Binh khuyển ở Trường Sa
Giao lưu cùng Đội công tác Bộ đội Biên phòng Trường Sa. Ảnh: Đình Thường

Những người thầy

Thượng úy Vũ Khắc Biên là Đội trưởng đội công tác Trường Huấn luyện chó nghiệp vụ trên quần đảo Trường Sa - huấn luyện chó đã là cái nghiệp biên phòng mà anh đang gắn bó. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nhận quyết định về công tác tại trường Huấn luyện chó nghiệp vụ, gia đình mừng lắm vì nghĩ thế là anh được công tác gần nhà và mỗi khi gia đình có việc là đã có anh. Nhưng cái nghiệp biên phòng là thế, ở trường chưa được bao lâu, anh nhận quyết định điều động lên đồn Biên phòng Ka Lăng, Lai Châu cách nhà ngót nghìn cây số. Tháng 8 năm 2008, Vũ Khắc Biên được điều chuyển về công tác tại Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng. Cả nhà ai cũng mừng, đặc biệt là vợ anh - cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên - Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Yên Bái. Nhưng cũng chỉ được 2 năm, đầu năm 2010, khi cấp trên giao cho nhà trường thành lập đội công tác với nhiệm vụ “Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm đưa chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa”, anh đã làm đơn tình nguyện xin đi và được chấp thuận. Công việc chuẩn bị nhiều và gấp, trước khi đi anh chỉ kịp điện thoại về báo tin cho vợ: “Anh đi Trường Sa, ít 6 tháng, nhiều hơn anh cũng không chắc…”. Và dường như đã quen với những bất ngờ trong công việc, hiểu rõ tính và cái nghiệp của chồng, cô giáo Kim Liên đã động viên anh yên tâm lên đường và dặn anh nhớ giữ gìn sức khỏe.

Huấn luyện chó nghiệp vụ thật không đơn giản. Không chỉ có huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, các “binh khuyển” phải được chăm sóc chu đáo để có sức khỏe và đặc biệt là phòng các bệnh gây tác hại tới khả năng đặc biệt trời cho của chúng (thị lực, thính lực và khứu giác). Đối với Thiếu tá, bác sĩ Khuất Văn Thi (Bí thư chi bộ đội công tác), người đã có nhiều năm trong quân ngũ và có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và duy trì sức khỏe cho chó nghiệp vụ, chuyến công tác lần này thật đặc biệt. Trong môi trường mới, nhiệm vụ của anh là làm sao để các “lính cưng” của mình không bị ốm, nhanh chóng thích nghi và phát huy tối đa năng lực trong sóng gió Trường Sa. Suốt những ngày hành quân trên biển, vốn chưa đi biển dài ngày bao giờ, mặc dù có lúc người say lử đử vì sóng nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng và theo dõi sát sức khỏe của mấy “chú khuyển”.


Đội công tác còn có những sĩ quan nhiều kinh nghiệm về huấn luyện chó nghiệp vụ là Bùi Đại Triều, Nguyễn Khắc Định, Dương Văn Anh. Không chỉ là người huấn luyện, giữa các anh và các binh khuyển còn có mối quan hệ đặc biệt. Các anh coi Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ không chỉ như đồng đội mà còn là những người bạn thật sự và thật kỳ lạ, Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ cũng đặc biệt quan tâm tới các anh. Mỗi khi người nào đó có "tâm trạng" chúng cũng ủ rũ, lầm lì chứ không chạy nhảy như ngày thường...


Những ngày đầu đặt chân lên đảo và thực hiện chương trình công tác, các anh không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. Mặc dù trước đó đã nghiên cứu và thu thập số liệu về các điều kiện tự nhiên trên quần đảo Trường Sa, nhưng để xây dựng giáo án luyện tập theo điều kiện thực là cả một vấn đề lớn với bao nhiêu khó khăn và thử thách. Thượng úy Vũ Khắc Biên nhớ lại những thử thách ban đầu khi đến đảo: “Độ ẩm và nồng độ muối trong không khí ở Trường Sa quá cao. Tôi đứng ở đầu gió và dùng lưỡi liếm vào mu bàn tay - mặn chát! Hơi mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ nhạy khứu giác ở chó. Hơn nữa, với địa hình đặc biệt trên đảo, nguồn hơi và dấu vết để lại không bền”- Bác sĩ Khuất Văn Thi lo lắng vì môi trường sống quá dữ dội ở đảo. Tiếng sóng biển vỗ vào bờ kè đảo gây ảnh hưởng rất lớn đến thính giác, rồi việc ăn mặn, hơi nước biển ở đảo là “kẻ thù” của khứu giác chó nghiệp vụ. Làm thế nào để khắc phục được nhược điểm sóng và mặn đây? Những mối lo đó cứ ám ảnh anh suốt cả giai đoạn đầu huấn luyện, cả trong những giờ nghỉ, khi mọi người chơi thể thao, tăng gia, tắm biển, anh lại thơ thẩn một mình quanh đảo, vừa đi vừa nghĩ cách khắc phục sóng và hơi mặn cho chó nghiệp vụ.

“Binh khuyển”

Cái khó đối với anh em huấn luyện là sự thay đổi cả môi trường sống lẫn đặc thù địa bàn tác chiến. Quyết định được đưa ra là, để cả ba có thể đáp ứng "giáo trình" - đã có sự thay đổi lớn khi chuyển từ hoạt động trên bộ sang biển đảo - các huấn luyện viên phải cho các "chiến sĩ" thích nghi dần dần. Ban đầu, Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ được huấn luyện để chịu được những cơn gió biển mạnh, làm quen với sóng lớn để có thể vừa bơi vừa chiến đấu được. Thật may, cả Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ đều thích nghi rất nhanh với môi trường mới. Dưới sự giám sát chặt chẽ, khoa học của bác sĩ Nguyễn Văn Thi, chúng không hề ốm mà ngược lại rất khỏe. Trong những con sóng lớn, Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ bơi rất tốt và ở trên bãi cát, thể lực của Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ luôn đảm bảo giữ vững tốc độ và sức bền, chúng chạy nhanh gấp bốn lần bước chạy rút của chiến sĩ. Ngay cả trong những bài tập vào ban đêm, dù nước biển đêm rất lạnh, cả người huấn luyện và chó nghiệp vụ đều hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra.

Một khó khăn khác là chế độ dinh dưỡng cho các "chiến sỹ "đặc biệt này. Chi phí khẩu phần cho “binh khuyển” khá tốn kém, thậm chí cao hơn cả lính bộ binh. May mắn thay, Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ nói riêng, đàn chó nghiệp vụ ở Trường Sa nói chung khá "dễ tính", chúng có thể ăn thịt hộp, cá biển, cơm, rau... và chẳng bao giờ chê khẩu phần hàng ngày. Đến giờ, Mi-ka, Ka-kốp, Man-lơ đều đã trở thành những chiến sĩ hải quân đặc biệt thực sự ở Trường Sa. Trong các buổi diễn tập, Mi-ka, Ka-kốp, Ma-lơ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lì lợm sục sạo, thám thính ở phía trong bờ kè, lao mình xuống bãi biển, xới tung cát để bắt kẻ xâm nhập… Và đặc biệt là chúng rất thân thiện với lính đảo trong những giờ nghỉ giữa buổi diễn tập.

Những thử thách đối với đội công tác biên phòng giờ đã qua. Những kinh nghiệm thu được đã̉ để huấn luyện các thế hệ tiếp theo của các binh khuyển Mi-ka, Ka-kốp, Ma-lơ phục vụ cho nhiệm vụ biên phòng trên biển đảo. Vượt qua khó khăn và trở ngại, đội công tác Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến, huấn luyện và nghiên cứu khoa học quân sự trên quần đảo Trường Sa. Họ thật xứng đáng với những bằng khen dành cho những cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và Bằng khen của Đảng bộ Bộ đội Biên phòng dành cho tập thể Chi bộ Đội công tác Trường Huấn luyện chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng ghi nhận Chi bộ trong sạch, vững mạnh, cũng đồng thời ghi nhận những phẩm chất cao quý của các đảng viên và quân nhân trong đội công tác đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất