Đầu năm 1917, tại nước Nga, phong trào bãi công của công nhân dâng cao trong toàn quốc. Ngày 25-2-1917, Đảng Bôn-sê-vich kêu gọi nhân dân Pê-trô-grat xuống đường đấu tranh chống chế độ Nga hoàng. Cuộc tổng bãi công ngày 26-2 nhanh chóng trở thành khởi nghĩa vũ trang, quân lính và cảnh sát ngả về phía quần chúng. Ngày 2-3-1917, Nga hoàng Ni-cô-lai II bị truất ngôi, cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nhưng lại xuất hiện tình trạng cùng một lúc ở Nga tồn tại hai chính quyền song song: một bên là Chính phủ lâm thời được thành lập với các đại diện của giới tư sản Nga và một bên là các Xô-viết đại diện cho công nhân và binh lính.
Trước tình hình đó, tháng 4-1917, V.I.Lênin từ Phần Lan trở về nước Nga. Ngày 16-4-1917, tại thủ đô Pê-trô-grat, V.I.Lênin thay mặt cho Đảng Bôn-sê-vich công bố Luận cương Tháng Tư, trong đó đề ra chủ trương giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng tổng khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 4-7-1917, tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi Chính phủ lâm thời tư sản ra lệnh cho binh lính xả súng bắn vào đoàn biểu tình hòa bình của quần chúng tại Pê-trô-grat, truy bắt các nhà lãnh đạo Đảng Bôn-sê-vich. Lãnh tụ V.I.Lênin buộc phải lánh ra vùng Ra-dơ-líp (Phần Lan) và tại đây, Người đã ra những chỉ thị quan trọng chỉ đạo phong trào cách mạng nước Nga. Người vạch rõ, thời kỳ đấu tranh hòa bình đã chấm dứt, các lực lượng cách mạng ở nước Nga phải khẩn trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Đầu tháng 8-1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (Bôn-sê-vich) được tổ chức công khai tại Pê-trô-grat. Đại hội đã thông qua đường lối khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và đề ra nhiệm vụ cho Đảng Bôn-sê-vich là lãnh đạo giai cấp vô sản nước Nga giành chính quyền bằng con đường đấu tranh vũ trang.
Ngày 7-10-1917, V.I.Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Pê-trô-grat. Ngày 10-10-1917, dưới sự chỉ đạo của V.I.Lênin, Hội nghị Trung ương Đảng Bôn-sê-vich đã họp và thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 12-10-1917, Xô-viết Pê-trô-grat cử ra Ủy ban Quân sự cách mạng có nhiệm vụ chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 16-10-1917, Trung ương Đảng Bôn-sê-vich thành lập Ủy ban quân sự cách mạng thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước. Các tổ chức cơ sở của Đảng Bôn-sê-vich bắt đầu triển khai mọi công việc cần thiết cho khởi nghĩa vũ trang.
Trước tình hình đó, Chính phủ lâm thời tư sản tìm mọi biện pháp nhằm bóp chết cuộc khởi nghĩa vũ trang của giai cấp vô sản. Theo đó, 70 tiểu đoàn xung kích và một số trung đoàn độc lập được chính phủ lâm thời điều động từ các nơi về bảo vệ những trung tâm lớn như Pê-trô-grat, Mat-xcơ-va... Ngày 24-10-1917, Chính phủ lâm thời ra lệnh bắt giam các ủy viên Ủy ban cách mạng, hạ lệnh tấn công vào nhà in báo Con đường công nhân của Đảng Bôn-sê-vich... Tại nhiều nơi đã xảy ra xung đột vũ trang giữa các đơn vị thành viên của Ủy ban quân sự cách mạng với lực lượng của Chính phủ lâm thời tư sản.
Nhận rõ thời cơ tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang đã đến, trong ngày 24-10-1917, V.I.Lênin đã ba lần gửi thư cho Ủy ban Trung ương Đảng Bôn-sê-vich yêu cầu lập tức tiến hành tổng khởi nghĩa vũ trang, và ngay trong đêm 24-10-1917 (theo lịch Nga cũ là ngày 6-11-1917), V.I.Lênin đã đến cung điện Xmôn-nưi để trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa.
Rạng sáng 25-10-1917, lực lượng khởi nghĩa đã đánh chiếm được hầu hết các vị trí then chốt và các cơ quan quan trọng của chính quyền lâm thời ở Pê-trô-grat. 10 giờ sáng, Ủy ban quân sự cách mạng của Xô-viết Pê-trô-grat công bố Lời kêu gọi "Gửi các công dân nước Nga" do V.I.Lênin dự thảo, trong đó tuyên bố chính phủ lâm thời đã bị lật đổ, chính quyền đã về tay các Xô-viết. Cũng trong ngày 25-10-1917, Đại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II khai mạc tại Pê-trô-grat. Đại hội đã thông qua Lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh sĩ và nông dân" do V.I.Lênin dự thảo và ban hành nghị quyết: Các ủy ban Xô-viết đại diện cho công nhân, binh sĩ và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng.
Đúng 21 giờ 40 phút ngày 25-10-1917, sau phát pháo lệnh của chiến hạm Rạng đông, lực lượng khởi nghĩa tiến công vào Cung điện Mùa Đông - nơi cố thủ cuối cùng của Chính phủ lâm thời. Tới 2 giờ 10 phút đêm - rạng sáng 26-10-1917, Cung điện Mùa Đông bị chiếm, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ, Thủ tướng Chính phủ lâm thời A.Ph.Kê-ren-xki trốn chạy ra nước ngoài. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại thủ đô Pê-trô-grat đã kết thúc thắng lợi và liên tiếp theo đó giành thắng lợi ở Mat-xcơ-va và các địa phương khác trên toàn nước Nga.
Tại phiên họp đêm 26 và rạng sáng 27-10-1917, Đại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II đã thông qua hai văn kiện đầu tiên của Chính quyền Xô-viết: "Sắc lệnh hòa bình" và "Sắc lệnh ruộng đất" do V.I.Lênin dự thảo. Sắc lệnh về hòa bình kêu gọi các nước ngừng chiến để đàm phán. Sắc lệnh về ruộng đất tuyên bố thủ tiêu quyền tư hữu ruộng đất của địa chủ, chia ruộng đất cho nông dân. Đại hội cũng tuyên bố quyền của các dân tộc Nga, thừa nhận quyền phát triển tự do và quyền bình đẳng của các dân tộc sống trên lãnh thổ Nga. Đại hội đã bầu ra Chính phủ Xô-viết đầu tiên với tên gọi Hội đồng các Ủy viên nhân dân do V.I.Lênin đứng đầu.
Ngày 15-11-1917, Chính quyền Xô-viết được thiết lập tại Mat-xcơ-va, và đến tháng 3-1918, Chính quyền Xô-viết đã được thành lập trên phạm vi toàn nước Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và việc lập nên Chính quyền Xô-viết đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân và những người lao động Nga là một sự kiện lịch sử mang tầm vóc thời đại, mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào đấu tranh cách mạng trên toàn thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vich Nga, cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang đã được tiến hành đúng thời cơ và vào đúng thời điểm hoạt động cách mạng sôi sục của giai cấp công nhân, nông dân và người lao động Nga phát triển cao nhất và trở thành cao trào mạnh mẽ nhất. Đó cũng là kết quả của sự vận dụng sáng tạo của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vich Nga những nguyên lý chủ nghĩa Mác vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và giành chính quyền cách mạng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Xô-viết đầu tiên trên thế giới đã mang đến cho các dân tộc trên khắp hành tinh một nhận thức mới, đó là, chế độ tư bản không phải là bất diệt, chủ nghĩa tư bản không phải là vĩnh hằng. Và từ đây, nhân loại đã bước sang một trang sử mới, hướng tới mục tiêu cao đẹp của chủ nghĩa xã hội về một thế giới hòa bình, không còn chế độ người bóc lột người. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động sâu sắc đến toàn bộ quá trình tiến hóa của đời sống xã hội trên toàn thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền văn minh trên trái đất, đưa loài người bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Với những ý nghĩa lớn lao ấy, Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện lịch sử mang tính thời đại đáng ghi nhớ nhất ở thế kỷ XX.
Nguyễn Xuyến