Nhà cô Oanh ở xóm 2 thôn Đông Ngạc, khách đến thăm sẽ có nhiều thú vị với khuôn viên của gia đình, từ cánh cổng được xây năm 1935 đến ngôi nhà cổ mà theo lời gia chủ được dựng lên từ đời vua Minh Mạng, nhẩm ra cũng ngót 190 năm. Nơi khoảng sân nhỏ, những chậu cảnh với nhiều loại cây được xếp đặt ngay ngắn, đẹp mắt, phía trên có những giò lan xinh xắn đang trổ hoa. Cô Oanh hẳn yêu hoa lắm, dường như ở đâu cũng thấy hoa, từ vườn cho đến phòng khách trong nhà làm cho không gian càng thêm ấm cúng, thanh tao.
Cô Kim Oanh sinh năm 1938 tại xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Khi còn nhỏ, cô theo gia đình lên Thái Nguyên sinh sống. Những năm tháng trước cách mạng, tuy tuổi còn nhỏ nhưng cô đã sớm được hòa mình trong khí thế cách mạng sục sôi ở Thủ đô kháng chiến. Ngay trong gia đình, cụ thân sinh cô tham gia Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, người anh cả trong gia đình cô tham gia Thanh niên cứu quốc, trở về Mỹ Hào cùng nhân dân phá kho thóc, anh hai tham gia bộ đội.
16 tuổi, cô bé Kim Oanh gia nhập Đội thiếu nhi Tháng Tám, tiền thân của Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay. Năm 1955, cô về học ở Hà Nội. Chính nơi đây, cô đã 3 lần gặp Bác Hồ đầy cảm động, đó là những bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc đời cô mà đến nay, những hình ảnh, phút giây ấy vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Ba lần gặp Bác
Lần đầu cô gặp Bác trong dịp sinh nhật của Người, ngày 19-5-1956. Cô theo đoàn học sinh Thủ đô đến Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác. Cô kể: “Được nghe nhiều, hôm ấy mới có dịp gặp Người. Vừa nhìn thấy Bác, tất cả reo vang tên Người và chạy ùa lại. Tôi nhường các em nhỏ chạy trước. Người giản dị, ân cần phát kẹo và hỏi chuyện các cháu như một người ông hiền từ. Suốt ngày hôm ấy, tôi cứ lâng lâng một niềm vui sướng, hạnh phúc không nói nên lời”.
Lần thứ hai cô được gặp Bác vào tháng 7-1956, khi Người đến thăm Trường phổ thông cấp III Hà Nội, nơi con em cán bộ kháng chiến theo học. Thời điểm đó, học sinh đang được hướng nghiệp, Bác vừa đến, tất cả học trò đều chạy ùa ra đón. Trong lần gặp này, Người nói về vai trò của các thầy cô, về ý nghĩa của sự nghiệp trồng người trong quá trình kiến thiết nước nhà, xây dựng CNXH. Cô Oanh kể lại, khi ấy cô đang có mơ ước trở thành công nhân ngành dệt, nhưng lời Bác nói đã gieo vào lòng cô những suy nghĩ về trách nhiệm bản thân, nhen lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, thôi thúc cô không ngừng học tập, rèn luyện để cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung. Sau đó, cô đã chuyển sang ngành sư phạm, phấn đấu trở thành một nhà giáo giỏi, truyền đạt kiến thức và vun đắp ước mơ cho các thế hệ học trò. Đây chính là một bước ngoặt lớn, một quyết định đã làm thay đổi cuộc đời cô.
Lần thứ ba gặp Bác là tháng 10-1957, khi cô đang học Trường Trung cấp sư phạm Trung ương, nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi đến, Người đi thăm nhà ăn, khu sinh hoạt trước khi vào hội trường. Người trò chuyện cùng giảng viên, sinh viên, nhấn mạnh lý tưởng của thanh niên và trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân. Lời Bác giản dị, dễ hiểu, gửi gắm trong đó tình yêu thương, sự kỳ vọng của Người đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo tương lai, bởi đây chính là đội ngũ sẽ đào tạo ra một lớp trí thức mới, phục vụ cho sự nghiệp kiến thiết nước nhà. Nếu như trong lần gặp thứ hai, lời Bác đã giúp cô lựa chọn nghề nghiệp thì lần gặp gỡ thứ ba này đã giúp cô vững tin hơn vào con đường mình đang đi.
Nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người
Năm 1959, sau khi tốt nghiệp, cô xung phong đi Lạng Sơn nhưng cấp trên phân công về Hưng Yên dạy ở trường cấp II Ân Thi. Phụ trách lớp 5, cô Oanh trở thành nữ giáo viên đầu tiên của trường. Năm 1960 về huyện Yên Mỹ làm Tổng phụ trách đội thiếu niên, thấm nhuần lời dạy của Bác, cô đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực như “gánh cỏ xanh”, “đấu tranh thống nhất”, cắm trại… Với những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, năm 1964, mặc dù tuổi còn rất trẻ, cô đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Tân Lập (Yên Mỹ). Ở đây, cô Oanh đã phát huy sức trẻ, đề ra nhiều kế hoạch, ý tưởng xây dựng trường, đào tạo đội ngũ giáo viên, đưa các hoạt động giảng dạy, học tập vào nền nếp. Từ năm 1964 đến năm 1969, trường liên tục là lá cờ đầu trong ngành giáo dục của tỉnh Hưng Yên. Tháng 6-1968, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Năm 1969, cô chuyển công tác về Hà Nội, làm hiệu phó trường cấp II Dịch Vọng (Cầu Giấy) đến năm 1972. Tuy chỉ vẻn vẹn 3 năm nhưng cô Oanh đã phát huy được năng lực và kinh nghiệm quản lý, có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của trường. Tháng 8-1972, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp II Đông Ngạc (Từ Liêm). Trong 16 năm chèo lái, cô Oanh đã khéo léo tập hợp được một đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào cấp III cao, xây dựng nhà trường kiểu mẫu, hoạt động nền nếp, liên tục giữ vững danh hiệu trường tiên tiến của Ngành Giáo dục Thủ đô. Với lòng yêu nghề và tâm huyết của một nhà giáo, cô thường xuyên quan tâm, gần gũi, yêu thương, tận tình chỉ bảo các em học sinh, kịp thời động viên khuyến khích các em có những cố gắng, tiến bộ trong rèn luyện. Để nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng giảng dạy của Trường, cô thường xuyên tìm tòi, ứng dụng những phương pháp giảng dạy, phương pháp quản lý mới, đảm bảo khoa học, hợp lý, nhờ đó hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.
Là Hiệu trưởng, đồng thời là Bí thư chi bộ Nhà trường, cô luôn coi trọng vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, quan tâm xây dựng khối đoàn kết giữa chi ủy và ban giám hiệu, chú trọng phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên. Chi bộ đảng nhà trường nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Với những đóng góp, cô Oanh đã 6 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua và Bằng khen của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội.
Tuổi hưu, tinh thần chưa hưu
Năm 1988, sau 16 năm trên cương vị hiệu trưởng, cô Oanh về nghỉ hưu tại xóm 2, thôn Đông Ngạc. Với tâm huyết của một nhà giáo mẫu mực, một đảng viên gương mẫu, một công dân có trách nhiệm với quê hương, cô nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ở khu dân cư, góp sức mình làm quê hương Đông Ngạc giàu đẹp. Nhận thấy môi trường đang bị ô nhiễm, mất vệ sinh, cô cùng trưởng thôn họp dân, lập ra Ban vệ sinh xóm, thống nhất một số quy ước, phân chia các tổ ở ba khu vực. Từ đó, mỗi tuần một buổi, nhân dân trong thôn Đông Ngạc cùng nhau tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Tuy môi trường đã sạch sẽ nhưng nhận thấy con đường của thôn đã xuống cấp, cô nảy ra ý tưởng bê tông hóa lề đường. Nghĩ là làm, cô lại bàn với trưởng thôn, sau đó cùng các cán bộ trong thôn vận động bà con góp tiền làm bê tông lề đường, riêng đoạn ngõ nhà mình, cô cùng gia đình gương mẫu làm trước. Tuy vậy không phải gia đình nào cũng hưởng ứng ngay, có những ngõ phải họp, vận động 3 lần mới xong. Bằng sự kiên trì giải thích, thuyết phục của cô và cán bộ thôn, lần lượt các ngõ thôn Đông Ngạc đều được bê tông hóa.
Năm 2009, xóm 2 Đông Ngạc khuyết xóm trưởng trong thời gian dài, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh nhưng không có người giải quyết. Trước tình hình đó, cô Oanh đã xung phong làm trưởng xóm trong 2 năm. Việc đầu tiên cô thực hiện là xã hội hóa việc làm cổng làng nhằm khôi phục nét cổ kính của Đông Ngạc, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ tháng 4-2009 đến 7-2010, cô đã tổ chức họp dân thông qua mẫu cổng, bàn phương thức đóng góp, thảo thư ngỏ, tổ chức ngày hội quyên góp tiền xây cổng, kết quả đã xây dựng được cổng làng đúng dịp chào mừng 1000 năm Thủ đô.
Phát huy vai trò người đảng viên, cô Oanh luôn thẳng thắn đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt đảng, nhiều ý kiến của cô đã giúp chi bộ đề ra được những nghị quyết đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thôn Đông Ngạc. Trong quan hệ với các cán bộ, đảng viên và nhân dân, cô chan hòa, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn. Nói như đồng chí Văn Thúy Hoa, bí thư Đảng ủy xã Đông Ngạc: “Cô Kim Oanh từ khi còn là hiệu trưởng đến lúc về hưu luôn phát huy tốt vai trò người đảng viên, gương mẫu trong công việc, giản dị, gần gũi trong đời thường, hòa mình vào cuộc sống của bà con xóm làng. Đảng bộ xã Đông Ngạc rất cần những đảng viên như thế”.
Ở tuổi 75 nhưng cô vẫn tâm huyết với các hoạt động xây dựng quê hương giàu đẹp. 3 người con của cô đều thành đạt với gia đình yên ấm. 75 tuổi với 3 lần được gặp Bác Hồ, luôn học tập và làm theo Bác, được gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp trồng người, giờ sống những tháng ngày tuổi già thanh thản. Một cuộc đời rất ý nghĩa và tự hào!
Mai Anh