Với tư cách là một cán bộ thường xuyên công tác trong các cơ quan tham mưu của Đảng (suốt từ năm 1984 đến nay: Trường Chính trị tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Học viện Xây dựng Đảng) nên tạp chí chuyên ngành xây dựng Đảng luôn rất quan trọng và thân thiết đối với tôi. Việc học ở hệ thống trường lớp, học trong thực tiễn cuộc sống và học trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là tạp chí chuyên ngành đã giúp tôi có những kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trên mỗi cương vị công tác.
Chắc chắn cũng như tôi, những người làm công tác xây dựng đảng luôn trân trọng và cảm ơn những thông tin bổ ích từ tạp chí, đồng thời chia sẻ những khó khăn chung trong tình hình hiện nay, nhất là thời kỳ mà chưa bao giờ thông tin nhiều chiều, đa dạng và dễ dàng tìm kiếm đến thế. Tất nhiên, Tạp chí Xây dựng Đảng vẫn có thế mạnh truyền thống bởi tôn chỉ, mục đích của nó, bởi đội ngũ những biên tập viên, cộng tác viên trung kiên, có nhiều kinh nghiệm luôn đồng hành, gắn bó cùng Tạp chí.
Được mời dự hội nghị và tham luận về tính định hướng, tính hấp dẫn của Tạp chí, tôi xin chỉ nhấn mạnh và làm rõ hơn một số giải pháp (thực chất là chúng ta cũng đã thực hiện và cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt hơn mà thôi).
1. Nội dung phải thiết thực.
Là tạp chí chuyên ngành và đối tượng tìm đến tạp chí chủ yếu là cán bộ, đảng viên, nhất là người đang làm công tác xây dựng đảng, nên nội dung mà họ cần từ tạp chí là những vấn đề thiết thực, phục vụ ngay cho công việc của họ và sau nữa là nâng cao kiến thức, kinh nghiệm công tác. Nội dung cụ thể, thiết thực đối với họ thường chủ yếu là:
- Những quan điểm của Đảng hiện hành trên lĩnh vực thuộc công tác xây dựng đảng (nghị quyết, chỉ thị đang triển khai và cả bài viết có tính chất kinh điển về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng - không nên quá dồn nén trên cùng một số phát hành nhưng cũng không sợ lặp lại nếu có cách tiếp cận mới và phương pháp thể hiện mới).
- Hướng dẫn về nghiệp vụ, kỹ năng công tác trên từng mặt, từng khâu của mỗi lĩnh vực về xây dựng Đảng.
- Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, những cách làm hay, những phương thức lãnh đạo có hiệu quả, kể cả những tồn tại của các tổ chức đảng để họ tự liên hệ, rút kinh nghiệm cho chính mình và tổ chức mình.
- Thông tin mới về công tác tổ chức, cán bộ (sáp nhập, thành lập mới...), các quyết định quan trọng (đề bạt, bầu cử, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng kỷ luật cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý). Đây là những thông tin cần thiết, bình thường nhưng rất nhiều người quan tâm, nhất là trong xu thế dân chủ, công khai hiện nay. Mặc dù những thông tin đó có thể đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin khác nhưng cũng còn ít và không phải ai cũng tiếp cận được bởi vậy nên chọn lọc để đăng ở Tạp chí này.
- Những kiến thức bổ trợ khác về văn hoá, đạo đức, lối sống - không cần nhiều nhưng rất gần gũi, cần thiết, phục vụ cho chính yêu cầu nâng cao trình độ toàn diện cho người đọc.
- Những bài viết ngắn, những câu chuyện có tính chất thư giãn - nhưng cũng cần đậm đà chất nhân văn.
2. Phương pháp thể hiện các bài viết phải phong phú, đa dạng.
Tuy không thể có những tít giật gân, câu khách nhưng cũng cần có sự thể hiện đa dạng, tránh khuôn mẫu, gò ép. Rất cần có những chuyên mục để người đọc dễ theo dõi, tìm kiếm vì nhiều khi người đọc cầm tạp chí trên tay là tìm ngay đến chuyên mục mà mình ưa thích.
Tuy nhiên, cũng không vì quá đề cao vai trò của chuyên mục mà gò ép đăng tải những bài chưa thực sự có chất lượng, làm cho người đọc không cảm thấy hài lòng. Do vậy, khi đề cao tính chuyên mục thì phải đầu tư công sức của đội ngũ những người làm tạp chí và cả cộng tác viên (đặt hàng thường xuyên hoặc đột xuất với những người có khả năng, có bề dày kinh nghiệm và có điều kiện tiếp cận thông tin mới). Đồng thời, nếu xét thấy cần thiết thì có thể thiết lập những chuyên mục mới khi có đủ những thông tin quan trọng, thiết thực.
3. Cần đội ngũ cộng tác viên đông đảo, tâm huyết.
Tạp chí tồn tại, phát triển được, ngoài lực lượng trong biên chế của Tạp chí còn cần sự tham gia thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên khắp cả nước.
Để có đội ngũ cộng tác viên thường xuyên và thực sự tâm huyết, ngoài chính sách chi trả nhuận bút xứng đáng (theo nội dung chứ không phải chỉ theo độ dài của số trang), rất cần đến sự động viên, khích lệ kịp thời. Đó có thể chỉ là những thư cảm ơn như chúng ta vẫn thường làm hay gọi điện thoại trao đổi với cộng tác viên những vấn đề cần quan tâm, hay cần sự góp ý và có thể “đặt cọc” những nội dung cần thiết, khá ổn định đối với cộng tác viên nòng cốt. Đó chính là biểu hiện cụ thể, bình dị của mối quan hệ gắn bó giữa Tạp chí với cộng tác viên. Hội nghị cộng tác viên tiêu biểu gắn với dịp tổng kết năm cũng là một cách làm hay.
Có chính sách tôn vinh cộng tác viên thì càng tốt (một quyết định khen thưởng người có bài viết được nhiều người đọc nhất trên báo điện tử; một kỷ niệm chương hay một giải thưởng nho nhỏ cho số lượng, chất lượng chuyên mục...) đều rất có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp, động viên, khích lệ người viết. Tất nhiên là cần có cơ chế, chính sách tương đối ổn định và cách thức bình chọn khách quan.
4. Vai trò của Ban Biên tập là cực kỳ quan trọng.
Những định hướng về tư tưởng, quan điểm và những nội dung về tôn chỉ, mục đích của tạp chí đều đã rõ ràng. Vai trò chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo, quản lý đối với các tạp chí của các ban xây dựng Đảng là quan trọng nhưng sự vững vàng của những người trực tiếp biên tập tạp chí chuyên ngành xây dựng Đảng có tính quyết định đến tính định hướng và sự hấp dẫn của tạp chí. Người viết và nội dung, hình thức của bài viết thì muôn hình muôn vẻ. Song, sự khuyến khích hay hạn chế nội dung, hình thức thể hiện đối với những bài viết (kể cả của thành viên trong và ngoài tạp chí) đều phụ thuộc vào quan điểm của những người biên tập. Những vấn đề nhạy cảm, thậm chí rất hấp dẫn với người đọc nhưng theo khuynh hướng tư tưởng lệch lạc đều ảnh hưởng rất lớn đến tính định hướng của tạp chí. Trái lại, sự thận trọng quá mức cần thiết, né tránh những vấn đề gai góc thực tế đặt ra, những bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ làm cho tạp chí trở nên “khuôn mẫu”, xơ cứng. Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến cái cảnh tìm mua một tờ báo địa phương ở chính địa phương đó mà không thể mua được chỉ vì họ không bán. Hỏi ra mới biết họ đã từng “bán ngoài” nhưng không bán được. Điều đáng nói là báo của họ vẫn tiêu thụ hết vì nhờ vào quy định mà thực chất là bao tiêu sản phẩm: “Mỗi chi bộ, mỗi cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trở lên phải mua ít nhất 1 tờ. Số tiền đó được trích từ nguồn đảng phí”. Rõ ràng, sự bù lỗ cho nhiệm vụ chính trị là cần thiết nhưng không thể không xem lại mối quan hệ giữa tính định hướng và tính hấp dẫn của tờ báo địa phương đó. Nếu khẳng định tờ báo đó là tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương mà đông đảo nhân dân địa phương thờ ơ thì cơ quan báo chí đó phải xem lại mình. Kể cả cơ quan lãnh đạo quản lý báo chí đó phải tìm nguyên nhân và xác định lại cơ chế hoạt động như thế nào. Đó là một việc khó. Vì tính định hướng và tính hấp dẫn của một tờ báo nói chung phụ thuộc vào nhau, ràng buộc nhau trong mối quan hệ nhân quả. Việc phấn đấu đảm bảo tính định hướng của một tạp chí là cái cần thiết, là lý do tồn tại nhưng để hấp dẫn thực sự thì phải có cách nhìn khoa học, một ý thức chính trị cao, sự tâm huyết, tính tập thể, sáng tạo.
Vài ý kiến cá nhân nêu trên mong Hội nghị coi đó như những thông tin tham khảo.
Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, kinh nghiệm và tinh thần quyết tâm từ hội nghị này, thời gian tới, Tạp chí Xây dựng Đảng sẽ có bước phát triển mới, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của đông đảo cán bộ đảng viên, nhất là những người làm công tác xây dựng đảng.
TS. Nguyễn Minh Tuấn
Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng