Về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo của Trung Quốc
Đoàn cán bộ Việt Nam thăm Bảo tàng lịch sử ĐCS Trung Quốc tại TP.Thượng Hải. Ảnh: Hà Thư

1. Kiên trì nguyên tắc đức tài song toàn và phương châm “bốn hoá” là tiêu chuẩn hàng đầu 

Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc nêu rõ, cần căn cứ nguyên tắc “đức tài song toàn” để tuyển chọn cán bộ. Đây là yêu cầu cơ bản, là thước đo để  Trung Quốc lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục, đề bạt, sử dụng, giữ lại, thay thế cán bộ. Đức và tài trong tiêu chuẩn này có hàm nghĩa riêng. Đức, tức là có lập trường chính trị, thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan đúng đắn, có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong công tác tốt, có ý thức tổ chức tốt… Tài, tức là có tri thức khoa học, năng lực chuyên môn, trình độ kỹ thuật… Nhấn mạnh đức, đòi hỏi cán bộ phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, chứ không chỉ chăm lo cho lợi ích cá nhân hay một nhóm nhỏ. Mặt cơ bản nhất của cả đức và tài là giữ gìn sự nhất trí cao với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nỗ lực công tác cống hiến cho nhân dân.

Phương châm “bốn hóa” là cụ thể hóa tiêu chuẩn trong xây dựng đội ngũ cán bộ Trung Quốc hiện nay và được thể hiện: Cách mạng hóa là lập trường chính trị, tư tưởng, phẩm chất chính trị, tác phong của cán bộ lãnh đạo. Yêu cầu cơ bản của cách mạng hóa đối với cán bộ là nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, gương mẫu quán triệt, chấp hành đường lối, phương châm, chính sách của Đảng và Nhà nước, có sự nhất trí cao với Trung ương Đảng, thực sự cầu thị, liên hệ với quần chúng, đoàn kết với đồng chí, liêm khiết, cần mẫn làm việc vì dân. Trẻ hóa, là cán bộ lãnh đạo cần trẻ, có sức khỏe và tinh lực dồi dào, có thể đảm nhiệm được công tác nặng nề. Trong ban lãnh đạo cần được sắp xếp độ tuổi hình thang hợp lý, có già, có trung niên, có thanh niên, thực hiện hợp tác và gối nhau giữa các thế hệ, giữa cán bộ mới và cũ, xóa bỏ chế độ chức vụ cán bộ lãnh đạo suốt đời. Tri thức hóa, đòi hỏi cán bộ cần có trình độ văn hóa, kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo phải có kiến thức tổng hợp, có khả năng giải quyết công việc nhanh, gọn, có hiệu quả theo xu thế của nền kinh tế tri thức hiện nay. Chuyên môn hóa, đòi hỏi cán bộ có kiến thức chuyên ngành sâu, năng lực nghiệp vụ, kiến thức quản lý, phải trở thành những chuyên gia giỏi trong ngành mình đảm trách.

Nguyên tắc “đức tài song toàn” và phương châm  “bốn hoá” là một khái niệm hoàn chỉnh, không thể thiếu trong tiêu chuẩn cán bộ Trung Quốc hiện nay.

2. Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, có tố chất lãnh đạo, có niềm tin chính trị kiên định

Cán bộ lãnh đạo là người tổ chức việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự thành bại của cách mạng phụ thuộc vào những quyết sách, vào sự lãnh đạo và tổ chức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Quá trình ra quyết định là quá trình cán bộ lãnh đạo đi sâu điều tra, nghiên cứu thực tế, tiến hành phân tích, luận chứng về tính khả thi, đồng thời cũng là quá trình tuyên truyền, dẫn dắt, tổ chức quần chúng, biến chính sách thành hành động tự giác của quần chúng trong thực tiễn. Không có những công tác này của cán bộ lãnh đạo thì chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước khó thực hiện được.

Tố chất của cán bộ lãnh đạo bao gồm các mặt tư tưởng, chính trị, tri thức, văn hoá, quản lý, tổ chức, phẩm chất, đạo đức… có quan hệ trực tiếp đến đường lối của Đảng có được thực hiện hay không, đúng đắn hay không, có hiệu quả hay không. Vì thế, đội ngũ này phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao tố chất chính trị mới có thể thực hiện đường lối và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng. Có tố chất, cán bộ lãnh đạo sẽ có tầm nhìn rộng, nắm vững tình hình đất nước, thế giới, theo đuổi sáng tạo, khai phá tiến lên. Có tố chất tốt cán bộ lãnh đạo sẽ có tấm lòng bao dung, nêu cao tính đảng, quan tâm đại cục, tiền phong, gương mẫu, chấp hành chế độ, tập trung dân chủ, công bằng, liêm chính, trọng dụng hiền tài, giỏi giang mọi việc, đoàn kết mọi người... Có tố chất, cán bộ lãnh đạo sẽ nâng cao được năng lực, trau dồi nghệ thuật lãnh đạo, quán xuyến toàn cục, khéo kết hợp hài hoà mọi lực lượng. Như vậy mới có thể tổ chức và lãnh đạo được một lực lượng lớn mạnh, thực hiện một cách bài bản, thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Có tố chất về phong cách, cần, kiệm, liêm, chính, phấn đấu vượt khó, đi sâu thực tế, nghiên cứu cẩn thận, thật thà, khiêm tốn, quan hệ tốt với quần chúng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chất lượng cao. Vì vậy, Đảng luôn coi trọng việc bồi dưỡng và rèn luyện những tố chất của cán bộ lãnh đạo, coi đó là một công tác cơ bản, mang tính toàn cục cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Niềm tin chính trị kiên định của cán bộ lãnh đạo là luôn nêu cao vai trò lãnh đạo, kiên trì chống lại những tư tưởng sai lầm phủ định con đường XHCN, phủ định sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc; tỉnh táo, kiên trì đường lối cơ bản và thực tiễn cơ bản “một trung tâm (xây dựng kinh tế là trung tâm), hai điểm cơ bản (kiên trì bốn nguyên tắc, kiên trì cải cách, mở cửa)”. Niềm tin chính trị kiên định không hình thành một cách tự phát, một lần là xong. Đòi hỏi cán bộ lãnh đạo sự tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên trên nhiều mặt. ĐCS Trung Quốc yêu cầu cán bộ lãnh đạo, nhất là từ cấp tỉnh, bộ trở lên phải nỗ lực trở thành những người có tri thức, thạo nghiệp vụ, đảm nhiệm được vị trí công tác của mình, một chính trị gia kiên trì con đường XHCN mang đặc sắc Trung Quốc, bảo đảm sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc.

3. Có trình độ chính trị, nắm vững thực tiễn đất nước, tình hình quốc tế và có ý thức sáng tạo trong mở cửa, hội nhập

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của tình hình quốc tế, giao lưu và quan hệ giữa các quốc gia ngày càng mật thiết. Không hiểu tình hình trong nước, quốc tế sẽ không thể trở thành cán bộ lãnh đạo. “Giải phóng tư tưởng” là cần đưa tư tưởng của Đảng thoát khỏi tình trạng xa rời thực tế, thành kiến, thiên kiến để phù hợp với thực tiễn khách quan. “Thực sự cầu thị” là phải xuất phát từ thực tế chứ không từ những định nghĩa trừu tượng, phải tìm ra mối quan hệ bên trong, quy luật phát triển biện chứng của sự vật, hiện tượng để định hướng hoạt động. Giải phóng tư tưởng và thực sự cầu thị luôn thống nhất với nhau. Giải phóng tư tưởng là tiền đề của thực sự cầu thị, thực sự cầu thị là mục đích của giải phóng tư tưởng. Thực sự cầu thị là tinh tuý của lý luận, là quan điểm và phương pháp cơ bản của Chủ nghĩa Mác. Kinh nghiệm và bài học lịch sử của Trung Quốc đã chỉ rõ, chủ nghĩa chủ quan là kẻ thù lớn đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa chủ quan có hai dạng là chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa giáo điều là thoát ly thực tế, máy móc, dập khuôn. Chủ nghĩa kinh nghiệm là coi nhẹ lý luận, chỉ dựa vào kinh nghiệm trong công việc. Cán bộ lãnh đạo cần “nắm vững thực tiễn”, “giải phóng tư tưởng”, “thực sự cầu thị”, không ngừng vươn lên, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên không ngừng.

Trung Quốc muốn đứng vào hàng các nước tiên tiến thì phải học tập thế giới. Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã từng chỉ ra rằng: “Chỉ dựa vào kinh nghiệm và bài học của chính mình thì không thể giải quyết được vấn đề. Trung Quốc muốn phát triển, thoát khỏi sự nghèo khó và lạc hậu thì cần mở cửa. Mở cửa không chỉ là phát triển giao lưu quốc tế mà còn cần phải tiếp thu kinh nghiệm quốc tế”1. Cán bộ lãnh đạo thời mở cửa, hội nhập cần học tập, tiếp thu những thành quả văn minh thế giới, khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của quốc tế. Chỉ có vậy, mới rút ngắn được khoảng cách với phương Tây. Trong quá trình tiếp thu, học tập, cần xác định rõ hai quan điểm chỉ đạo: Một là, “kinh nghiệm thành công trong lịch sử là tài sản quý báu; kinh nghiệm sai lầm, kinh nghiệm thất bại cũng đều là tài sản quý báu”2. Hai , việc học tập phải nắm vững bản chất, căn cứ và điều kiện thực tế của mình để vận dụng. Bất cứ kinh nghiệm tốt nào nếu không kết hợp với thực tiễn nước mình, địa phương mình đều không có tác dụng.

Mở cửa, hội nhập là yêu cầu bản chất của sự nghiệp xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc. Mở cửa, hội nhập để khai thác, sử dụng tốt hơn nguồn vốn, trí tuệ, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Mở cửa, hội nhập không phải là một thủ đoạn, mà là chủ trương để phát triển CNXH mang đặc sắc Trung Quốc. Cần có quan điểm toàn diện, tích cực tạo nên những điều kiện để phát huy lợi thế, tỉnh táo với những bất lợi trong quá trình mở cửa, hội nhập. Cán bộ lãnh đạo phải tăng cường ý thức, trách nhiệm và bản lĩnh thực hiện phương châm mở cửa, hội nhập quốc tế.

4. Ứng xử đúng đắn với quyền lực, có quan điểm quần chúng, tác phong dân chủ, thành tâm, thành ý mưu cầu lợi ích cho dân

Cán bộ lãnh đạo phải ứng xử đúng đắn với quyền lực, trước hết phải nghiêm chỉnh tự giác tuân thủ, bảo vệ chế độ và pháp luật, hoạt động trong phạm vi hiến pháp và pháp luật để thực thi đúng quyền hạn, không để cho ai vi phạm, càng không được lạm dụng chức quyền để gây tổn hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ứng xử đúng đắn đối với quyền lực là dùng quyền lực để phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên trên hết, trước hết. Quyền lực của cán bộ lãnh đạo là do nhân dân giao cho, cán bộ lãnh đạo là đại diện cho dân nắm quyền phải có trách nhiệm với dân. Trong điều kiện cầm quyền và tiến hành cải cách, mở cửa, cán bộ lãnh đạo rất dễ xa rời quần chúng, rất dễ quan liêu. Vì thế, cán bộ lãnh đạo không được quên tôn chỉ phục vụ dân, dùng quyền lực dân trao để mưu lợi ích cho dân, đồng thời phải đấu tranh kiên quyết với các hành vi hủ bại, vi phạm đến lợi ích của dân. Để ứng xử đúng đắn với quyền lực, cán bộ lãnh đạo cần phải hiểu rằng, quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cán bộ lãnh đạo là đày tớ của dân, lãnh đạo là phục vụ dân; phải nhận thức rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ, khiến cho quyền lực luôn thống nhất với trách nhiệm và nghĩa vụ; phải đi sâu vào quần chúng để bồi dưỡng tình cảm cách mạng.

Trong quá trình xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc chưa có sẵn mô hình, chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề chưa quen, chưa rõ, nên chỉ có thể dựa vào sự tìm tòi tích cực của tổ chức đảng, của quần chúng. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo phải có quan điểm quần chúng, có tác phong dân chủ, khơi dậy tính tích cực của quần chúng nhân dân. Trong công tác, cần đi sâu vào cơ sở quần chúng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực hiện tập trung trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Trong nội bộ, cần phát huy đầy đủ dân chủ. Khi thảo luận, nghiên cứu và quyết định những vấn đề lớn, mỗi thành viên đều phát biểu ý kiến của mình. Cần phát huy vai trò của chuyên gia và cơ quan tư vấn. Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã nhắc nhở: “Không phải quần chúng chủ định muốn đi theo chúng ta, chỉ khi nào Đảng đại diện cho lợi ích của họ thì họ mới ủng hộ Đảng, quyết tâm đi theo Đảng... Nếu thoát ly quần chúng, thì chúng ta sẽ mất đi sự ủng hộ và giúp đỡ của quần chúng, gây ảnh hưởng đến vị trí cầm quyền của Đảng"3.

5. Có năng lực quyết sách khoa học và làm việc theo quy luật kinh tế

Quyết sách đúng là chức năng cơ bản của cán bộ lãnh đạo. Sức sống của quyết sách là ở tính khoa học và tính dân chủ: đó là kiên trì chủ nghĩa Mác; lấy lý luận xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc làm chỗ dựa; xuất phát từ thực tiễn, kiên trì thực sự cầu thị; tiếp thu kinh nghiệm và bài học quyết sách đã có với phát triển sáng tạo mới; căn cứ vào nguyên tắc, trình tự, mức độ để định mục tiêu và phương án cụ thể quyết sách; nâng cao tính kỷ luật trong quyết sách cho phù hợp với quy định của Đảng, của hiến pháp, pháp luật; có ý thức pháp chế trong quyết sách.

Cán bộ lãnh đạo cần có năng lực làm việc theo quy luật kinh tế. Không dựa vào quy luật kinh tế để làm việc thì không thể tiến lên được, thậm chí có thể đi chệch đường, chệch hướng. Càng nắm vững quy luật kinh tế càng giành được nhiều thành công trong quyết sách. Nâng cao năng lực làm việc theo quy luật kinh tế là một trong những tố chất và năng lực cần có của mỗi cán bộ lãnh đạo. Hiện nay, yêu cầu đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải nỗ lực lớn trên hai mặt: Một mặt, nắm vững lý luận kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác, vận dụng sáng tạo  vào thực tiễn Trung Quốc. Mặt khác, phải nắm vững lý luận cơ bản của kinh tế thị trường. Cán bộ lãnh đạo phải vận dụng cả lý luận và thực tiễn, không ngừng xem xét những vấn đề mới nảy sinh, không ngừng tổng kết những kinh nghiệm mới, đặc biệt là không được coi thường và làm trái quy luật kinh tế.

6. Có năng lực xử lý những mâu thuẫn trong nội bộ, điều hoà các mối quan hệ

Mâu thuẫn trong Đảng được xử lý thích đáng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với xây dựng Đảng cầm quyền thật sự đoàn kết, thống nhất, liêm khiết, hết lòng vì dân. Trong điều kiện mới, đang tồn tại một số vấn đề như: sự khác biệt trong nhận thức và hành động đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; do sự xâm nhập và ảnh hưởng của tư tưởng sai trái làm cho lòng tin vào lý tưởng của một số đảng viên mờ nhạt, ham muốn mưu lợi ích cá nhân tăng lên, nảy sinh sự khác biệt với tôn chỉ của Đảng, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn. Do nhiều nguyên nhân đã tạo nên sự phát triển không đều giữa các vùng, ngành nghề, bộ, ngành, dân tộc, tôn giáo, từ đó xuất hiện mâu thuẫn. Cán bộ lãnh đạo cần bình tĩnh tìm cách xử lý đúng đắn mâu thuẫn trong nội bộ.

Trước hết, phân tích đúng những mâu thuẫn này, phân loại các mâu thuẫn thuộc các cấp độ khác nhau để giải quyết. Cán bộ lãnh đạo phải giỏi trong đánh giá đúng đắn tính chất, mức độ và thực trạng của các loại mâu thuẫn trong điều kiện phức tạp. Thứ hai, khi giải quyết các mâu thuẫn cần phải giải quyết đúng người, đúng việc. Thực hiện phương châm lấy giáo dục, thuyết phục là chính đối với những sai lầm về mặt tư tưởng. Tuyệt đối không được “vơ đũa cả nắm”, dùng quyền lực để trấn áp người mắc sai lầm. Đối với những người có sai lầm, cần được phê bình, giúp đỡ chân thành. Đối với những mâu thuẫn đã có sự chuyển hoá về tính chất và tình tiết nghiêm trọng mà không sửa chữa thì không được nhân nhượng. Đối với những mâu thuẫn cần phải xử lý, quyết không thể nhẹ tay. Kiên quyết giải quyết hết những mâu thuẫn cơ bản. Những người sai phạm nghiêm trọng phải đưa ra khỏi Đảng. Thứ ba, cần xây dựng thái độ có trách nhiệm, thiết thực giải quyết mâu thuẫn. Khắc phục cách giải quyết một cách lòng vòng, không kiên quyết, qua loa, đùn đẩy... Về cơ bản, cần làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận, học cách quan sát vấn đề trên cơ sở lập trường của chủ nghĩa Mác, biết vận dụng lý luận xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc để xử lý mâu thuẫn, tạo sự thống nhất về tư tưởng và  hành động.

...............................
Tài liệu tham khảo
: 1, 2. Đặng Tiểu Bình: Văn tuyển, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 1993, t. 3, tr.266, 234-235 (tiếng Trung). 3. Đặng Tiểu Bình: Văn tuyển, Sđd, t.3, tr. 110 (tiếng Trung).

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất