Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long, đồng chí Phạm Thanh Xuân tâm đắc: “Sự đóng góp bằng vật chất cho các chương trình nhân đạo thời gian qua chưa phải là nhiều, nhưng cái được lớn hơn hết đó là lòng yêu thương con người trong cộng đồng được gắn kết, sẻ chia, nhân rộng. Chúng tôi – những người đóng vai trò “giao thoa” ấy rất phấn khởi vì đã thực hiện được một phần nhỏ trong mênh mông những điều chúng ta cần phải học theo Bác”.
Những năm gần đây, Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Vĩnh Long đã thật sự tạo được hiệu ứng đặc biệt sâu rộng từ công tác từ thiện - xã hội. Và làn sóng PTTH Vĩnh Long từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy, là nơi giao thoa của hàng vạn tấm lòng nhân ái tìm đến, gặp gỡ, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Đây không chỉ là nhận định của Ban Chỉ đạo 06 của tỉnh Vĩnh Long mà còn là cảm nhận của hàng triệu khán thính giả trong và ngoài nước.
Sức cuốn hút lạ thường
Mười năm qua, kể từ khi chuyên mục Địa chỉ nhân đạo của Đài PTTH Vĩnh Long phát sóng mỗi tháng một kỳ, sau đó tăng lên hai kỳ, rồi chuyển thành định kỳ hằng tuần vào mỗi tối chủ nhật đã trở nên quen thuộc trong lòng đông đảo bạn xem của đài. Ban đầu, có vài chục người ủng hộ, đến nay mỗi tuần có gần 500 lượt người hảo tâm góp lại với số tiền bình quân trên 40 triệu đồng (chưa kể vật chất khác) cho một trường hợp.
Song song với chuyên mục “tiên phong” này, những năm gần đây hàng loạt chương trình mang tính từ thiện - xã hội mới xuất hiện và mở rộng; danh sách của những tấm lòng nhân ái tìm đến với mỗi chương trình ngày càng dài thêm; người được giúp đỡ cũng từ đó càng nhiều hơn. Đó là những chương trình: “Vòng tay nhân ái”, “Tri ân nguồn cội”, “Vượt lên chính mình”, “Trái tim nhân ái”, “Chắp cánh ước mơ”, “Thắp sáng niềm tin”, “Thần tài gõ cửa”… Quỹ học bổng mang tên nhà khoa học, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa với gần 2.500 suất cho đối tượng là học sinh, sinh viên đồng bằng sông Cửu Long vượt khó, học giỏi đã ra đời. Mỗi chương trình, mỗi dòng địa chỉ về những đối tượng neo đơn, bệnh tật, nghèo khó, có lòng tin, biết phấn đấu vượt qua được phát trên sóng PTTH Vĩnh Long đã thật sự “chạm” vào trái tim nhân ái của bao người, bao doanh nghiệp trong và ngoài nước… Đặc biệt, trong đó có nhiều người còn tự nguyện lập chúc thư khi qua đời sẽ trao hết số tiền phúng điếu cho mục Địa chỉ nhân đạo của Đài để ủng hộ người nghèo, như bà Mai Thị Lặc, ông Nguyễn Văn Hết, bà Lê Thu Cúc… Và đặc biệt, nhà hảo tâm Nguyễn Thành Hổ còn cam kết “Sống làm nhân đạo, chết cho nhân đạo!”. Từ sự tiên phong của ông, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và thu hút được nhiều nhóm tham gia ủng hộ thường xuyên cho Địa chỉ nhân đạo như nhóm nhà hảo tâm ở xã Tân An Luông, thị trấn Tam Bình, thị trấn Cái Vồn, xã Hựu Thành…
Số tiền, vật chất thu được qua mỗi chương trình lần sau luôn cao hơn lần trước. Riêng chuyên mục Địa chỉ nhân đạo, năm 2008 có trên 6.700 lượt người ủng hộ với số tiền gần 1 tỉ đồng, thì năm 2009 gần 15.000 lượt người giúp, đã nâng được số tiền lên trên 1,85 tỉ đồng. Tổng số tiền phúc lợi thu được qua những năm thực hiện các chương trình đã tiếp nhận trên 25 tỉ đồng và hiện mỗi năm số tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ cho các đối tượng đạt trên dưới 5 tỉ đồng (chưa tính các khoản do doanh nghiệp tài trợ). Số tiền của hàng chục ngàn nhà hảo tâm tin tưởng gửi gắm qua địa chỉ của Đài đã thật sự được trao đến tận tay hàng ngàn đối tượng đúng địa chỉ mà không hề bị thất thoát đồng nào. Tất cả số tiền có được đều đã sử dụng đúng mục đích, giành lại sự sống cho hàng trăm cảnh đời bệnh tật, giành lại nhịp đập cho hàng ngàn trái tim đau yếu và tạo điều kiện cho hàng vạn cảnh đời kém may mắn có thêm nghị lực vượt qua số phận, ổn định cuộc sống và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
“Quả tim khỏe chia sẻ trái tim đau!”
Số tiền có được qua các chương trình từ thiện - xã hội của Đài tuy nhiều, đối tượng nhận được sự giúp đỡ cũng ngày tăng lên, nhưng thực tế vẫn còn đó rất nhiều mảnh đời không may, cần sự đùm bọc của xã hội. Đảng ủy Đài chỉ đạo tiếp tục nhân rộng hơn các hoạt động từ thiện - xã hội, khơi sâu hơn nữa lòng nhân ái của mọi người, để từ đó có thêm thật nhiều những con người khốn khó được giúp đỡ, chia sẻ kịp thời, hiệu quả… Có lẽ không gì hạnh phúc bằng khi biết từ những việc làm và đóng góp của mình qua các chương trình từ thiện - xã hội của Đài PTTH Vĩnh Long mỗi tuần đã góp phần “cứu sống được 4 mạng người”.
Cảm xúc thật khó tả khi nghe bà Ngô Thị Tám ở Nhơn Bình (Trà Ôn) - một trong những bệnh nhân nghèo bị suy tim độ 3, được phẫu thuật tim miễn phí từ chương trình “Trái tim nhân ái” - nay đã khỏe mạnh, vui sướng pha lẫn nghẹn ngào khi nói tiếng cảm ơn: “Nếu các chú ở Đài Vĩnh Long không đến giúp kịp, chắc chắn tôi đã chết lâu rồi!”. Hay như trường hợp của anh Phạm Văn Lộc ở Tân Ngãi (Tp.Vĩnh Long) là lao động chính của một hộ nghèo, bị đa chấn thương trong một vụ tai nạn giao thông thủy, xúc động cho biết: “Nếu không nhờ số tiền của Địa chỉ nhân đạo giúp đỡ, tôi không thể nào sống nổi!”.
Hoặc như trường hợp của em Thanh 14 tuổi ở xã Đại Phúc, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh được phát sóng đã ám ảnh không ít tâm trí và làm rơi lệ biết bao người. Mẹ mất sau cơn bạo bệnh, không bao lâu cha lại phải nằm một chỗ với căn bệnh “bán thân bất toại”, người thân của gia đình không giúp được gì bởi họ cùng thuộc diện nghèo, lại thêm ở rất xa... Hằng ngày, em Thanh chỉ biết đi bắt ốc, hái rau để kiếm tiền nuôi cha, vừa cố gắng theo học lớp 8 trường làng. Xót xa thay, có hôm trên đường đi học, vì quá đói em phải vào nhà nọ, nhặt cơm đang rãi cho gà, đem rửa lại để ăn, lấy sức tiếp tục đến trường. Hình ảnh đó đã làm bao trái tim khỏe phải quặn thắt nhói đau. Và sau khi xem xong chương trình, một nữ khán giả ở phường 1, Tp.Vĩnh Long đã chia sẻ với những người làm chương trình qua hàng nước mắt: “Thật tội nghiệp! Đêm nào chưa đến được với con bé là tôi không sao chợp mắt được!”. Đích thân cô mang hơn mười ký gạo, với một số tiền, lội bộ hàng mấy cây số đường đồng để đến chia sẻ khó khăn cùng cha con em. Qua Đài, đã có nhiều nhà hảo tâm đến ủng hộ cho gia đình em Thanh. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã quan tâm, giúp em tiếp tục con đường học tập theo ước vọng của mình.
Thực tế, mỗi người trong hàng trăm ngàn người đã đến với các chương trình từ thiện - xã hội của Đài vì một nỗi thôi thúc của con tim. Và quý hơn vàng, là một bộ phận người có thể được xếp vào mức thu nhập “tận cùng trong xã hội” như chị bán xôi, anh bán báo, cô bán vé số trên đường Phạm Thái Bường (Tp.Vĩnh Long) hằng ngày dè xẻn chi tiêu trong số tiền ít ỏi kiếm được để đều đặn đóng góp cho các chương trình từ thiện của Đài.
Thấu hiểu hơn ai hết khi hằng ngày phải tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đời nghèo khó, làm cật lực mà thu nhập chưa tới 10 nghìn đồng/ngày, lại mang bệnh tật hiểm nghèo, nhiều tập thể, cán bộ, viên chức của Đài đã tự nguyện cắt giảm chi tiêu để dành tiền đóng góp hằng tuần cho các chương trình từ thiện - xã hội. Hay như câu chuyện cảm động về anh lái xe của Đài lặng lẽ bật khóc phía sau nhà một gia đình nghèo khó mà anh có dịp đưa ê kíp thực hiện chương trình đến. Anh quyết định mang hết số tiền gần một triệu đồng đem theo bên mình để tặng cho gia đình ấy… Còn tất cả đảng viên, cán bộ, viên chức của Đài đã tự nguyện hằng tháng góp 2% tổng thu nhập dành để tài trợ chi phí mổ tim cho người nghèo và ủng hộ nồi cơm, nồi cháo từ thiện tại các bệnh viện của tỉnh…
Một chút tự sự
Anh Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Sản xuất chương trình, tâm sự: “Bây giờ, từng thành viên trong ê kíp thực hiện các chuyên mục từ thiện - xã hội của Đài PTTH Vĩnh Long đã rất thành thạo trong tác nghiệp. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào khi những cảnh đời khó khăn nhất cần sự giúp đỡ của cộng đồng thì dù ngày nắng hay đêm mưa, xa xôi cách trở thế nào anh em cũng quyết tâm tìm đến, thực hiện cho bằng được những thước phim mang hình ảnh sống động nhất để đưa đến người xem và cùng cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ”.
Phó trưởng Phòng Chuyên mục Hồ Minh Trữ, người thường xuyên đến với bao học sinh nghèo vượt khó trong chương trình “Thắp sáng niềm tin”, cho biết: “Có nhiều trường hợp khó khăn vô cùng, cả ê kíp làm chương trình cũng không thể tưởng tượng nổi, đến điều kiện tối thiểu cho cuộc sống cũng không có, nhưng không hiểu sao các em vẫn vượt qua và học rất giỏi. Chính điều này như một động lực cứ thôi thúc anh em làm chương trình phải cố gắng đi và đến được với các em nhiều hơn nữa”. Còn anh Nguyễn Tường Thụy, phóng viên phụ trách chuyên mục Địa chỉ nhân đạo, bày tỏ: “Mỗi người mỗi cảnh, thấy thương quá! Tuần nào không đến và giúp đỡ được họ tôi buồn vô cùng!”.
Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long, đồng chí Phạm Thanh Xuân tâm đắc: “Sự đóng góp bằng vật chất cho các chương trình nhân đạo thời gian qua chưa phải là nhiều, nhưng cái được lớn hơn hết đó là lòng yêu thương con người trong cộng đồng được gắn kết, sẻ chia, nhân rộng. Chúng tôi - những người đóng vai trò “giao thoa” ấy rất phấn khởi vì đã thực hiện được một phần nhỏ trong mênh mông những điều chúng ta cần phải học theo Bác”. Những việc làm theo Bác của chúng tôi đã có từ hơn mười năm nay, từ khi chưa có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ sức lan tỏa này, ai cũng cảm thấy sức mình góp còn quá bé, việc mình làm còn quá ít, nên nhiều người đã từ chối việc xướng danh, chỉ xin giữ lại trong lòng một niềm vui nho nhỏ là đã giúp cho người khác bớt được nỗi đau và góp cho đời thêm những niềm vui!
Bài, ảnh: Trần Út - Vân An