Giáo sư, liệt sỹ Dương Quảng Hàm là niềm tự hào của miền quê Văn Giang, Hưng Yên, cũng là niềm tự hào chung của giáo chức, của giới nghiên cứu văn học và những người yêu nước Việt Nam. Trước khi hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giữa những năm 40 của thế kỷ XX, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã đào tạo hàng nghìn học trò, viết những sách giáo khoa đầu tiên về văn học sử Việt Nam với chất lượng được xếp vào hàng kinh điển.
Theo Quyết định số 37-QĐ/UBND ngày 27-9-2001, UBND tỉnh Hưng Yên đã lấy tên Dương Quảng Hàm đặt cho trường THPT mới được thành lập trên quê hương Văn Giang của ông…
Ngày đầu nhận công tác, các thầy cô giáo ở đây chắc không thể nào tưởng tượng được, chỉ trong một thời gian ngắn, trường của mình lại có được cơ ngơi như hiện nay. Từ chỗ đi “ở nhờ” một đơn vị khác, đến nay đã có một “quần thể kiến trúc” hợp chuẩn trên một diện tích rộng rãi. Từ chỗ trường chỉ vỏn vẹn 4 giáo viên trong biên chế, đến nay đã có một đội ngũ giáo viên hùng hậu với chuyên môn nghiệp vụ vững, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh không ngừng nâng cao... Đó là kết quả 9 năm xây dựng và trưởng thành của trường THPT Dương Quảng Hàm ở Văn Giang, Hưng Yên. Thầy giáo Chu Đức Nhuận, hiệu trưởng nhà trường, bằng sự quả quyết của một giáo viên Toán khi khẳng định một đáp án đúng, đã nói rằng, để phát huy được thế mạnh nội lực của trường, có sự tác động không nhỏ từ tấm gương Dương Quảng Hàm và đặc biệt từ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, của Huyện ủy, UBND huyện, sự hỗ trợ và đồng thuận của nhân dân địa phương, thầy cô giáo và các thế hệ học sinh trường THPT Dương Quảng Hàm đã từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Đến nay, cơ sở vật chất của trường tương đối đầy đủ, 15 phòng học đã đưa vào sử dụng, 15 phòng học đang xây dựng, khu phụ trợ cho các hoạt động giáo dục đang từng bước hoàn thiện. 51 giáo viên nhà trường đều đạt chuẩn; trong đó có 9 giáo viên có trình độ thạc sĩ; 13 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 100% giáo viên được thanh tra Sở giáo dục xếp loại khá trở lên. Tất cả giáo viên trong trường đều thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn và có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu kém, học sinh trung bình.
Những gian khó của thời kỳ đầu thành lập đã được chi bộ nhà trường, Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo đồng tâm hợp lực vượt qua chỉ sau dăm năm học. Cùng lúc, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động. Chi bộ nhà trường đã nhanh chóng vận dụng tinh thần của Cuộc vận động kết hợp với các phong trào của ngành giáo dục để đề ra các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đưa chất lượng dạy và học trong nhà trường đi vào chiều sâu: Xây dựng đội ngũ giáo viên, quản lý nền nếp dạy và học, thực hiện kế hoạch giáo dục theo chủ đề năm học; đổi mới phương pháp dạy học... Qua việc học tập các chuyên đề của Cuộc vận động lớn này, toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã tự vận dụng vào đời sống và công việc chuyên môn của mình để sống, lao động và học tập theo tấm gương đạo đức của Bác. Với cương vị là người thầy, họ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ vững phẩm cách nhà giáo, nâng cao năng lực chuyên môn để làm tốt nhiệm vụ giáo dục nhân cách, truyền đạt kiến thức cho những thế hệ học sinh. Mỗi thầy cô giáo trong nhà trường đã phấn đấu là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Các thầy, các cô đều không ngừng tự bồi dưỡng, tự tích lũy, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ. Nhiều giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, soạn và dạy giáo án điện tử trên máy vi tính, sử dụng các phần mềm dạy học có nội dung thích hợp với bộ môn. Các giờ học từng bước đoạn tuyệt với lối dạy “đọc-chép”, những gì học sinh nói được, viết được, làm được thì giáo viên không nói, không viết, không làm thay. Từ đó học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, có năng lực tự học. Các tổ chuyên môn còn tổ chức dạy thể nghiệm để rút kinh nghiệm về những phương pháp dạy mới và khó, như: Dạy học theo nhóm nhỏ, dạy học hợp tác, dạy theo năng lực tiếp thu, dạy tư duy, phát hiện và giải quyết vấn đề... nhằm tiếp tục xây dựng trường học, lớp học, bài học thân thiện, học sinh tích cực một cách thực chất.
Để có đội ngũ giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, Chi bộ chủ trương đi liền với bồi dưỡng chuyên môn, phải chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, lý tưởng cho đội ngũ giáo viên. Nhờ vậy, những năm qua, nhiều thầy cô đã không ngừng tiến bộ, vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ chỗ chỉ có 3 đảng viên lúc mới thành lập, hiện nay Chi bộ trường THPT Dương Quảng Hàm đã có 24 đảng viên. Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ cũng như toàn thể đội ngũ giáo viên đều được quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các văn bản liên quan đến giáo dục. Chi bộ luôn giữ vững danh hiệu đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Bằng các công việc cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện Cuộc vận động, trường THPT Dương Quảng Hàm đã có những thành tích đáng kể. Ba năm học gần đây, trường luôn được đánh giá là một trong những trường ở tốp đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh. Trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, trường luôn có tỉ lệ học sinh đoạt giải cao. Năm học 2008-2009, đội tuyển học sinh giỏi của trường xếp thứ 6/25 trong toàn tỉnh. Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2007, trường THPT Dương Quảng Hàm có 54,8% học sinh thi đỗ. Con số đó đến kỳ thi năm 2008 là 66,6%, trong đó có 215 em đỗ vào các trường đại học, 176 em đỗ vào các trường cao đẳng. Theo thống kê và đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai năm liền (2008 và 2009) trường THPT Dương Quảng Hàm là một trong 200 trường THPT có điểm thi đại học, cao đẳng cao trong toàn quốc.
Những kết quả phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã được nhiều cấp, ngành ghi nhận. Năm 2009, Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục; Chi bộ nhà trường đã được Tỉnh ủy tặng Cờ chi bộ TSVM 5 năm liền; năm 2008, Trường được UBND tỉnh Hưng Yên tặng Cờ đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua khối THPT; chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Ban Chấp hành tỉnh đoàn tặng Cờ đơn vị xuất sắc nhất 3 năm liền (2004-2006)… Nhiều thầy, cô giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều mà các thầy, cô giáo nhà trường tâm đắc. Thầy giáo Chu Đức Nhuận, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Những thành tích đã được công nhận là kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường nhằm thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhưng, với chúng tôi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chính là sự phấn đấu để giữ được cái tâm, cái đức của nhà giáo, để mỗi thầy cô là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Hướng về bức tượng nhà giáo Dương Quảng Hàm, đồng chí bí thư kiêm hiệu trưởng như tự nói với chính mình: “Và, chúng tôi phải luôn xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân khi họ giao con em cho mình dạy dỗ”.
Bức tượng nhà giáo Dương Quảng Hàm được đúc bằng đồng, do Hội Sử học Việt Nam tặng, hiện đang được đặt ở vị trí trang trọng trong phòng truyền thống nhà trường. Ngày ngày, anh linh nhà giáo tài hoa, yêu nước như thấy được sự trưởng thành của ngôi trường mang tên ông, chứng kiến đội ngũ giáo viên và học trò quê hương đang nỗ lực giảng dạy và học tập vì ngày mai của đất nước. Bất giác, trong một khoảnh khắc như thể thần giao cách cảm, một “sát na”, tôi nhận thấy từ thăm thẳm đôi mắt người thầy mẫu mực ấy, hiển hiện nét cười mãn nguyện...
Trường THPT Dương Quảng Hàm tọa lạc giữa cánh đồng cây ăn quả đặc sản của xã Liên Nghĩa. Đứng dưới tấm biển “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” treo trang trọng trên sảnh, bất giác, tôi thầm nghĩ, vụ thu hoạch cam, quýt... của những người nông dân một nắng hai sương ngoài kia có thể đong đếm bằng giá trị vật chất hiện hữu, còn với các thầy cô giáo, kết quả học tập của học sinh lại chưa thể coi là sản phẩm thực sự toàn vẹn của họ. Bởi với bất kỳ một giáo viên nào, khi mang trên mình trọng trách làm thầy, ngoài việc truyền đạt cho học sinh những kiến thức, tri thức của nhân loại, thì tự thân họ cũng là một tấm gương để cho người học soi chiếu và chịu ảnh hưởng suốt cuộc đời. Từng lứa sản phẩm giáo dục của họ gắn liền với một thế hệ của đất nước. Nhưng nhìn vào tấm gương các thầy cô và những kết quả ban đầu ở ngôi trường THPT chỉ trong chặng đường ngắn đã thành danh trong làng giáo dục toàn quốc này, có thể tin tưởng rằng, non sông Việt Nam sẽ “bước đến đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong đợi.
Phạm Minh Hoàng