Gặp gỡ những tấm gương tiêu biểu
Trước những chia sẻ của các đại biểu, đặc biệt là các hoàn cảnh vượt khó vươn lên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vỗ tay không ngớt

Luôn cần người tâm huyết
Đó là thông điệp mà người đảng viên, đại biểu thi đua trong lĩnh vực chống tham nhũng Phạm Thanh Bình (Đảng bộ phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) gửi đến Đại hội. Với bản chất “anh bộ đội cụ Hồ”, năm 1992 về nghỉ hưu tại phường Nghĩa Đô, người lính Phạm Thanh Bình đã tích cực hoàn thành những nhiệm vụ của người công dân. Lòng nhiệt huyết, tinh thần thẳng thắn trong đấu tranh phê bình và tự phê bình nên nhiệm kỳ 2005-2010 đồng chí được bầu làm Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô. Những năm tháng công tác tại phường, người lính, người đảng viên Phạm Thanh Bình thấy có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên nên đã cùng các đồng chí trong đảng ủy kiên quyết chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra tại các đơn vị có biểu hiện tiêu cực… Tinh thần dám chống lại tham nhũng của đồng chí Bình đã “ảnh hưởng” tới một số đồng chí có liên quan. Do vậy, Bí thư Đảng ủy Phạm Thanh Bình đã bị nghỉ chức vụ bí thư, chủ tịch HĐND… Song, việc đồng chí Bình bị nghỉ công tác không làm giảm đi tinh thần chống tham nhũng mà còn là cú hích mạnh để các đảng viên tâm huyết với Đảng tại phường Nghĩa Đô tiếp tục hành trình chống tham nhũng. Tinh thần ấy đã được các cấp ủy cấp trên quan tâm. UBND Tp. Hà Nội đã thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành của thành phố và quận Cầu Giấy về việc sử dụng, quản lý đất đai ở 14 điểm; kiểm tra cán bộ lãnh đạo, quản lý lấn chiếm đất… Và đồng chí Bình được phục hồi lại các chức vụ. Đồng chí Bình tâm sự: Mình phải dựa vào quần chúng nhân dân mới đấu tranh được.

 

Giao lưu cùng đại biểu Nguyễn Văn Nhi (bên trái), Phạm Thanh Bình (thứ 3, trái sang)

Đến nay, Đảng bộ phường Nghĩa Đô đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng chí Phạm Thanh Bình không tham gia công tác lãnh đạo nữa nhưng với tinh thần của người đảng viên, người lính vẫn tiếp tục cùng cán bộ, đảng viên, nhân dân Nghĩa Đô tiếp tục chống tham nhũng. Theo đồng chí, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của phường Nghĩa Đô mới chỉ bắt đầu. Cuộc đấu tranh này phải rất khôn khéo, bài bản, có vậy mới góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Sống cần có sự hy sinh và hướng tới cộng đồng
Thông điệp này được Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - Phạm Thị Huân gửi tới các khán giả. Ba Huân bắt đầu lập nghiệp bằng con đường kinh doanh trứng gia cầm lúc 16 tuổi. Những năm tháng này, chị Ba không chỉ phơi nắng, dầm mưa, nhịn đói để thu gom trứng, tìm bạn hàng, mà còn phải vay mượn, tính toán để không lỗ, hòa vốn và kiếm từng đồng lãi. Chị Ba Huân tâm sự: “Từ lúc ấy cho đến sau này, bằng mọi cách tôi biến trứng thành tiền, thành vàng nhưng không phải để cắc củm lo riêng mình. Tôi muốn đồng tiền phải đẻ lợi đơn, lợi kép chính vì những người chăn vịt trên đồng, những bạn hàng sớm khuya nơi phiên chợ, cho gia đình bớt nhọc nhằn và em út, con cái tôi được học hành”... Suốt chặng đường lập nghiệp, Ba Huân trải qua nhiều đoạn gập nghềnh song với sự nỗ lực của bản thân chị đã vượt qua và thành công.
Với ánh mắt ươn ướt khi kể về bước ngoặt trên con đường kinh doanh của mình, chị Huân cho biết năm 2003, khi dịch cúm gia cầm hoành hành, người nông dân và người kinh doanh trứng gia cầm đều lao đao. Đi khắp vùng quê đâu đâu cũng chỉ là cảnh đau lòng của người nông dân vì không còn phương tiện sản xuất, những trại gà, trại vịt sau một đêm bỗng thành con số không. Cảm thông với nỗi thống khổ của bà con nông dân, Ba Huân đã quyết định gom góp tiền để đi ra nước ngoài xem các nước xử lý trứng gia cầm như thế nào. Hết đi châu Á rồi sang châu Âu, thật may Ba Huân đã tìm ra hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm hàng đầu thế giới Moba ở Hà Lan. “Nhìn thấy lá cờ Việt Nam được gắn cùng với cờ các nước tại hãng Moba (nước nào mua thiết bị, hãng Moba đều gắn cờ nước đó - PV) tôi thấy nhói lên trong tim” - chị tâm sự. Vì từ thời điểm này chị chắc rằng người Việt Nam có thể sánh cùng các nước trong việc xử lý trứng gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng chuẩn quốc tế.
Hiện nay, giá trứng chị thu mua bao giờ cũng ngang hoặc cao hơn giá thị trường. Giờ thì mỗi ngày, lượng trứng chị mua vào, bán ra lên đến 200.000 quả. Những cơ sở làm bánh lớn như Kinh Đô, Như Lan, các siêu thị, chợ... thương hiệu trứng Ba Huân đã trở nên quen thuộc. Và chị luôn giúp đỡ bà con nông dân trong chăn nuôi gia cầm.

 

Giao lưu cùng đại biểu Ya Loan (bên trái), Ba Huân (thứ 3, trái sang)

Dám nghĩ, dám làm, vượt khó để thành công

Ông Ya Loan, năm nay 63 tuổi (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ tại đại hội về việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ông là một già làng rất tích cực trong các phong trào thi đua của địa phương. Với ý chí vượt qua khó khăn và nói là làm, ông đã tham gia dạy tiếng dân tộc bản địa cho cán bộ của tỉnh, tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con ở thôn, buôn. Với kiến thức sư phạm đã được học và vốn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, ông Ya Loan đã cùng với một số anh chị em trí thức dân tộc Chu Ru trong tỉnh tham gia Hội đồng biên soạn giáo trình dạy tiếng dân tộc Chu Ru cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lâm Đồng do liên sở Nội vụ - Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Gia đình ông Ya Loan cũng là điểm đến của đoàn cán bộ giảng dạy, sinh viên Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Đà Lạt nghiên cứu, tìm tư liệu, lịch sử về dân tộc Chu Ru…

 

Cuộc gặp gỡ xúc động giữa PGS, TS. Nguyễn Tiến Quyết (GĐ BV Hữu nghị Việt - Đức) với bệnh nhân đã được ông cứu sống

Trọn tâm với việc, trọn tình với con người
Đây là thông điệp của Anh hùng lao động Nguyễn Văn Nhi, Đội trưởng sản xuất, Xí nghiệp Sông Đà 6.02 - Công ty Cổ phần Sông Đà 6 - Tập đoàn Sông Đà (Bộ Xây dựng) gửi đến đại biểu dự giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII. Anh Nhi cho biết, đằng sau sự thành công của anh là sự hy sinh to lớn, tình cảm nhân hậu của người vợ bé nhỏ của anh - chị Đặng Thị Tú. Gần 28 năm thoát ly cũng là ngần ấy thời gian anh đi làm thủy điện. Và cũng chính truyền thống tốt đẹp, quý báu của người thợ Sông Đà nói chung và môi trường Sông Đà 6 nói riêng đã rèn giũa, uốn nắn và tạo điều kiện thuận lợi cho anh được lao động, học tập, phấn đấu và phát triển. Trong báo cáo gửi về Đại hội của mình, anh Nhi có báo cáo bảng lương của công nhân. Nhìn vào bảng lương tấy hằng năm đều tăng thu nhập. Đội của anh luôn quan tâm tới cuộc sống tinh thần của công nhân. Tại Đại hội, anh đã dùng hình ảnh “tổ kén” để nói về đội sản xuất của mình. Theo anh, 10 năm qua, lúc nào đội của anh cũng gắn bó, đoàn kết, hoàn thành những nhiệm vụ được giao.
Buổi giao lưu với những tấm gương thi đua tiêu biểu đã khép lại nhưng dư âm và những tình cảm nồng ấm vẫn đọng mãi trong lòng mỗi người. Họ chính là tấm gương sáng để mỗi chúng ta học tập và làm theo.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất