Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa tiến hành tổng kết 4 năm triển khai Cuộc vận động. Kết quả điều tra dư luận xã hội cho thấy, liên tục trong 4 năm qua, Cuộc vận động được coi là một trong 10 sự kiện được quan tâm nhất hằng năm.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Nhìn lại 4 năm
Cách đây hơn 4 năm, tại Lễ kỷ niệm trọng thể 77 năm Ngày thành lập Đảng, Đảng ta đã phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đó là một quyết định đúng đắn, cần thiết; là sự tương hợp hài hoà giữa ý Đảng và lòng dân. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương và toàn xã hội. Qua mỗi năm, Cuộc vận động lại có một chủ đề thiết thực, nội dung phong phú, bổ ích.
Trong hai năm 2007 và 2008, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội thi đã được tổ chức từ cơ sở, xã, phường, cụm xã, liên xã đến cấp quận, huyện và tỉnh, ngành, khu vực, đến chung khảo toàn quốc. Đã có 19.097 hội thi được tổ chức với sự tham gia của 234.858 lượt thí sinh dự thi. Một số tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã tổ chức hội thi dành cho các đối tượng riêng, như: Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong công nhân viên chức lao động; Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” trong thiếu niên, học sinh phổ thông; Hội thi “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” trong các nhà báo...; Thanh Hóa đã tổ chức kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho phạm nhân một số trại giam trên địa bàn, gây xúc động sâu sắc và có tác động tốt đến việc cải tạo của phạm nhân; Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những câu chuyện cảm động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua giọng kể của những người con ở xa quê hương, có người nói không sõi tiếng Việt, đã gây được sự xúc động lớn trong người nghe. Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn góp phần quan trọng vào việc triển khai Cuộc vận động, động viên các tầng lớp nhân dân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành năm 2010 cho thấy, có tới 50% số người được hỏi khẳng định Hội thi có nội dung phong phú, sâu sắc, hấp dẫn và có sức lan tỏa sâu rộng.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với một số đại biểu
Những chuyển biến ấn tượng
Ý thức trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân được nâng cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Trong năm 2009 và 2010, các nội dung của Cuộc vận động được triển khai gắn với quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng. Tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sức mạnh hướng dẫn khi lựa chọn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến khá rõ rệt. Tại nhiều địa phương, cơ sở, việc thực hành tiết kiệm trở thành phong trào, có sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị. Các giải pháp tiết kiệm tài sản công, hạn chế hoặc tạm dừng xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm xe con được quan tâm chỉ đạo và thực hiện kiên quyết. Tiết kiệm đã thể hiện ngày càng rõ hơn trong việc tự giác giảm, loại bỏ những chi phí không cần thiết, bất hợp lý trong cưới hỏi, tang ma, lễ hội... của từng gia đình, dòng họ. Việc tiết kiệm chi tiêu công, từ cái nhỏ nhất như trang giấy, mực in, ghim gài, đến ô tô, vé máy bay, đi công tác nước ngoài... đã thể hiện khá rõ trong các cơ quan đảng, nhà nước, trong nhận thức của lãnh đạo các cấp, thành thói quen của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức. Có cơ quan bộ, ngành, tập đoàn kinh tế nhà nước... tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Có nơi, tiền tiết kiệm trong chi phí thường xuyên được công bố công khai và góp vào quỹ xây dựng nhà tình nghĩa ở các địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phòng, chống quan liêu, tham nhũng có bước chuyển biến tích cực. Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, như “Ngày vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc; “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn đất” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi” của Đoàn Thanh niên; “Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” của Hội Cựu chiến binh ... đã huy động được nhiều người tham gia. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đã cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Đánh giá của dư luận xã hội
Qua 4 năm triển khai Cuộc vận động, trong đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến tích cực và khá rõ rệt. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo một số tỉnh, thành phố cho thấy, qua 4 năm triển khai Cuộc vận động đã có sự chuyển biến khá rõ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Về tác động của Cuộc vận động đến nhận thức, có 84% số người được hỏi cho rằng đã có chuyển biến, trong đó có 19% cho rằng đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; 65% ý kiến cho rằng có chuyển biến nhưng chưa sâu sắc... Về những chuyển biến trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010 so với năm 2007, theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, có 82,5% số người được hỏi cho rằng đã có sự chuyển biến, trong đó có 39,3% cho rằng có chuyển biến tốt và 43,2% cho rằng có chuyển biến. Về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân, mức độ chuyển biến tốt cao nhất là trong nông dân (54,02%); tiếp đến là lực lượng hưu trí (41,18%), học sinh, sinh viên (40%); công nhân (40%)... Về chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có 30,5% số người được hỏi cho rằng có chuyển biến tốt và 51,6 % cho rằng có chuyển biến. Về chống quan liêu, tham nhũng, có 66,6% số người được hỏi cho rằng có chuyển biến, trong đó có 22,8% cho rằng có chuyển biến tốt.
Về sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, đã có sự tham gia của tất cả các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội, trong đó có 5 nhóm xã hội được đa số ý kiến (trên 50%) đánh giá là đã tích cực thực hiện Cuộc vận động, gồm: Cán bộ hưu trí (67%); bộ đội (61%); cán bộ, công chức bình thường (56%); cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp (51%); công an (50%).
Theo đánh giá của dư luận xã hội, hầu hết các tầng lớp nhân dân đều có sự chuyển biến về đạo đức, lối sống, tuy ở mức độ khác nhau. Điều đó chứng tỏ Cuộc vận động đã tác động sâu đến mọi tầng lớp, đối tượng, lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo nên những chuyển biến chung trong xã hội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh động viên, khen ngợi đại biểu khiếm thị Đào Thị Thu Hương
Điển hình làm theo gương Bác
Trao đổi kinh nghiệm thành công trong tiến hành Cuộc vận động ở tỉnh Đồng Nai, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: xác định mục tiêu phải dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm. Phải có mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài được xây dựng trên cơ sở sự tự giác trong nhận thức và hành động. Cần tăng cái cần tăng, giảm cái cần giảm. Phương pháp chỉ đạo là thống nhất trong mục tiêu, nguyên tắc nhưng phải đa dạng, linh hoạt, uyển chuyển đối với từng ngành, từng cấp. Nêu gương là giải pháp trọng tâm: cấp trên nêu gương cho cấp dưới, người đứng đầu phải nêu gương sáng, đảng viên nêu gương cho quần chúng, người lớn tuổi nêu gương cho người ít tuổi. Phương châm học tập là thường xuyên, làm theo...
Đồng chí thương binh 2/4, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Đình Nghiệp (Quảng Ngãi) làm xúc động khán phòng với những câu chuyện đi tìm hài cốt, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội cho 2 thân nhân liệt sĩ.
Anh Sùng A Phủ, dân tộc Mông ở Tân Uyên, Lai Châu thì tâm sự: Nói ít nhưng phải làm nhiều, làm có kết quả. Trước gia đình anh đói nghèo. Được tuyên truyền, vận động anh hiểu phải kế hoạch hóa gia đình, không nên đẻ dày đẻ nhiều. Hiện nay anh trồng rừng, động viên bà con trồng rừng phòng hộ. Anh còn vận động thành lập tổ phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện nay anh đã mua được ti vi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy.
Cả hội nghị như lặng đi khi nghe Đào Thị Thu Hương, đại biểu khiếm thị của đoàn Hà Nội theo từng dòng chữ braille kể về quá trình làm theo gương Bác. Lên 10 tuổi, Thu Hương hoàn toàn không còn nhìn thấy. Cửa sổ tâm hồn khép lại cuốn theo những ước mơ tuổi thơ Hương. Thật may mắn là Hương được gia đình gửi vào trường dành cho trẻ em khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây Hương được thầy cô kể cho câu chuyện Bác Hồ đến thăm thương binh và Bác nói: Thương binh tàn nhưng không phế. Hương tự nhủ lời Bác dạy thương binh cũng là phương châm sống của những người khuyết tật, phải vượt qua chính mình để tự đứng lên, thay đổi cuộc sống của mình. Lời dạy của Bác luôn thôi thúc Thu Hương cố gắng và cô luôn là học sinh dẫn đầu lớp những năm cấp 2, cấp 3. Hương tích cực tham gia phong trào của trường, của hội người mù. Thu Hương học ngoại ngừ từ năm lớp 11. Hương học tinh thần học ngoại ngữ của Bác ở mọi lúc, mọi nơi. Tháng 3-2006, Hương được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi được Hội người mù Hà Nội phát động về Cuộc vận động, Hương sưu tầm những mẩu chuyện về Bác và càng thêm cố gắng phấn đấu với tinh thần Bác dạy tàn nhưng không phế. Học Bác, Hương học tinh thần tự học, học thực chất, học suốt đời, học đi đôi với hành, học tinh thần vượt khó, đấu tranh với chính mình. Trong môi trường sư phạm Hương cùng các bạn rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, noi theo tấm gương mẫu mực của nhà giáo Nguyễn Tấn Thành, giỏi chuyên môn, nhân cách tốt. Hương là sinh viên dẫn đầu lớp, được tuyên dương sinh viên xuất sắc. Năm 2007-2008, Hương là sinh viên duy nhất của khoa nhận được học bổng do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng. Năm 2009, Hương được nhận giải Anh hùng thầm lặng của Microsoft. Tháng 6-2010, với điểm tổng kết 8,75, Đào Thị Thu Hương là thủ khoa của trường. Sau khi tốt nghiệp, Hương quay lại trường Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho các em đồng cảnh ngộ. Hiện nay cô là biên dịch viên của một tổ chức phi chính phủ. Cả hội nghị lúc lặng đi, lúc ào lên tiếng vỗ tay giòn giã. Nhiều người xúc động đến rơi nước mắt trước câu chuyện của Hương. Có đại biểu tâm sự: Đây không phải lần đầu tiên nghe Hương báo cáo nhưng lần nào cũng không cầm được nước mắt! Và nhiều đại biểu xung quanh, đồng cảm cùng lời chia sẻ đó.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Trước hết, phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn, nhiều mặt của Cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia.
Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị có ý nghĩa, tác dụng to lớn đối với quá trình thực hiện Cuộc vận động. Đội ngũ cốt cán, trước hết là người đứng đầu cơ quan đảng, nhà nước, thủ trưởng mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp chung, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện Cuộc vận động.
Phải làm cho Cuộc vận động lan toả, thấm dần, bám rễ vững chắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi gia đình, mỗi người dân, trở thành lối sống đẹp, nếp sống đẹp, lẽ sống cao quý.
Thứ hai, phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình, với nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn và suốt cả nhiệm kỳ; quá trình thực hiện, cần tìm tòi và bổ sung các giải pháp, bước đi phù hợp. Gắn kết một cách khéo léo, nhuần nhuyễn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Sự lồng ghép này vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.
Thứ ba, phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng; các chuẩn mực này dễ nhớ, dễ thực hiện; tránh ôm đồm, chung chung, kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, phô trương. Phải coi việc thực hiện Cuộc vận động trước hết là vì nhu cầu, quyền lợi tự thân của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng, đoàn thể; không chỉ thuần tuý về đạo đức, lối sống mà cao hơn, là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, công tác học tập, rèn luyện, cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi người, mỗi đơn vị.
Cần phát huy dân chủ thực sự, cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp lấy ý kiến của quần chúng góp ý cho cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để quần chúng góp ý nhiều hơn, thẳng thắn, trách nhiệm hơn cho tổ chức, cho cán bộ và đảng viên.
Thứ tư, trong chỉ đạo và thực hiện, cần xác định đây là cuộc vận động lâu dài, tiến hành trong nhiều năm, cho nhiều thế hệ. Do đó, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả Cuộc vận động trong khi cần phải có một thời gian và nỗ lực cần thiết. Mặt khác, khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan, chưa thực sự quan tâm tới Cuộc vận động; cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, giải pháp của công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Hệ thống các văn bản hướng dẫn, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và của ban chỉ đạo các cấp cần ngắn gọn, thống nhất, kịp thời, sát đúng với tình hình. Tiếp tục huy động các ban, ngành của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực tham gia Cuộc vận động. Tổ chức đảng các cấp cần đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt đảng hằng tháng, vào kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên. Các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần quy định việc thực hiện Cuộc vận động là một tiêu chí bắt buộc với công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; coi đó là một trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hằng tháng, hằng năm.
Thứ năm, về công tác chỉ đạo điểm, trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cuộc vận động, cần chọn đúng, trúng điểm chỉ đạo; tập trung xây dựng, phát huy vai trò, tác dụng của các đơn vị làm điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; đúc rút kinh nghiệm sâu sắc để nhân ra diện rộng. Quan tâm xây dựng các điển hình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người thường xuyên tiếp xúc, phục vụ nhân dân, quản lý về tài chính, đất đai, công sản...
Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có tới 91% số người được hỏi cho rằng cần thiết phải tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó 59% cho rằng nên tiếp tục duy trì Cuộc vận động, nhưng có cải tiến về cách thức tổ chức, hình thức, đối tượng, nội dung học tập và làm theo; 32% cho rằng đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành nhiệm vụ thường xuyên và vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng của mọi tổ chức, mọi con người Việt Nam. Trải qua 4 năm triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sự cần thiết phải tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới.
Thu Huyền