Gần 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, người chiến sỹ, bác sỹ Trần Mạnh Chí luôn một lòng tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, với tư cách của người đảng viên chân chính, ông đã dốc lòng dốc sức cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân.
Cả cuộc đời Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sỹ y học, Nhà giáo Nhân dân Trần Mạnh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quân y - Học viện Quân y luôn tâm niệm: cứu chữa người bệnh, đưa họ khỏe mạnh trở về cuộc sống bình thường chính là nghĩa vụ, là niềm hạnh phúc lớn lao và thiêng liêng.
Bác sỹ Trần Mạnh Chí sinh năm 1935, quê Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. 15 tuổi Mạnh Chí đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Thời kháng chiến chống Pháp, Mạnh Chí làm lính, làm y tá của Trung đoàn sông Lô (sau thuộc Sư đoàn 312). Những năm tháng chống Mỹ, Mạnh Chí tiếp tục học lên trở thành bác sỹ, tiến sỹ y học rồi vào chiến trường làm đội trưởng đội điều trị ở Trường Sơn. Bàn tay bác sĩ Chí đã trực tiếp mổ, điều trị cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh.
Năm 1952, Trần Mạnh Chí được kết nạp vào Đảng, từ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đảng viên trẻ Mạnh Chí càng hiểu rằng, phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng tin của đồng đội, của tập thể đã tín nhiệm, tin yêu.
Nghĩa tình không quên
Đoạn đời quân ngũ nửa thế kỷ của bác sỹ Trần Mạnh Chí chứa bao nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Nhớ lại quãng thời gian đó, ông kể: “Chiến tranh tàn khốc, những bác sỹ quân y như chúng tôi đã cứu thương, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân. Mỗi lần được trực tiếp mổ vết thương cứu thương binh, bệnh binh là chúng tôi luôn làm hết sức mình, chỉ mong sao đưa được các chiến sỹ mạnh khỏe trở về chiến trường hoặc về với gia đình”.
Ông vẫn còn nhớ như in lần cứu chữa cho người chiến sỹ lái xe Trần Văn Huấn của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Trong lần làm nhiệm vụ vận chuyển hàng vào miền Nam, ông Huấn bị vết thương khá hiểm, viên đạn xuyên qua phổi và nằm luôn trong cột sống khiến ông bị đứt tủy sống, gây liệt từ ngực trở xuống. Ông Huấn được chuyển ra Bắc, điều trị tại Viện Quân y 103 lúc đó đang sơ tán tại nhà dân. Bác sĩ Chí kể: “Khi ông Huấn được đưa vào Viện 103, ông ấy là thương binh đang bị sốt rét ác tính, liệt hẳn hai chân, được ưu tiên ở riêng hẳn trong một cái lán để tiện cấp cứu, điều trị. Đầu tiên, tập trung điều trị cho ông Huấn hết sốt rét, sau đó, tôi cùng bác sỹ Lộ, bác sỹ Nam, bác sỹ Tuyển… tiến hành mổ và tôi là người đã lấy mảnh đạn trong cột sống cho ông Huấn”.
Hay bác sĩ Chí không thể quên câu chuyện đầy xúc động về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Lộc mà ông cứu chữa năm 1966. Cô Lộc lúc đó mới 17 tuổi, là cấp dưỡng cho công trường xây dựng gần đơn vị ông. Trong một đợt máy bay Mỹ ném bom trận địa pháo ở Xuân Mai, Hà Tây, cô Lộc bị mảnh bom bắn vào đầu làm vỡ hộp sọ bên trái, não tổn thương. Cô được đưa cấp cứu đến cơ sở sơ tán của Viện 103 đặt tại Cao Mật, Bình Đà. Trần Mạnh Chí lúc đó là Chủ nhiệm khoa của Phân khoa mổ sọ não, đã trực tiếp mổ cấp cứu hồi sức cho cô Lộc ngay trong đêm.
Cô Lộc bị vết thương quá nặng, não chảy xuống mạch, sọ mất một miếng lớn và bác sỹ Chí phải tiến hành mổ lấy hết não nát ra, lấy mảnh bom trong đầu rồi khâu lại vết thương. Cũng ngay sau khi mổ xong cho cô Lộc, ông có lệnh đi chiến trường B. Vẫn chưa yên tâm về ca sọ não rất nặng này, trước lúc lên đường, ông đã dặn dò kỹ đồng nghiệp ở lại chăm sóc cô Lộc.
Gần 40 năm bặt vô âm tín, tình cờ cô Lộc xin được địa chỉ của ông Chí và tìm đến nhà ông. Cuộc gặp gỡ bất ngờ của người bệnh năm xưa và vị ân nhân đầy xúc động. Cô Lộc nghẹn ngào nói: “Chú ạ, cháu theo đạo Thiên Chúa, Chúa luôn ở trong lòng cháu. Bao nhiêu năm nay, cháu luôn khắc ghi công cứu mạng của chú. Bố mẹ cháu sinh ra cháu nhưng không cứu được cháu, nhưng chú đã cứu được cháu. Chú là Chúa của cháu, chú đã tái sinh cháu lần thứ hai”.
Mấy chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, không chỉ ông Huấn, cô Lộc, mà người chiến sỹ, bác sỹ Trần Mạnh Chí đã có biết bao cuộc gặp gỡ xúc động với những người ông từng cứu sống.
Hưu mà không nghỉ
Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, hưu hơn chục năm nay nhưng đảng viên, bác sĩ Trần Mạnh Chí không nghỉ. Ông cùng một số đồng nghiệp trong khu tập thể như giáo sư Thực, giáo sư Mễ lập một tổ tư vấn sức khoẻ tự nguyện cho người dân. Có nhiều người ở xa, nghe tiếng ông, họ gọi điện đến nhờ tư vấn về cách chữa bệnh, ông đều giúp đỡ hết sức nhiệt tình.
Ông còn cần mẫn, miệt mài nghiên cứu, viết sách, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Ở Học viện Quân y - Viện 103, nhiều học trò do ông hướng diễn nghiên cứu nay đã trở thành những chuyên viên đầu ngành, bác sĩ giỏi. Năm 2001, cuốn sách “Đề phòng những tai nạn trong cuộc sống hiện đại” của ông Trần Mạnh Chí được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Qua cuốn sách đó, ông muốn truyền lại những kinh nghiệm của mình, không chỉ cho các đồng nghiệp trong ngành y mà cho mỗi người trong cuộc sống này. Bởi nhiều lúc, chỉ vì không biết cách cứu chữa kịp thời mà biết bao người không còn được sống. Vậy nên ông cố gắng trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu những cách sơ cứu tại chỗ các tai nạn thường gặp để mọi người có thể áp dụng, như: sốc chấn thương, chấn thương sọ não, giập não, chấn thương vùng bụng, gãy xương sống, xương đòn, cấp cứu chết đuối, tai nạn bị vùi lấp... Mới đây, ông vừa viết chuyên đề cho ngành Giao thông Vận tải về “Cấp cứu những tai nạn giao thông trên đường xa trạm y tế”, phổ biến rộng cho các đoàn xe trên nhiều tuyến quốc lộ.
Với ông, được giúp đỡ, cứu người là niềm hạnh phúc lớn lao. Chính vì thế, suốt cuộc đời ông nguyện một lòng cống hiến cho y học với tâm niệm “lương y như từ mẫu”, tận tâm cứu sống người bệnh, đưa họ trở về cuộc sống.
Mai Ngọc