Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc và trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 6.346 km2, trong đó hải đảo 631 km2 (đảo lớn nhất là Phú Quốc 567 km2); bờ biển dài gần 200 km, đường biên giới đất liền giáp với Campuchia. Dân số Kiên Giang hơn 1,75 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7%. Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc (15 đảng bộ huyện, thị, thành ủy, 2 đảng bộ khối và 3 đảng bộ lực lượng vũ trang Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng; 8 đảng đoàn và 4 ban cán sự đảng); với 42.194 đảng viên, chiếm 2,3% dân số của tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 55 đồng chí (9 nữ); Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 15 đồng chí (2 nữ). Trong những năm qua, cùng với việc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ
Đầu tiên, việc đánh giá, nhận xét cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem là khâu mở đầu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Trên cơ sở nắm tình hình cán bộ và qua kết quả tự phê bình và phê bình hằng năm, khi có yêu cầu quy hoạch bổ nhiệm, phân công điều động, thực hiện chính sách cán bộ, các cơ quan tham mưu nhận xét đánh giá cán bộ, sau đó trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định. Ngoài ra, khi có yêu cầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành đánh giá những cá nhân và tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị, những nơi có vấn đề cần tập trung củng cố và thông báo công khai kết quả đánh giá đến cá nhân và tập thể được đánh giá nhận xét. Hầu hết cán bộ được đánh giá đều phát huy tốt những mặt mạnh, khắc phục được những mặt hạn chế, khuyết điểm.
Việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ các cấp thời gian qua (nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020) có nhiều chuyển biến tiến bộ, đúng quy trình, quy định, cơ bản đạt yêu cầu. Phát huy được dân chủ trong việc đánh giá, lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, tạo được sự chủ động, có tầm nhìn trong công tác cán bộ, đảm bảo tính kế thừa, tính liên tục. Công tác quy hoạch được chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ dưới lên, kết quả quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; quy hoạch đảm bảo được phương châm “mở” và động”; số lượng nguồn đưa vào quy hoạch chiếm tỷ lệ cao; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số cơ bản đạt yêu cầu. Nhiệm kỳ 2010-2015, tỉ lệ cán bộ nữ quy hoạch vào BCH đảng bộ các cấp là 16%, cán bộ dân tộc thiểu số là 5.6%. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉ lệ cán bộ nữ quy hoạch A1 đạt 15.38%, cán bộ là người DTTS đạt 3.3%. Kết quả công tác quy hoạch cán bộ, làm cơ sở cho công tác luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ trong nhiệm kỳ và trong những năm tiếp theo.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hằng năm các cơ quan tham mưu chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo củng cố kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tỉnh và trung tâm giáo dục chính trị các huyện, thị; đầu tư nâng cấp các trường cao đẳng trong tỉnh, chuẩn bị đủ các điều kiện để thành lập trường Đại học Kiên Giang; đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất tiến tới mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo; củng cố trung tâm dạy nghề và các trung tâm ngoại ngữ; tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu phục vụ giảng dạy, học tập; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên các trường trong tỉnh.
Từ năm 2007 đến nay đã đào tạo, bồi dưỡng 42.274 cán bộ, riêng năm 2011 và năm 2012 đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng 22.830 lượt cán bộ. Hằng năm tỉnh dành kinh phí cho công tác đào tạo khá lớn, bình quân là gần 30 tỷ đồng. Số đông cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng từng bước phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ tỉnh nhà.
Việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ được tiến hành đúng hướng và khá kịp thời theo quy hoạch. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ đều xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức, năng lực phẩm chất cán bộ và đảm bảo tiêu chuẩn chức danh. Từ năm 2007 đến nay đã phân công, điều động, bổ nhiệm 238 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã phân công, điều động, bổ nhiệm 113 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện cơ bản đầy đủ các bước theo quy trình của Bộ Chính trị, từ đó số đông cán bộ phát huy tốt tác dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công.
Công tác luân chuyển cán bộ được các cấp ủy quan tâm thực hiện. Từ năm 2007 đến nay đã luân chuyển được 334 cán bộ; riêng năm 2011 và năm 2012 đã luân chuyển 80 cán bộ từ tỉnh về huyện, từ huyện lên các ngành tỉnh, từ huyện xuống cơ sở và ngược lại, đã tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu và rèn luyện trong công tác. Đa số cán bộ được luân chuyển sớm thích ứng với môi trường công tác mới, hoạt động tích cực, làm việc có hiệu quả, gắn bó với phong trào quần chúng, được đơn vị địa phương tín nhiệm, sớm khẳng định được mình ở cương vị công tác mới.
Chính sách cán bộ được thực hiện đúng quy định có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu và mang lại ý nghĩa thiết thực. Cùng với việc chấp hành nghiêm chỉnh và tổ chức thực hiện đúng các chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo vận dụng cụ thể hóa trong phạm vi cho phép về thực hiện chính sách trợ cấp sinh hoạt phí cho 8 chức danh ở ấp, khu phố trong toàn tỉnh từ nhiều năm qua, đồng thời gần đây có quy định tạm thời về giải quyết chính sách hưu trước tuổi đối với cán bộ kháng chiến, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác cán bộ của tỉnh cũng còn những hạn chế bất cập, một số mặt chưa đạt yêu cầu:
Việc đánh giá cán bộ của một số ngành, đơn vị, địa phương có trường hợp chưa đúng do thiếu khách quan, thiếu bàn bạc, cân nhắc toàn diện đối với cán bộ, còn tình trạng cảm tình nể nang nên sau khi bố trí, bổ nhiệm tác dụng hạn chế.
Chất lượng quy hoạch cán bộ ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở còn thấp; quá trình thực hiện công tác quy hoạch chưa mang tính đột phá, chưa khắc phục được tình trạng quy hoạch “xếp hàng”, khép kín trong nội bộ địa phương, đơn vị; chưa mạnh dạn lựa chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt; nguồn cán bộ trẻ được đào tạo chính quy còn ít; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số một số nơi còn thấp so với yêu cầu. Mặt khác, nguồn cán bộ ở cơ sở chưa đảm bảo về trình độ, thâm niên công tác nên hạn chế nguồn để đưa vào quy hoạch. Quá trình sử dụng quy hoạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn một số trường hợp chưa nằm trong quy hoạch.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: Nhận thức của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ chưa sâu, sự chỉ đạo chưa tập trung, thiếu quyết liệt; trong tổ chức thực hiện chậm sơ, tổng kết rút kinh nghiệm; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt theo quy định một phần là do thiếu mạnh dạn đưa vào quy hoạch để đào tạo, rèn luyện, còn tư tưởng “xếp hàng” và trong đánh giá cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn cầu toàn, từ đó dẫn đến khi đại hội tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ ứng cử vào cấp ủy không đạt yêu cầu.
Công tác đào tạo cán bộ còn một số bất cập, còn tình trạng đào tạo chưa gắn với yêu cầu bố trí, sử dụng, việc đào tạo chưa đồng bộ và cân đối giữa các loại cán bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là đào tạo phục vụ các ngành thế mạnh, còn nặng đào tạo chính trị; chưa có chính sách khuyến khích nhân tài về phục vụ cho các lĩnh vực quan trọng thế mạnh của địa phương.
Một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, việc luân chuyển cán bộ thời gian qua có mặt còn lúng túng do xây dựng kế hoạch luân chuyển chưa chặt chẽ, khó khăn bố trí cán bộ sau thời gian luân chuyển, ý nghĩa, tác dụng của luân chuyển cán bộ còn hạn chế.
Làm tốt công tác xây dựng TCCSĐ TSVM và phát triển đội ngũ đảng viên
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ đảng được các cấp ủy đảng ở Kiên Giang quan tâm thực hiện. Thời gian qua các cấp ủy đã tập trung kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ đảm bảo tính đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh hiện Kiên Giang có 797 chi, đảng bộ cơ sở (537 chi bộ cơ sở, 260 đảng bộ cơ sở); có 145 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 5 đảng bộ bộ phận và 2.550 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn quy chế làm việc (mẫu) của cấp ủy xã, phường, thị trấn và quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt từng loại hình chi bộ. Quá trình thực hiện quy chế, nhất là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền đã khắc phục sự chống chéo, lấn sân, bao biện, buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền. Từng cấp ủy, tổ chức đảng thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hằng năm nhằm thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ, đảng bộ và của cấp ủy cấp trên.
Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Qua thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực, nội dung sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ có sự chuyển biến nâng lên, nhiều nơi tổ chức tốt sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt bình quân đạt trên 97%, khắc phục cơ bản tình trạng đảng viên vắng nhiều kỳ sinh hoạt trong năm. Một số cấp ủy cấp trên cơ sở còn tổ chức toạ đàm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng đảng, cách điều hành sinh hoạt, xây dựng báo cáo và chương trình công tác. Hằng năm các tổ chức đảng đều có đăng ký phấn đấu xây dựng TCCSĐ và chi bộ trong sạch, vững mạnh. Tỷ lệ các TCCSĐ và chi bộ trong sạch, vững mạnh hằng năm đều vượt kế hoạch: năm 2006 có 83,19%, năm 2007 có 83,10%, năm 2008 có 82,91%, năm 2009 có 85,91%, năm 2010 có 89,5%, năm 2011 có 92,22% TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.
Các TCCSĐ yếu kém được chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch khắc phục vươn lên. Do vậy, năm 2008 có 13/14 tổ chức cơ sở đảng, năm 2009 có 10/10, năm 2010 có 8/8 cơ sở và năm 2011 có 3/3 cơ sở đảng yếu kém đã khắc phục tốt...
Công tác kết nạp đảng viên được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Các cấp ủy đã chủ động xây dựng quy hoạch nguồn, kịp thời phát hiện quần chúng ưu tú thông qua các phong trào hành động của các đoàn . Chú trọng đối tượng là công nhân lao động trong các thành phần kinh tế, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, người dân tộc thiểu số, những địa bàn, đơn vị có ít đảng viên. Qua đó, công tác kết nạp đảng viên hằng năm đều tăng về số lượng và đảm bảo chất lượng. Từ năm 2007 đến tháng 6-2012, kết nạp được 16.349 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh đến nay hiện có 40.116 đảng viên, chiếm 2,3% so với dân số. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 5 chức sắc, chức việc. Thời gian tới đâu, tỉnh chuẩn bị tiến hành khảo sát thực tế và hiệu quả của đội ngũ chức sắc, chức việc này. Sau khi được kết nạp, đảng viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức lý luận chính trị qua các lớp đảng viên mới, trung-cao cấp lý luận chính trị phù hợp với từng chức danh; nhiều đảng viên tiếp tục theo học các lớp chuyên môn nghiệp vụ trung học, đại học… Kết quả công tác kết nạp đảng viên đã góp phần làm cho cơ cấu đội ngũ đảng viên thay đổi theo hướng tích cực và xóa tình trạng ấp, khu phố chưa có đảng viên.
Tuy nhiên, công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên còn những hạn chế đó là: việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng mặc dù có tập trung chỉ đạo, song kết quả đạt còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ, nhất là chi bộ ấp nâng lên chậm, còn lúng túng trong việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Công tác kết nạp đảng viên tuy đạt khá, nhưng cơ cấu thành phần nữ, trẻ, người dân thiểu số tăng chậm, còn nhiều ấp ở nông thôn, biên giới, hải đảo có ít đảng viên.
Bài và ảnh: Song Thủy