Đ/c Tô Huy Rứa phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014,
triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Sau Đại hội XI, tôi được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đây là vinh dự to lớn, đồng thời cũng là trọng trách hết sức nặng nề bởi công tác tổ chức xây dựng Đảng vốn là công việc khó khăn, phức tạp, luôn đòi hỏi cao, nghiêm khắc, chặt chẽ, thậm chí có phần khắc nghiệt.
Dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự gần gũi, gắn bó của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; lại có tập thể Ban Tổ chức Trung ương vào thời điểm đó là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm và biết làm việc, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không ngại va chạm, nhờ đó đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc được Trung ương giao; trong đó có nhiều việc lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn xã hội; nhiều việc khó, do nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau, phải dày công nghiên cứu, trăn trở, quan sát, tìm hiểu, suy nghĩ, tìm ra được những căn cứ xác đáng, luận cứ thuyết phục để mọi người đồng thuận. Đồng thời, có những việc mới, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được đặt ra nghiên cứu, xem xét, quyết định.
Đầu nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Trung ương được đồng chí Tổng Bí thư giao nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cấp bách nhất, quan trọng nhất, bao quát nhất, liên quan đến các ngành xây dựng Đảng. Theo đó, Lãnh đạo Ban đã cử các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu ở các ngành, các cấp, địa phương; xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, hầu hết các ý kiến đều có nguyện vọng phải chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; từ đó khôi phục lại niềm tin của Nhân dân. Đây là vấn đề cấp bách nhất, nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị, trình Hội nghị Trung ương 4 (tháng 12-2011) ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một đề án lớn, quan trọng, thời gian chuẩn bị ngắn, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, đề án đã sớm hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã kế thừa yêu cầu của các nghị quyết trước, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khoá VIII), đồng thời thể hiện quyết tâm chỉnh đốn Đảng với tinh thần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, cách làm bài bản hơn. Xuất phát từ phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra ba vấn đề cấp bách giai đoạn đó: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, vấn đề thứ nhất là cấp bách nhất, trọng tâm, xuyên suốt.
Trung ương cũng đồng thời đề ra 4 nhóm giải pháp, bài bản, đồng bộ, bao quát tất cả công việc cần phải làm gồm: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên. (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng. (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Trước đây, tự phê bình và phê bình thường làm từ dưới lên, lần này Trung ương yêu cầu phải làm từ trên xuống, trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện trước, làm gương cho cấp dưới. Sau hơn hai tháng chuẩn bị, với cách làm chu đáo, cẩn trọng, kỹ lưỡng, từ lập kế hoạch tới xin ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng đối với tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với nhận thức và tâm thế bước vào đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, rất hệ trọng, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Về trình tự kiểm điểm, tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm cá nhân, Tổng Bí thư kiểm điểm trước, tiếp đến các ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư và các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác. Từng đồng chí tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực phụ trách, đồng thời giải trình những nội dung được góp ý. Trong kiểm điểm, tất cả các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho tập thể và từng cá nhân. Kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được báo cáo trước BCH Trung ương tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI).
Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy cấp dưới đồng loạt triển khai thực hiện, tạo ra một khí thế mới trong toàn Đảng. Trong 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, có 2 nhóm liên quan đến Ban Tổ chức Trung ương, Ban đã đề xuất triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần chỉnh đốn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Một kết quả quan trọng khác trong nhiệm kỳ 2010-2015 là Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo Quy định này, Trung ương sẽ bỏ phiếu tín nhiệm từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; cấp ủy các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong BTV. Quốc hội, HĐND các cấp cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Đây là chủ trương mới, đúng đắn của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ, vừa thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý cán bộ, vừa giúp cán bộ tự thân nhận ra thiếu sót, khuyết điểm, tự giác sửa chữa để ngày càng tiến bộ.
Ban Tổ chức Trung ương dành nhiều tâm sức, mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1-2-2013 điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (trước đây thuộc Chính phủ do Thủ tướng làm Trưởng Ban, nay chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban). Đồng thời tái lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Trước khi Quyết định số 162-QĐ/TW được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí không đồng thuận. Nhờ nắm chắc tình hình, phản ảnh đúng nguyện vọng của đảng viên, nhân dân, đặc biệt là với quyết tâm chính trị cao, tâm huyết, trách nhiệm, những đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương đã được Bộ Chính trị thông qua. Thực tế cho thấy, từ năm 2013 đến nay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã hoạt động rất hiệu quả, không ngừng đẩy mạnh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tích cực củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ này của Ban Tổ chức Trung ương là việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo” để Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10-2012). Đây là một đề án lớn, khó và lần đầu tiên Đảng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Để hoàn thành Đề án, Ban đã tập trung nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức đoàn đi khảo sát ở ngoài nước. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể Lãnh đạo Ban và các thành viên Tổ Biên tập, Đề án đã được hoàn thành với chất lượng tốt, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, nhất trí, đánh giá cao. Nhờ đó, công tác chuẩn bị nhân sự BCH Trung ương khóa XI, nhất là khóa XII được tiến hành khoa học, thận trọng, dân chủ và chủ động hơn.
Từ làm tốt công tác quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương cũng lần đầu tiên tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng tạo bước đột phá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và cán bộ dự nguồn trong quy hoạch ở các cấp. Cụ thể là đã mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo chức danh… Lần đầu tiên trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nội dung đào tạo về tư duy chiến lược cho các học viên. Nhiều đồng chí được quy hoạch, tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng dự nguồn, luân chuyển đi các địa phương đã được bầu vào Trung ương (khóa XII). Các lớp đào tạo, bồi dưỡng dự nguồn này hiện vẫn đang được duy trì, triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu BCH Trung ương (khóa XI) ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9-6-2014 vào thời điểm rất phức tạp. Đây là một quá trình kiên trì, bền bỉ, bởi trong quá trình nghiên cứu có rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng Quy chế đã vi phạm dân chủ, đến Đại hội XII của Đảng vẫn còn được nêu ra thảo luận. Thực tế sau khi ban hành, cấp ủy cấp dưới rất hoan nghênh, thấy dễ triển khai, góp phần khắc phục tình trạng lúng túng, vướng mắc khi thực hiện quyền ứng cử, đề cử; quyền nhận đề cử của đảng viên, của cấp ủy viên trong công tác bầu cử theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng.
Một nhiệm kỳ với rất nhiều công việc, dẫu biết rằng không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, nhưng với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, vẫn có thể nói rằng, Ban Tổ chức Trung ương nói riêng, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, nhất là trong công tác cán bộ, một công việc mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định là “then chốt” của “then chốt”.
Tuy thời gian công tác tại Ban Tổ chức Trung ương không nhiều nhưng để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, những ấn tượng sâu sắc. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Ngành, tôi xin được bày tỏ lòng tri ân đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tổ chức Trung ương đã luôn kề vai sát cánh, đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sức lực giúp tập thể Lãnh đạo Ban (giai đoạn 2011-2016) hoàn thành tốt nhiệm vụ được Trung ương giao. Chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, phát huy tâm huyết, trí tuệ để cùng nhau viết tiếp trang sử vẻ vang của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng!
PGS, TS. TÔ HUY RỨA,
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương