Từ cầm quyền tự tại đến cầm quyền tự giác

Năm 2011, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tròn 90 tuổi, 9 thập kỷ qua, từ một đảng cách mạng trở thành một đảng cầm quyền. Trong chặng đường dài lịch sử này, ĐCSTQ có nhiều bài học, trong đó có bài học từ “cầm quyền tự nhiên tự tại” theo kinh nghiệm tiến dần lên “cầm quyền tự giác theo quy luật”.

Từ khi thành lập đến năm 1949, tuy ĐCSTQ có cầm quyền cục bộ, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là đấu tranh giành chính quyền, nên tư duy chủ yếu là tư duy để xây dựng một đảng cách mạng. Tư duy này vẫn tồn tại trong mọi hoạt động của đảng khi đã cầm quyền cả nước nên đã có không ít vấp váp, sai lầm, mà đỉnh điểm là sai lầm “Đại cách mạng văn hóa”.

Hội nghị TW3, khóa XI (1978) đã tổng kết kinh nghiệm lịch sử thời kỳ này và rút ra những bài học về cầm quyền, trước hết là về nhận thức:

Trong xã hội XHCN, đấu tranh giai cấp không còn là mâu thuẫn chủ yếu, nhiệm vụ trung tâm là giải phóng và phát triển sức sản xuất, chính quyền nhà nước phải thực sự trở thành quyền lực công, tạo phúc cho toàn dân, kiên trì thực hiện dân chủ nhân dân. Kinh nghiệm lịch sử trước và trong “Đại cách mạng văn hóa” cho thấy, muốn củng cố và phát triển dân chủ trong đảng và dân chủ nhân dân thì phải xóa bỏ sùng bái cá nhân, kiện toàn chế độ tập trung dân chủ, phải chế độ hóa, pháp luật hóa, bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của toàn thể công dân.

Giai đoạn “cầm quyền tự giác” lấy mốc từ Hội nghị TW3, khóa XI (1978) trở đi, bước vào thời kỳ cải cách mở cửa, Đảng bắt đầu chuyển dần lên một chính đảng cầm quyền tự giác theo quy luật.

Từ cải cách mở cửa đến nay, ĐCSTQ đã không ngừng tìm tòi quy luật cầm quyền, tích lũy được kinh nghiệm trong giải quyết một loạt quan hệ cơ bản liên quan đến quy luật cầm quyền của đảng, trong đó nổi lên mấy vấn đề:

1- Quan hệ giữa đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, trị quốc theo luật

Kiên trì sự lãnh đạo của đảng với nhân dân làm chủ và trị quốc theo luật là chế độ lãnh đạo khoa học, là bảo đảm căn bản cho ĐCSTQ cầm quyền và quản lý đất nước hiệu quả.       

Địa vị, vai trò của ba chủ thể đảng (lãnh đạo), nhân dân (làm chủ), nhà nước (pháp luật) không phải ngang nhau, mà có các mối quan hệ biện chứng:

Nhân dân làm chủ là mục đích cuối cùng của chế độ lãnh đạo, của tôn chỉ của đảng, yêu cầu cốt lõi của hiến pháp, luật pháp; còn đảng lãnh đạo, nhà nước trị quốc theo luật là thủ đoạn để đạt mục đích nhân dân làm chủ. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả tốt xấu của đảng lãnh đạo và nhà nước trị quốc theo luật là ở mức độ nhân dân làm chủ đạt được nhiều ít, cao thấp.

Đảng không làm thay vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò trị quốc theo luật của nhà nước. Vai trò của đảng là lãnh đạo, tức là vai trò thống lĩnh toàn cục, điều hòa phối hợp các bên.

Tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, nhân dân đều là thành viên trong xã hội XHCN, trong nhà nước pháp quyền XHCN, đều phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật XHCN và được hiến pháp và pháp luật XHCN bảo vệ. Không tổ chức nào (kể cả đảng, nhà nước), cá nhân nào có đặc quyền đứng ngoài, đứng trên hiến pháp, pháp luật. Nhưng không vì thế mà hiểu giản đơn phiến diện pháp luật là cao trên tất cả. Hiến pháp, luật pháp là thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, có tính giai cấp rõ rệt. Luật pháp của nhà nước XHCN khác hẳn luật pháp nhà nước tư sản. Nói pháp luật là trên hết là so với bất kỳ tổ chức nào, cá nhân nào, còn vượt ra ngoài phạm vi này mà nói, là cách nêu phiến diện, siêu hình và tuyệt đối hóa. Chỉ có lợi ích nhân dân là cao trên mọi thứ. Khi thấy luật không đáp ứng, không phù hợp lợi ích nhân dân thì sửa hoặc bãi bỏ. Mà việc định, sửa, bỏ hiến pháp, pháp luật không thể tách rời sự lãnh đạo của đảng.

Từ những nhận thức trên, ĐCSTQ không chỉ là đảng lãnh đạo mà còn là đảng cầm quyền, vị trí cầm quyền của đảng là thông qua sự lãnh đạo của đảng đối với cơ quan nhà nước để thực hiện, do vậy không thể buông lơi sự lãnh đạo này của đảng. Cơ quan chính quyền nhà nước các cấp (đại hội đại biểu nhân dân, chính phủ, tòa án, kiểm sát, quân đội) đều phải tiếp nhận sự lãnh đạo này của đảng cầm quyền.

2- Quan hệ đảng cầm quyền với chính quyền nhà nước

Để thực hiện chề độ lãnh đạo của đảng với nhân dân làm chủ và trị quốc theo luật, trước hết cần xúc tiến qui phạm hóa, chế độ hóa quan hệ giữa tổ chức đảng với chính quyền nhà nước.

Khi bước vào giai đoạn xây dựng xã hội XHCN nhưng đảng vẫn thực hiện thể chế lãnh đạo không phân rõ đảng với chính quyền, đã tập trung mọi quyền lực vào đảng một cách quá mức. Quyền lực của cấp ủy đảng lại thường tập trung vào mấy vị bí thư, nhất là tập trung vào bí thư thứ nhất. Do vậy, xuất hiện hiện tượng quyền lực quá tập trung. Năm 1980 đã đề ra cải cách chế độ lãnh đạo của đảng và nhà nước. Năm 1986, đề ra nguyên tắc đảng tách riêng với chính quyền và phân cấp quyền lực xuống dưới, Sau đó, trong quá trình hình thành tư tưởng “3 đại diện”, lại đề rõ nguyên tắc “bao quát toàn cục, điều hòa phối hợp các mặt”, quy phạm quan hệ cấp ủy đảng với Đại hội đại biểu nhân dân (ĐHĐBND gần giống với Quốc hội, hội đồng nhân dân ở Việt Nam), chính phủ, tư pháp. Cụ thể là:

- Xác định rõ sự lãnh đạo của đảng chủ yếu là lãnh đạo chính trị, tư tưởng và tổ chức thông qua việc định ra phương châm chính trị lớn, đề xuất kiến nghị lập pháp, tiến cử cán bộ quan trọng, tiến hành tuyên truyền tư tưởng, phát huy vai trò tổ chức đảng và đảng viên, kiên trì cầm quyền theo luật (6 mặt) để thực hiện sự lãnh đạo của đảng đối với nhà nước và xã hội.

- Xác định rõ cơ quan cấp ủy đảng với ĐHĐBND, chính phủ, tư pháp, mỗi cơ quan có chức năng nhiệm vụ riêng của mình. Đồng thời thông qua việc cắt bỏ, hợp nhất những bộ phận có chức năng tương đồng hoặc gần nhau để giải quyết vấn đề trùng lặp chức năng nhiệm vụ.

- Xác định rõ cấp ủy đảng phát huy vai trò lãnh đạo trong các loại tổ chức đồng cấp, tập trung tinh lực vào việc nắm chắc việc lớn quan trọng, ủng hộ các tổ chức triển khai công việc của mình một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm, với bước đi thống nhất chung.

- Xác định rõ, trong các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp đều thành lập Ban cán sự đảng. Ban cán sự đảng và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan quyền lực nhà nước, căn cứ theo pháp luật, quán triệt đường lối, phương châm, chính sách của đảng và quyết định của cấp ủy đảng, tiến hành công tác trong phạm vi chức trách của mình.

Những nguyên tắc và qui định này là khác với thể chế lãnh đạo không phân rõ đảng, chính quyền trước đây và cũng khác với thể chế lãnh đạo của phương Tây.

2- Quan hệ đảng cầm quyền với đảng tham chính

Trung Quốc bước vào thời kỳ đầu CNXH vẫn giữ lại các đảng phái dân chủ (hiện có 8 đảng phái dân chủ) và đề ra nguyên tắc “cùng tồn tại lâu dài, cùng nhau giám sát”. Nhưng lúc đó chưa xác định được rõ tính chất đảng phái dân chủ trong xã hội XHCN là thế nào. Khi bước vào thời kỳ cải cách mở cửa đã đề ra nguyên tắc “cùng tồn tại lâu dài, cùng giám sát lẫn nhau, gan ruột gắn liền, vinh nhục cùng chia sẻ”. Tiếp đó xác định rõ đảng phái dân chủ ở Trung Quốc là đảng tham chính với các điểm cơ bản là tham gia chính quyền nhà nước, tham dự hiệp thương phương châm chính trị lớn của quốc gia, chọn lựa người lãnh đạo quốc gia, tham dự quản lý công việc quốc gia, tham dự, định ra và chấp hành phương châm, chính sách, pháp luật nhà nước. Như vậy là nhiều đảng tham chính, một đảng lãnh đạo, nhiều đảng hợp tác.

3- Quan hệ đảng cầm quyền với xã hội (quần chúng nhân dân)

Từ cải cách mở cửa đến nay, ĐCSTQ đã kết hợp việc quán triệt đường lối quần chúng với hoàn thiện phương thức cầm quyền, nâng cao năng lực cầm quyền, tăng cường cơ sở cầm quyền của đảng, đồng thời nhấn mạnh:

a. Không ngừng thực hiện tốt, phát triển tốt, bảo vệ tốt quyền và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân là điểm xuất phát và là đích đến của mọi công tác của đảng.

b. Tăng cường cơ sở giai cấp và mở rộng cơ sở quần chúng của đảng, thu hút những đối tượng ưu tú phù hợp điều kiện của đảng trong các tầng lớp xã hội vào trong đảng. Xúc tiến quy phạm hóa, chế độ hóa quan hệ đảng với các mặt xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân, mặt trận thống nhất, v.v.

c. Giữ vững mối liên hệ máu thịt đảng với quần chúng nhân dân là vấn đề cốt lõi của việc tăng cường và cải tiến xây dưng tác phong của đảng.

d. “Quyền là dùng cho dân, tình cảm là thuộc về dân, lợi là mưu cho dân” là quan điểm quyền lực mà mọi cán bộ các cấp của đảng phải kiên trì thực hiện.

Trong quá trình xử lý vấn đề này, ngày càng nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò quần chúng nhân dân đối với việc cầm quyền của đảng, ở chỗ, quần chúng nhân dân không chỉ là chủ thể sáng tạo lịch sử, thúc đẩy xã hội tiến lên, mà còn là chủ thể xã hội cần thiết và tích cực đối với hoạt động cầm quyền, là nền tảng xã hội hết sức quan trọng của bất kỳ chính đảng cầm quyền nào. Đường lối, phương châm, chính sách của đảng cầm quyền định ra có phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân hay không liên quan trực tiếp đến sự ủng hộ mạnh mẽ của dân và địa vị cầm quyền của đảng có được củng cố hay không. Quần chúng nhân dân không phải là bộ phận khách thể của đảng cầm quyền, mà là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của đảng, của sự nghiệp đất nước. Dân với đảng, đảng với dân là một. Gần đây, thực hiện rộng việc công khai đảng vụ, nhất là các hội nghị trung ương bàn những vấn đề quốc kế dân sinh, hoạt động của đảng không còn là thần bí, xa cách với dân mà trở thành việc của dân, nhận được sự quan tâm của dân chúng. Dân không chỉ ủng hộ hay không ủng hộ đảng, mà còn có vai trò giám sát, tích cực đóng góp xây dựng đảng, bảo về đảng. Ngược lại, đảng làm tốt mọi mặt cho dân là vì dân mà cũng là vì đảng. Vì thế, xử lý tốt quan hệ đảng với quần chúng nhân dân là quan hệ bản chất chi phối hoạt động cầm quyền của đảng cầm quyền, là mặt quan trọng của việc nắm vững quy luật cầm quyền, để không bao giờ, không nơi nào, không khâu nào buông lơi, coi nhẹ việc xử lý tốt quan hệ này để không ngừng xây dựng, củng cố, phát triển nền tảng xã hội hết sức quan trọng này của đảng cầm quyền.

Để làm được điều này, mấu chốt là phải xử lý tốt quan hệ cán bộ với quần chúng của đảng. Có thể nói, hoạt động cầm quyền của đảng cầm quyền là quá trình thực tiễn thông qua cán bộ trong đảng để phát động và lãnh đạo quần chúng quán triệt và thực hiện đường lối chủ trương của đảng. Đó cũng là quá trình tác động qua lại giữa cán bộ với quần chúng trong thực tiễn cầm quyền của đảng. Không những thế, cán bộ không chỉ là công bộc phục vụ quần chúng, càng quan trọng hơn, cán bộ là chủ thể định ra, quán triệt và chấp hành đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền. Tố chất tự thân cán bộ thực sự quan hệ trực tiếp đến hoạt động cầm quyền của đảng thuận lợi hay không thuận lợi, hiệu quả cao hay thấp. Bài học rút ra là, quần chúng là cơ sở xã hội quan trọng và cán bộ là then chốt của hoạt động cầm quyền của đảng cầm quyền. Do vậy không chỉ cần chăm lo xây dựng củng cố phát triển cơ sở xã hội mà còn phải chăm lo xây dựng củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ hùng hậu, đồng bộ về các mặt cơ cấu năng lực, tố chất, bản lĩnh, độ tuổi, v.v. đáp ứng yêu cầu luôn phát triển của thực tiễn, của thời đại.

4- Quan hệ đảng cầm quyền với pháp luật

Tiến trình lịch sử thế giới đã trải qua ba phương thức kết cấu quyền lực nhà nước:

- Quyền hành chính lớn hơn quyền lập pháp, quyền tư pháp. Đó là kết cấu quyền lực chuyên chế của xã hội nô lệ, xã hội phong kiến.

- Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngang nhau, ràng buộc nhau. Đó là kết cấu quyền lực “tam quyền phân lập” của chế độ dân chủ tư sản.

- Quyền lập pháp cao hơn và giữ vai trò chủ đạo đối với quyền hành pháp, quyền tư pháp. Đó là kết cấu quyền lực “nghị hành hợp nhất” của chế độ tập trung dân chủ của chế độ xã hội XHCN theo kiểu Trung Quốc.

Trung Quốc đã từng trải qua các thời kỳ chủ yếu dùng nghị quyết, chỉ thị của đảng chuyển sang dùng mệnh lệnh hành chính của nhà nước, chuyến sang dùng chính sách, dựa vào chính sách để quản lý đất nước, và nay đang trong quá trình chuyển sang chủ yếu dựa vào Hiến pháp để quản lý đất nước.

Tại Đại hội XII của Đảng đã đề ra nguyên tắc quan trọng là đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật. Các đại hội tiếp theo tiến thêm bước đề ra phương lược cơ bản của “trị quốc theo luật”. Bước vào thế kỷ 21, hoàn thiện thêm nguyên tắc pháp trị, đề ra nguyên tắc “trị quốc theo Hiến pháp”. Đồng thời với đó, đảng lãnh đạo nhân dân không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc, tự giác tiếp nhận sự giám sát của pháp luật, và dựa vào pháp luật trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm pháp luật.  

Với tầm nhìn thế giới, tầm nhìn thời đại, đảng cầm quyền phải tôn trọng quy luật chung của chính trị hiện đại, đầu tiên là chính trị hiến pháp, đòi hỏi toàn bộ hành vi chính trị phải được chế độ hóa, quy phạm hóa, trình tự hóa. Hiến pháp vừa là quy phạm cơ bản của hành vi chính trị, cũng là thước đo chủ yếu để đánh giá đối với hành vi chính trị. Chính trị hiện đại cũng là chính trị chính đảng. Chính đảng là chủ thể quan trọng của chính trị hiện đại. Sự kết hợp giữa chính trị hiến pháp với chính trị chính đảng đòi hỏi chính đảng lấy phương thức phù hợp với quy định hiến pháp để tham dự đời sống chính trị quốc gia, tức là vận dụng tư duy hiến pháp để cầm quyền.

Trong thời kỳ mới đảng phải vận dụng tư duy hiến pháp, chứ không thể dừng lại ở tầm tư duy chính sách để cầm quyền, then chốt là tạo dựng quyền uy của hiến pháp và pháp luật, làm cho quyền uy hiến pháp và pháp luật thay thế quyền uy của chính sách, thực sự trở thành căn cứ của trị quốc và cầm quyền, có vị trí tối thượng trong đời sống chính trị quốc gia. Để hiện thực hóa tư duy hiến pháp, phải xây dựng, cải cách, hoàn thiện cơ chế, quy chế vận hành cụ thể. Như Hội nghị TW5 (khóa XVI, XVII) bàn về kế hoạch 5 năm lần thứ 11, 12 không đưa ra quyết định cuối cùng mà chỉ đưa ra “kiến nghị” để cơ quan nhà nước xem xét, quyết định cuối cùng.

Trong điều kiện lịch sử mới, kết cấu xã hội Trung Quốc ngày càng đa nguyên, vận dụng tư duy hiến pháp cầm quyền, thông qua hiến pháp qui tụ các tầng lớp xã hội, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, cùng dốc sức vào sự nghiệp chung của đất nước. Tôn chỉ của đảng và của hiên pháp đều với tư duy “lấy con người làm gốc”,  hiến pháp với tôn chỉ của đảng là thống nhất với nhau.

Để tiến lên cầm quyền tự giác theo quy luật, ĐCSTQ không chỉ tập trung quy phạm hóa, chế độ hóa các quan hệ ngang như trên, mà còn tập trung nghiên cứu giải quyết quan hệ dọc của hệ thống lãnh đạo, cầm quyền từ tầng quyết sách chiến lược, vĩ mô ở cấp trung ương đến tầng thực thi ở cấp cơ sở. Trong đó cấp huyện được tăng cường xây dựng toàn diện ngang tầm với vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn mới, trong thực thi chiến lược xây dựng nông thôn mới, chiến lược đô thị hóa, chiến lược xây dựng và quản lý xã hội. Đồng thời với đó, cũng tập trung nghiên cứu giải quyết tốt quan hệ giữa các khâu của quá trình lãnh đạo và cầm quyền, trong đó tăng cường xây dựng các mặt liên quan phục vụ cho khâu quyết sách khoa học, quyết sách theo quy luật và khâu giám sát có hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, chú trọng xây dựng nâng cao năng lực trình độ lãnh đạo, cầm quyền của bản thân đảng.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất