“Người làm nghề tổ chức phải có Tâm và Tầm”

Đ/c Lê Huy Ngọ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đổi mới để phù hợp với thực tiễn

Sau khi Bộ Chính trị điều động đồng chí Lê Huy Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa năm 1988. Sau một thời gian chỉnh đốn, sắp xếp, tình hình ở Thanh Hóa đã cơ bản ổn định, Bộ Chính trị lại điều động đồng chí về làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và được phân công làm Thường trực Lãnh đạo Ban.

Thời điểm này tình hình vô cùng khó khăn, đặt ra cho Ban Tổ chức Trung ương và Lãnh đạo Ban nhiều thử thách lớn - ông nhớ lại. Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã làm thay đổi lớn cục diện chính trị thế giới. Các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài tìm mọi cách làm mất uy tín của Đảng và chế độ ta, cổ vũ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Nhân dân với Đảng. Nội bộ Đảng bộc lộ những diễn biến mới, phức tạp về nhận thức và tư tưởng, một số cơ sở đảng buông lỏng vai trò lãnh đạo, thậm chí cá biệt có dấu hiệu rệu rã, tê liệt hoạt động. Đại hội VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991 tại Hà Nội chỉ rõ: “Để lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta phải tự đổi mới và chỉnh đốn để có kiến thức, năng lực và sức chiến đấu mới, khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và các mặt yếu kém, khôi phục và nâng cao uy tín của Đảng trong Nhân dân. Đảng phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức”.

Ban Tổ chức Trung ương lúc đó được giao xây dựng Đề án về “Đổi mới, chỉnh đốn Đảng” trình Bộ Chính trị. Lịch sử đã trao trọng trách cho Ban Tổ chức Trung ương và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng thực hiện nhiệm vụ này. Ban và một số cơ quan có liên quan khẩn trương huy động lực lượng xây dựng đề cương đề án, tổ chức đi nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến các cấp ủy, địa phương, cơ sở, cơ quan nghiên cứu của Trung ương và một số cán bộ lão thành. Đề án lớn về Đổi mới và chỉnh đốn Đảng có 4 đề án nhỏ về: Công tác chính trị tư tưởng; công tác cán bộ; công tác TCCSĐ và đảng viên; phương thức lãnh đạo của Đảng. Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng (khóa VII) họp vào tháng 6-1992 đã thống nhất và ban hành Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết nêu rõ: “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của chế độ ta và Đảng ta”.

Mời chúng tôi uống chén trà, ông trầm ngâm: Có thể nói, trong lịch sử Đảng ta chưa bao giờ đặt vấn đề đổi mới gắn với chỉnh đốn Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của Đảng và chế độ ta như Nghị quyết này... Triển khai đổi mới, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 3, toàn Đảng lúc ấy tập trung vào 4 vấn đề lớn: Đổi mới về chính trị tư tưởng; đổi mới về TCCSĐ; đổi mới công tác cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Về đổi mới chính trị tư tưởng, lúc đó Ban Bí thư giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng chịu trách nhiệm 3 vấn đề còn lại.

Ông chia sẻ: Đổi mới, chỉnh đốn Đảng lúc này là để phù hợp với thực tiễn. Phương châm đổi mới, chỉnh đốn Đảng là gắn với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nhiệm vụ số một của Ban Tổ chức Trung ương lúc bấy giờ là tham mưu việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng phù hợp với đổi mới về quản lý kinh tế như giá - lương - tiền, phù hợp với đổi mới trong nông nghiệp (khoán 10), phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của người dân…

Ông nhớ lại, khi về Ban, anh Sáu Hậu (Lê Phước Thọ - Trưởng Ban) gọi tôi lên: “Thực ra Thanh Hóa chưa hết khó khăn, nhưng trên này cũng đang rất cần những người trưởng thành từ cơ sở như đồng chí để thực hiện những nhiệm vụ rất mới.” Lúc đó có các đồng chí phó trưởng ban Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Văn An, Lê Huỳnh Thọ đã công tác nhiều năm ở Ban, mỗi người phụ trách một lĩnh vực và đảm nhiệm 1 nội dung đổi mới, chỉnh đốn theo Nghị quyết Trung ương 3. Ngoài nhiệm vụ là Phó Trưởng ban Thường trực, tôi được phân công theo dõi khu vực miền Trung, trong đó một số tỉnh đang có tình hình bất ổn. Trong 3 vấn đề giao cho Ban Tổ chức Trung ương theo Nghị quyết Trung ương 3, tôi được giao chịu trách nhiệm về đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tôi tỏ ý băn khoăn với anh Sáu Hậu, rằng mình mới về Ban mà được phân công phụ trách một lĩnh vực rất mới mẻ, e là sẽ khó. Anh Sáu Hậu nói: “Bởi vì lĩnh vực mới nên mới giao cho ông, chứ người cũ thì sẽ khó hơn”.

Điều quan trọng nhất là ổn định cơ sở, lòng dân phải yên

Phụ trách về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, điều tôi trăn trở nhất lúc này là phải đổi mới từ cơ sở. Từ thực tiễn về “khoán hộ” ở Vĩnh Phú và bài học xử lý việc bất ổn định từ cơ sở ở Thanh Hóa, tôi thấy việc triển khai chủ trương, nghị quyết đều bắt đầu từ cơ sở, nếu cơ sở không ổn định không thể thực hiện đổi mới được. Trước khi về Ban Tổ chức Trung ương, sau khi giải quyết cơ bản những bất ổn ở Thanh Hóa (thực chất là những điểm nóng nghiêm trọng diễn ra ở 5 xã của 5 huyện), tôi viết Báo cáo tổng kết về những vấn đề ở cơ sở gửi cho anh Sáu Hậu. Sau khi xem báo cáo, anh Sáu Hậu gọi tôi lên, phân công tôi áp dụng một số kinh nghiệm của Thanh Hóa để tham gia vào đề tài đổi mới TCCSĐ do anh Nguyễn Văn An lúc đó là Phó Trưởng ban phụ trách. Thời điểm ấy ở Thái Bình và một số tỉnh khác cũng xảy ra những điểm nóng ở cơ sở. Tôi đề nghị với Lãnh đạo Ban cho tôi về Thái Bình nghiên cứu và nắm tình hình.

Thế là tôi khăn gói lên đường về Thái Bình cùng sống với những người nông dân để xem những bất ổn ở đây có giống những bất ổn ở Thanh Hóa không, “cái đêm hôm ấy... đêm gì” là có thật không? 20 ngày lăn mình với các cơ sở đảng, tối cùng uống trà, hàn huyên với bà con nông dân, tôi thấy quả là có nhiều điều giống ở Thanh Hóa và hiện tượng “cái đêm hôm ấy... đêm gì” là có thật. Cũng là cuộc sống của người nông dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, là những bất bình của người nông dân do bị mất dân chủ lâu ngày, chịu bao đè nén không được giải tỏa. Bao khó nhọc làm cho hợp tác xã nhưng khi phân chia lại không công bằng, rồi bất bình trong mối quan hệ giữa cán bộ với dân, giữa Ban chủ nhiệm Hợp tác xã với xã viên, giữa đảng ủy với Ban chủ nhiệm Hợp tác xã. Lòng dân không yên, bỏ lúa, bỏ ruộng, bỏ nhà để “cắm trại” ở cổng huyện ủy, Tỉnh ủy đòi giải quyết. Cùng với Thái Bình, tôi còn nghiên cứu thực tế ở cơ sở của tỉnh Hải Hưng và một số tỉnh Tây Nguyên. Và tôi rút ra kết luận là phải tập trung làm rõ nguyên nhân và những bất cập của cấp trên cơ sở để giải quyết bằng được vấn đề nảy sinh ở cơ sở để làm căn cứ cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Vì theo tôi, cơ sở là nơi gần dân nhất, mọi chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng có đi vào cuộc sống được hay không phụ thuộc vào cơ sở.

Đề tài “Đổi mới và chỉnh đốn cơ sở đảng để ổn định và phát triển” được Ban Tổ chức Trung ương dày công nghiên cứu và đề ra các giải pháp ổn định cơ sở, mà then chốt là xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng chuyển từ 4 tiêu chí trước đây thành 5 tiêu chí xây dựng TCCSĐ và đảng viên trong sạch, vững mạnh, gồm: 1) Lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. 2) Thực hiện tốt các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng. 3) Lãnh đạo xây dựng đoàn thể vững mạnh. 4) Chống tham nhũng, buôn lậu, xa hoa, lãng phí. 5) Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở đó, hằng năm cấp ủy từ Trung ương đến địa phương bình chọn TCCSĐ và đảng viên trong sạch, vững mạnh; đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ phẩm chất, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, củng cố những tổ chức đảng yếu kém, trì trệ kéo dài.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, cách làm là lựa chọn điểm nóng, nổi cộm để kiểm tra, thanh tra và thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi một bước tệ quan liêu, tham nhũng “vặt” và các biểu hiện tiêu cực khác, đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, bước đầu đã lấy lại được lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, chính quyền cơ sở.

Tránh tình trạng “gọt chân cho vừa giày”

Một trong 4 vấn đề toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lúc ấy thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về đổi mới, chỉnh đốn Đảng là đổi mới công tác cán bộ. Vấn đề đào tạo, quy hoạch cán bộ đã được quan tâm nhưng kết quả không như mong muốn. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm so với đổi mới kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ lúc đó đặt ra cho Ngành Tổ chức xây dựng Đảng là phải tham mưu để lựa chọn, sử dụng, quản lý cán bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong số những người được giao nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ và làm công tác tổ chức - cán bộ, còn có người thiếu trung thực, chưa khách quan, còn cục bộ, nể nang, né tránh, ngại va chạm, không có chủ kiến hoặc biết cán bộ có sai lầm, khuyết điểm nhưng không dám nói, sợ mất ghế, mất lòng. Trong đánh giá, tuyển chọn không căn cứ vào hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao để đánh giá năng lực cán bộ… Làm thế nào để thu hút được nhân tài, làm thế nào để lựa chọn được người tài là trách nhiệm của người làm công tác tổ chức - cán bộ.

Đặc biệt, khi đánh giá, lựa chọn cán bộ phải tránh tình trạng “gọt chân cho vừa giày” vì cơ cấu và vì những quy trình, quy chế. Cán bộ không sợ thiếu, chỉ sợ người thực hiện chọn lựa thiếu công tâm, khách quan, trung thực. Lúc ấy một yêu cầu đặt ra trong công tác cán bộ là phải đi trước một bước, phải dự báo được tình hình và đi trước, đón đầu trong bối cảnh mở cửa, hội nhập. Khắc phục tình trạng thiếu tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ, dẫn đến định hướng cơ cấu, nhân sự không đạt yêu cầu, có nhiều trường hợp cán bộ được thay không hơn người đã thay, thậm chí kém hơn về trình độ, năng lực, uy tín… “Bình mới rượu cũ”! Vấn đề này cứ lặp đi lặp lại qua nhiều nhiệm kỳ đại hội vẫn chưa khắc phục được nhiều.

Để thực hiện đổi mới công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng tiêu chuẩn TCCSĐ và đảng viên trong sạch, vững mạnh, xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch cán bộ các cấp, trọng tâm là cán bộ cấp chiến lược. Nhất là đổi mới trong đánh giá cán bộ bằng những hành động, kết quả cụ thể. Việc thực hiện đổi mới trong công tác cán bộ đã đưa công tác này dần vào nền nếp, thực hiện dân chủ, tập thể trong đánh giá, tuyển chọn, bố trí cán bộ. Đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở được trẻ hóa; năng lực trình độ được nâng lên. Tình trạng mất đoàn kết trong Đảng được khắc phục một bước.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Phương châm của cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng khi ấy là gắn với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Có bước đi và phương pháp phù hợp. Làm có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng, củng cố TCCSĐ. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và công tác vận động nhân dân của Đảng. Giải quyết tốt những vấn đề còn vướng mắc thuộc tầm vĩ mô. Chúng tôi được Ban Chỉ đạo cho đi thăm một số nước như Xin-ga-po, Thụy Điển, Đức... để tìm hiểu về cách thức lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Nhìn chung cấp ủy và tổ chức đảng, nhất là cấp Trung ương và một số địa phương mới quan tâm đổi mới về phong cách và lề lối làm việc, nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị chưa được quy định rõ về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vấn  đề đặt ra là cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của mỗi tổ chức. Đổi mới việc ban hành các nghị quyết theo hướng dân chủ, sát hợp với thực tế và cuộc sống đặt ra. Quan tâm lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn, được tín nhiệm tham gia các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể; xây dựng Nhà nước và cải cách hành chính; củng cố tổ chức và đổi mới hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Ông khẳng định: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng” được cho là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ nhất. Nghị quyết đã tạo được một số chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, củng cố vai trò lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, kiện toàn các tổ chức đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị; tăng cường công tác cán bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức sinh hoạt đảng, chấn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng ở các cấp, đặc biệt coi trọng củng cố TCCSĐ ở những địa bàn và lĩnh vực trọng yếu về kinh tế và chính trị, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới giành được thắng lợi.

Tâm và tầm của người làm công tác tổ chức

Ông chia sẻ, cái khó nhất của người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng là phải công tâm, khách quan, tinh tường để phát hiện, tham mưu cho Đảng lựa chọn được người thực sự có đức, có tài. Không xem nhẹ tiêu chuẩn, cơ cấu, bằng cấp, nhưng không vì tiêu chuẩn, cơ cấu mà bỏ sót người tài. Không chỉ dựa vào số phiếu, mà còn dựa vào kinh nghiệm và khoa học về phát triển con người để chọn người tài.

Nhớ về mùa đại hội cách đây gần 30 năm, ông kể: Tôi về làm việc với một tỉnh, khi đó đại hội đảng bộ ở một xã đã khai mạc, tôi liền về dự để nắm tình hình. Tại Đại hội, Đoàn Chủ tịch báo cáo với Đại hội về Đề án nhân sự cấp ủy khóa tới đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến của đảng viên và được cấp ủy cấp trên phê duyệt. Đảng bộ được bầu 7 ủy viên BCH, trong đó cơ cấu bí thư, 2 phó bí thư, chủ tịch mặt trận Tổ quốc, quân sự, công an và đoàn thanh niên. Nhưng cấp ủy chỉ chuẩn bị được 6 nhân sự và sẽ bầu thiếu 1 do nguồn chưa đủ chuẩn (mới có trình độ cao đẳng, đang học đại học). Nghe xong đề án nhân sự, đại hội đã lao xao và một cánh tay giơ lên xin được phát biểu: “Cảm ơn cấp ủy đã chuẩn bị được đề án nhân sự cấp ủy khóa mới nhưng tiêu chuẩn được 7 ủy viên BCH mà mới chuẩn bị được 6 là cấp ủy chưa làm hết trách nhiệm. Đề nghị để Đại hội thảo luận và biểu quyết thống nhất số lượng bầu đủ 7 ủy viên BCH”. Lúc đó đồng chí thay mặt Đoàn Chủ tịch lên trình bày đề án nhân sự và đồng chí thay mặt cấp trên về chỉ đạo đại hội thực sự lúng túng, có hỏi ý kiến tôi: Cấp trên đã duyệt đề án nhân sự là 6, bây giờ làm trái với đề án nhân sự cấp trên đã duyệt có được không? Tôi đã phân tích và nói quyền quyết định cao nhất lúc này là Đại hội. Sau đó Đại hội nhất trí bầu BCH với số lượng là 7, đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên (không được đưa vào Đề án nhân sự ban đầu của cấp ủy khóa cũ) đã trúng cử vào BCH với số phiếu cao.

Ông nói: “Đấy, tiêu chí, tiêu chuẩn là cần thiết nhưng không vì tiêu chí, tiêu chuẩn mà để lọt người tài. Rõ ràng đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên do Đại hội giới thiệu đã được thử thách trong thực tiễn, được nhân dân tín nhiệm”. Và ông nhắc về bài học dân chủ trong mỗi kỳ đại hội cần phải được phát huy.

Đã quá trưa, nhưng câu chuyện giữa ông với chúng tôi cứ say sưa, chuyện nghề tổ chức xây dựng Đảng cách đây bao năm cứ như là chuyện “bây giờ mới kể”. Trước khi chia tay, ông vẫn còn quyến luyến, muốn gửi gắm tới những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng rằng người làm nghề này thật khó, vừa phải có Tâm, vừa phải có Tầm, sâu sát cơ sở, gần gũi với quần chúng và có sự hiểu biết sâu sắc về con người; phải xây dựng được hệ thống tiêu chí về năng lực và phương pháp đánh giá khách quan, khoa học để chọn được người tài, thanh lọc được cán bộ yếu kém, để tham mưu trúng, đúng. Và ông nhắn nhủ, một thách thức lớn nhất đối với người “gác cổng” cho Đảng là vượt qua chính mình, là chống tiêu cực và sự bảo thủ ngay từ chính đội ngũ cán bộ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất