toán cũng như cải cách việc mua sắm và quản lý tài sản công nhằm tạo ra những thủ tục công bằng, công khai và hiệu quả trong sử dụng tài sản công.
Thứ bảy, xây dựng và thực hiện một nền đạo đức công vụ trong toàn bộ hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tập trung xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử đảm bảo sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức công chức để hình thành các chuẩn mực đạo đức công vụ đúng đắn - nhân tố quan trọng để cán bộ, công chức miễn dịch với tệ tham nhũng bằng cách: Đề cao giá trị đạo đức, đề cao sự tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, công chức; khuyến khích và tôn vinh sự hướng thiện vì lý tưởng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước của cán bộ, công chức; khắc phục thói vô cảm, ích kỷ, vụ lợi trong khi thực hiện công vụ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân... Đây là một công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài; phải tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; kết hợp giáo dục, tự giáo dục, xây và chống.
Nhanh chóng điều chỉnh, cải cách hệ thống tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với cán bộ, công chức làm cho cán bộ, công chức đủ sống bằng lương.
Đổi mới công tác cán bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý những cán bộ quan liêu, tham nhũng. Công khai hoá quá trình tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, lượng hoá kết quả học tập nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Trong bố trí, sắp xếp cán bộ, phải chấm dứt ngay tình trạng thiếu dân chủ, mang tính áp đặt, hiện tượng cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ trong các tổ chức đảng, chính quyền.
Nâng cao nhận thức xã hội về những biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của tham nhũng; tuyên truyền cho người dân nhận diện các hành vi tham nhũng, thái độ căm ghét và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Đấu tranh với nạn tham nhũng là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, lâu dài, nhưng đang là một yêu cầu bức thiết, sống còn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao mới thực hiện được.
Nếu không đẩy lùi được “quốc nạn” này thì sự chệch hướng, mất vai trò lãnh đạo của Đảng không còn là nguy cơ nữa.
Phân tích đúng nguyên nhân, nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh này là cần thiết để góp phần thực hiện thắng lợi cuộc chiến chống tham nhũng. Đẩy lùi nguy cơ tham nhũng là sự tự đẩy lùi, tự đề kháng ngay trong Đảng, trong Nhà nước.
Phạm Thị Hằng
Số 2 (nhà 48) Giảng Võ, Hà Nội