Về nguyên nhân của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay hiệu quả thấp
Chu Minh Tuấn (ngoài cùng bên trái), đang ở tù vì tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn, Hải Phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, tham ô, lãng phí tài sản của nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ.

Đảng quyết tâm, nhân dân đồng tình, nhưng chúng tôi thấy hiệu quả chưa cao. Theo chúng tôi có ba nguyên nhân sau:          


Thứ nhất: Chúng ta làm chưa kiên quyết triệt để.          

Có người đã ví “Tham nhũng như đám mây đen, nhìn thì ai cũng thấy, nhưng sờ không được”. Bởi vậy khi có tới 12 tỉnh, thành báo cáo không có tham nhũng xẩy ra ở ngành, địa phương mình, mà nghe ra ai cũng bảo là vô lý! Lâu nay chúng ta thường nói nhưng không làm, hoặc làm qua loa, chiếu lệ, làm không đến nơi, cho nên không quét sạch mầm mống tham nhũng, trái lại càng làm cho tham nhũng “nhờn thuốc”. Bởi vậy cứ phanh phui ra thì vụ án tham nhũng sau to hơn, thiệt hại nhiều hơn và cả có cán bộ to hơn, nhiều hơn vi phạm. Bên cạnh xử phạt hành chính như bãi miễn, cách chức, truy tố trước pháp luật, bắt bỏ tù… nhưng chúng ta chưa xử phạt nặng về kinh tế, chưa truy thu hết những cái do tham nhũng mà có. Nên tạo ra cơ sở cho một suy nghĩ, một hành vi xấu là tìm cách trục lợi trước khi chuẩn bị hạ cánh hoặc hy sinh đời bố để củng cố đời con; hoặc giả sử có ngồi tù ít năm nhưng đổi lại khối tài sản kếch xù, nhà cao cửa rộng, sau này ngồi hưởng thụ.          


Thứ  hai: Chúng ta sợ làm mất cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.         

Theo chúng tôi đây là tác hại của bệnh hữu khuynh, một điểm hở, để cho kẻ xấu lợi dụng. Có người đã ví rằng, bởi vì chúng ta coi cán bộ như “đứa con cưng được nuông chiều” nên càng “hư”. Cán bộ do Đảng cử ra nếu cán bộ xấu, vi phạm thì ảnh hưởng tới tổ chức và uy tín của Đảng. Trong khi việc đấu tranh phê bình, tự phê bình ở không ít nơi chỉ còn là hình thức, không mạnh dạn, chưa thật bụng nói cho nhau nghe, nói cho nhau rõ, để tiếp thu sửa chữa. Bây giờ trong điều kiện thuận lợi, theo chúng tôi, muốn Đảng mạnh, dân tin, cần đẩy mạnh đấu tranh và phải kiên quyết loại bỏ những con sâu mọt ra khỏi bộ máy nhà nước. Chúng ta không sợ mất cán bộ, chỉ sợ cán bộ nói dân không nghe, làm dân không tin, không hưởng ứng và không làm theo. Nếu chúng ta tự làm sạch đội ngũ cán bộ thì không những uy tín của Đảng ngày càng cao và nhân dân tuyệt đối tin tưởng, ủng hộ, phong trào cách mạng sẽ tiến lên.         


Thứ ba: Chúng ta chưa thực sự dựa vào nhân dân. Chưa tranh thủ hết sức dân cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.          

Lịch sử cách mạng đã chứng minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Nhà thơ Thanh Tịnh trong bài “Dân no thì lính cũng no” đã rút ra rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, với tài lãnh đạo của Đảng, biết dựa vào dân, huy động tối đa sức dân, phát động toàn dân, toàn diện để kháng chiến thắng lợi. Nay trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí giá chúng ta đưa ra dân, mở rộng dân chủ tại cộng đồng dân cư, để nhân dân giúp Đảng  phát hiện ra bọn tham nhũng. Nhân dân biết rất rõ ai giàu nhanh, ai làm giàu chính đáng, ai được bọn nịnh bợ, bọn xấu thường xuyên lui tới chạy chọt, đút lót, ai lắm đất, nhiều nhà… Chỉ riêng phong trào bảo vệ an ninh, khi công an tổ chức bỏ phiếu phát giác bọn trộm cắp, càn quấy, qua họp dân, bỏ phiếu tố giác, tai mắt của dân đã phát hiện chính xác bọn phạm tội. Thực tế trong những năm qua, báo chí và nhân dân đã phanh phui, giúp Đảng phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng lớn. Dựa vào dân còn thể hiện đúng quan điểm Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhân dân làm chủ, việc Đảng là việc dân.          


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, tham ô, lãng phí là “giặc nội xâm” - tên giặc khổng lồ làm hại dân, hại Đảng. Muốn chống tên giặc đó, đòi hỏi phải thống nhất trong toàn Đảng, huy động toàn dân tham gia cùng hợp lực, thì sẽ quét sạch “giặc nội xâm” tham ô, lãng phí.          


Chúng ta đã thực sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, mở cửa làm ăn, sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Không ít kẻ lợi dụng làm ăn để tha hoá cán bộ, làm mất uy tín của Đảng. Vì vậy hơn bao giờ hết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, diệt trừ tham nhũng, củng cố lòng tin của  nhân dân, thì chắc chắn cách mạng Việt Nam sẽ tiến lên. Mục tiêu của chúng ta là: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Trước mắt cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 khoá X (Nghị quyết số 04-NQ/TƯ) về: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, để bảo vệ chế độ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.                                                                     


Phùng Văn Mùi

Huyện uỷ Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Phản hồi (1)

Lê Minh Quang 12/02/2011

Bài rất hay, rất đúng thực tiễn. Tuy nhiên, chỉ ra nguyên nhân chưa đủ mà cần có giải pháp. Tập chí Xây dựng Đảng nên có nhiều bài viết về vấn đề này.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất