Đột phá về công tác cán bộ

 

Đại hội lần thứ IX Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào (3-2011) đề ra bốn chính sách đột phá để hoàn thành kế hoạch xóa đói, giảm nghèo, đưa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển và tiến lên không ngừng, đây là một quyết sách quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ IX.

Một trong bốn đột phá đó được Đảng NDCM Lào tổng kết thành bài học là đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ. Thực trạng đội ngũ cán bộ Lào hiện nay đặt ra yêu cầu khách quan phải có bước đột phá, tập trung vào 3 mặt quan trọng là: đủ về số lượng; chất lượng phải tốt hơn, cao hơn; chính sách, chế độ đối với cán bộ, nhất là chế độ tuyển chọn, sử dụng và quản lý cán bộ hiệu quả hơn.

Hiện nay, nước CHDCND Lào còn thiếu nhiều cán bộ ở các lĩnh vực quan trọng như: Ngành giáo dục số lượng giáo viên chưa đủ so với nhu cầu, làm cho nhiều trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến trường. Ngành y tế cũng tương tự, nhiều trạm y tế không có nhân viên y tế trực. Ngành nông nghiệp thiếu chuyên viên, kỹ thuật viên về trồng trọt và chăn nuôi, thiếu cán bộ thú y tại vùng trọng điểm, cụm bản để hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân biến trồng trọt, chăn nuôi trở thành sản xuất hàng hóa... Sự thiếu cán bộ chuyên môn đã gây cản trở lớn tới thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cũng như hướng tới mục tiêu Thiên niên kỷ về sự phát triển vào năm 2015.  

Như vậy, cần có sự đột phá về công tác cán bộ. Trước hết, phải bảo đảm chỉ tiêu biên chế cán bộ, công chức hằng năm, trong đó quan tâm tăng số lượng cán bộ, công chức về ngành giáo dục, y tế, nông nghiệp, chăn nuôi cho đủ với nhu cầu thực tế. Ví dụ, để đạt mục tiêu Thiên niên kỷ về lĩnh vực giáo dục thì cần phải có bao nhiêu giáo viên trong từng môn học, phải có bao nhiêu phòng học từ mẫu giáo trở lên để phấn đấu đạt được. Lĩnh vực y tế cần có bao nhiêu cán bộ y tế trong các bệnh viện và trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân… Người dân có sức lao động, có đất đai, muốn trồng trọt, chăn nuôi trở thành hàng hóa để làm giàu, giảm nghèo, thì phải có cán bộ giúp đỡ, hướng dẫn.

Đồng thời với bảo đảm đủ về số lượng, phải từng bước nâng cao về chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong thời kỳ mới hiện nay, xuất hiện một số hiện tượng đáng lo ngại trong đội ngũ cán bộ, nhất là nhiệt tình cách mạng, sự nỗ lực phấn đấu trong công việc bị suy giảm; tinh thần phục vụ nhân dân không cao. Hơn nữa, tình trạng quan liêu, các hiện tượng tiêu cực xảy ra khá phổ biến ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi phải thực sự tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tập trung vào 6 công việc quan trọng: Đánh giá cán bộ; xây dựng quy hoạch cán bộ tổng thể; bố trí, luân chuyển cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kế thừa, thay thế cán bộ; chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Về nguyên tắc, đánh giá cán bộ trước hết phải có quy chế, không đánh giá một lần, đánh giá phải toàn diện, công bằng, dân chủ; kết hợp tốt giữa đánh giá về hiệu quả công việc với đạo đức cách mạng. Ngăn chặn và từng bước khắc phục tình trạng lựa chọn, sử dụng cán bộ theo dòng họ, địa phương, bè phái, không theo đúng những quy định trong Điều lệ Đảng và các tiêu chuẩn cần thiết đối với từng loại cán bộ.

Về quy hoạch cán bộ tổng thể, phải có cơ cấu đồng bộ với tất cả các chức danh từ trung ương đến địa phương. Từng bước công khai quy hoạch các chức danh cán bộ. Phải tiến hành tham vấn, đặc biệt là tham vấn rộng rãi, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước khi đưa cán bộ vào quy hoạch.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tập trung vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, đường lối của Đảng, năng lực cầm quyền của Đảng; nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện, thử thách qua công việc thực tế và có đạo đức cách mạng trong sáng. Công việc cấp bách trước mắt là nhanh chóng nghiên cứu và thực hiện chính sách bố trí sinh viên đã tốt nghiệp đại học và trường dạy nghề về công tác ở cơ sở nhằm bổ sung lực lượng lao động ở cơ sở, đồng thời để tạo nguồn nhân lực trẻ trưởng thành từ thực tế.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là lãnh đạo, quản lý cấp cao cần phải có quan điểm lạc quan, tầm nhìn chiến lược trong công tác đánh giá cán bộ, trong lập quy hoạch và đào tạo cán bộ; phải nắm vững về công tác cán bộ, phát hiện được những cán bộ có năng lực, mạnh dạn sử dụng, giao việc phù hợp; thi hành tốt chính sách để động viên, khích lệ cán bộ phát huy hết khả năng lập thành tích vì nước, vì dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, sai phạm nặng làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước. Quan trọng hơn là phải vững vàng về niềm tin, lý tưởng chính trị, có ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật; dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, bền bỉ vượt qua khó khăn, chăm chỉ học hỏi để tiến bộ; tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, đạt thành tích cao vì lợi ích dân tộc và sự phồn vinh của nhân dân; gương mẫu về đạo đức cách mạng, có lối sống trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, không lạm dụng chức quyền để kiếm lợi cá nhân.

Tích cực thực hiện theo phương hướng chỉ đạo của Đại hội lần thứ IX Đảng NDCM Lào, thường xuyên tiến hành tuyên truyền, giáo dục về tiêu chuẩn đảng viên và cán bộ, nhất là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tích cực tự rèn luyện và nâng cao năng lực trách nhiệm của mình, nêu cao tính gương mẫu. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp chủ yếu thực hiện đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn cán bộ có trình độ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới của nước CHDCND Lào.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất