Tìm hiểu cách đào tạo công chức của Cộng hòa Pháp, có thể thấy đáng quan tâm mấy vấn đề: Nhà nước cần xác định khung pháp lý về đào tạo đối với công chức làm căn cứ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo liên tục (đào tạo suốt đời) là tất yếu...
Đào tạo công chức là khâu quan trọng trong quản lý nhân sự và phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở Cộng hòa Pháp. Việc đào tạo được tiến hành thường xuyên, liên tục theo kế hoạch hằng năm, có lộ trình dài hạn để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, từng ngành, từng địa phương.
1. Vài đặc điểm
Tính đến giữa năm 2010, Cộng hòa Pháp có khoảng 67 triệu dân, 5,3 triệu công chức. Công chức Pháp được chia thành 3 loại: 1- Công chức Chính phủ khoảng 2,5 triệu người, gồm những người làm trong các cơ quan ở Trung ương và các cơ quan đại diện của Chính phủ tại địa phương (cấp vùng lãnh thổ và cấp tỉnh). 2- Công chức chính quyền địa phương (cấp vùng lãnh thổ, cấp tỉnh và cấp xã) có khoảng 1,7 triệu người. 3- Công chức ngành y tế có trên 1 triệu người. Về trình độ nghề nghiệp, công chức được chia thành 3 loại A, B, C với yêu cầu cụ thể khi thi tuyển: Công chức loại A dành cho người có bằng cử nhân trở lên, công chức loại B có bằng tú tài (tốt nghiệp THPT), công chức loại C chỉ cần học hết THCS. Công chức Pháp nghỉ hưu ở tuổi 65 không phân biệt nam, nữ.
Nhà nước bảo đảm công chức làm việc suốt đời, được đào tạo và đào tạo lại thường xuyên. Luật Công chức năm 1966 quy định: Đào tạo thường xuyên là bắt buộc đối với công chức. Có 2 loại hình đào tạo: Đào tạo ban đầu dành cho số công chức mới được tuyển dụng, đào tạo thường xuyên dành cho số công chức đã làm việc nhiều năm. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với công chức. Thời gian đào tạo thường xuyên cho mỗi công chức là 3-4 ngày/tháng. Hiến pháp cũng như Luật Công chức quy định như vậy nhằm bảo đảm cho công chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho công chức có thể thay đổi công việc ở trình độ cao hơn, tạo sự bình đẳng giữa công chức mới và cũ, giữa nam và nữ, mọi đối tượng đều có điều kiện thăng tiến.
Luân chuyển công chức ở Cộng hòa Pháp là thường xuyên. Công chức đang làm việc tại các bộ, cơ quan trung ương có thể điều chuyển, luân chuyển về làm việc tại các địa phương. Có 3 hình thức điều động, luân chuyển: 1- Điều chuyển theo quy chế, bắt buộc bốn năm một lần, nếu công chức từ chối việc điều chuyển sẽ bị xử lý, không được cất nhắc; 2- Điều chuyển không bắt buộc cho phép công chức chuyển ra ngoài; 3- Điều chuyển công chức lớn tuổi. Luân chuyển công chức lớn tuổi gặp nhiều khó khăn nhất, nếu không thực hiện sẽ lão hóa công chức nền hành chính công. Do đó phải động viên, hỗ trợ công chức lớn tuổi luân chuyển thông qua các chuyên gia tư vấn về thị trường lao động. Tất cả các cải cách đó nhằm tạo điều kiện cho công chức tăng khả năng thích nghi, thăng tiến trong sự nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh trong công việc.
2. Những bất cập
Do Hiến pháp của Cộng hòa Pháp quy định bảo đảm cho công chức làm việc suốt đời nên trong công chức có tư tưởng ỷ lại, cho rằng không cần học tập vẫn được làm việc, dẫn đến trì trệ, yếu kém không đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ. Số công chức lớn tuổi có biểu hiện bảo thủ, thiếu năng động trong công việc. Yêu cầu đào tạo ban đầu (đối với số công chức mới tuyển dụng) và đào tạo thường xuyên (đối với số công chức lớn tuổi) đang có những “vách ngăn” mặc cảm và chưa được bình đẳng. Chính phủ trả lương cho công chức theo thang, bậc nên thiếu tính chuyên sâu và thiếu sự cạnh tranh trong công việc.
3. Cách đào tạo
Năm 2007, ở Pháp có cuộc thỏa thuận liên ngành về Chương trình Đào tạo suốt đời. Mục đích của chương trình này là nhằm hiện đại nền đào tạo.
Lúc đầu chương trình Đào tạo suốt đời chỉ dành cho lĩnh vực tư nhân, xí nghiệp, sau đó được nâng lên thành Luật để điều chỉnh cho cả công chức của Chính phủ và người lao động trong các doanh nghiệp. Luật quy định: Mỗi công chức được học 20giờ/tháng và nằm trong kế hoạch của các bộ, doanh nghiệp. 80% nội dung chương trình đào tạo do Nhà nước quy định (bắt buộc), 20% do từng bộ tự xây dựng phù hợp với thực tế (linh hoạt).
Trên cơ sở quy định của Luật về đào tạo suốt đời, mỗi bộ dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo công chức cho bộ mình, trong đó xác định rõ số công chức cần phải ưu tiên đào tạo. Hằng năm, Bộ Công chức ban hành thông tri về đào tạo công chức nhằm định hướng đào tạo thường xuyên, liên tục cho các bộ, trong đó ưu tiên đào tạo công chức lãnh đạo, quản lý cho các bộ và những công chức được bổ nhiệm tại các địa phương.
Thay đổi quan niệm đào tạo để khắc phục tâm lý ỷ lại vào sự bảo đảm của Nhà nước, không quan tâm nâng cao trình độ. Mặt khác, ở Pháp người ta tổ chức kiểm tra, sát hạch đối với những công chức làm việc lâu năm, có kinh nghiệm trong công việc nhưng chưa được đào tạo ban đầu để cấp bằng hoặc chứng chỉ. Đây là cuộc cách mạng nhằm xóa bỏ “vách ngăn” giữa công chức đào tạo ban đầu và công chức làm việc lâu năm chưa được đào tạo.
Trước đây nền công vụ của Pháp coi việc đào tạo công chức Nhà nước là một phần thưởng cho công chức. Nay đã có sự đổi mới về nhận thức, coi đây một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc đời một công chức và là một biện pháp quan trọng trong công tác quản lý nhân sự của nền hành chính Pháp.
Việc xây dựng kế hoạch đào tạo công chức được coi là một khâu quan trọng không thể thiếu trong tất cả các cấp của nền hành chính nhà nước. Kế hoạch đào tạo được tiến hành theo 4 bước: tìm hiểu thực tế, đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng nội dung đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nhu cầu đào tạo được xác định dựa trên các yếu tố bên trong và bên ngoài, dựa trên yêu cầu đào tạo của từng cá nhân công chức và phải phù hợp, gắn kết với mục tiêu phát triển của đơn vị. Từ mục tiêu đào tạo tiến hành lựa chọn nội dung đào tạo cho sát hợp.
Các cơ sở đào tạo công chức ở Pháp gồm: Trường Hành chính Quốc gia (ENA), Trường Hành chính khu vực (IRA), Trung tâm đào tạo kinh tế, Trung tâm đào tạo giáo dục, Trường đào tạo công chức của các bộ và các trung tâm đào tạo tư nhân. Công chức lãnh đạo được đào tạo ở trường hành chính, trong đó công chức loại A đào tạo tại ENA. Các ngành khác nhau có chế độ đào tạo khác nhau.
Các giáo viên trong các cơ sở đào tạo thường là công chức có kinh nghiệm, có năng lực và được bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm. Chương trình, tài liệu học được xây dựng theo nhu cầu đào tạo, theo yêu cầu và vị trí công tác của người học. Ví dụ chương trình đào tạo dài hạn của ENA có 27 tháng thì 90% thời gian học viên được học qua các tình huống thực tế điển hình. Phương pháp học chủ yếu thông qua công việc nên ít nhất 50% thời gian học viên tiếp cận với thực tế tại các cơ quan hành chính. Phương pháp học tập chủ yếu là học theo cách quan sát công việc, cách thức giải quyết công việc.
Các cơ quan phải dành 3,8% quỹ lương cho đào tạo (có công ty dành 6%). Năm 2004, theo thống kê của Bộ Công vụ thì kinh phí dành cho đào tạo là 3,4% và số ngày đào tạo trung bình trong năm đối với công chức loại A: 3,5 ngày, loại B: 3,5 ngày và loại C: 2,8 ngày.
Từ năm 2007, Chính phủ Pháp trả lương cho công chức sát theo ngành nghề. Chính phủ ban hành danh mục các ngành, nghề cụ thể. Trên cơ sở xác định đúng ngành, nghề, các cơ quan quản lý, sử dụng lao động xây dựng thỏa ước với công chức về lộ trình đào tạo ngành, nghề phù hợp hơn với công việc của mỗi người trong hiện tại và tương lai.
Ở Cộng hòa Pháp tuổi nghỉ hưu đối với người lao động kéo dài từ 60 đến 65. Từ đó, Chính phủ càng quan tâm đến đào tạo thường xuyên, liên tục cho công chức lớn tuổi và công chức trẻ để mọi người đều có cơ hội thăng tiến, được khuyến khích, làm việc, hưởng thụ và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với lợi ích chung của cơ quan, đất nước.
Tìm hiểu cách đào tạo công chức của Cộng hòa Pháp, có thể thấy đáng quan tâm mấy vấn đề: Nhà nước cần xác định khung pháp lý về đào tạo đối với công chức làm căn cứ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo liên tục (đào tạo suốt đời) là tất yếu để có thể thường xuyên nâng cao kỹ năng, năng lực trong công việc. Đào tạo công chức theo ngành, nghề và trả lương theo theo ngành, nghề là cách tốt để đảm bảo tính chuyên sâu trong công việc. Luân chuyển công chức định kỳ, thường xuyên là cần thiết trong một xã hội học tập, để có một xã hội luôn phát triển.
Phạm Quang Vịnh