Em bé Hà Nội ngày ấy, bây giờ

Chào NSND Lan Hương! Bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh mà chị vào vai bé Ngọc Hà không chỉ để lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam mà còn gợi lại ký ức về một sự kiện lịch sử của dân tộc... Chị có thể kể lại cho độc giả Tạp chí Xây dựng Đảng về những ngày tháng ấy?

Năm 1972, tôi mới 9 tuổi, ở cùng bà ngoại, đang học lớp 4 trường Tiểu học Thụy Khuê. Tôi luôn bị tiếng bom ám ảnh. Gia đình tôi đi sơ tán rất gần, chỉ qua Hà Đông một tí. Chúng tôi không được phép ở Hà Nội vì lúc đó bom dội đêm ngày. Đêm đầu tiên B52 ném bom, cả nhà tôi đang ở Hà Nội (72 Hoàng Hoa Thám). Mưa bom chớp giật kinh hoàng, chỉ nghe thấy tiếng rú, tiếng hét xung quanh. Lúc đó cảm tưởng Hà Nội rất nhỏ, tiếng hét ở đâu cũng có cảm giác nghe rất rõ. Hôm sau, 4h sáng, cả nhà cơm nắm, quấn vội mấy cái quần áo chạy về Bình Đà, Hà Đông. Không được chứng kiến cảnh bom đạn ở Khâm Thiên nhưng tôi nghe thấy, nhìn thấy bom trên trời rơi xuống. Lúc ấy chỉ có những hầm cá nhân nho nhỏ, người lớn ôm chặt trẻ con nhảy xuống, thậm chí, chẳng kịp kéo nắp hầm lại.

Kể từ vai Ngọc Hà, chị đã có 40 năm gắn bó với nghề diễn, 40 năm đóng phim và “vật vã” với sân khấu, nhưng khán giả khi nhắc tên Lan Hương vẫn chỉ nhớ một “Em bé Hà Nội” trong veo giữa Hà Nội hoang tàn. Có người nói, Lan Hương đã bị “chết vai” ở chính vai diễn đầu tiên này. Chị nghĩ sao?

Khi được đạo diễn, NSND Hải Ninh chọn vào vai Ngọc Hà trong bộ phim Em bé Hà Nội, tôi không tưởng tượng được 40 năm sau mình vẫn được khán giả yêu mến gọi là “Em bé Hà Nội”. Bộ phim Em bé Hà Nội bấm máy mùa hè năm 1973, nửa năm sau trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội. Phim xoay quanh câu chuyện của em bé Ngọc Hà. Sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972, Ngọc Hà thất lạc gia đình. Cô bé đi tìm bố mẹ, em gái giữa khung cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội. Từ những ký ức kinh hoàng về những trận dội bom mùa đông năm 1972, khi được chọn vào vai Ngọc Hà, tôi đã thể hiện cảm xúc, tình cảm thật mà mình đã trải qua. Chính vậy, tôi đã có một vai diễn “để đời” khi mới 10 tuổi. Là diễn viên, ai cũng muốn có những vai diễn thành công, được khán giả nhớ, gọi tên bằng vai diễn. Đó là hạnh phúc mà tôi có được.

Vậy nhân duyên nào đưa chị đến với nghiệp diễn?

Tôi sinh ra trong một gia đình mà bố là sỹ quan quân đội, mẹ là kỹ sư. Mẹ tôi đi học ở nước ngoài nhiều nên hầu như từ bé tôi sống với bà ngoại. Bà ngoại và bác ruột tôi làm ở xưởng phim nên “máu” nghệ thuật của tôi có lẽ cũng được nhen nhóm từ thơ ấu. Hằng ngày, theo bà lên xưởng phim, tôi thường được các đạo diễn chọn đóng những vai nhỏ. Rồi cuộc gặp gỡ như định mệnh với đạo diễn Hải Ninh đã thay đổi tất cả. Lúc đó, khi đang đau đầu tìm kiếm diễn viên, gặp tôi ông đã thốt lên: “Đây đúng là “Em bé Hà Nội”. Đôi mắt này chính là đôi mắt tôi tìm kiếm bấy lâu”. Và vai cô bé Ngọc Hà đã được giao cho tôi.

Sau thành công của “Em bé Hà Nội”, niềm yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 ngày càng lớn dần. Một lần, tình cờ đi qua 33 Nguyễn Thái Học, tôi thấy có bảng tuyển diễn viên, yêu cầu tuyển lại rất đơn giản, nữ cao 1m35 trở lên, biết múa, biết hát... những yêu cầu đó tôi có cả. Đứng đợi cả buổi tại sảnh Nhà hát Lớn mà chưa tới lượt, tôi chỉ muốn khóc và bỏ về. Đúng lúc đó có một người trong ban giám khảo nhận ra tôi là “Em bé Hà Nội” nên đặc cách cho vào thi trước. Tôi trúng tuyển nhưng gia đình phản đối. Có lẽ do tính quyết đoán của người tuổi Dần (sinh năm 1962) nên tôi quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình. Chỉ khi đã trúng tuyển, tôi mới biết mình sẽ là diễn viên kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Chọn cho mình con đường nghệ thuật, trở thành một diễn viên, lại trở thành một nghệ sĩ tên tuổi là cả một sự khổ luyện cao độ. Chị có gặp phải sự cố nào đáng nhớ trên sàn diễn không?

Có chứ. Một lần khi tôi diễn vở Cuộc đời tôi một ngày 4 “tăng”. Vào “tăng” ba từ 16h đến 18h30, tôi mệt quá, ngồi cánh gà cứ “đần” ra. Có diễn viên nhắc tôi là nếu mệt quá thì phải uống nước cam. Khi anh ấy đập vào vai, tôi tưởng đã đến cảnh diễn liền chạy bổ ra sân khấu. Không may lúc đó lại là một cảnh khác, không có tôi. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Nghệ sĩ Đức Trung và nghệ sĩ Quốc Tuấn không biết xử lý thế nào, vì đây là cảnh hai người tâm sự, không có người thứ ba. Thế là tôi đành “diễn” giãn cách là không nhìn thấy hai người kia mà giả như đang đi tìm một buồng giam phạm nhân nào đó, lẩm bẩm một câu: “Sao mình không tìm thấy nhỉ?” rồi đi vào. Nghề nghiệp cũng có “tai nạn” như thế đấy.

Đóng góp đáng kể của NSND Lan Hương trong những năm gần đây in dấu trên sân khấu kịch hình thể - một thể loại mới. Là trưởng đoàn ra mắt với vở Nhật nguyệt thực, theo chị, ngôn ngữ của nó là gì? Chị có gặp nhiều khó khăn?

Là hình thể. Hình thể “nói” thay lời. Hiện nay, kịch hình thể ở mỗi nước phát triển khác nhau, mới ở giai đoạn đầu, chưa có một mã số riêng. Kịch hình thể Việt Nam chỉ có thể phát triển khi thuần Việt. Tôi sẽ làm luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sâu hơn về thể loại hình thể. ý tưởng làm kịch hình thể đến với tôi khi độc diễn vở Giấc mơ hạnh phúc của đạo diễn Lê Hùng. Năm 2002, tiết mục này dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và được mời đi biểu diễn ở một số nước. Năm 2004, tiết mục đoạt giải thưởng lớn ở Liên hoan kịch ngắn quốc tế tại Trung Quốc. Có dịp tham gia nhiều chuyến giao lưu sân khấu quốc tế, tôi nhận ra sức mạnh của kịch hình thể. ở đó, kịch hình thể trở thành sứ giả mang văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Khó khăn có nhiều nhưng khó nhất hiện nay là làm sao thu hút khán giả đến với loại hình sân khấu mới này. Tôi luôn mong mỏi Nhà hát Kịch hình thể ra đời để môn nghệ thuật này có điều kiện hoạt động thuận lợi phục vụ khán giả tốt hơn.

Theo chị, nghệ thuật thể nghiệm sẽ hấp dẫn khán giả bởi những yếu tố gì? Làm thế nào để thu hút công chúng?

Trước hết nó lạ. Trong nghệ thuật, quan trọng là cái lạ. Tất nhiên cái lạ cũng có thể là cái không vĩnh cửu nhưng nó sẽ làm thay đổi cái nhìn, khiến khán giả không cảm thấy nhàm chán. Đương nhiên, nó còn phải hay, hấp dẫn. Để tạo được cái lạ là một công cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ. Như thế, năng lực sáng tạo của người nghệ sỹ luôn được khơi gợi, kích thích. Tôi hài lòng là mong muốn của tôi cũng như của các đồng nghiệp đã thành. Nhưng Nhà hát còn quá dè dặt trong việc cho “xuất quân” một cách chính thức, nên kịch thể nghiệm chưa có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với công chúng. Hy vọng khi Nhà hát cho phép, mưa dầm thấm sâu, công chúng sẽ quen dần thưởng thức nghệ thuật mới. Với những gì đã làm được, tôi tin sẽ có nhiều khán giả thích loại hình nghệ thuật mới mẻ này.

Với những trải nghiệm của một người đi trước và thành công, chị suy nghĩ thế nào về lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay?

Bọn mình là thế hệ diễn viên may mắn được trưởng thành và làm nghề khi có đông khán giả đến xem. Thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay, đặc biệt là ở ngoài Bắc đang gặp phải thực tế là sự thờ ơ của khán giả với sân khấu. Tuy nhiên, họ có điều kiện tiếp cận nhanh với những gì mới nhất của tinh hoa nghệ thuật trên thế giới, có cả thế hệ đi trước sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm. Vì thế họ có thể nhìn ra con đường đi của mình rõ ràng hơn. Tuy nhiên, yêu cầu của khán giả tăng nhanh mà thời gian để họ trưởng thành lại khó đốt cháy giai đoạn. Họ phải “chụp giật” một chút, nhiều khi bỏ qua những tinh tế trong biểu diễn, phải chạy sô kiếm sống. Mỗi thời kỳ, giai đoạn nào đều có những khó khăn, thuận lợi riêng. Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ, cháy hết mình vì nghệ thuật, nghề sẽ không phụ ta.

Là một đảng viên - diễn viên, chị nghĩ sao về mối quan hệ giữa giới nghệ sĩ với Đảng?

Đội ngũ nghệ sĩ chúng tôi gồm nhiều lớp kế tiếp nhau, trải qua thử thách, ngày càng phát triển và trưởng thành. Trước khó khăn của đất nước và những biến động quốc tế phức tạp trong mấy năm gần đây, đại bộ phận giới nghệ sĩ vẫn tin tưởng, gắn bó với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giữ vững phẩm chất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hoá, văn nghệ. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều điều đáng lo ngại: Lối sống chạy theo đồng tiền, những thị hiếu không lành mạnh, những hủ tục, mê tín tăng nhanh... Tín ngưỡng thì nên có nhưng mê tín thì không. Nghệ sĩ tuy được tự do sáng tạo nhưng cũng phải tuân thủ pháp luật và những quy định đối với ngành nghề của mình. Tôi ước mong được đứng chung hàng ngũ với những người có cùng chí hướng để phục vụ cộng đồng một cách đúng đắn nhất, lâu bền nhất... Nhưng Đảng cũng phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn, củng cố niềm tin để văn nghệ sĩ tâm huyết. Xã hội còn nhiều lắm những đảng viên chân chính, luôn hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, đem lại cuộc sống sung túc, cơm no, áo ấm cho người dân... Để tránh khỏi những “hành động lệch lạc” thì phải trung thành tuyệt đối với lý tưởng của mình, phải thường xuyên trau dồi nghề nghiệp, phấn đấu không ngừng. Tôi sẽ truyền cho khán giả lý tưởng của Đảng và Bác qua những vai diễn, vở diễn, bài giảng của mình để các khán giả và sinh viên hiểu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh luôn là đích đến của tất cả chúng ta.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng. Nhân dịp xuân mới Quý Tỵ, chúc chị gặt hái được nhiều thành công mới trên con đường nghệ thuật.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất