Hoa của đất
“Triệu phú nông dân” Nguyễn Tự Quyết (bên phải) giới thiệu với phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng về kinh nghiệm chăm sóc hoa.
Thuở đầu “mở đất”...

Quyết kể, trước năm 1995, 70% diện tích đất canh tác ở Tây Tựu được cấy lúa, trồng rau cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nghề làm rau mang đến miếng cơm, manh áo cho người dân Tây Tựu, nhưng chưa thể giúp họ khấm khá bởi giá trị không cao. Rồi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận động bà con chuyển từ trồng rau sang hoa. Nhiều hộ dân khá giả hơn nhờ thay đổi nhưng đa số rụt rè. Vì lo đến tính an toàn và hiệu quả lâu dài của loại cây mới nên bố mẹ Quyết vẫn trồng rau, chỉ có Quyết trăn trở.

Nhận rõ giá trị kinh tế cây hoa, anh nung nấu ý định thay đổi nhưng phải đến khi lập gia đình, ra ở riêng mới có điều kiện bắt tay vào làm. Khi bàn với gia đình, ai cũng băn khoăn, lo ngại, chỉ có Quyết là tin tưởng, quyết làm. Thuyết phục được bố mẹ, với số vốn 5 triệu dành dụm được và 15 triệu đi vay, vợ chồng Quyết đầu tư làm 4 sào hoa hồng đầu tiên năm 2006, khi anh vừa tròn 24 tuổi.

Làm lứa hoa đầu Quyết đều tự mày mò từ cách làm đất, cấy giống, trồng, chăm sóc... Do hoa hồng giống được tạo từ mắt cây hoa hồng ghép với gốc cây tầm xuân nên Quyết mua gốc tầm xuân về trồng, tưới tắm, chăm sóc đêm ngày. Để ghép được mắt hoa, anh phải đi làm thuê cho các hộ trồng hoa khác trong làng để học việc. Người dân Tây Tựu trồng hoa rất giỏi. Mỗi người đều chọn cho mình loại hoa thế mạnh và thường giữ riêng bí quyết kỹ thuật, không dễ học nghề của họ. Lúc đầu theo học, Quyết không được ghép ngay mà chỉ được làm công đoạn cuốn ni-lông cho mỗi mắt ghép. Dù làm việc nào anh cũng cẩn thận, tỉ mỉ vì mỗi công đoạn đều ảnh hưởng đến chất lượng hoa sau này. Quyết vừa làm, vừa quan sát cách tách, ghép mắt... Nhờ chịu khó quan sát, cần mẫn, ham học hỏi và khéo tay, Quyết đã sớm ghép mắt hoa thành thạo. Từ vị trí phụ việc, chỉ sau một tháng anh được “đôn” lên làm thợ chính.

Khi tay nghề cứng, Quyết tự ghép mắt cho 4 sào hồng của gia đình. Khấp khởi chờ đợi, nhưng do chưa có kinh nghiệm, khi tháo mắt ghép Quyết không tưới nước cho cây, khiến toàn bộ mắt ghép bị khô, héo dần, phải ghép lại từ đầu. Hoa lớn dần, anh lại đối mặt với sâu bệnh cắn phá. Để biết cách trị, Quyết tìm đến những gia đình trồng hoa lâu năm, có bệnh tương tự, xem họ dùng thuốc gì, chăm sóc ra sao rồi làm theo. Anh cười: Phải “học lỏm” như thế mới biết nghề và chăm hoa hiệu quả. Lứa hồng đầu tiên, sau bao vất vả, khó khăn cũng đã cho thu hoạch. Cảm giác bồi hồi, sung sướng khi cắt bông hồng đầu tiên do chính tay mình trồng, đến giờ Quyết vẫn nhớ.

... Lắm gian truân

Quyết trải lòng, có trực tiếp làm mới biết nghề trồng hoa nhọc nhằn đến đâu. Nghề đòi hỏi đúng kỹ thuật và sự kiên trì, bền bỉ từ khâu làm đất, trồng mầm đến thu hái. Có nhiều công đoạn người phải làm trực tiếp như tỉa cành, tỉa nụ, chụp bông... mà không máy móc nào thay thế được. Bởi nó đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay người lao động. Muốn trồng được hoa đẹp phải yêu nghề. Chăm hoa không chỉ bằng đôi tay, mà bằng cả tình yêu và tâm huyết. Trồng cây hoa xuống còn phải ngày đêm “trông trời, trông đất, trông mây” để “canh chừng” thiên nhiên. Làm nông, mỗi vụ được hay mất phụ thuộc 70% vào thời tiết. Nếu tiết trời thuận, một đợt hoa cúc chỉ khoảng 3,5 tháng có thể thu hoạch. Nhưng nếu trời rét, hoa khó lên, thời gian thu hoạch kéo dài 4-4,5 tháng. Không may dịp Tết hoa nở muộn thì vụ ấy coi như mất. Trời nóng, hoa nở trước Tết cũng bằng không.

Chẳng thể nào lường hết được những đỏng đảnh, khắc nghiệt của thiên nhiên. Năm 2008, Hà Nội hứng trận lụt lớn kéo dài, cả làng hoa Tây Tựu ngập trong biển nước. Quyết nhớ lại: “Chỉ qua một đêm, sáng ra đã thấy toàn bộ cánh đồng hoa ngập chìm trong nước. Bàng hoàng”. Cả làng cứu hoa. Vợ chồng anh ngày đêm ngoài đồng dầm mưa, tát nước. Nhưng Tây Tựu vùng trũng, nước tiêu chậm, mưa liên miên nên sau chỉ còn biết đứng nhìn. Ai cũng mất ăn, mất ngủ thẫn thờ, hụt hẫng. Quyết tự an ủi: Sẽ làm lại từ đầu! Trong rủi có may. Gia đình anh có 2 sào hồng ở địa thế cao, số hoa còn lại không bị thối rễ, cắt phần hỏng đi cây lại nảy mầm. Năm ấy lụt khiến hoa Tết khan hiếm, giá cao, số hoa vớt vát của gia đình Quyết lại thành “trúng lớn”. Sau vụ ấy, anh thu được hơn 100 triệu đồng.

Thiệt hại của trận lụt quá lớn, nhiều nông dân Tây Tựu chán nản, bỏ hoa quay về trồng rau. Nhưng Quyết làm ngược lại! Có thêm vốn, anh thuê thêm 6 sào đất ở các xã bạn để mở rộng diện tích. Ai cũng cho là mạo hiểm, nhưng với niềm tin và lạc quan của tuổi trẻ, Quyết tiếp tục thử sức. Diện tích nhiều hơn, đồng nghĩa với vất vả khó khăn cũng tăng lên, nhưng vợ chồng anh động viên nhau làm.

Sau những khó khăn, tưởng như mọi chuyện đã yên ổn thì đến cuối năm 2010, một đợt rét kỷ lục xảy ra. Gần 2 tháng trời rét đậm không có lấy một ngày nắng ấm. Không riêng gì Quyết, người dân Tây Tựu ai cũng như ngồi trên lửa. Không chịu đầu hàng, anh mày mò mọi cách để cứu hoa, ủ ấm gốc, chăng đèn điện... Trong cái lạnh dưới 15 độ, 2 tháng liền anh ở ngoài đồng, thức trắng đêm. Bền bỉ ngày này qua tháng khác, đến nay đã 6 năm Quyết gắn bó với nghề trồng hoa. Giờ đây anh có thể tự tin khẳng định, anh hiểu bông hoa như hiểu chính mình, và không gì có thể khiến anh nản chí hay từ bỏ việc trồng hoa.

Không chỉ cho mình...

Bền bỉ, cố gắng, yêu đất, yêu hoa, nỗ lực của gia đình Quyết được đền đáp. Những mùa thu hoạch đã mang đến cho anh niềm tin. Diện tích đất trồng hoa của Quyết ngày càng tăng, từ 4 sào ban đầu đến giờ anh đã có 1 mẫu gồm các loại hoa hồng và cúc. Trong đó cúc sau 3 tháng trồng cho thu hoạch kéo dài, ngay cả khi thu hoạch rộ, giá cúc vẫn ổn định. Mỗi bông khoảng 4-5 nghìn đồng. Hoa hồng sau 6 tháng sẽ bắt đầu giai đoạn cho “ăn” hoa, cứ 2-3 ngày có thể cắt một lần và thu hoạch quanh năm. Mấy năm đầu vợ chồng Quyết còn phải chở hoa ra chợ bán, nhưng giờ khách hàng đến tận ruộng mua. Hoa của anh đã thành một thương hiệu ở làng quê Tây Tựu.

Tính trung bình mỗi năm gia đình anh thu từ 500 đến 600 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 300 triệu. Trồng hoa đã đưa Quyết trở thành triệu phú nông dân trên mảnh đất quê hương. Theo gương anh, nhiều thanh niên trong thôn, xã và cả những nơi khác đến học kinh nghiệm. Từng trải qua những khó khăn khi bước chân vào nghề, nên bất cứ ai đến học hỏi kinh nghiệm Quyết đều chia sẻ, giúp đỡ tận tình. Đặc biệt với thanh niên địa phương muốn lập nghiệp với nghề trồng hoa, Quyết hỗ trợ miễn phí mắt hoa, hướng dẫn cấy ghép, và “đeo bám” cho đến khi thu hoạch thành công. Cứ thế, số thanh niên hứng thú với nghề trồng hoa mỗi năm tăng dần. Bằng lao động cần cù, ham học hỏi, không chỉ Quyết mà nhiều thanh niên đang giàu lên từ chính nghề này. Trước đây, người ta nói “Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu” để chỉ sự khó khăn của vùng đất thuần nông. Nhưng giờ đây, cánh đồng hoa Tây Tựu khoe sắc bốn mùa cho biết thời khó khăn ấy không còn!

Không chỉ giỏi kinh tế...

Không dễ một người trẻ vừa làm kinh tế giỏi lại vừa đảm đương tốt nhiều nhiệm vụ xã hội khác. Nhưng với Quyết, dường như mỗi ngày trôi qua là một ngày thêm việc, thêm cống hiến. Không chỉ là một nông dân giỏi, Quyết còn là một đảng viên gương mẫu, hạt nhân của phong trào đoàn địa phương, làm Bí thư chi đoàn thôn, được bà con tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) số 3. Được kết nạp vào Đảng từ tháng 7-2006 đến nay, liên tục 6 năm Quyết là đảng viên gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hỏi về hoạt động đoàn ở địa phương, Quyết không giấu vẻ tự hào: Năm nào đoàn viên, thanh niên trong thôn cũng tham gia tích cực các phong trào do Thành đoàn, Huyện đoàn phát động, như “Tiếp sức mùa thi”, tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, giao lưu văn hóa - văn nghệ. Anh tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong thôn giao lưu với bộ đội xuất ngũ, thành lập nhóm thanh niên giúp nhau làm kinh tế, tham gia vận động thực hiện nếp sống nông thôn mới... Thanh niên trong thôn chủ yếu đi học, đi làm xa, thỉnh thoảng hoặc dịp hè mới về. Ai về cũng thích tham gia các phong trào đoàn do Quyết phát động. Qua mỗi phong trào, hoạt động anh chú ý phát hiện và bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Làm Bí thư chi đoàn từ năm 2010, năm nào chi đoàn anh cũng có đoàn viên được kết nạp vào Đảng.

Việc gia đình, việc của HTX, công tác đoàn... nghe đã đủ bận rộn. Nhưng với Quyết, sự học chưa khi nào đủ. Ham học, năm 2009 Quyết thi đỗ và theo học tại chức 5 năm tại khoa Trắc địa, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Công việc ban ngày bận rộn đến mấy, Quyết cũng cố gắng thu xếp để tối đến lớp.

Năm qua là một năm đáng nhớ của Quyết khi anh vinh dự nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng: Người tốt, việc tốt huyện Từ Liêm năm 2012, Gương mặt trẻ tiêu biểu tham gia Festival nông thôn 2012 và là một trong 300 nhà nông trẻ toàn quốc được trao Giải thưởng Lương Định Của. Tháng 3-2012, Quyết là 1 trong 1000 đảng viên trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội được tuyên dương.

Về dự định sắp tới, anh tâm sự: Dù thế nào cũng không bỏ nghề trồng hoa. Có thêm vốn và kinh nghiệm, anh sẽ mở rộng diện tích và trồng thêm nhiều loại hoa mới. Anh mong muốn và quyết tâm gìn giữ nghề để hoa Tây Tựu bốn mùa khởi sắc, lên hương làm đẹp cho đời, làm giàu cho người. Tôi cảm phục anh!

Dân gian có câu “Người ta là hoa đất”. Đảng viên - triệu phú nông dân Nguyễn Tự Quyết, cùng với biết bao con người đã và đang lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, chính là những hoa đất đang vươn mình mạnh mẽ, khoe sắc hương giữa đời.

Sóng lấp lánh mặt hồ, cho hoa em ngào ngạt/ Hương hoa bay rào rạt, làng hoa em gọi mùa/ Mùa xuân!”

Chia tay với Quyết, đường về ngan ngát hương hoa, những câu hát ấy cứ ngân nga trong tôi. Một mùa xuân mới rạo rực trong tiếng nói cười của người nông dân Tây Tựu náo nức mùa thu hoạch. Làng hoa Tây Tựu đang gọi xuân về hứa hẹn những sung túc, ấm no!

Phản hồi (1)

Dương Hương LY 14/02/2013

Bài viết rất sinh động, hay. Rất mùa xuân.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất