Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bác Hồ với quần chúng nhân dân

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người có công thành lập và xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng với mục tiêu: "phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, H.2000, tr.374). Và để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ ấy, Người khẳng định cần phải có sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng nhân dân, Người luôn nhắc nhở các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CBĐV) phải coi đó là vấn đề có tính mấu chốt, là sự sống còn của Đảng ta và của dân tộc, là yếu tố quyết định thắng lợi sự lãnh đạo cách mạng của Đảng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá, đặc biệt là trước các âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng bằng “diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch đòi hỏi mỗi tổ chức đảng và đội ngũ CBĐV cần thấm nhuần và thực hiện thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và quần chúng nhân trên các vấn đề sau:

Thứ nhất, mỗi CBĐV cần nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từng cấp uỷ viên, đảng viên trong Đảng phải thực sự sâu sát với quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, dựa vào lối ăn, lối nghĩ của quần chúng mà tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh với các lực lượng chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng với dân.

Thứ hai, tổ chức đảng cơ sở các cấp phải thường xuyên quan tâm đến việc bồi dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng cho CBĐV. Đây là một vấn đề có tính mấu chốt xuyên suốt để xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Bởi lẽ hoạt động lãnh đạo của Đảng và công tác tổ chức của Đảng suy cho cùng cũng là do những con người cụ thể, do CBĐV đảm nhiệm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nhắc nhở, giáo dục CBĐV phải tu dưỡng đạo đức lối sống, giữ gìn đạo đức cách mạng. Người từng nhắc nhở: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người quan niệm đạo đức cách mạng là “cái gốc”, là nền tảng của người cách mạng, CBĐV muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì phải có đạo đức cách mạng, có đạo đức cách mạng mới “gánh được nặng”, “đi được xa”. Niềm tin của nhân dân vào Đảng sâu sắc đến mức nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ CBĐV, trong đó đạo đức của họ là yếu tố quyết định. Người từng nhấn mạnh: “… Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người bắt chước” (Sđd, t.9, tr. 293). Điều đó cũng có nghĩa đặt ra một yêu cầu, đã là CBĐV thì trước hết phải trở thành một công dân mẫu mực, làm nòng cốt cho giữ gìn phẩm chất đạo đức và kỷ cương xã hội. Sự mực thước, nêu gương của người CBĐV trước nhân dân là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay trước những tác động tiêu cực của đời sống và trước các âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch… thì việc quan tâm rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ CBĐV theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có tính cấp thiết. Mỗi CBĐV phải thực sự thấm nhuần quan điểm rằng: "Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp. Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch" (Sđd, t.8, tr.3), phải thật sự “Vị công vô tư”. 

Như vậy, để xây dựng các TCCSĐ vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, công tác tổ chức của Đảng trước hết phải hướng vào con người, phải tập trung xây dựng đội ngũ CBĐV có đầy đủ phẩm chất năng lực để có thể làm tròn trọng trách là người lãnh đạo, “người đầy tớ” của nhân dân và là “cầu nối” vững chắc của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Thực tế cho thấy, ở những nơi mà công tác tổ chức không được tiến hành tốt, không xây dựng được đội ngũ CBĐV “vừa hồng vừa chuyên”, ở đó tổ chức đảng cơ sở không thể phát huy được hết vai trò lãnh đạo hoặc lãnh đạo không hiệu quả. Mặt khác, sự tồn tại của nạn “chạy chức” “chạy quyền” trong các tổ chức của Đảng đang làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và làm giảm sút ý chí, niềm tin của không ít CBĐV. Để khắc phục tình trạng đó, công tác tổ chức của Đảng phải thực hiện đúng phương châm “vì việc mà đặt người” chứ không phải vì người mà sinh ra việc. Đây chính là cơ sở để phát huy phẩm chất, năng lực của người CBĐV trong Đảng, cũng là cơ sở để xây dựng niềm tin trong nhân dân với Đảng.

Thứ ba, đối với mỗi tổ chức của Đảng cần phải đặt lên hàng đầu việc thực hiện mục tiêu hoạt động. Mục tiêu hoạt động của Đảng tuỳ từng giai đoạn cách mạng và từng thời điểm khác nhau và mục tiêu hoạt động của các tổ chức đảng ở từng địa bàn cụ thể cũng khác nhau, song mục tiêu chung nhất vẫn là chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng" (Sđd, t.8, tr.150). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, Đảng phải "kiên quyết nâng cao dần mức sống của nhân dân, trước hết là của công nhân, bộ đội và công chức, đồng thời giảm nhẹ dần sự đóng góp của nông dân" (Sđd, t.8, tr.48). Đối với các tổ chức đảng ở cơ sở, cần thực hiện: "Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương" (Sđd, t.8, tr. 23). Phải không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân để Đảng ta thực sự là “Đội tiền phong của giai cấp công nhân đồng thời cũng là đội tiền phong của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và cả dân tộc”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, song những quan điểm của Người về xây dựng Đảng, xây dựng sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng nhân dân vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện một cách thiết thực, có chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là một vấn đề hết sức quan trọng để đẩy lùi các tiêu cực trong Đảng và trong đội ngũ BCĐV, là nội dung cần thiết để Đảng lãnh đạo đưa cách mạng của Việt Nam vững bước đi đến thắng lợi cuối cùng.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất