Dĩ bất biến

Năm 2011, thế giới trải qua nhiều biến động dữ dội. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra từ mùa thu 2008 ngày càng khoét sâu, làm bùng nổ những mâu thuẫn vốn có trong xã hội của nhiều quốc gia, tác động mạnh đời sống thế giới. Ở hai bờ Đại Tây Dương, Mỹ và các nước châu Âu vật lộn với tình trạng nợ công, tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, không ít chính phủ đã bị con sóng nợ công nhấn chìm. Thế giới Ả-rập trải qua ngọn triều cách mạng đường phố với những bất ổn kéo dài. Ở Thái Bình Dương, khủng hoảng kinh tế cộng với thảm hoạ thiên nhiên đẩy lui Nhật Bản - nền kinh tế thứ hai thế giới nhường chỗ cho Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới mới soán ngôi không còn “giấu mình chờ thời”, tiến mạnh vào trung tâm quyền lực thế giới, làm thay đổi tình hình biển Đông.

Những biến động của thế giới tác động trực tiếp, tạo thêm nhiều thách thức trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đồng thời khắc hoạ rõ nét tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh - dĩ bất biến, ứng vạn biến - trong đường lối đối ngoại của Đảng. Bất biến là độc lập, lợi ích dân tộc; chủ quyền quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ. Vạn biến là sách lược linh hoạt trong từng thời gian, tình huống cụ thể với những đối tượng cụ thể.

Dĩ bất biến, Việt Nam tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới, đồng thời nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác chủ chốt.

Những chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Căm-pu-chia tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị vì hoà bình và phát triển. Tại Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có văn kiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Những chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang các quốc gia ở nhiều châu lục và đón nguyên thủ quốc gia nhiều nước tới Việt Nam trong năm đem lại kết quả nhiều mặt, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước ta trong hoàn cảnh mới.

Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ đối ngoại đảng với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và các đảng khác, tiếp tục coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân.

Quan hệ đối ngoại rộng mở và sâu sắc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường thuận lợi xây dựng và bảo vệ đất nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.

Dĩ bất biến, Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác (17 đến 19-11-2011 tại In-đô-nê-xi-a) Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có những đóng góp quan trọng vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, trong đó có xây dựng Cộng đồng ASEAN, kết nối ASEAN; bảo đảm đoàn kết và tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, G20, Liên hợp quốc... và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, cùng đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định và ứng phó với các thách thức đang nổi lên ở khu vực; tăng cường liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững, trong đó có tiểu vùng Mê Kông.

Hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực và ở biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của khu vực và các nước có liên quan, vì vậy khu vực và các nước cần chung tay vì mục tiêu này. Việt Nam cam kết cùng các nước giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển khác, trong đó có an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống cướp biển, các tội phạm trên biển... trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Dĩ bất biến, với phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu.

Trong năm 2011, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong APEC, qua đó phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của nước ta tại Diễn đàn cũng như tại khu vực châu á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19 (11 đến 13-11-2011) được tổ chức tại Ha-oai (Mỹ), đem đến một thông điệp rõ ràng với thế giới. Đó là hơn 25 năm đổi mới đã đưa Việt Nam tiến những bước dài vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập, đóng góp tích cực vào hoà bình, hợp tác vì phát triển và liên kết kinh tế của ASEAN, của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế hội nhập sâu, rộng và là đối tác đáng tin cậy ở khu vực và trên thế giới, cam kết mạnh mẽ mở cửa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Việt Nam đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và các khuôn khổ pháp lý bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường; tạo ra môi trường bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, huy động những nguồn lực quan trọng từ bên ngoài để phát triển đất nước. Mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, các nhà tài trợ quốc tế vẫn cam kết tài trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam ở mức cao, riêng cho năm 2012 gần 7,4 tỉ đô-la Mỹ.

Tại APEC lần này, Việt Nam tích cực cùng với nước Mỹ chủ nhà và các thành viên tham gia đóng góp vào thành công chung của Hội nghị, đem lại những kết quả quan trọng và thiết thực không những cho khu vực mà cho cả chính sự phát triển của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo các thành viên trong APEC nhằm tìm ra những biện pháp góp phần thúc đẩy hơn nữa liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng như quan hệ giữa ta với các đối tác trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, gặp gỡ giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đây cũng là dịp để Việt Nam đóng góp những sáng kiến vì lợi ích chung của khu vực, đồng thời tìm ra khả năng hợp tác với các nền kinh tế khác trong APEC, nhằm đáp ứng những mục tiêu phát triển của ta, trong đó trước mắt ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước và những mục tiêu dài hạn trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và triển khai nghiêm túc những cam kết hợp tác của APEC. Điều này sẽ góp phần không nhỏ giúp chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung, vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân.

Những nỗ lực trên đây đã cho thấy hình ảnh Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào các công việc chung của nhân loại đã được khẳng định. Các hoạt động đa phương sôi động của Việt Nam trong năm qua đã thực sự góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thể hiện sự tham gia đầy đủ của nước ta vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực cũng như trên toàn cầu.

Phản hồi (2)

Trần Tú Hải 03/03/2012

Tôi rất quan tâm đến chi tiết "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương". Đây là hướng đối ngoại rất quan trọng không chỉ về kinh tế mà rất có ý nghĩa chính trị nhưng tôi thấy chưa được báo chí phân tích nhiều. Tạp chí đã rất có ý nghĩa khi đưa hoạt động này vào kết quả hoạt động trong năm.

Phan Hoài Thanh 26/01/2012

Năm 2011, ngoại giao nước ta là ngành thắng lợi nổi bật so với tất cả các lĩnh vực khác. Trong đó nổi bật đã cân bằng được các nước lớn vì lợi ích của dân tộc. Bài viết đã phản ánh được đúng điều đó một cách toàn diện với một cách viết nhẹ nhàng, là lạ. Nguyễn Hoàng Giang có lẽ là một cây viết mới của Tạp chí rất có triển vọng.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất