Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được người lính già, cán bộ lão thành cách mạng, giờ đây đang viết Lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Đó là lão thành cánh mạng Nguyễn Hữu Thân, một "pho sử sống” của xã..
Từ con người của nhân chứng lịch sử
Ông Nguyễn Hữu Thân, sinh năm 1918, trong một gia đình nhà nho nghèo, đông con, sớm giác ngộ và đi theo cách mạng; là người con thuộc làng Giao Tác và Nguyệt Ao, xã Thuận Lộc, Tổng Lai Thạch cũ, nay thuộc xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Trước khí thế sục sôi của cao trào cách mạng những năm 1930-1945, cậu bé Thân đã sớm giác ngộ, hăng hái, tin và đi theo con đường cách mạng. Ngay từ những năm cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh bùng lên, ngọn lửa thành Vinh - thành phố đỏ anh hùng lan tỏa ra cả khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, nhất là khu vực Anh Sơn, Thanh Chương, Hưng Nguyên sang Can Lộc, Đức Thọ…
Trước sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, nhiều thanh niên trai tráng làng ông quyết đi theo cách mạng, ông cũng xin phép cha mẹ cho được tham gia làm giao liên, để “chạy việc” cho tổ chức đội tự vệ của xã với các nhiệm vụ như: tổ chức luyện tập, huấn luyện quân sự, đưa công văn, chỉ thị, đưa cán bộ, nhất là cán bộ nòng cốt đi và đến những địa điểm bí mật, an toàn; tham gia huấn luyện các phương án đánh chiếm bốt đồn, đánh lính Tây, cướp vũ khí và luyện tập các phương án cướp chính quyền tại các ngôi chùa bí mật trong làng khi có điều kiện không quản ngại chuyện bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man, khủng bố trắng của lính lê dương, bọn mật thám và cường hào ác bá.
Trước những năm 1930, ngay ở xã của ông có hai đồn của địch khét tiếng ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân, chuyên khủng bố trắng, bắt bớ, đánh đập, giết chóc cộng sản nằm vùng, đó là đồn Tiếp Võ và đồn Tầm Yếm.
Ông kể, bọn chúng vô cùng tàn ác! Mỗi lần lính khố xanh, khố đỏ mò vào làng là thế nào cũng mất gà, mất lợn, cướp bóc đồ đạc, lúa khoai trắng trợn. Chúng còn bắt cả đàn bà, con gái hãm hiếp, giết những người tình nghi tham gia hoạt động cho cách mạng, không cho tụ tập, họp chợ, đi lễ chùa cầu phúc cầu an… vì chúng sợ biểu tình đòi quyền thả người.
Trong lần đàn áp, khủng bố trắng năm 1931, cả huyện chúng bắt đi gần trăm người. Trong đó, đau xót nhất là 12 đảng viên, 40 tự vệ đỏ, 25 nông hội đỏ, 4 chỉ huy thanh và phụ nữ. Đàn ông thì chúng trói trật khủy tay ra sau, đàn bà thì buộc tay đằng trước, cứ 20 người thành một xâu cả già lẫn trẻ, trai gái, chúng luồn tay người vào cây tre, cứ thế đem về đồn Chợ Tổng tra khảo, đánh đập... Những người già yếu không chịu đựng được đòn roi đã chết hoặc thân tàn ma dại dưới sự tra tấn dã man của chúng.
Chính lão tri huyện Trần Mạnh Đàn ra lệnh bắt đồng chí Phan Sỹ Duy theo chỉ điểm của bọn mật thám. Lúc đó, anh Duy là Tổng ủy Tổng Lai Thạch kiêm bí thư chi bộ Nguyệt Ao. Sau thời gian tra tấn dã man, chúng hèn hạ bắn chết anh Duy ngay tại chân núi Hồng Lĩnh để thị uy. Với hành động khát máu khét tiếng ác ôn của hai đồn Tiếp Võ và Tầm Yếm đã đẩy chí khí căm thù sục sôi nhân dân trong xã. Nhiều lần bà con muốn “thanh toán” hai đồn này nhưng chưa có thời cơ và lực lượng.
Hà Tĩnh vào thời điểm này chưa có một Uỷ ban khởi nghĩa thống nhất chỉ huy. Nhưng sự kiện cướp chính quyền đầu tiên vào ngày 16-8-1945 ở huyện Can Lộc đã diễn ra và giành thắng lợi. Trong khi Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh vừa họp bàn để chuẩn bị khởi nghĩa thì một nhóm thanh niên, thực chất là những tự vệ viên đã sớm liên lạc được với Việt Minh, sớm nhận thấy được diễn biến tình hình mau lẹ của cách mạng, đã huy động lực lượng tước vũ khí binh lính bảo an, xông vào bắt giữ tri huyện Trần Mạnh Đàn, chiếm huyện đường, thu ấn kiếm, giấy tờ, sau đó phối hợp tổ chức giành chính quyền trong toàn huyện.
Ông cho biết: khi đội tự vệ đủ mạnh, lại được hậu thuẫn của bà con, ông được giao trọng trách làm chỉ huy tự vệ đội của xã Thuận Lộc, trực tiếp chỉ huy đội tự vệ tổ chức cướp chính quyền ở xã và Tổng Lai Thạch trong ngày 16-8. Mờ sáng ngày hôm sau, được giao làm phó chỉ huy đội tự vệ tổ chức cướp chính quyền, đòi yêu sách và bắt tri huyện Trần Mạnh Đàn ký vào bản yêu sách tại Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh rất mạnh.
Ông nhớ lại: “Khi đó khí thế cách mạng đang lên, mạnh lắm. Khắp nơi đều hồ hởi, phấn chấn, nên tôi nói với anh em thanh niên chuẩn bị tinh thần và vũ khí. Mỗi người phải chuẩn bị gậy tầm vông, dây chảo, đòn xóc (dùng để gánh rạ) vót thật nhọn mà có cạnh sắc, giáo mác, dao phay… khi có hiệu lệnh gõ mỏ phải có mặt, nhanh chóng cơ động áp sát khống chế đồn… để bà con ta xông lên. Vào được đồn, vào được huyện đường, bắt loa tay yêu cầu giao nộp toàn bộ giấy tờ, triện ấu, ấn kiếm… Sự việc diễn ra quá nhanh nên chúng không kịp trở tay, hoàn toàn bị động, tuân mệnh lệnh”. Chỉ trong vòng từ ngày 16-8 đến 21-8-1945, huyện Can Lộc đã giành được chính quyền, làm cơ sở cướp chính quyền nhiều nơi khác của Hà Tĩnh.
Sau sự kiện cướp chính quyền, ông được cử đi học quân sự tại trường Quân chính làng Nhượng Bản (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) do Hồ Tùng Mậu làm Hiệu trưởng. Sau đó, ông tham gia chiến đấu trên cương vị là Chính trị viên kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập ở Bình Trị Thiên, do đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Tỉnh đội trưởng. Đến giữa năm 1949, ông được điều động lên Tây Bắc, làm Chính trị viên Tiểu đoàn 4 của Binh đoàn 99 do đồng chí Hoàng Công Khanh làm Binh đoàn trưởng. Ông đã cùng đơn vị tham gia vào cả ba chiến dịch: chiến dịch Biên Giới, Cao Bắc Lạng và Trung Du.
Do yêu cầu nhiệm vụ, sau đợt chỉnh huấn, chỉnh quân năm 1952, ông được điều động sang Ban Cải cách của Chính phủ, làm việc cùng với đoàn cố vấn kiểm tra thí điểm ở 4 xã của tỉnh Thái Nguyên về cải cách ruộng đất. Trong quá trình này, được bầu làm Đoàn ủy đoàn Cải cách từ Thái Nguyên, Thanh Hóa, đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến ngày hoàn thành nhiệm vụ cải cách. Sau khi Khu ủy Khu 4 giải thể, ông được điều động về công tác tại Ty Nông nghiệp Hà Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu năm 1979 đúng chẵn 33 năm tham gia cách mạng từ ngày đầu có Đảng đến đấu tranh cướp chính quyền, giành độc lập và công tác về sau…
Đến pho sử sống viết sử
Ông Nguyễn Hữu Thân là người rất tinh tế, luôn đưa ra những câu nói hóm hỉnh, kể những chuyện dí dỏm, dễ gây cười trong một không gian mở, thoải mái, thân thiện. Ông bảo, “mình là cán bộ cách mạng, nhưng thực chất thì cũng chỉ người lính già, một phó thường dân chứng kiến vài chuyện của làng, nước vậy thôi, không to tát gì lắm để mà viết bài đăng báo!” Nói xong ông lại cười hề hề, rất hóm!
Sau khi nghỉ hưu ông muốn về chăm bà và sớm tối có nhau, nhưng chưa được bao lâu thì bà ngã bệnh rồi mất. Ngày mới về, các anh trong cấp ủy địa phương lại vời ông ra giúp công tác mặt trận của xã Thuận Lộc. Thế rồi sự nghiệp cách mạng từ làng quê ra đi, lại trở về địa phương tiếp tục công tác hơn 2 chục năm nữa. Ngoài công tác mặt trận, ông tham gia nhiều công việc khác, chủ yếu là giúp địa phương vực dậy công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện đời sống nhân dân…
Khi Đảng ủy xã Thuận Lộc có chủ trương viết lịch sử Đảng bộ xã, Lịch sử chính quyền… ông lại được mời vào ban cố vấn viết sử, làm việc cùng 7 đồng chí trong cấp ủy địa phương. Ông được giao trực tiếp viết chương 1, chương 2; tham gia góp ý toàn văn lịch sử của Đảng bộ xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh.
“Cái khó nhất trong quá trình viết Lịch sử Đảng bộ xã là sự thống nhất những tư liệu hiện có được lưu giữ trước đây với sự tái hiện các quá trình, các giai đoạn trong hiện tại; phải được bàn bạc thống nhất trên cơ sở rất khách quan, khoa học, theo tiến trình lịch sử, nên phải hết sức thận trọng, nhất là những người có trách nhiệm cung cấp thông tin kiểm chứng, đối chiếu…”. Ông bộc bạch!
Qua mỗi cách giải thích, tôi nhận thấy dù tuổi đã cao nhưng ông rất mẫn tiệp, tâm huyết và hào hứng khi được làm một công việc mà trong đó hầu như bản thân mình đã chứng kiến, đi qua và ghi nhận trên chặng đường lịch sử Đảng bộ xã nhà.
Theo đồng chí Bùi Huy Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban và là chủ nhiệm đề tài Lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc: niềm vinh hạnh và là tài sản vô giá cho xã nhà là lão thành cánh mạng Nguyễn Hữu Thân hiện còn sống khỏe mạnh, minh mẫn, hoạt bát. Nhớ rất nhiều những sự kiện, con người, cuộc sống trong làng trong xã chính xác, đầy đủ… ông là “pho sử sống” của xã chúng tôi, nên phải trân trọng từng giờ, từng ngày, lúc nào cụ khỏe là chúng tôi lại đến làm việc, cùng trao đổi thống nhất nội dung và viết Lịch sử Đảng bộ xã.
Hiện Lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc đã viết xong, được chỉnh sửa và sẽ xuất bản vào cuối năm. Chia tay với người chép sử, ông còn cho biết, sau khi viết xong Lịch sử Đảng bộ, lại lên đường đi chơi với con cháu ở trong Nam. Ông nói, “gần Tết Đảng ủy xã mời về là để nhận Huân chương Độc lập, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và làm luôn việc mừng thọ tròn số 95 năm mùa xuân cuộc đời đó!”. Nói rồi ông cười khà khà. Tôi rất xúc động và thành tâm chia vui với một con người suốt đời vì cách mạng nơi ông.
Nguyễn Minh Đức
Hòm thư: 3CB - 19 - Biên Hòa - Đồng Nai