“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên quê Bác
Hưởng ứng Cuộc vận động với phong trào "Ngày thứ 7 vì dân", công an huyện Quế Phong đã về xã biên giới Hạnh Dịch làm thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân cho bà con dân bản

Bốn năm qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Nghệ An đã tổ chức học tập 7 chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, trong đó có một chuyên đề của riêng Nghệ An là “Bức thư cuối cùng của Bác Hồ gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An ngày 21-7-1969". Sau 4 năm triển khai Cuộc vận động, đã có những chuyển biến cụ thể:

 

Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tích cực tham gia thực hành tiết kiệm bằng những hình thức khác nhau. Toàn tỉnh đã huy động được hơn 48 tỷ đồng đóng góp vào các loại quỹ từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, quỹ nạn nhân chất độc da cam… ; làm mới và sửa chữa hơn 4.000 ngôi nhà cho đồng bào nghèo, đồng thời hỗ trợ giống, cây, con, thuốc chữa bệnh cho hộ nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; nhiều cá nhân đã vươn lên thoát nghèo.

 

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể gần dân hơn, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở. Những cán bộ, công chức trước đây hay đi muộn, về sớm, một số đơn vị có biểu hiện mất đoàn kết hay đảng viên có khuyết điểm về phát ngôn, tác phong... đã được khắc phục; nhiều cơ quan đã nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh gọn, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc. Giáo viên trong ngành giáo dục có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng dạy và học có hiệu quả.

 

Cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và tinh thần trách nhiệm đối với công việc, thái độ phục vụ nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của nhân dân được nâng lên đáng kể. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức được thực hiện nghiêm túc nên đã có tác dụng giúp cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, xác định đúng hướng phấn đấu, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác.

 

 Những mô hình có cách làm hay cần được nhân rộng:

 

Trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động, đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đó là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho việc “làm theo” Bác của những người dân xứ Nghệ.


Cụ thể, về tập thể: Đảng bộ Công an Nghệ An đã gắn kết chặt chẽ Cuộc vận động với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và các phong trào khác do địa phương phát động, bằng khẩu hiệu hành động "Cán bộ, chiến sỹ Công an Nghệ An thi đua làm nhiều việc tốt, vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; Đảng bộ Quân sự tỉnh với phong trào “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”; Hội phụ nữ phát động phong trào “Nuôi lợn tiết kiệm”. "Mái ấm tình thương", "Hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm"...; Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động thi đua tình nguyện, phát động phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác”; Hội Người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”, “Rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác Hồ”, xây dựng gia đình “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; Các trường học phát động thi đua thực hiện tốt cuộc vận động “2 không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương để học sinh noi theo”, tích cực xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Đảng bộ xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) tổ chức đám cưới theo nếp sống mới tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho các gia đình.... Về cá nhân, là đồng chí Lê Văn Điển, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn) tình nguyện cùng gia đình ngày nắng cũng như ngày mưa, thu gom rác thải hai bên trục đường chính của xã về nơi xử lý; là đồng chí Vi Hải Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - một trong những huyện nghèo nhất nước, đã phát động trong toàn huyện phong trào “mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo”, bản thân đồng chí cũng trực tiếp giúp hai hộ vươn lên thoát nghèo...

 

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần phải được khắc phục như:

 

Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về vai trò, mục đích ý nghĩa Cuộc vận động còn hạn chế. Do vậy, quá trình triển khai, chỉ đạo thực hiện thiếu cụ thể, chung chung; chất lượng chương trình hành động, viết thu hoạch cá nhân của đảng viên chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ quan và chức trách, nhiệm vụ của cá nhân đảng viên, chưa thực chất nên vẫn còn có những tiêu cực, chậm trễ, gây phiền hà cho dân. Một bộ phận đảng viên, trong đó trước hết là những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, thiếu giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của đảng viên và quần chúng nhân dân đối với đảng, với sự thành công của Cuộc vận động…

 

Để Cuộc vận động đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực cần:

 

Thứ nhất, Ban chỉ đạo các cấp phải thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của cán bộ chủ chốt về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động. Đặc biệt cần coi trọng việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh theo chiều sâu trong một số đối tượng nhất định gắn với nhiệm vụ chính trị. Đã học phải thảo luận để thấm nhuần sâu sắc những vấn đề cốt lõi. Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là một cuộc nghe thời sự cho vui mà phải làm cho người nghe động não, tự xem xét để điều chỉnh, chấn chỉnh tư tưởng và hành động của mình. Cấp trên nghiêm túc thì cấp dưới sẽ “làm theo”.

 

Thứ hai, gắn Cuộc vận động với công tác tổ chức cán bộ. Các cán bộ trong ban chỉ đạo Cuộc vận động cũng như cán bộ, đảng viên khác phải mẫu mực, nói đi đôi với làm, được nhân dân tin yêu, nói dân nghe và làm theo.

 

Thứ ba, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền các điển hình cần làm thường xuyên, rộng rãi ở các đoàn thể, cộng đồng dân cư, cần làm cho nghiêm túc, cẩn trọng, thực sự có tác dụng, bất kể đó là người bình thường hay cán bộ lãnh đạo. Trong thực tế, có người rất tốt nhưng họ không tự xưng, tự đề nghị mình cần được biểu dương, khen thưởng; trái lại có một số người lại ham được biểu dương, khen thưởng để che lấp những mặt non yếu của mình. Trong tình hình hiện nay, cần chú trọng biểu dương, khen thưởng đúng mực những người công tâm, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, chống những hành vi quan liêu, coi thường dân chủ và pháp luật, vụ lợi và nhũng nhiễu dân.

 

Thứ tư, ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp cơ sở cần tích cực phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sâu sát cơ sở. Định kỳ tổ chức điều tra dư luận xã hội để kịp thời bổ sung những nội dung mới và chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót.

 

Thứ năm, việc viết thu hoạch cũng không nên làm tràn lan mà phải tập trung vào đối tượng chủ yếu là cán bộ, đảng viên đang giữ các chức trách, nhiệm vụ từ xóm, xã trở lên.

 

Thứ sáu, việc đăng ký làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh cần có hai loại đối tượng là tập thể và cá nhân với những nội dung nhất định tùy theo những tồn tại ở đơn vị, cá nhân.

 

Với các biện pháp cụ thể, những kết quả đạt được, 4 năm qua, Nghệ An không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm tiền bạc, công sức, thời gian... mà quan trọng hơn là ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, chấp hành pháp luật của đông đảo đảng viên, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân đã có chuyển biến tích cực, góp phần củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh cũng như tập hợp được quần chúng trong các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất