Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Nhà giáo Nhân dân, Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm là vẻ ngoài giản dị, điềm đạm và thân thiện. Vừa được vinh dự phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của sự nghiệp trồng người, thầy cởi mở chia sẻ với tôi về những ngày tháng vất vả, khó khăn nhưng không ngừng phấn đấu trong nghề.
Ước mơ trở thành nhà giáo
Nhà giáo Nhân dân, Đại tá, PGS, TS Ngô Văn Xiêm, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (PCCC), sinh năm 1953, quê Bắc Giang. Ngay từ tấm bé, cậu bé Xiêm đã ước mơ lớn lên trở thành nhà giáo.
Hồi đó, đất nước còn đang chiến tranh, lớp học không khang trang, cố định như bây giờ. Để có nơi học tập, học sinh mỗi năm phải góp từng cây tre để xây dựng trường, lớp. Có khi còn lấy tín hiệu máy bay khởi động mỗi sáng để làm mốc thời gian đi học. Khi lên cấp 3, từ nhà tới trường gần 8km, cậu học trò Ngô Văn Xiêm vẫn miệt mài ngày ngày đi bộ đến trường, chăm chỉ học tập. Càng trong gian khổ, lại càng quyết chí học hành! Cho đến giờ, thầy Xiêm vẫn nhớ và khâm phục tài năng, đạo đức của các thầy cô giáo ngày ấy, đó là thầy Đinh Văn Xế, Nguyễn Văn Toàn, cô Hoàng Thị Bắc, Vũ Thị Én… Chính sự tâm huyết dạy bảo của các thầy cô đã bồi đắp, thắp sáng ước mơ nhà giáo trong tâm hồn cậu học trò Ngô Văn Xiêm.
Học hết PTTH, thi đỗ vào khoa Hóa của Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng theo tiếng gọi Tổ quốc, thầy Xiêm xin gia nhập quân ngũ. Đợt tuyển quân năm 1971, do học giỏi và lí lịch gia đình cơ bản nên thầy được tuyển vào ngành Công an, thuộc Ty Công an Hà Bắc, rồi được cử đi học ở trường CSND tại Suối Hai, Ba Vì. Thầy tâm sự: “Đây là bước ngoặt cuộc đời tôi, từ một học sinh nghèo ở thôn quê, tôi đã vinh dự trở thành một chiến sỹ công an nhân dân. Những ngày đó, cuộc đời người lính, cuộc đời học viên công an nhân dân đầy bỡ ngỡ và gian khổ, nhưng với tinh thần và ý thức kỷ luật, chúng tôi không ngừng cố gắng, phấn đấu vươn lên…”.
Năm 1972, thầy được điều động về đơn vị Cảnh sát PCCC Lộc Hà. Đến với nghề chưa đầy 2 tuần, mới được học những kỹ năng cơ bản của công tác phòng cháy, chữa cháy thì thầy được trực tiếp tham gia trận thử lửa đầu tiên - vụ cháy kho xăng Đức Giang và kho của Bộ Nội thương, nơi chứa hàng hóa viện trợ của các nước trên thế giới cho Việt Nam. Trận thử lửa đầu tiên với vai trò là chiến sỹ cầm lăng trong đội hình phòng cháy chữa cháy đã cho thầy những bài học, những kinh nghiệm đầu tiên với nghề.
Năm 1980, Ngô Văn Xiêm được kết nạp vào Đảng. Nhớ lại cảm giác khi ấy, thầy Xiêm chia sẻ: “Đó vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm của người chiến sỹ công an nhân dân. Vào Đảng, tôi nhận thấy ý thức trách nhiệm của mình cần phải cao hơn, đặc biệt là trách nhiệm với nghề nghiệp. Mình đã đứng trong đội ngũ tiên phong của những người tiên phong, thì phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn học tập để trau dồi, nâng cao nghiệp vụ và để không tụt hậu”.
Là một đảng viên, với cương vị người thầy, thầy Xiêm luôn cố gắng truyền đạt cho học viên niềm tin và lý tưởng phấn đấu. Hơn chục năm qua, thầy đã rèn luyện, giúp đỡ hàng nghìn học viên phát triển, trưởng thành, bồi dưỡng họ trở thành đảng viên. Thầy hồ hởi nói: “Tôi rất mừng vì mấy chục năm nay các thế hệ đảng viên của nhà trường đều là những đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, phát huy được đạo đức, phẩm chất của người đảng viên gương mẫu”.
Người thầy xung kích
Tháng 8-1983, thầy Xiêm cùng đoàn du học sinh Việt Nam lên đường sang đất nước Nga (Liên Xô cũ) học tập. Những ngày đó, cuộc sống xa quê khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng niềm say mê khoa học đã giúp thầy vượt lên tất cả. Cuối năm 1984, thầy bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sỹ với đề tài “Nghiên cứu các thông số cháy và chữa cháy đám cháy nhà kho chứa vải”. Thầy là một trong số ít người ở khoa Chữa cháy, Đại học PCCC Mat-xcơ-va lúc ấy đã vận dụng lý thuyết mô hình hóa vào việc nghiên cứu cơ chế cháy và các thông số của đám cháy để xây dựng hướng dẫn chữa cháy.
Về nước, công tác tại trường Cao đẳng Cảnh sát PCCC, thầy đã vận dụng kết quả từ luận án phó tiến sỹ vào việc xây dựng các mô hình nghiên cứu trong trường. Đó là những nghiên cứu về đám cháy chất rắn trong nhà, đám cháy chất lỏng trên bể chứa, đám cháy chất khí từ dòng khí phun... nhằm giúp học viên dễ nhận biết bản chất của đám cháy, cơ chế, quá trình cháy của các chất. Ngoài ra, thầy hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng một loạt các thiết bị thí nghiệm khác về hệ thống chữa cháy, hệ thống tự động báo và chữa cháy... góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học của nhà trường.
Trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật công nghệ PCCC, thầy Xiêm là người đầu tiên nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt các hệ thống báo cháy và chữa cháy để bảo vệ cho nhà và các công trình ở Việt Nam. Như hệ thống chữa cháy Drencher cho nhà kho Nhà máy Đay Thái Bình năm 1986, sau này là các công trình chữa cháy bằng khí cho toà nhà Cục sáng chế, chữa cháy bằng nước cho Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, chữa cháy bằng bọt cho kho xăng dầu Sân bay Nội Bài... Những kết quả ban đầu đó là tiền đề, cở sở để nhiều đơn vị, công ty hoạt động trên lĩnh vực PCCC áp dụng vào thực tế như hiện nay.
Giờ đây, điều mong muốn nhất của thầy Xiêm là được các cơ quan chức năng nghiên cứu, ứng dụng đề tài xe chữa cháy bằng bột mà thầy và các cộng sự đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công. Vì đây là loại xe chữa cháy hiệu quả rất cao, nhất là khi chữa cháy ở nhà máy điện, trạm biến áp, trung tâm máy tính, phòng thí nghiệm chất lượng cao... Đồng thời tiếp tục được đầu tư nghiên cứu về sự tác động cơ nhiệt đến các cấu kiện và kết cấu công trình, về sự tác động ảnh hưởng của môi trường đám cháy đến sức khỏe, sinh mạng con người.
Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 1994 thầy Ngô Văn Xiêm vinh dự được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 200,7 thầy là người thầy đầu tiên của Trường Đại học PCCC được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư khoa học an ninh. Tháng 11-2012, thầy được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp trồng người. Đó là niềm vinh dự, tự hào chung của trường Đại học PCCC, của lực lượng cảnh sát PCCC Việt Nam về một người thầy mẫu mực, tài hoa trong trí tuệ lẫn cốt cách, tâm hồn.
Ngọc Mai