“Ba khéo, một phải” ở một chi bộ khu phố

Nữ bí thư chi bộ Nguyễn Việt Kim kể lại chuyện vận động nhân dân trong khu phố đóng góp tiền, vật liệu, công lao động... để xây nhà văn hóa đầu tiên (hoàn toàn bằng sức dân), từ đó dấy lên phong trào làm nhà văn hóa khu dân cư trong toàn huyện Bảo Thắng. 


Thấy mỗi lần họp khu phố, bà con phải đi mượn chỗ, rồi trải chiếu xuống đất thật bất tiện, bí thư chi bộ khu phố 3 nêu ý tưởng làm nhà văn hóa ở khu dân cư, đưa ra bàn bạc trong chi bộ và lấy ý kiến nhân dân trong khu phố, qua họp bàn mọi người hoàn toàn nhất trí, ủng hộ. Nhưng khi tổ chức thực hiện thì “bị vướng” ở khâu đóng góp kinh phí. Khu phố 3 có 245 hộ dân với 950 nhân khẩu, phần lớn làm nghề bốc vác, thợ xây, buôn bán nhỏ, làm thuê..., đời sống còn nhiều khó khăn. Dân cư đông đúc, nhiều thành phần, khó tránh khỏi tình trạng “ chín người mười ý”, có hộ vì hoàn cảnh khó khăn, có người chưa tin tưởng ở chất lượng công trình nên không nhiệt tình với việc chung, v.v. Lúc này, chi bộ tập trung làm công tác dân vận theo phương châm “ba khéo một phải”, tức là: khéo trong phát hiện vấn đề để đề ra chủ trương đúng, hợp lòng dân; khéo trong bàn bạc với dân các kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; khéo trong kết hợp hài hòa lợi ích tập thể và nhân dân để khắc phục hiệu quả những vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận động, thực hiện. Ðồng thời cần thực hiện “một phải”, đó là: đảng viên trong chi bộ khu phố phải nói đi đôi với làm, là tấm gương để nhân dân học tập, làm theo.  


Trước hết, tất cả gia đình các đảng viên gương mẫu đóng góp tiền trước theo mức khu phố đã thống nhất, ngoài ra còn ủng hộ thêm vật liệu, trang thiết bị như bàn, ghế, ấm chén... Những đảng viên cao tuổi vừa vận động con cháu, họ hàng tích cực hưởng ứng, vừa tự nguyện đến những hộ có hoàn cảnh khó khăn, còn chưa thông suốt, để giải thích, vận động tham gia vì lợi ích chung, xây dựng tình làng nghĩa xóm. Ðể tiết giảm chi phí, chi bộ giao tổ trưởng khu phố công khai lựa chọn, sử dụng thợ xây ngay trong các hộ gia đình trên địa bàn. Chi bộ đề nghị lập ban giám sát gồm 12 người do nhân dân trong khu phố chọn cử để thường xuyên giám sát chất lượng công trình. Thấy cách làm việc công khai, dân chủ, vì lợi ích chung, bà con trong khu phố đều tán thành và tích cực tham gia bằng khả năng của mình. Nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ thêm các vật dụng cho nhà văn hóa khu phố. Phấn khởi trước quyết tâm và cách làm hay của chi bộ và nhân dân khu phố 3, đồng chí Bí thư huyện ủy Bảo Thắng đã dùng tiền lương mua ủng hộ ba nghìn viên gạch để xây nhà văn hóa. Sau một thời gian, nhà văn hóa khu phố 3 đã hoàn thành, trị giá 138 triệu đồng (hoàn toàn do dân đóng góp); được dùng làm nơi tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng, họp tổ dân phố, sinh hoạt văn nghệ... thuận tiện, an toàn.  


Từ thành công này, chi bộ khu phố 3 tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Nét mới ở chi bộ khu phố 3 là đổi mới cách ra nghị quyết, phát huy cao độ dân chủ, trí tuệ tập thể, sáng tạo của đảng viên và các tổ chức đoàn thể chính trị. Kinh nghiệm của chi bộ là không chuẩn bị dự thảo nghị quyết quá đầy đủ, quá chi tiết, vì như vậy đảng viên luôn có cảm giác chi ủy đã làm thay mọi việc. Bí thư chi bộ Nguyễn Việt Kim cho biết: Các buổi sinh hoạt chi bộ, ai cũng cố gắng suy nghĩ tìm tòi để tham gia nhiều ý kiến vào bản dự thảo nghị quyết của chi bộ. Nhờ vậy, nghị quyết bám sát đời sống hơn, bởi không ai khác, chính những đảng viên phát hiện, kiến nghị và đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết vấn đề bức xúc đang đặt ra ở khu dân cư. Bởi vậy, việc thực hiện nghị quyết thuận lợi hơn, đạt kết quả rõ rệt.  


Ðể có phong trào “làm theo” rõ nét, hiệu quả, chi bộ khu phố 3 cụ thể hóa các chuẩn mực, đạo đức trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm công việc của đảng viên ở khu phố; gắn nội dung Cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao là thước đo việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Ban công tác mặt trận và chi hội phụ nữ khu phố đã đứng ra tín chấp với ngân hàng, giúp cho 100% gia đình có nhu cầu được vay vốn phát triển sản xuất. Chỉ có 65 hội viên, bằng các hình thức tiết kiệm như “hũ gạo tình thương”, “lợn đất tiết kiệm”..., chi hội đã tạo được nguồn quỹ gần 100 triệu đồng, dùng để hỗ trợ, cho các hộ nghèo vay không lấy lãi để làm kinh tế gia đình. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong khu phố đã thoát nghèo như chị Thanh, anh Thành, anh Hùng, bà Máng... Chi đoàn thanh niên làm nòng cốt trong vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Ðến nay, tất cả ngõ, xóm có đường bê-tông, khu phố chỉ còn hai hộ nghèo do hoàn cảnh éo le.  


Nói về sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trở thành điển hình xuất sắc của tỉnh Lào Cai trong thực hiện Cuộc vận động lớn, bí thư chi bộ Nguyễn Việt Kim nhấn mạnh, dân vận là chìa khóa của thành công, muốn dân vận hiệu quả thì chi bộ gắn kết chặt chẽ, thật sự ở trong lòng dân.  


Bài và ảnh: Quốc Hồng

Nguồn: Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất