Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III: 5 tốt, 5 tăng, 3 giảm
Trao tặng Giấy khen cho cá nhân tiêu biểu trong Cuộc vận động.

5 tốt - dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt và phục vụ tốt:

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, trong 4 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức Học viện đã nỗ lực thực hiện quy trình quản lý chuẩn, nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới nội dung, tìm tòi phương pháp giảng dạy tích cực, gắn lý luận với thực tiễn đất nước, địa phương, khu vực để đáp ứng yêu cầu mở 119 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 11.277 học viên là cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý cấp huyện, ban, ngành của các tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với nhiều chương trình, hệ đào tạo khác nhau. Như: đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát; đào tạo cao học... Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Học tập suốt đời, học để làm cán bộ, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” được hưởng ứng sôi nổi. Trong 4 năm đã có hàng ngàn lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, riêng cán bộ đi làm nghiên cứu sinh và cao học trong và ngoài nước trên 70 đồng chí, trong đó 3 đồng chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 33 đồng chí bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 5 đồng chí được Nhà nước phong tặng học hàm phó giáo sư. Chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với giải quyết nhiệm vụ chính trị ở địa phương, khu vực cũng là điểm sáng trong hoạt động thi đua của cán bộ Học viện, với 99 đề tài khoa học từ cấp nhà nước đến cơ sở, 55 hội thảo khoa học, 16 đầu sách cùng trên 1.000 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia.


5 tăng - đoàn kết, trách nhiệm, hợp tác, đổi mới, đầu tư:

Tăng tình đoàn kết giữa cán bộ với nhân viên, giữa đảng viên với quần chúng, giữa giảng viên với cán bộ, nhân viên khối phục vụ, giữa người của Học viện với học viên… là mục tiêu, cũng là cơ sở để Học viện thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện cán bộ. Đoàn kết được gắn với trách nhiệm trong công việc, thực hiện kỷ cương, mô phạm trong ứng xử, nói điều hay, nói đi đôi với làm, không nói nhiều làm ít. Theo tinh thần đó, mỗi cán bộ, nhân viên trong Học viện còn có Sổ nhật ký công tác làm theo lời Bác, ghi lại những công việc hằng ngày, những suy nghĩ trong công việc. Đoàn kết còn gắn với trách nhiệm, tình thương yêu đồng chí lúc khó khăn, chia sẻ với đồng bào lúc hoạn nạn. 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được cán bộ, nhân viên Học viện nhận phụng dưỡng suốt đời, 11 căn nhà tình nghĩa giúp các đối tượng chính sách, hàng trăm triệu đồng xây dựng quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, xây dựng Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung bướu tại Đà Nẵng, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ cán bộ, nhân viên trong Học viện và trong khối cơ quan đảng trên địa bàn Đà Nẵng gặp hoạn nạn… là những đóng góp, chia sẻ rất tự nguyện từ đồng lương chưa nhiều của cán bộ, nhân viên trong trường. Từ tăng cường đổi mới và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, đến nay Học viện đã có được cơ ngơi khá khang trang, trang thiết bị bố trí tại hội trường, phòng học ngày càng hiện đại, ký túc xá rộng rãi, thoáng mát, thư viện nhiều đầu sách, khu thể thao giải trí được nâng cấp. Hợp tác quốc tế, trao đổi khoa học, giao lưu học tập kinh nghiệm với các Học viện Chính trị tỉnh ở Trung Quốc được tiến hành thường xuyên; mới đây là với Lào nhằm xúc tiến hợp tác đào tạo cán bộ. Hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các ban, ngành, địa phương ngày càng được tăng cường và hiệu quả. 40 cuộc hội thảo khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu và các địa phương, hàng trăm buổi báo cáo nghị quyết của Đảng, chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, hàng ngàn tiết thỉnh giảng của giảng viên Học viện cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của các ngành, địa phương, trường học trong khu vực… là những kết quả cụ thể, chứng tỏ sức lan tỏa uy tín của Học viện ngày càng tăng.


3 giảm - giảm hội họp, giảm chi phí không cần thiết, giảm căng thẳng trong các mối quan hệ:

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các đơn vị, tổ chức trong Học viện bắt đầu bằng việc quán triệt chủ trương giảm hội họp và đã thành công trong việc giảm trên dưới 30% số cuộc và thời gian trong một cuộc họp, nhưng tăng nội dung, chất lượng, hiệu quả. Kết quả là vừa tiết kiệm thời gian, vừa tạo tâm lý thoải mái nhưng có trách nhiệm hơn trong giải quyết nhiệm vụ chung. Với cơ chế khoán ngân sách, việc tiết kiệm chi phí trong sử dụng điện nước, văn phòng phẩm, công phục vụ… được tập thể cán bộ, nhân viên và học viên toàn Học viện hưởng ứng, hằng năm tiết kiệm trên dưới 600 triệu đồng. Ngoài ra, phong trào tiết kiệm “Vì cộng đồng” được triển khai sâu rộng, chỉ chưa đầy một năm đã thu được trên 12 triệu đồng từ tiết kiệm tiền lẻ tiêu dùng hằng ngày của cán bộ, nhân viên và học viên để chi vào những việc hỗ trợ cần thiết. Trong mục tiêu 3 giảm, giảm căng thẳng trong các mối quan hệ trên thực tế là kết quả tổng hợp của việc chăm lo lợi ích người lao động, của phong trào thi đua xây dựng tình thương yêu đồng chí, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, mở rộng dân chủ, gắn tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt đơn vị, sinh hoạt đảng.


4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua 5 tốt, 5 tăng, 3 giảm ở Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III với những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Để ghi nhận thành tích, Giám đốc Học viện tặng Giấy khen và phần thưởng cho 8 tập thể và 24 cá nhân tiêu biểu.

 

Bài: Bạch Yến. Ảnh: Cao Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất