“Bộ phận không nhỏ” là cụm từ được nhắc đến khá lâu, dường như có từ trước đổi mới. Hàm ý của cụm từ này để áng lượng quy mô, tỷ lệ cán bộ, đảng viên phạm pháp, còn được gọi là thoái hóa, biến chất.
I – “Bộ phận không nhỏ” gây hậu quả lớn
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh so sánh việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân (số tiền miễn 34,3 tỷ đồng) với số tiền thua lỗ của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo thì thấy rằng, ông Thanh và thuộc hạ đã gây thất thoát bằng 100 năm tiền miễn thuế sử dụng đất. Còn thất thoát vụ án Ngân hàng Xây dựng do Phạm Công Danh cầm trịch thì bằng… 300 năm (hơn 9 nghìn tỷ đồng).
Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Phạm Công Danh và những thuộc hạ trong hai vụ án chính là “bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất. Thế nhưng, điều đau xót là chỉ hai vụ án của “bộ phận không nhỏ” gây ra ấy lại làm đắm chìm tiền của Nhà nước hơn 12 nghìn tỷ đồng, trong khi đại bộ phận người dân vẫn phải trông chờ vào những chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước (đơn cử là việc hàng chục triệu nông dân chờ đợi từ việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ với số tiền 34,3 tỷ đồng!). So sánh, đặt lên bàn cân như vậy càng thấy tính chất vô cùng nghiêm trọng mà “bộ phận không nhỏ” gây tổn thất cho đất nước, cho xã hội đến mức nào.
“Bộ phận không nhỏ” là cụm từ được nhắc đến khá lâu, dường như có từ trước đổi mới. Hàm ý của cụm từ này để áng lượng quy mô, tỷ lệ cán bộ, đảng viên phạm pháp, còn được gọi là thoái hóa, biến chất. Chất ở đây là chất đảng, chất giai cấp công nhân, chất cách mạng. Biến chất là khi người cán bộ, đảng viên đó bị thay đổi, biến đổi chất đảng, chất cách mạng, bị “thoái hóa” hay “tha hóa”, làm ngược với chất gốc. Đã nhiều lần khi bàn về dự thảo văn kiện đại hội Đảng, có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất”, đề nghị xác định “bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu, ở mức nào? Không nhỏ có phải bộ phận lớn? Tuy nhiên, bàn đi tính lại, ban dự thảo văn kiện đại hội thấy rằng, dùng “bộ phận không nhỏ” là cụm từ đúng và hợp lý nhất. Không nhỏ nghĩa là không phải nhỏ để chủ quan, xem thường nhưng cũng không phải lớn, không phải “bộ phận lớn” để lo lắng về tính đa số.
Nhưng cũng đã từ lâu, trong sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, chúng ta vẫn có thói quen bê nguyên cụm từ này để đánh giá, nói về tình hình cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ mình. Nói “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất nhưng ở các đảng bộ, chi bộ không chỉ tên bộ phận đó là ai, là người nào, thành thử ai cũng nói tình hình vi phạm “không nhỏ” là ai đó chứ không phải mình. Khi đương nhiệm Chủ tịch nước, đồng chí Trương Tấn Sang mỗi lần tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh đều đau đáu trước câu hỏi của cử tri về vấn nạn tham nhũng.
Ngày 15-10-2014, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Điều quan trọng trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc, với đất nước của cán bộ. Tôi nghĩ rằng đa số anh em là như vậy nhưng có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”. Nói về “bộ phận không nhỏ”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.
Đề cập việc có những cá nhân suy thoái trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “bộ phận không nhỏ” đó có thể nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Tuy nhiên, với luật pháp, chỉ tên trong chúng ta cụ thể là ai, đấy lại là việc phải cần đến sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra…Đối với người dân, ngay cả khi chưa có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra hay bản án của tòa, họ cũng đã nhận biết theo cảm tính “bộ phận không nhỏ” đó núp ở đâu. Chúng núp ở những dự án đẻ ra bởi phần trăm được bỏ túi chứ không phải vì lợi ích của cộng đồng, cái phần trăm luật bất thành văn đứng trên luật pháp.
Chúng núp ở những công trình hàng ngàn tỷ chưa khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp hoặc lãng phí, ở những con tàu, những ụ nổi, những thiết bị máy móc được mua với giá hàng triệu đô nhưng rốt cuộc chỉ để làm sắt vụn hay đồ phế thải. Chúng núp trong những biệt thự hoành tráng, những xe hơi sang trọng, những trang trại mênh mông mà chủ nhân của nó không phải lao động mới có được…Tai mắt nhân dân khó gì qua được, thế nhưng từ tai mắt đến kết luận trên văn bản để khẳng định chính xác cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất lại phải theo quy trình xác minh, điều tra chặt chẽ chứ không phải cảm quan “nhìn là biết”.
Ông Trịnh Xuân Thanh trước khi bị phanh phui, con đường quan lộ được ví “lên như diều” mà không gặp bất cứ cản trở nào. Trong giai đoạn ông làm Phó Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đơn vị này thua lỗ, nợ nần trầm trọng tới hơn 3 nghìn tỷ đồng, thế nhưng vẫn được vinh danh Anh hùng Lao động?! Việc thua lỗ của công ty ảnh hưởng tới lao động, sản xuất của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên và tiền thuế Nhà nước, hiển nhiên việc đó không thể qua tai mắt thiên hạ - ở đây chính là cán bộ, nhân viên Tổng công ty.
Thế nhưng tại sao tai mắt nhân dân thì biết mà cơ quan Nhà nước lại không (ông Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng vào tháng 9-2013. Tháng 2-2014, được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Tháng 5-2015, ông được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang). Rõ ràng, ở đây không phải tai mắt quần chúng không biết mà chính là sự vô hiệu hóa của một số cá nhân, nhóm lợi ích, phớt lờ sự thật. Điều đáng bàn nữa là hồi tháng 5-2016, ông Thanh đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được 198.392 phiếu, đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ và trở thành người trúng cử với số phiếu được bầu chọn cao nhất tại Hậu Giang.
Vậy là cá nhân suy thoái trong “bộ phận không nhỏ” vượt qua mấy lần hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc, vượt qua sự kiểm chứng của hàng vạn cử tri tại Hậu Giang - nơi mà người dân chỉ biết vị dân biểu qua tấm ảnh và bản lý lịch vắn tắt, còn hầu hết họ không biết con người thực của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh này ra sao.
Câu hỏi ở đây: Tại sao cá nhân suy thoái, vi phạm nghiêm trọng như vậy lại dễ dàng vượt qua hàng loạt sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Nhà nước bằng các quyết định khen thưởng, bổ nhiệm và vượt qua hàng vạn quần chúng, cử tri để đắc cử đại biểu Quốc hội (trước khi bị miễn nhiệm)? Tai mắt quần chúng là hàng ngàn cán bộ, công nhân viên PVC biết việc ông Chủ tịch Hội đồng quản trị làm ăn thua lỗ, suy thoái ra sao nhưng hàng vạn tai mắt đó đã bị vô hiệu hóa trước quyền lực của cá nhân, lợi ích nhóm.
Chính quyền lực cá nhân, lợi ích nhóm đó đã đánh bật, vô hiệu hóa cả những người có trách nhiệm trong các vòng hiệp thương bầu cử để đưa ứng viên Trịnh Xuân Thanh với bộ hồ sơ đẹp, đánh lừa hàng vạn cử tri Hậu Giang khiến ông Thanh trúng cử với số phiếu cao nhất địa phương. Như vậy, “bộ phận không nhỏ” khi được dìu dắt, che chắn bởi những thế lực thì bộ phận ấy đã dễ dàng đánh lừa, qua triệu tai mắt quần chúng và gây ra những hậu quả ghê gớm. Bộ phận không nhỏ nhưng tác hại lại vô cùng lớn, cả về số tiền, tài sản thất thoát và tác hại về tinh thần, niềm tin trong nhân dân.
II – Chỉnh đốn “Bộ phận không nhỏ”
Suy thoái tư tưởng chính trị là vấn đề đã nói từ lâu, lần này Trung ương dành hẳn chuyên đề riêng để bàn về suy thoái tư tưởng chính trị, về “tự chuyển biến, tự chuyển hoá”.
Điểm mới lần này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII): “Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.
Khi bước vào thời kỳ đổi mới, vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị mới chỉ là một lời cảnh báo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI: “Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của nhà nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền”. 5 năm sau, tại Hội nghị lần thứ ba, BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết đã nhận định: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”. Đến Đại hội VIII, Đảng nêu rõ: “Điều đáng lo ngại là không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức”.
Tiếp đó, Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đều nhấn mạnh tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN; dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu...
Như vậy, vấn đề Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) vừa đưa ra bàn luận về tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, về “tự chuyển biến, tự chuyển hoá” là sự tiếp nối những thách thức đã đặt ra từ rất nhiều đại hội, hội nghị trước. Điều này cũng cho thấy, đây là nguy cơ đeo đẳng suốt tiến trình xây dựng, phát triển của Đảng, là vấn đề sống còn, buộc Đảng phải thường xuyên tu sửa, chỉnh đốn. Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. |
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bác Hồ đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng, mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Nhìn thẳng sự thật, nhìn thẳng tồn tại, thách thức đã là sự dũng cảm nhưng quan trọng hơn là phải dũng cảm chiến đấu bài trừ sự thật, tồn tại đó. Nhiều cán bộ, đảng viên hư hỏng dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa lúc nào không biết, chỉ trong gang tấc. Từ chỗ hư hỏng về tư tưởng chính trị, tức là không còn tin Đảng, Mác - Lênin, Bác Hồ, rồi tiếp tay, móc nối với bên ngoài, đồng lõa với phần tử xấu chống chế độ. Không ít đảng viên có quá trình lâu năm nhưng lại nói ngược quan điểm của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ, chỉ thấy mặt trái rồi thổi phồng lên.
Ai là người suy thoái? Bộ phận không nhỏ suy thoái là bao nhiêu? Câu hỏi ấy tưởng dễ nhưng không giản đơn để trả lời. Người ta thường nói, cái mình không nhìn được là gáy của chính mình. Mình nhìn thấy sự thật, thấy cái sai, cái xấu của người khác bằng mắt thường nhưng lại không thể nhìn thấy cái xấu của mình, cũng như không thấy được gáy mình vậy. Đấy là đặc điểm tâm lý, thích soi mói cái dở của người nhưng lại chúa ghét ai đó nói thói hư tật xấu của mình, chỉ ưa điều hay ý đẹp.
Đặc điểm tâm lý ấy là rào cản vô hình ngăn chúng ta khó thu được hiệu quả trong những cuộc phê bình và tự phê bình, vốn là vũ khí đấu tranh của Đảng. Trong khi đó, chúng ta nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ huy và trao nhiều quyền lực cho họ. Trao quyền lực nhưng lại không kiểm soát được quyền lực dẫn đến người lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, sa đọa, trác táng khiến cán bộ, đảng viên bức xúc nhưng không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập. Có quyền lực trong tay, mà không chịu sự kiểm soát của dân, của Đảng sẽ dẫn đến hư hỏng. Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu nhưng nếu tự tung tự tác, quyết định tất, quyết dự án, quyết cán bộ, đề bạt, tranh thủ đưa con cháu mình lên, hư hỏng như vậy sẽ mất niềm tin. “Ngày xưa, cán bộ nói thì dân nể trọng lắm, từ trong tình cảm, còn bây giờ nói chẳng ai nghe là vì không gương mẫu, vì hư hỏng tiêu cực, nói thế mà lại làm khác thì ai tin” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 18-10-2016.
Điều đáng lo ngại là ngày nay, người suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống vẫn có thể dễ dàng giấu mình trong những dáng mạo sang trọng và được bao bọc bởi êkíp quyền lực, từ đó liên tiếp tiến thân bất chấp sự bức xúc của cán bộ, đảng viên dưới quyền. Nhà nước có thanh tra, kiểm tra nhưng khi mà đây đó vai trò cơ quan này cũng bị đồng tiền mua nốt thì người dân còn biết tìm công lý, sự thật ở đâu? Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Dương Chí Dũng còn là bài học thời sự và người ta không biết, trong cuộc sống hôm nay, còn bao nhiêu ông Thanh, ông Danh còn được che bọc bởi những quyền lực?
Ông Nguyễn Đức Hà - Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cho biết, trong đợt tự phê bình và phê bình năm 2012 theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), chúng ta đã xử lý kỷ luật gần 16 nghìn đảng viên, tăng 16% so với năm 2011. Đến năm 2013, kỷ luật hơn 21 nghìn đảng viên (năm 2013 có một số gối từ năm 2012 chuyển sang). Năm 2014 có hơn 17 nghìn đảng viên bị xử lý, kỷ luật ở các mức độ khác nhau.
Như vậy, trong 3 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 50 nghìn đảng viên. Đây là một con số khá lớn. Số đảng viên bị xử lý kỷ luật này có cả diện Ban Bí thư quyết định, có cả diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, có cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định… Điều này cho thấy rõ ràng rằng, nhận định của Ban chấp hành Trung ương về “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” là hoàn toàn có cơ sở.
Việc chỉ đạo rốt ráo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước. “Theo dõi, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư trong vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của người đứng đầu Đảng cũng như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh tới cùng với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực và các vấn đề khác. Hơn thế, trước đây, nhiều người cho rằng, chúng ta mới chỉ tập trung hô hào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì qua các chỉ đạo của Tổng Bí thư đã thể hiện rõ sự đi vào xử lý các vụ việc, cá nhân, cụ thể, đúng bản chất vấn đề. Tôi tin chắc chắn rằng, khi người đứng đầu đã quyết tâm mạnh mẽ như vậy thì tới đây, các cơ quan chức năng đã và sẽ tiếp tục làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn vụ việc này theo đúng tinh thần, chỉ đạo" – ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá...
Những ngày này, người dân cả nước đang chung sức hướng về đồng bào miền Trung chìm trong mưa lũ. Những tấm lòng thơm thảo được sẻ chia, dù ít nhiều cũng đều đáng quý. Nhưng có sự thật là hàng triệu sự đóng góp của nhân dân cả nước sẽ được mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ đồng, về nghĩa tình thì lớn lắm nhưng nếu đem so với hơn 12 nghìn tỷ mà 2 ông Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh làm thất thoát thì chỉ đáng một, hai phần trăm.
Tại sao cá nhân lại đổ sông đổ bể tiền của nhân dân, đất nước ghê gớm như vậy, trong khi hàng triệu người còn phải gom sức hỗ trợ nhau cũng chỉ bằng phần nhỏ lẻ số tiền biến mất đó. Nghĩ mà xót xa. Nhưng điều quan trọng lúc này không phải vì thế mà bất mãn, mất niềm tin. Khi mà Đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm phê phán chính mình và dũng cảm cắt bỏ ung nhọt, có nghĩa chúng ta nhận ra ở đó sự tiến bộ và đấu tranh để đi lên.
Bây giờ và mai sau, chúng ta cũng chưa thể định lượng “bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu. Nhưng chỉ tên, vạch mặt để xử lý “bộ phận không nhỏ” đấy là trọng trách của Đảng. Một đảng dám dũng cảm nhìn nhận “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất và dũng cảm vạch tên, xử lý bộ phận đó dù biết đấy là công việc gian nan, phức tạp, là thách thức, áp lực thì đảng đó đã tự rũ bỏ những ung nhọt để gột rửa, trưởng thành. Đảng đó ắt phải tiến bộ.
Quá trình vận động, phát triển bao giờ cũng là sự đấu tranh giữa cái sáng và cái tối, giữa cái phàm và cái ưu. Luôn tu dưỡng, gột rửa, ấy là tính liêm, chính, chí, dũng của đảng. Vì vậy, đừng nghĩ rằng việc lôi ra những ông Trịnh Xuân Thanh, ông Phạm Công Danh với số tiền hàng nghìn tỷ biến mất dưới tay họ là xám xịt, u tối bởi bầu trời muốn sáng hẳn phải gạt bỏ những khối mây đen, con đường đi tới phải gạt bỏ những gai góc chắn lối.
III – Vun trồng những cây cối quý báu
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Cần phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Để phòng ngừa “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ có ý nghĩa chiến lược.
Mùa thu năm 1941, đồng chí Đàm Quang Trung (Thượng tướng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vinh dự được gặp Bác cùng với bốn anh em nữa ở bản Nà Nghiềng. Bác thay mặt Trung ương cử các đồng chí này đi học. Đồng chí Đàm Quang Trung kể lại chuyện được Bác cử đi học: “Tôi nhớ mãi những lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường. Bác nói đại ý: Muốn đánh đuổi thực dân Pháp, phátxít Nhật ra khỏi đất nước, giành độc lập thì mình phải có quân đội. Có quân đội rồi còn phải có vũ khí, lương thực. Phải có những người cầm quân giỏi. Các chú đi học lần này là học quân sự, để trở thành những người cầm quân giỏi, những chỉ huy của quân đội…”.
Căn dặn cán bộ, đảng viên chú tâm rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, chống thói quan liêu, hách dịch, xa dân, Bác dùng những hình ảnh, sự vật gần gũi nhưng đều hàm chứa những bài học sâu sắc. Năm 1952, đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Bác đề nghị đố chữ và anh em háo hức hưởng ứng. Bác cầm một cái que, lần lượt vẽ các vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: “Chữ gì nào?”. Cả lớp hò lên: “Thưa Bác, chữ nhất, chữ nhị, chữ tam ạ”. Bác khen giỏi rồi lại gạch một gạch nữa dưới chữ tam: “Chữ gì nào?”. Anh em loay hoay không biết là thế nào, chữ Pháp thì không phải còn tiếng Hán chữ “tứ” viết khác. “Thế nào, các nhà Mácxít?” – Bác hỏi tiếp rồi lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch thứ tư như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...
Tất cả đều căng ra suy nghĩ nhưng không ai trả lời được. Bấy giờ, Bác để que xuống đất, đứng dậy nói: “Các chú biết cả đấy! Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả, hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học thì các chú lại ít làm...”. Nghe Bác nói, ai nấy đều thấm thía.
Đất nước ta đang trên đường phát triển hội nhập và chất lượng cán bộ đóng vai trò quyết định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng. Bác dạy: “Việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Cần phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Bác cho rằng, cần phải chuẩn bị nhiều cán bộ tốt để lựa chọn và sử dụng, bởi “một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người”.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, cần phải thường xuyên đánh giá cán bộ một cách công tâm để thấy rõ họ làm được gì và chưa làm được gì, có tạo được uy tín với cơ quan, đơn vị hay không. Trong công tác cán bộ, cần phải cất nhắc cán bộ cho đúng, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không và phải xem người ấy xứng với việc gì…
Bác chỉ rõ, việc sử dụng cán bộ là một nghệ thuật, Đảng phải sử dụng cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây quý báu. Phải bố trí cán bộ thích hợp, tuỳ tài mà dùng người, họ có tài mà không dùng đúng cái tài của họ thì không được việc. Bác lấy ví dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đã thành công. Những người lãnh đạo khéo thì tài nhỏ hoá tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá ra tài nhỏ. Khi đã bố trí cán bộ đúng vị trí lại phải vì phẩm chất, tài năng, vì công việc, vì sự lớn mạnh của tổ chức mà cất nhắc cán bộ, kiên quyết không vì yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang mà đề bạt cất nhắc cán bộ…
Bác dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Những lời dạy của Người về tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là vấn đề trau dồi đạo đức, phẩm chất của người cán bộ thời kỳ nào cũng giữ nguyên giá trị thực tiễn.
Lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Nghiên cứu vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, với trách nhiệm người đứng đầu Nhà nước và lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng, quy tụ quanh mình những học trò, những cộng sự, những nhà lãnh đạo tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng và nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Đó là những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của Đảng.
Có thể thấy rõ quá trình đào tạo và bố trí cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược mà Bác thực hiện được thể hiện qua mấy vấn đề chủ yếu gồm: Thứ nhất, lấy tâm, đức làm gốc, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thứ hai, trình độ lý luận, trí tuệ, học vấn, tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh… Thứ ba, năng lực tổ chức thực tiễn, xử lý đúng đắn các mối quan hệ cơ bản cuộc sống thực tiễn đặt ra, chẳng hạn như mối quan hệ “đổi mới - ổn định - phát triển”, hay “tăng trưởng kinh tế với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị”… Tư tưởng và những quan điểm của Người về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ chiến lược đã được Đảng ta thể hiện rõ qua nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ. Năm 1997, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng”.
Hiện nay, Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà một trong những nội dung trọng tâm là “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ tâm, tầm đế công tác, cống hiến là vấn đề có ý nghĩa cốt lõi nhằm ngừa từ gốc, không để “bộ phận không nhỏ” nẩy sinh, gây hại.
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đã thảo luận về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Theo Ban Tổ chức Trung ương, đến nay, cả nước có trên 110 nghìn lượt cán bộ được quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó, bao gồm cán bộ quy hoạch cho các chức danh diện Trung ương quản lý; lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, chỉ huy trưởng trong quân đội, công an; lãnh đạo cấp huyện và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các hội nghị tiếp theo.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. “Đây là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước” - Tổng Bí thư khẳng định.
Đăng Trường