Về xã biên giới Mường Cai, nhắc tới Thiếu úy
Giàng A Pó ở đồn biên phòng Mường Cai (huyện Sông Mã, Sơn La), ai cũng biết tới
người lính biên phòng sinh năm 1982, người dân tộc Mông này. Không chỉ trách
nhiệm cao trong công việc, Pó còn là một đảng viên trẻ, gương mẫu, không ngại
khó, ngại khổ, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhân dân...
Sinh ra và lớn
lên trong một gia đình nghèo, đông con ở bản vùng cao Huổi Hưa, thuộc xã biên
giới Mường Cai, nơi một thời đồng bào bị cái đói nghèo, sự lạc hậu và khói
thuốc phiện làm khổ, hằng ngày Giàng A Pó đều được chứng kiến những việc làm
của bộ đội giúp dân đầy ý nghĩa hay việc cùng nhân dân bảo vệ đường biên, mốc
giới, chống lại cái xấu, lạc hậu... Từ đấy, Pó mơ ước trở thành một chiến sỹ
biên phòng, được cầm cây súng bảo vệ biên cương, đến các bản làng để tuyên
truyền, vận động đồng bào bỏ thói hư, tật xấu, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Ước mơ ấy luôn nung nấu và đã thành hiện thực khi Pó nỗ lực học tập, tốt nghiệp
Trường sĩ quan Biên phòng và được tổ chức phân công công tác tại quê
hương.
Với nhiệm vụ
được giao là cán bộ trinh sát địa bàn, với anh là một thuận lợi vì ở Mường Cai
này Pó thuộc hầu hết mọi con đường, mọi cánh rừng. Nhưng vẫn còn nhiều việc ở
phía trước vì làm trinh sát địa bàn phải có nghiệp vụ tinh thông, có nhiều cái
mới mà ở trường anh chưa được học. Vì vậy, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, Pó đã tự
xác định rõ phải năng bám địa bàn, “ba cùng” với bà con thôn, bản. Mỗi lần
xuống gặp gỡ bà con, Pó luôn gần gũi và giúp đỡ nhân dân, miệng nói tay làm.
Đồng thời, Pó tích cực học hỏi những người đi trước để trau dồi các kiến thức
chuyên môn, nghiệp vụ trinh sát...
Ở Mường Cai,
các chiến sỹ biên phòng giống như những người con của bản làng. Không chỉ làm
nhiệm vụ tuần tra giữ gìn an ninh biên giới, bộ đội biên phòng còn sống với
dân, “xắn tay” cùng dân giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác. Từ khi có bộ đội
biên phòng về nhiều tập tục lạc hậu ở đây dần dần bị xoá bỏ, như không tái
trồng cây thuốc phiện, không phá rừng làm nương rẫy, từ bỏ hủ tục... Khi nói về
những kết quả trên, bà con thường nhắc đến cái tên Giàng A Pó cùng những câu
chuyện thật về anh. Như năm 2011, khi đang cùng đơn vị thường trực sẵn sàng
chiến đấu thì Pó nhận được tin báo ở bản vùng cao Huổi Mươi xảy ra một vụ tự tử
bằng lá ngón, nạn nhân là một phụ nữ đã có gia đình... Khi lên đến bản, thấy
rất đông người thân của nạn nhân kéo tới gia đình người chồng bắt đền, có nguy
cơ gây mất ổn định. Ngay lập tức, Pó và đồng nghiệp đã cùng các già bản có uy
tín giải thích và an ủi gia đình có người mất; đồng thời, Pó và đồng đội tiến
hành điều tra, xác minh nguyên nhân cái chết là do ăn lá ngón... Là người Mông,
có uy tín với bà con nên sau khi giải thích, Pó đã giúp gia đình người đã chết
hiểu ra việc đang làm là trái pháp luật, gây mất đoàn kết giữa các dòng họ.
Ngay sau đó, sự việc đã được giải quyết ổn thỏa, hai bên gia đình không còn
căng thẳng với nhau nữa. Năm 2012, Pó được giao nhiệm vụ công tác cắm bản Huổi
Khe. Lúc đó khoảng 9 giờ tối, vừa ăn cơm xong thì có người ở xã khác tới thông
tin về việc anh bị một người trong bản dùng dao uy hiếp lấy 300 ngàn đồng. Ngay
lập tức, Pó đã xuống phối hợp với trưởng bản mời cả hai người lên điều tra xác
minh và được biết: Lý do người dân trong bản dùng dao uy hiếp lấy 300 ngàn đồng
là vì đối tượng kia tự ý vào nhà, rồi xông thẳng vào trong buồng lúc gia chủ
đang ngủ. Theo phong tục, việc làm đó là không tốt nên gia chủ đã phạt tiền...
Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, Pó đã giải thích, phân tích cho cả hai bên về
việc làm của mình đúng sai chỗ nào, tự nhận ra chỗ không phải của mình để thông
cảm, hoà giải.
Pó tâm sự: Ở
các bản vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí của đồng bào còn nhiều hạn chế,
trong đời sống sinh hoạt của bà con vẫn còn duy trì một số phong tục lạc hậu.
Do vậy, trong quá trình xuống với dân hay trực tiếp giải quyết các vụ việc mà
không nắm và hiểu rõ phong tục của người dân thì không thể hoàn thành nhiệm vụ,
có khi còn khiến sự việc phức tạp hơn. Cách tốt nhất là kết hợp giữa pháp luật
của Nhà nước với phong tục tập quán, quy ước và hương ước của địa phương để
giải quyết. Phải biết tranh thủ sự vào cuộc của trưởng bản, già bản có uy tín
tại cơ sở. Đồng thời, trong quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào, không
được nóng vội, phải kiên trì. Muốn tạo được niềm tin trong nhân dân, người lính
biên phòng phải có uy tín trước dân, phải luôn gương mẫu, phải “3 cùng” với
nhân dân...
Để có thể “3
cùng”, cách tốt nhất là phải biết tiếng đồng bào. Năm 2010-2011, chi bộ đồn ra
nghị quyết về việc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị học tập tiếng dân
tộc Mông, Pó đã được chi ủy tin tưởng phân công trực tiếp dạy tiếng Mông cho
cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị. Nhờ có “thầy giáo” Pó, cán bộ, chiến sỹ
trong đơn vị biết thêm được tiếng Mông, hiểu thêm về phong tục, tập quán của
đồng bào nơi đây, tạo thuận lợi cho việc bám, nắm cơ sở. Giàng A Pó còn cùng
với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị “chủ công” trong việc vận động nhân dân tham
gia làm 17 nhà đại đoàn kết theo chương trình “mái ấm người nghèo nơi biên
giới”; cùng với các chi đoàn kết nghĩa mỗi năm 2 lần sửa chữa cầu, đường liên
bản; trồng 15ha bạch đàn tại xã...
Chỉ tính trong
4 năm thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng giai đoạn 2009-2012, Pó đã trực
tiếp tham gia phối hợp với các tổ, đội công tác của đồn và địa phương làm tốt
công tác nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, phát hiện và thu giữ nhiều tài
liệu của kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Mông; vận động 50 hộ bị kẻ xấu
lợi dụng thôi không làm những điều trái với pháp luật; vận động nhân dân tự
nguyện giao nộp 2 khẩu súng kíp, xử lý nhiều vụ mâu thuẫn tranh chấp khác trong
nhân dân... Do có những đóng góp kể trên, Giàng A Pó đã được đứng trong hàng
ngũ của Đảng chỉ sau 5 năm công tác.
Giàng A Pó chia
sẻ: Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của
lãnh đạo, đồng đội trong đơn vị, bản thân người lính biên phòng phải không
ngừng học tập, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, không ngại
khó, ngại khổ và luôn gần gũi, giúp đỡ nhân dân.
Với những thành
tích đã đạt được, đảng viên trẻ Giàng A Pó được Tỉnh uỷ Sơn La khen thưởng,
Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng giấy khen, liên tục từ năm 2010 đến nay
được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Trong phong trào thi đua Quyết
thắng giai đoạn 2009-2012 anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen... Anh là đảng
viên trẻ xứng đáng được đồng đội, quần chúng nhân dân luôn tin yêu.
Bài và ảnh: Ngọc Tuấn
Báo Sơn La