Cu-ba - Những thành quả cách mạng phi thường

Nhìn lại chặng đường 52 năm qua, kể từ khi tuyên bố độc lập ngày 1-1-1959 đến nay, cách mạng Cu-ba đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đáng tự hào.

Hơn 50 năm qua, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, bị chính quyền Mỹ bao vây cấm vận, song dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) và Ðảng Cộng sản Cu-ba, nhân dân Cu-ba đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới phải khâm phục và nể trọng. Là một  nước nhỏ, liên tục phải đương đầu với các kiểu chiến tranh "nóng" và "lạnh" nhưng Cu-ba vẫn giữ vững chính quyền và thành quả cách mạng. Ngay trong năm 1961, 15.000 lính đánh thuê do CIA trang bị đã đổ bộ vào bãi biển Hi-rôn (Giron) với mưu đồ tiêu diệt cách mạng Cu-ba nhưng chúng đã bị thất bại hoàn toàn.

Tiếp đó, chính quyền Mỹ đã áp đặt lệnh bao vây cấm vận với Cu-ba, tạo ra một cuộc chiến tranh kinh tế-thương mại toàn diện chống Cu-ba, gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Cu-ba khoảng 100 tỷ USD. Nhưng nửa thập kỷ qua đi, cuối cùng người Mỹ đã phải thừa nhận, chính sách cấm vận, cô lập Cu-ba của Mỹ đã thất bại. Cu-ba vẫn vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn và đạt được những kỳ tích mà người ta không thể ngờ tới; tự tin và vững bước trên con đường đã lựa chọn.

Bằng sức sáng tạo vượt bậc và sự kiên định lập trường cách mạng, nhân dân Cu-ba vừa bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng trước sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, vừa giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, Cu-ba đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước đang phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, thể thao… Cu-ba đã vươn lên một tầm vóc quốc tế chưa từng có khi giảm tỷ lệ mù chữ xuống dưới 0,2% trong vòng 50 năm qua, 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí; giúp 89 quốc gia đào tạo hơn 53.000 sinh viên, cử 113.000 bác sĩ làm việc và cộng tác tại 103 quốc gia.

Giai đoạn 1991-1994 là thời kỳ gian nan nhất của Cu-ba kể từ khi cách mạng thành công. Khi đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ ngày càng thắt chặt, nền kinh tế Cu-ba rơi vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, kim ngạch ngoại thương giảm xuống dưới ¼ so với thời kỳ trước đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 35%. Tuy nhiên, bằng sự kiên cường và sáng tạo, Cu-ba đã ra khỏi "thời kỳ đặc biệt" và tiếp tục đứng vững với 75% tổng thu nhập quốc dân ổn định nhờ xuất khẩu sản phẩm (mía, đường và ni-ken), phát triển du lịch và dịch vụ.

Dù bị bao vây cấm vận từ Mỹ, Cu-ba vẫn phát triển khoa học và hiện đang là một cường quốc sinh học thế giới. Chính phủ vẫn bao cấp đầy đủ từ giáo dục cho đến chăm sóc sức khỏe. Ở Cu-ba, giáo dục từ phổ thông đến hết đại học và các trường dạy nghề đều hoàn toàn miễn phí. Công nghệ hóa học và kỹ thuật chế biến thuốc men của Cu-ba là một trong những nền công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới. Cu-ba còn là một trong những cường quốc thể thao của thế giới và thường giành thứ hạng cao trong các kỳ thi đấu Olympic. Tuổi thọ của người dân Cu-ba (77,6) tương đương của Mỹ (77,7) và 100% số người dân Cu-ba được chăm sóc y tế. Cu-ba cũng là một trong số rất ít nơi trên thế giới không có trẻ em không nơi nương tựa, lang thang trên đường phố.

Không những bảo vệ và duy trì được những thành quả của cách mạng, Cu-ba còn sẵn sàng giúp đỡ các dân tộc anh em và ở bất cứ đâu có những người khốn khổ cần giúp đỡ. Đội ngũ bác sĩ, y tá tình nguyện viên Cu-ba có mặt ở bất cứ nơi nào gặp thảm họa theo lời kêu gọi của quốc gia hay quốc tế dù đó là châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh. Thậm chí, Cu-ba sẵn sàng cử bác sĩ sang giúp Mỹ khắc phục hậu quả của cơn bão Katrina. Điều đặc biệt là, hiện nay, khi cuộc cải cách trong lĩnh vực y tế tại Mỹ vẫn vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại và đầy tốn kém thì ngược lại, tại Cu-ba, người dân nơi đây lại rất tự hào về hệ thống y tế bền vững và hoạt động hiệu quả của mình.

Quan hệ giữa Cu-ba với các đối tác chiến lược tiếp tục phát triển và ngày càng bền vững. Những đối tác mới ngày càng quan tâm hơn tới quốc đảo thanh bình, con người trọng nghĩa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ và không hiếm tài nguyên này. Cu-ba còn là tấm gương và niềm tin của lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh đang đấu tranh vì một trật tự xã hội công bằng, bình đẳng. Nhân dân các nước miền nam châu Phi còn nhớ mãi hơn 2.000 chiến sĩ Cu-ba đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của Ăng-gô-la và góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai.

Thế giới hiện đại ngày nay đang chứng kiến nhiều nghịch cảnh kinh tế, nhiều nơi tăng trưởng càng cao thì càng làm trầm trọng thêm những bất công và phân hóa xã hội; nơi đâu khi nhắc đến người ta đều nghĩ rằng nơi đó có sự thừa thãi về của cải và sự phồn vinh, nhưng thực chất nơi đó vẫn còn hàng triệu người sống dưới chuẩn nghèo. Trong khi đó, mặc dù mức sống của người dân Cu-ba chưa cao, mức lương cơ bản còn thấp, nhưng Cu-ba đã đạt được tăng trưởng trong công bằng, giải quyết đồng thời và hòa quyện những vấn đề kinh tế với những vấn đề xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, tạo ra mô hình phát triển toàn diện, bền vững. Đó là những thành tựu mà người dân Cu- ba rất đỗi tự hào.

Nguồn: Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất