Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát chuyên đề

Trong công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) của Đảng, KT, GS chuyên đề là hình thức KT, GS chuyên sâu về một vấn đề trong hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ Đảng, như: kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một nghị quyết, chương trình, đề án; giám sát đối với việc thực hiện một nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ... KT, GS chuyên đề phân biệt với KT, GS việc chấp hành nói chung hay kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề được quy định bởi nhiều yếu tố, từ việc xác định đúng đắn mục đích, yêu cầu, nội dung, kế hoạch đến phương pháp; từ kết quả cụ thể về những phát hiện và xử lý qua KT, GS đến tác dụng của KT, GS đối với chất lượng tổ chức đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng đó.   

Thời gian qua, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã triển khai thực hiện khá tốt chủ trương, hướng dẫn của Đảng về KT, GS chuyên đề, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Năm 2013, Bộ Chính trị đã tổ chức 18 đoàn kiểm tra, do các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 31 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương về hai nội dung: việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với trọng tâm là thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cấp uỷ các địa phương, đơn vị đã chủ động KT, GS việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án... đánh giá đúng thực chất toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện và đưa ra những giải pháp lãnh đạo phù hợp hơn. Năm 2013, toàn Đảng đã kiểm tra 63.638 tổ chức đảng (tăng 25% so với năm 2012); cấp uỷ các cấp đã tiến hành giám sát chuyên đề đối với 34.990 tổ chức đảng, 107.825 đảng viên. Thông qua giám sát chuyên đề năm 2013 đã phát hiện và yêu cầu 343 tổ chức đảng, 1.249 đảng viên rút kinh nghiệm, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế; chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 100 tổ chức đảng và 332 đảng viên có tác dụng chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm, phòng ngừa và ngăn chặn sai phạm, yếu kém. Năm 2014, cấp uỷ các cấp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên đề, như ngay từ đầu năm 2014 Thành ủy Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện 3 cuộc kiểm tra chuyên đề trong năm. Qua KT, GS chuyên đề đã góp phần nâng cao sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, đồng thời phát hiện, kịp thời khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém.

Tuy nhiên, số lượng KT, GS theo chuyên đề còn ít. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn lúng túng trong triển khai thực hiện, không xác định rõ nội dung nào thì kiểm tra, nội dung nào cần giám sát chuyên đề. Nhiều cấp uỷ chưa xây dựng kế hoạch cụ thể tiến hành KT, GS chuyên đề trong năm nên khi tiến hành thiếu tính chủ động, thiếu sự chuẩn bị kỹ. Có nơi nội dung KT, GS chuyên đề chưa phù hợp, thời gian còn kéo dài, không thực hiện đúng kế hoạch, quy trình. Đặc biệt, đánh giá chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề chưa có tiêu chí rõ ràng, thống nhất để định hướng ngay từ đầu cho việc tổ chức thực hiện... Những thiếu sót đó ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề trong thời gian qua.

Từ tình hình đó, xin góp bàn một số ý kiến về tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc KT, GS chuyên đề của Đảng. Có thể hiểu: Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề là dấu hiệu, tính chất mà dựa vào đó có thể nhận biết, đánh giá được chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề là tốt hay chưa tốt, đạt hay chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Để đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc KT, GS chuyên đề, cần căn cứ vào các tiêu chí chủ yếu sau:

Một là, mục đích, yêu cầu của KT, GS chuyên đề. Nghĩa là, các cuộc KT, GS chuyên đề phải xác định rõ cái đích nhằm tới là gì? mục tiêu, khuôn khổ đòi hỏi phải tuân thủ, phải đạt được trong quá trình tiến hành? Mục đích, yêu cầu KT, GS chuyên đề do cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xác định và là cơ sở tổ chức thực hiện KT, GS. Do đó, để đánh giá chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề, việc xem xét mức độ đạt được về mục đích và những yêu cầu đặt ra của cuộc KT, GS phải được coi là tiêu chí hàng đầu.

Hai là, xây dựng kế hoạch; xác định nội dung, đối tượng, thời điểm, phương pháp tiến hành, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện. Để KT, GS chuyên đề có chất lượng, hiệu quả phải có kế hoạch, có phương pháp đúng; phải có kế hoạch ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án. Nếu việc thực hiện nghị quyết đã được triển khai rồi mới có kế hoạch giám sát thì đó là cuộc giám sát chuyên đề không đúng về hình thức, nội dung. Bởi vậy, đánh giá chất lượng KT, GS chuyên đề cần xem xét đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, xác định nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành, tổ chức lực lượng, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện cuộc KT, GS đó.

Kế hoạch KT, GS chuyên đề phải được xây dựng chi tiết. Nội dung, đối tượng KT, GS chuyên đề phải phù hợp, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với các mặt công tác xây dựng Đảng; sát với đặc điểm của đảng bộ; hướng vào tổ chức đảng cấp dưới, cơ quan cùng chuyên ngành cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách. Cần có trọng tâm, trọng điểm, như việc chấp hành nghị quyết, quyết định, chỉ thị của cấp trên và của cấp mình; về công tác cán bộ; về xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ... Nếu nội dung KT, GS chuyên đề dàn trải, không phù hợp thì cuộc KT, GS không thể có chất lượng, hiệu quả tốt.

Thời điểm tiến hành KT, GS chuyên đề phải thể hiện tính chủ động, nếu chỉ dồn vào cuối năm là dấu hiệu cho thấy việc KT, GS bị động, hình thức. Về tổ chức đoàn KT, GS chuyên đề: cán bộ tham gia phải có đủ trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực, chuyên đề đó; người phụ trách có đủ thẩm quyền, trách nhiệm, kinh nghiệm trong KT, GS. Về tổ chức thực hiện KT, GS: cần xem có đúng tiến độ, đúng các nội dung đã đề ra trong kế hoạch hay không? Nếu cuộc kiểm tra kéo dài thời gian, chậm kết luận, gây bức xúc cho đối tượng kiểm tra thì không thể cho là có chất lượng, hiệu quả cao được.

Ba là, việc thực hiện thủ tục, quy trình, các biện pháp nghiệp vụ KT, GS. Việc thực hiện nghiêm túc, đúng đắn thủ tục, quy trình, các biện pháp nghiệp vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề, bởi nếu thực hiện không đúng thì kết quả sẽ sai lệch, thậm chí phạm sai lầm nghiêm trọng, khó lường hậu quả. Vừa qua, có không ít cuộc KT, GS chuyên đề chưa thực hiện đúng quy trình, có trường hợp không tổ chức hội nghị để thống nhất đánh giá kết quả giám sát mà gửi báo cáo để lấy ý kiến tham gia, hoặc không gửi thông báo kết quả giám sát cho đảng viên được giám sát biết... Do đó, khi đánh giá chất lượng KT, GS chuyên đề cần xem xét kỹ việc thực hiện thủ tục, quy trình, các biện pháp nghiệp vụ. Nếu có sai sót, vi phạm cụ thể thì không thể coi cuộc KT, GS đó có chất lượng tốt được.

Bốn là, kết quả phát hiện, xử lý qua KT, GS chuyên đề. Đây là tiêu chí trực tiếp phản ánh chất lượng cuộc KT, GS. Mục đích của kiểm tra chuyên đề là để giúp cấp ủy nắm bắt kịp thời, sâu sắc những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế để có hướng giải quyết. Do đó, kiểm tra chuyên đề có chất lượng khi phát hiện trúng và xử lý đúng đắn, kịp thời những khó khăn, hạn chế, sai phạm đó. Giám sát chuyên đề giúp cấp ủy theo dõi, phát hiện, điều chỉnh ngay những biểu hiện chưa đúng, chưa đầy đủ trong chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Vì vậy, giám sát chuyên đề có chất lượng khi kịp thời phát hiện, hướng dẫn, điều chỉnh những biểu hiện chấp hành chưa đúng, chưa đầy đủ của đảng viên, tổ chức đảng. Từ đó, khi đánh giá về chất lượng nhất thiết phải xem xét kết quả phát hiện, xử lý qua KT, GS. Tất nhiên, không phải cuộc KT, GS nào cũng có những phát hiện về hạn chế, khuyết điểm, sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng không thể không có. Trong tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi hiện nay, qua giám sát chuyên đề năm 2013 chỉ phát hiện 0,4% số tổ chức đảng, 0,7% số đảng viên có dấu hiệu vi phạm để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cho thấy giám sát chuyên đề chưa thực sự có chất lượng, hiệu quả cao, nếu không nói còn khá hình thức.

Năm là, kết quả phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm sau KT, GS chuyên đề. KT, GS không phải để xử lý kỷ luật mà chủ yếu giúp cho tổ chức đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. KT, GS chuyên đề có chất lượng cao hay thấp, đạt hay không đạt yêu cầu phải xem xét kết quả phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm sau KT, GS. Khi đánh giá chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề phải xem xét từ kế hoạch sửa chữa đến kết quả thực tế việc chấp hành của tổ chức đảng, đảng viên được KT, GS đã chỉ ra.

Sáu là, tác động và tác dụng của cuộc KT, GS chuyên đề. Chất lượng, hiệu quả KT, GS chuyên đề được thể hiện sinh động ở tác động của nó đến thái độ của đối tượng kiểm tra, của quần chúng và đặc biệt là ở tác dụng của KT, GS đối với tổ chức và hoạt động của đối tượng KT, GS. Bởi xét đến cùng KT, GS là nhằm góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, cần xem xét những tác động và tác dụng của KT, GS về những mặt sau đây: Thái độ của đối tượng kiểm tra về sự đồng tình, ủng hộ, mức độ tham gia của đảng viên, tổ chức đảng và quần chúng ở đơn vị được kiểm tra. Tình hình nội bộ tổ chức đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên sau KT, GS. Một cuộc KT, GS chuyên đề có chất lượng, hiệu quả là phải giúp cho tổ chức đảng, đảng viên được KT, GS nêu cao ý thức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm; tổ chức đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Không thể cho là KT, GS chuyên đề có chất lượng, hiệu quả khi: Sau KT, GS lại phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, làm khó khăn, phức tạp thêm việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất