Chung sức, đồng lòng thi đua giành thắng lợi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa chúc mừng các đại biểu tiêu biểu

Sôi nổi các phong trào thi đua.
Năm năm thực hiện Chỉ thị số 35 (năm 2004), Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị đã tạo nên không khí mới trong phong trào thi đua. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã nghiêm túc, tích cực chỉ đạo.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí, hình thức đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị. Các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp được kiện toàn, củng cố hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng đã có bước đổi mới, tiến bộ.
Điểm nổi bật là nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2008), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Chính phủ phát động nhân dân cả nước nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”… Hưởng ứng các phong trào, nhiều hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có sức lan toả như thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua ngắn ngày, thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước sôi nổi diễn ra trên khắp các nẻo đường của đất nước.

Tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Tinh thần ấy được lan tỏa trong những người con đất Việt. Ở lĩnh vực nào cũng có những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua. Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm… Các phong trào thi này đã thu hút hàng triệu công nhân, người lao động hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch từng năm. Đồng thời đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Từ các phong trào, trong các lĩnh vực này xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long; Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ VTC thuộc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp; Bộ Công thương. Những cá nhân tiêu biểu như Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Nhi, tổ trưởng đội sản xuất Xí nghiệp Sông Đà 6.02 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 6; Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt, kỹ sư chính, Nhà máy Thiết bị điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” phát triển sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đã giúp cho hàng triệu nông dân thoát nghèo. Thông qua các phong trào xuất hiện nhiều tấm gương vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm. Tiêu biểu là: Ông Lương Xuân Lai, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã thành công với mô hình phát triển kinh tế vườn, rừng và chăn nuôi, thu nhập bình quân hằng năm vài trăm triệu đồng, cho các hộ nghèo vay vốn không lấy lãi và ủng hộ 450m2 đất vườn để làm giao thông nông thôn. Ông Điều Thiệt, dân tộc S.tiêng, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước thu nhập từ trang trại năm 2009 đạt 3,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 45 lao động, hằng năm dành 40 phần quà tặng cho người nghèo ăn tết, ủng hộ kinh phí cho các già làng đi thăm quan nước bạn Căm-pu-chia. Ông Đỗ Văn Thịnh, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng với lòng đam mê, đã tạo dựng được mô hình nuôi tôm he chân trắng, năm 2009 thu được 20 tấn/ha, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động. Phó giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đã ngày đêm say mê nghiên cứu tìm ra giống lúa lai có giá trị kinh tế cao… Những tập thể, cá nhân tiêu biểu này đã góp phần phát triển nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 10 tỷ USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm bình quân 1 triệu tấn và 1,1 tỷ USD.
Năm năm! đất nước không tránh khỏi vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Song với tinh thần vượt khó, nhiều phong trào thi đua đã có bước phát triển tạo động lực cho lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Nhiều phong trào thi đua đã góp phần hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của nền kinh tế nước ta, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, vận tải… sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tiêu biểu như: Hợp tác xã công nghiệp Song Long (Hà Nội), Hợp tác xã Công nghiệp và vận tải Chiến Công (Thái Nguyên), Hợp tác xã Rạch Gầm (Tiền Giang), Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh, Xí nghiệp tập thể Bình An (Hải Phòng)…   Do có những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã phong tặng 67 tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động; 691 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 11 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huân chương các loại.
Ngành giáo dục và đào tạo qua các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đã tạo không khí đổi mới, góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Từ năm 2005-2009 Việt Nam có 108 học sinh đạt giải với 24 Huy chương vàng  tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Phong trào sinh viên tình nguyện đã và đang phát huy có hiệu quả, hằng năm có hàng triệu lượt sinh viên tham gia tình nguyện giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn. Ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều tập thể, cá nhân được suy tôn, biểu dương trong tất cả các cấp học, ngành học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Trong lĩnh vực y học, thành công trong công nghệ chế tạo vắcxin và mô hình ghép tạng được triển khai thành công ở một số bệnh viện trong cả nước là tín hiệu vui. Nhiều cán bộ y tế luôn học tập gương Anh hùng Đặng Thùy Trâm và tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Ngành Y tế đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Tim Tp.Hồ Chí Minh, Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập.
Về xã hội đã đạt được nhiều thành tích mới. Đến nay có 55/63 tỉnh, thành phố đã cơ bản xóa nhà dột nát đối với các hộ chính sách, người có công, gần 3.000 công trình ghi công liệt sỹ và người có công, 90% số hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Nhiều nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ được chăm lo, bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 9,5% (năm 2010). Với khẩu hiệu “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, toàn lực lượng công an đã tăng cường hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa và kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương 105 tập thể và cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động (thành tích thời kỳ đổi mới), 43 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 22 Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều huân chương, huy chương, cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Lĩnh vực xây dựng đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, công chức, viên chức trong các ngành xây dựng đảng đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

Bước tiến bộ.
Nhìn chung, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đã tạo được hành lang pháp lý đồng bộ và có hiệu quả để đưa dần công tác thi đua, khen thưởng vào nền nếp. 5 năm qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã duy trì bình xét các danh hiệu thi đua, tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua, kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 97 Huân chương Sao Vàng, 243 Huân chương Hồ Chí Minh, 5.740 Huân chương Độc lập, 268 Huân chương Quân công, 25.593 Huân chương Lao động, 456 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 178 Anh hùng Lao động, 61 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 2.711 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 159 Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ, nghệ nhân (nhân dân, ưu tú) (tính trong 5 năm từ 2006 đến tháng 9-2010). Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng kịp thời các thành tích đột xuất trong các lĩnh vực. Một số bộ, ngành, địa phương đã đặc biệt quan tâm khen thưởng cho đối tượng là người lao động, công nhân, nông dân trực tiếp sản xuất. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng chất lượng hơn, thời gian tới tiếp tục đổi mới công tác thi đua; tổ chức các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng gắn kết với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng…
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất