Các cấp uỷ đảng, chính quyền vừa quan tâm hỗ trợ, vừa tạo điều kiện thuận lợi, trực tiếp giao cho tổ chức đoàn thực thi nhiều công trình, phần việc cụ thể, cùng với tổ chức đoàn tham gia triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều thanh niên đã tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Một thực trạng diễn ra ở tất cả các vùng nông thôn Việt Nam là đa số lao động nam, nữ thanh niên đều di chuyển đến các đô thị, trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, các vùng đất mới khai thác, tìm kiếm việc làm phù hợp hoặc đi xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập cá nhân và đảm bảo cuộc sống gia đình. Song, theo đồng chí Lại Đình Quang, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Thanh Hóa thì hiện nay Thanh Hoá có số lượng đoàn viên, thanh niên đa dạng, phân bổ trên địa bàn rộng và hoạt động ở nhiều cơ sở. Tỉnh có trên 1 triệu đoàn viên, thanh niên, trong đó có 80% là thanh niên nông thôn, chiếm 36% dân số, 55% lực lượng lao động xã hội, được tập hợp trong 10.774 chi đoàn và 8.130 chi hội, đội, nhóm, câu lạc bộ thanh niên... Thời gian qua, Tỉnh đoàn Thanh Hoá đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp. Chính bản thân thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng và là lực lượng xung kích tham gia có hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như đối với sự nghiệp xây dựng “Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu”. Vì vậy, chỉ có một phần nhỏ thanh niên đi làm ăn xa, còn lại chủ yếu đi tiên phong trong các trào làm giàu chính trên mảnh đất quê hương. Nhiều thanh niên đã tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2007-2012, Ban Chấp hành (BCH) tỉnh đoàn Thanh Hoá đã phát động và triển khai phong trào: “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời, bám sát chương trình công tác của BCH Đảng bộ tỉnh và Quyết định số 2005/QĐ-UBND, ngày 7-6-2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc “Phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030”, Nghị quyết số 06 NQ/ĐTN ngày 20-7-2011 về việc thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015”, xây dựng thành chương trình hành động khung và hướng dẫn các nội dung sát, hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai đến 27/27 huyện, thị, thành đoàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với phát động và triển khai một số phong trào, BCH Tỉnh đoàn đã ban hành Nghị quyết số 01 về việc “Tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên” giai đoạn 2008-2012. Đồng thời, hỗ trợ thanh niên nông thôn kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm làm giàu... Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng hành với thanh niên nâng cao sức khoẻ thể chất và đời sống văn hoá, tinh thần; với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, hưởng ứng.
Tỉnh đã tổ chức được 128 đợt truyền thông về nghề nghiệp, việc làm cho 9.350 lượt đoàn viên thanh niên, tổ chức hơn 500 buổi tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho hơn 20.000 thanh niên. Các hoạt động biểu dương, tôn vinh thanh niên tiên tiến trong các lĩnh vực, hoạt động liên kết, phối hợp dạy nghề cho thanh niên được quan tâm, đẩy mạnh như: phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ tổ chức 3 đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho 2.000 sinh viên trường Đại học Hồng Đức, các trường nghề trong tỉnh về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp. Từ đó, giúp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, có đời sống lành mạnh, có khát khao làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương, từng bước hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa. Nhiều thanh niên đã trở thành những ông chủ trẻ, nhiều mô hình hoạt động đã có sức cuốn hút thanh niên - cầu nối đồng hành với tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chi đoàn đã ký giao ước, phấn đấu đến năm 2015, có 26 xã/27 huyện, thị, thành đoàn được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới đều đạt các tiêu chí cụ thể như: Xã không còn hộ thanh niên nghèo; không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; không có đoàn viên thanh niên vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội; đường làng, ngõ, xóm do thanh niên đảm nhận tự quản đều được công nhận là xanh - sạch - đẹp; có mô hình câu lạc bộ thanh niên (CLB môi trường, gia đình trẻ ...); có các mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế, hợp tác xã thanh niên, khôi phục phát triển làng nghề… do đoàn viên thanh niên làm chủ, góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương; chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn - hội đạt chuẩn và chất lượng tổ chức cơ sở đoàn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống của thanh niên, thu được những hiệu quả thiết thực. Các cấp bộ đoàn đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng mục tiêu, nội dung, ý nghĩa và 19 tiêu chí đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động như: làm vệ sinh môi trường, làm đường giao thông liên thôn bản, đảm nhận các công trình phần việc của thanh niên, xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, xóa nhà tạm, tranh tre dột nát; hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho thanh niên nông thôn, nâng cao chất lượng và kỹ năng hoạt động cho các đội thanh niên xung kích, về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở. Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên vay để tham gia phát triển kinh tế, khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, các mô hình hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau lập nghiệp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn…
Các cấp uỷ đảng, chính quyền vừa quan tâm hỗ trợ, vừa tạo điều kiện thuận lợi, trực tiếp giao cho tổ chức đoàn thực thi nhiều công trình, phần việc cụ thể, cùng với tổ chức đoàn tham gia triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bằng một số việc làm thiết thực, trong năm 2011, tuổi trẻ tỉnh đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công xây dựng, sửa chữa 82 nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, cựu thanh niên xung phong, tham gia xây dựng 62 km đường giao thông liên thôn, bản tại 17 xã của 6 huyện miền núi, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới… từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Tổ chức 567 buổi tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 35.000 thanh niên, trong đó trực tiếp giới thiệu việc làm cho 1.500 tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức 260 lớp tập huấn, buổi tham quan, hội thảo đầu bờ chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật cho 20.000 thanh niên.
Cũng trong năm 2011, Tỉnh đoàn đã nâng cao hiệu quả các mô hình tổ vay vốn phát triển sản xuất, trang trại trẻ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, CLB thanh niên phát triển kinh tế, làng thanh niên lập nghiệp. Tính đến cuối năm 2011, đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp tăng hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn 120, nâng tổng số vốn toàn tỉnh cho thanh niên vay trên 409 tỷ đồng, tổng số hộ thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế lên 28.080 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động tại chỗ. Thanh niên đã làm chủ hàng trăm trang trại kinh tế ở nông thôn, 126 doanh nhân trẻ khởi sự doanh nghiệp thành công và 9 thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên nông thôn sản xuất kinh doanh giỏi được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI tại Đà Nẵng năm 2011.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, BCH Tỉnh đoàn Thanh Hóa tiếp tục xây dựng kế hoạch, hướng dẫn việc thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 tới tất cả các cơ sở đoàn. Tổ chức lễ phát động cấp tỉnh, tiếp tục tăng cường chỉ đạo sâu rộng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sinh hoạt chi đoàn cơ sở… Qua đó, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của mỗi đoàn viên thanh niên và nhân dân về sự cần thiết xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận, tự giác tham gia với trách nhiệm cao nhất của cộng đồng để xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn chỉ đạo quyết liệt các cơ sở đoàn, đặc biệt là các chi đoàn cấp xã điển hình tiên tiến được chọn làm xã điểm, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên hỗ trợ thanh niên nông thôn trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn vay cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác tập huấn kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo, bí thư chi đoàn cơ sở... từng bước đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2
HT: 3cb36 Biên Hoà - Đồng Nai