Bài học cốt tử: Học dân để lãnh đạo dân

Đảng và Nhà nước đang tiến hành tổng kết Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ dân đến cán bộ đều học tập Bác Hồ để trở thành công dân tốt, cán bộ tốt. Có những bài học cho cả triệu người như Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Lại có bài học chủ yếu cho lãnh đạo cấp cao, đứng đầu các bộ, ngành ở Trung ương, đó là chống quan liêu. Tham ô, lãng phí, quan liêu được Bác Hồ chỉ đích danh là nội xâm.

Quan liêu nguy hiểm nhất như Bác đã nhận xét: “Quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 490).

Tết Âm lịch năm 1963, Bác muốn đến chúc tết một gia đình nghèo ở Hà Nội. Bác căn dặn anh em bảo vệ không được báo cho chính quyền thành phố biết, anh em phải khéo léo tìm ra gia đình cực nghèo và chỉ có Bác và mấy người đến thôi. Xem báo thấy lãnh đạo thăm gia đình nghèo, đi theo còn có lãnh đạo tỉnh, huyện, lại có nhà báo quay phim, chụp ảnh, Bác thấy khi chuyến thăm còn dùng để tuyên truyền thì cái nghèo của gia đình chẳng thể còn nguyên vẹn. Chuyện về một cô giáo không còn được đảng bộ xã công nhận là đối tượng cảm tình đảng, Bác cũng biết. Tội chỉ vì lãnh đạo xã căn dặn phải cho học sinh ăn mặc áo quần mới, ít nhất cũng lành lặn, chân các em đừng đi đất để đón lãnh đạo Trung ương về thăm nhưng cô giáo không chấp hành, lại còn nói phải để Trung ương biết tận nơi các em khổ như thế nào thì Trung ương mới giải quyết. Những chuyện thế này, Bác Hồ đều kể cho anh em cảnh vệ nghe để Bác đi công tác bất cứ đâu cũng không cho nơi đó biết trước. Cục trưởng Cục Cảnh vệ Huỳnh Hữu Kháng được đi theo bảo vệ Bác 6 năm kể lại, có lần ông báo cho nơi Bác Hồ sắp đến thăm biết trước, Bác đã phê bình ông nghiêm khắc, Bác nói rõ nếu để xảy ra lần nữa Bác không cho đi theo bảo vệ Bác nữa.

Lãnh đạo Trung ương về cơ sở, thực tế không còn nguyên vẹn vì đã được bố trí, sắp xếp, tô vẽ, có nơi gọi là thực tế đã bị “luộc” và như vậy “lợi bất cập hại” vì lãnh đạo vẫn tưởng nơi mình đến công tác tận nơi mắt, thấy tai nghe hẳn hoi là tốt đẹp thật. Lãnh đạo về cơ sở không chỉ nâng cao dân trí mà còn là nâng cao chính bản thân mình, nâng cao “quan trí”. Dân là nguồn trí tuệ là kho sáng kiến của Đảng và Nhà nước và những sáng kiến ấy cần được lãnh đạo trên cơ sở phát hiện, nâng lên, hoàn chỉnh thành những luật, những chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, có khi sáng kiến của dân được nâng lên, hoàn chỉnh thành phương án đổi mới. Khoán hộ từ sự sáng tạo của nông dân được ông Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phú phát hiện, ủng hộ sau đó đã toàn quốc hóa rất nhanh, dù còn phải làm “chui” dân cũng vẫn dám làm. Đổi mới, dân và Đảng là đồng tác giả là như vậy, với điều kiện tiên quyết thường xuyên có lãnh đạo bộ, ban, ngành bám cơ sở. Chúng ta càng hiểu sâu xa tại sao Bác Hồ đòi hỏi rất nghiêm ngặt cán bộ nhà nước dù giữ chức vụ gì cũng không bao giờ được quên rằng mình là cán bộ dân vận. Gặp dân không chỉ qua máy tăng âm hiện đại nói chuyện với hàng trăm, hàng nghìn người mà lại phải dành thời gian về sống trong dân, tâm tình trò chuyện với dân như Bác Hồ dặn dò rất cụ thể “một người nói với một người, từ miệng sang tai”.

Báo Sự thật số 140, ngày 2-9-1950 đăng bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” của Bác Hồ ký bút danh “X. Y. Z”. Câu hỏi “Bệnh quan liêu là thế nào?” được Bác giải thích: “Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết quần chúng, không học hỏi quần chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần, khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà ‘huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa, song những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến. Chỉ biết dự hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra”. Trong bài báo, Bác khẳng định: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 80).

Lãnh đạo học dân là hết sức cần thiết vì thực tế cuộc sống đã chứng minh đầy sức thuyết phục là không học dân thì sẽ lạc hậu hơn dân, lãnh đạo dân sao nổi? Bù giá vào lương, xóa bỏ tem phiếu là mong muốn khắc khoải của mọi người và nơi đầu tiên đã dám làm việc này là tỉnh Long An. Lãnh đạo hầu hết bộ, ban, ngành ở Trung ương đều không ủng hộ Long An, cho là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tập trung chuyên gia kinh tế, giáo sư, tiến sĩ còn chưa dám làm và đòi hỏi Chính phủ phải loại bỏ ngay cơ chế Long An… Cũng may, Tổng Bí thư Lê Duẩn đề nghị cứ để Long An làm thí điểm. Long An tồn tại rất khó khăn vì hầu hết bộ, ngành ở Trung ương coi thường…Còn dân và cán bộ Long An rất tín nhiệm lãnh đạo vì họ sống thoải mái hơn trước nhờ không còn tem phiếu, thị trường chỉ còn một giá. Một số tỉnh đến tìm hiểu cách làm ăn mới của Long An, rồi cũng chuyển sang xóa bỏ tem phiếu như Long An, dần dần Long An không còn đơn độc và tới năm 1985, Đảng và Nhà nước chính thức công nhận Long An là ngọn cờ xóa bỏ tem phiếu của cả nước.

Khoán hộ trong nông nghiệp còn gian nan, cơ cực hơn cơ chế Long An nhiều. Ra đời từ năm 1966, mãi đến năm 1988, nghĩa là 22 năm sau mới được công nhận hợp pháp. 22 năm bị cấm, coi là bất hợp pháp, một số đảng viên cơ sở lãnh đạo nông dân "làm chui" đã bị khai trừ khỏi Đảng. Một nghịch lý nổi bật: Nông dân tuyệt đại đa số ít học nhưng rất nhạy bén với cái mới, kiên quyết loại bỏ cách làm ăn cũ là khoán việc chỉ mang lại đói khổ cho nông dân. Ngược lại, các viện, các trường, các cơ quan Trung ương tập trung nhiều cán bộ được bồi dưỡng nhiều, học trong nước, ngoài nước lại chỉ bảo vệ cách làm ăn cũ đã quá lỗi thời, ra sức ủng hộ khoán việc, cho khoán việc thì nông dân mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương không chịu về nông thôn học nông dân và tìm hiểu tại sao nông dân mọi nơi không chấp nhận cách làm ăn do chủ quan áp đặt.

Học dân để lãnh đạo dân là bài học cốt tử Bác Hồ đã nêu lên từ năm 1950. Hơn 30 năm sau, bước vào công cuộc đổi mới càng thấy giá trị lớn lao của bài học này. Khi lãnh đạo không chịu là học trò dân, chỉ muốn làm thầy dân, đất nước đã phải trả giá quá đắt. Và cái giá quá đắt ấy nhân dân ta sẽ tiếp tục còn phải trả nếu lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương vẫn chưa thấy sát cơ sở, gần dân, học dân là vấn đề sống còn.

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất