Có lẽ trước hết xin khẳng định: Để nâng cao tính định hướng và tính hấp dẫn của Tạp chí Xây dựng Đảng thì việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa cộng tác viên (CTV) và Tòa soạn là hết sức cần thiết.
Chất lượng của Tạp chí được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có phần chất lượng của những bài viết, những thông tin mà CTV góp phần với Tòa soạn. Ngược lại, không ít trường hợp, chất lượng bài viết của CTV ngày một nâng lên nhờ chính mối liên hệ giữa CTV và Tòa soạn mang lại. Chúng tôi quan niệm, bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp tạo lập cơ cấu bài viết chính, chủ động cho Tòa soạn, thì đội ngũ CTV là những cán bộ, đảng viên hoạt động công tác ở mọi miền đất nước, ở các cấp, các ngành và trên nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ sạo nên sắc màu đa diện cho Tạp chí. Cái sắc màu đa diện ấy, không phải lúc nào cũng lung linh, nhưng không thể phủ định vai trò và tính hấp dẫn của nó bởi nét mộc, nét riêng, nét cụ thể, sống động của cuộc sống được phản ánh bởi những con người đang gắn bó với nó, trăn trở với nó và luôn yêu quý nó. Chính vì vậy chúng tôi cũng cảm nhận được việc xây dựng đội ngũ CTV, tạo dựng mối quan hệ công việc gắn bó giữa Tạp chí Xây dựng Đảng với CTV đã và đang được Ban Biên tập, các cán bộ, phóng viên của Tạp chí chăm lo, vun đắp. (Nó cũng chính là cơ sở để hôm nay chúng tôi có mặt ở Hội nghị CTV để hội thảo về nâng cao tính định hướng và tính hấp dẫn của Tạp chí Xây dựng Đảng trong không khí thân mật, ấm cúng và tràn đầy trách nhiệm chung này).
Trở thành CTV của Tạp chí Xây dựng Đảng đối với tôi quả là một điều may mắn và vinh dự. Do yêu cầu công việc, những giảng viên trường Đảng chúng tôi luôn phải nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để làm phong phú cho bài giảng của mình, và nếu có thể, để đóng góp chút gì cho công tác Đảng. Bởi vậy, các tạp chí lý luận chính trị, tạp chí chuyên ngành về xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể nhân dân là nơi chúng tôi mong muốn được tiếp cận, để qua những tạp chí đó nghiên cứu những gì về lý luận và thực tiễn mà các tác giả tổng kết được, và cũng để thử nghiệm kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn của chính mình. “Thử nghiệm” ở đây với nghĩa xem kết quả nghiên cứu của mình có chất lượng hay không (thì mới được đăng!), xem nó có được độc giả của các tạp chí (là những người hoạt động lý luận và thực tiễn) quan tâm hay không, họ đánh giá thế nào và xem nó có mang lại điều gì cho chính quá trình đổi mới nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, đội ngũ đảng viên của Đảng hay không v.v.. Tuy nhiên, không phải tạp chí nào chúng tôi cũng trở thành CTV, nhất là CTV thường xuyên, vì lý do chủ quan (năng lực viết của mình chưa đáp ứng được) lẫn lý do khách quan (mối quan hệ không gắn bó giữa Tòa soạn và CTV).
Nói như vậy để thấy, trở thành CTV của Tạp chí Xây dựng Đảng như hôm nay, chúng tôi ghi nhận được tình cảm và trách nhiệm của BBT, của cán bộ, phóng viên Tòa soạn. Các đồng chí đã tạo lập được mối quan hệ giao lưu, trao đổi công việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm với CTV, từ đó, chúng tôi mới có cơ hội đến với các đồng chí, bày tỏ, trao đổi những trăn trở trong suy nghĩ, trong bài viết của mình, và kết quả là chúng ta có được những tác phẩm báo chí có chất lượng. Chúng tôi nghĩ, tác giả của những bài viết ấy đáng được ghi là “Chúng Ta”!
Trở lại một trong những vấn đề mà Lãnh đạo Tạp chí đưa ra tại Hội thảo: “Có cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa cộng tác viên và Tòa soạn”? Phải chăng lâu nay Tòa soạn chưa có cơ chế này?
Nếu nói chưa, tại sao từ phóng viên đến Ban Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng luôn rất có trách nhiệm với các bài viết mà chúng tôi gửi đến - từ xem xét rồi cho biên tập, nếu bài có nội dung tốt nhưng thiếu dữ liệu hoặc trình bày chưa rõ để có thể đăng tải thì trao đổi thêm để tác giả bổ sung, làm rõ hay lược bớt những gì không cần thiết. Đến lúc chuẩn bị lên khuôn, Tạp chí còn gửi lại để thống nhất lần cuối với tác giả; sau khi đăng còn đánh giá, bỏ phiếu bình xét và trao thưởng cho bài viết hay, xuất sắc... Đó là chưa kể những CTV đặc biệt được cung cấp thông tin, trao đổi chủ đề và đặt bài theo yêu cầu của mỗi số. Có lẽ đó là cơ chế làm việc mà Tòa soạn đã xây dựng được, nhưng chưa “thành văn” để mang tên “Cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa cộng tác viên và Tòa soạn” đấy thôi.
Phải chăng cũng vì chưa xây dựng cơ chế thành văn (?) nên trong thực thi còn một số điểm cần lưu ý:
Việc “hồi âm” của Tòa soạn đối với bài gửi đến đôi khi thiếu sót. Ví như Hộp thư CTV trong Tạp chí in có lúc phản ánh chưa đủ tên các tác giả đã gửi bài, và Hộp thư CTV ở Tạp chí điện tử lại quá chậm (không được cập nhật theo tháng).
Hoặc nhiều bài viết không thể đăng tải (điều này các CTV đều hiểu), nhưng vì không được thông báo lý do cụ thể, gây cho tác giả tâm lý không thoải mái. Có tác giả thời gian đầu cộng tác được Tạp chí rất hoan nghênh và thường được đăng bài trên Tạp chí, sau không thấy được sử dụng bài nữa nên cũng thắc mắc, không biết Tòa soạn “chê” mình ở điểm gì, về phong cách hay chủ đề viết.
Lại nữa, đội ngũ CTV của Tòa soạn gồm nhiều dạng, thường xuyên, tích cực hoặc “vãng lai”. Nhưng đa phần CTV đều chưa được Tòa soạn trao đổi, hướng dẫn định kỳ chuyên môn và yêu cầu chủ đề của từng số, kể cả đặt bài. Vì vậy, có khi viết xong, gửi bài đến thì hoặc không đáp ứng yêu cầu của Tạp chí, hoặc không còn phù hợp với chủ đề số sắp tới nữa, phải gác lại.
Có bài viết gửi đến do phải chờ chủ đề số tạp chí phù hợp, hoặc bài đã biên tập xong nhưng vì lý do nào đó phải để lại quá lâu, tác giả cũng không được thông báo lại, nên đã gửi tiếp cho báo khác và có lúc cả 2 báo đều đăng một bài, gây khó nghĩ cho tác giả và “khó chịu” cho Tòa soạn.
Nhiều CTV công tác ở địa phương, cơ sở thường trăn trở với chính những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống công tác xây dựng đảng, nhưng việc luận giải nó đúng với tầm của một bài nghiên cứu trên tạp chí của Trung ương thì gặp khó khăn bởi chính lượng thông tin cập nhật không được hoặc chưa đủ nên sức thuyết phục của bài viết chưa cao.
Đặc biệt, tính diễn đàn của Tạp chí lâu nay chưa rõ nét, chưa nêu những “vấn đề” cần và chưa có cơ chế kích thích sự bàn thảo, tranh luận, ủng hộ hay phản đối... nên tác giả cũng như Tòa soạn khó lòng đánh giá đầy đủ được thái độ của độc giả, hiệu ứng của bài viết đối với vấn đề đặt ra.
Những “phát hiện” về “một số điểm cần lưu ý” nêu trên có lẽ là nhỏ nhặt, nhưng chúng tôi nghĩ rằng bắt đầu bằng việc xử lý cái nhỏ nhặt đó, Tạp chí sẽ xây dựng được cho mình một đội ngũ CTV thân thiết, chất lượng, thêm những dữ kiện để bài viết của CTV có nội dung đúng định hướng và có cách thể hiện hấp dẫn, góp phần ngày càng nâng cao hơn chất lượng của Tạp chí.
Với tinh thần đó, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:
Một là, tất cả chúng ta cùng thống nhất quan điểm cần có cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa CTV và Tòa soạn, đồng thời quyết tâm cùng nhau xây dựng và thực hiện cho tốt.
Hai là, Tòa soạn cần trao đổi, lấy ý kiến của nhiều đối tượng thông qua chuyên mục “Tạp chí và bạn đọc, Tạp chí và CTV” để xây dựng cơ chế và từng bước bổ sung, hoàn thiện nó. Đồng thời tham khảo kinh nghiệm về mặt này của các tạp chí bạn.
Ba là, về nội dung cơ chế, với tư cách cá nhân, tôi xin đề xuất với Tòa soạn một số điểm:
- Trước hết, đảm bảo việc “hồi âm” của Tòa soạn được thực hiện với từng CTV trên tất cả các khâu: nhận bài, biên tập, hướng sử dụng, kết quả đánh giá...
- Thứ hai, phổ biến rộng rãi chủ đề năm, chủ đề tháng (từng số), hướng nghiên cứu và phản ánh, những vấn đề đặt ra đang cần tìm hướng giải quyết ... để gợi mở và định hình kế hoạch viết cho các CTV.
- Thứ ba, xây dựng các nhóm CTV chuyên trách theo từng mảng công tác, phụ trách nhóm là các phóng viên, biên tập viên nhiệt tình, có phương pháp, có kinh nghiệm trong nghiên cứu và phản ánh mảng công tác đó. Cơ chế hoạt động nhóm phải gắn trách nhiệm lẫn quyền lợi của người phụ trách và các thành viên. Nội dung hoạt động nhóm tập trung vào trao đổi thông tin, giúp nhau cập nhật kiến thức, gợi mở vấn đề, tìm tòi giải pháp...
- Thứ tư, chủ động xây dựng “phong trào” phản hồi giữa tòa soạn và CTV về những bài viết. Đầu tiên là đối với các bài đăng tải trên Xây dựng Đảng điện tử. Các phóng viên, biên tập viên phải là người phản hồi trước (vì hằng tháng Tòa soạn có thực hiện đánh giá chất lượng bài viết, các phóng viên, biên tập viên có thể phản hồi tinh thần đó của Tòa soạn cho tác giả và các độc giả cùng quan tâm). Đồng thời, Tòa soạn động viên đội ngũ CTV của mình tích cực tham gia phản hồi. Những hạt nhân của “phong trào” này sẽ là nguồn động viên, kích thích sự quan tâm trao đổi, phản hồi của đông đảo độc giả. Điều đó thật sự là niềm mong muốn của các tác giả chúng tôi, và có lẽ cũng rất tốt cho Tòa soạn khi đánh giá lại chất lượng CTV của mình.
Đối với các bài đăng ở Tạp chí in, Tòa soạn có thể cho đăng trên Tạp chí điện tử tóm tắt nội dung chính của từng bài, gợi mở phản hồi. Theo đó, độc giả Tạp chí điện tử có thể quan tâm mà tìm đọc thêm (vậy là tăng thêm độc giả cho Tạp chí in), và độc giả Tạp chí in có thể phản hồi ý kiến của mình trên trang điện tử, qua đó các tác giả và Tòa soạn sẽ thu được nhiều thông tin bổ ích.
Với tất cả tình cảm trân trọng của mình đối với Tạp chí Xây dựng Đảng, với các đồng chí trong Ban Biên tập và với các anh chị em cán bộ, phóng viên, biên tập viên thân thiết của Tòa soạn, chúng tôi luôn mong rằng mối quan hệ gắn bó tuy hai mà một của chúng ta sẽ ngày càng bền chặt, để cùng hướng về một mục tiêu chung là xây dựng Tạp chí ngày càng phát triển, không chỉ là cơ quan tuyên truyền hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng đảng của Ban Tổ chức Trung ương mà còn là diễn đàn nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.
Th.s Trương Thị Bạch Yến
Học viện CT-HC Khu vực III, Đà Nẵng