"Chiếm
phố Uôn" là phong trào phản kháng xã hội do một nhóm các nhà hoạt động
ở Mỹ khởi xướng với mục tiêu ban đầu là chống lại sự tham lam của các
công ty, ngân hàng, bất công xã hội và những bất bình đẳng khác giữa
người giàu và người nghèo. Cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ngày 17-9-2011
tại trung tâm tài chính TP. Niu Oóc
với số ít người, sau đó nhanh chóng lan ra khắp nước Mỹ, thế giới tư
bản và bắt đầu có tầm vóc toàn cầu. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và các đồng
sự của ông trong đảng Dân chủ cầm quyền coi đó là sự phản ánh “nỗi thất
vọng” trong tâm can của nhiều người dân Mỹ.
Tuy
nhiên, đây không chỉ đơn giản là “nỗi thất vọng” mà bản chất của nó nằm
ở những khuyết tật cố hữu của xã hội tư sản- mâu thuẫn cơ bản của chủ
nghĩa tư bản.
Chế độ “của 1%, do 1% và vì 1%”
Những người khởi xướng Phong trào tuyên bố “Chiếm phố Uôn” là hành động biểu thị sự bất mãn của người lao động Mỹ trước thói tham lam và tham nhũng của giới tài phiệt, làm giàu trên sự khốn khó của người dân. Giới phân tích phương Tây cho rằng, các cuộc biểu tình nảy sinh là do những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội sau đại khủng hoảng ở Mỹ không được giải quyết thỏa đáng đã gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa, trước hết là chính sách thiên vị giới nhà giàu của Chính phủ Mỹ. Theo giáo sư Pôn-Krúc-man, nhà bình luận của tờ Thời báo Niu Oóc, lời buộc tội “Phố Uôn là một thế lực phá hoại cả về chính trị và kinh tế” hay “Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát-xít” của những người cầm đầu Phong trào đưa ra là hoàn toàn xác đáng. Giáo sư P.Krúc-man phân tích: Chính phủ B.Ô-ba-ma đã quá ưu ái đám nhà giàu và giới tài phiệt khi nổ ra đại khủng hoảng năm 2008 bằng một loạt chính sách cứu trợ hàng ngàn tỷ đô-la, chủ trương giữ mức thuế thấp đối với người giàu, nới lỏng những quy định quản lý được đặt ra sau cuộc khủng hoảng và thả lỏng chính sách tài chính chỉ để nhận được sự ủng hộ về chính trị. Cựu Giám đốc điều hành Hãng dịch vụ tài chính J.P Morgan Chase, W.Cohan cho rằng, nước Mỹ không những không học được gì từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà còn để cho giới tài phiệt tự do cản trở các chính sách cải cách, trong đó có việc thông qua đạo luật Dodd- Frank (đạo luật kiểm soát phố Uôn và những khoản tiền lớn).
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là lỗi trực tiếp của “Phố Uôn” mà do tình trạng bất bình đẳng xã hội, căn bệnh kinh niên của xã hội Mỹ cũng như của cả hệ thống TBCN. Theo giáo sư Giô-sép Stiếc-lít, đại học Cô-lôm-bi-a, người đoạt giải Nô-ben kinh tế 2001, hiện nay 1% (gọi tắt là nhóm 1%) người giầu nhất nước Mỹ chiếm 40% tài sản quốc gia, trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất chỉ chiếm 7%. Về thu nhập, nhóm 1% chiếm 24% tổng số thu nhập của toàn dân. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Chính sách (Institute of Policy Studies), trong thị trường đầu tư chứng khoán, nhóm 1% chiếm 50% số cổ phiếu, công phiếu và các quỹ đầu tư khác, trong khi 50% người nghèo nhất chỉ chiếm 0,5% tổng số cổ phiếu chứng khoán.Về nợ cá nhân, nghiên cứu của giáo sư xã hội học W. Đôm-hóp, đại học Ca-li-fooc-ni-a, Santa Cruz cho thấy, nhóm 1% chỉ chiếm 5% tổng số nợ của nước Mỹ, trong khi nhóm 99% phải gánh tới 73% số nợ đó. Kể từ năm 1980 cho đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 5% trong tổng thu nhập quốc gia được chuyển từ các hộ gia đình bậc trung sang các hộ giàu. Trong năm 2010 đã có 5.934 hộ gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu được nhận thêm 650 tỉ USD, trung bình hơn 1 triệu USD mỗi hộ(1). Ngân hàng thế giới cho biết, tại Mỹ khoảng cách giàu nghèo đã nới rộng thêm 20% kể từ năm 1980, cao hơn so với hầu hết các nước trong khối G7.
Sự bất bình đẳng đó đã khiến cho 99% người Mỹ đánh mất dần niềm tin vào cách điều hành của chính quyền. Trên trang web của mình (occupywallstreet.org) những người cầm đầu Phong trào tuyên bố: "Chúng tôi là 99% người dân Mỹ và chúng tôi không thể chịu đựng thêm sự tham lam và tham nhũng của 1% những kẻ còn lại". Phần lớn người Mỹ đều xác định họ thuộc tầng lớp trung lưu và hạ lưu (nhóm 99%) và khinh bỉ những thứ thuộc về tầng lớp 1%. Nhiều người trẻ tuổi than phiền rằng nhóm 1% đang giết chết “Giấc mơ Mỹ”(2) của họ. Tạp chí Kinh tế (Anh) cho rằng nước Mỹ đang ở giữa một “thập kỷ lạc lối”, có khả năng tạo ra một thế hệ trẻ thất nghiệp, vỡ mộng, chán chường, mất phương hướng.
Phong trào “Chiếm phố Uôn” đã nhanh chóng bùng nổ khắp thế giới tư bản, kết hợp với các phong trào phản kháng khác, đặc biệt là phong trào “Những người phẫn nộ” ở Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Các nhà tổ chức Phong trào cho biết các cuộc xuống đường sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia, bắt đầu từ ngày 15-10-2011. Chỉ trong ngày này, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại hàng trăm thành phố ở nhiều quốc gia. Theo báo chí phương Tây, ước tính có gần một triệu người xuống đường trên khắp thế giới trong ngày hành động toàn cầu đầu tiên này.
Nguyên nhân là ở các nước tư bản khác, khoảng cách giàu nghèo và những bất bình đẳng trong xã hội cũng tương tự như ở Mỹ. Nước Anh được coi là một trong những nước bất bình đẳng nhất trong số các nước tư bản phát triển, nơi mà 10% những người giàu nhất giàu gấp 100 lần so với 10% những người nghèo nhất.
Người biểu tình cho rằng các chính sách phi lý của giai cấp tư sản và chính quyền của nó không đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số quần chúng lao động mà chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản đặc quyền, đặc lợi. Họ nhận ra một sự thật rằng chế độ tư bản quá độ hiện nay không đem lại cho họ một tương lai tốt đẹp, vì chế độ đó là chế độ “của 1%, do 1% và vì 1%” chứ không phải của họ, do họ và vì họ - nhóm 99%.
Mâu thuẫn không thể giải quyết
Những phân tích, nhận định, đánh giá ở trên dường như mới chỉ dừng lại ở việc đi tìm các nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng mà chưa (hoặc trốn chỉ ra bản chất của vấn đề - mâu thuẫn cơ bản của CNTB).
Theo học thuyết Mác-Lê nin, CNTB với nền kinh tế đặc trưng dựa trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư. Trong xã hội tư sản, giai cấp tư sản chiếm thiểu số nhưng là những người sở hữu tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư; giai cấp vô sản chiếm số đông nhưng là những người không có tư liệu sản xuất buộc phải bán sức lao động của mình và bị bóc lột. Mâu thuẫn cơ bản của CNTB là mâu thuẫn giữa hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa với sự xã hội hoá cao của sức sản xuất. Trong xã hội tư sản hiện nay, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản được hiểu là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với đông đảo quần chúng lao động - mâu thuẫn giữa nhóm 1% với nhóm 99%.
Qua nhiều lần điều chỉnh, CNTB hiện đại đã có nhiều thay đổi, song mâu thuẫn cơ bản của CNTB vẫn tồn tại và phát triển. Các nhà nước tư sản đã có những điều chỉnh quan trọng, trọng tâm là điều tiết kinh tế, là sự can thiệp của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế - xã hội để tạo điều kiện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự thích nghi của những quan hệ sản xuất. Nhà nước tư sản tiến hành xã hội hóa một phần sở hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội, quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội. Những biến đổi kinh tế - kỹ thuật đã dẫn đến những biến đổi về chính trị - xã hội như những biến đổi về kết cấu giai cấp, vai trò nhà nước tư sản và cơ cấu quyền lực chính trị, quy mô và tính chất của đấu tranh giai cấp và các xu hướng chính trị...
Trong đó đáng chú ý là các điều chỉnh về thể chế và xã hội:
Thứ nhất, điều chỉnh thể chế để phù hợp với đòi hỏi của mô hình tư bản độc quyền nhà nước. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, sự chiếm hữu tư nhân đã giảm sút một phần do nhà nước tư sản chiếm hữu và phân phối từ 30% - 60% thu nhập quốc dân. Có thể nói, ở xã hội tư bản hình thức chiếm hữu không đơn thuần là chiếm hữu tư nhân nữa mà đã phần nào mang tính xã hội.
Thứ hai, điều chỉnh chính sách xã hội để xoa dịu các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động, nhất là giai cấp công nhân, lực lượng xã hội đông đảo, có tổ chức chặt chẽ, cũng như xoa dịu các xung đột xã hội khác. Nhà nước tư bản đã điều chỉnh nhiều chính sách xã hội, mở rộng các quyền kinh tế-xã hội, chính trị và dân sự của các tầng lớp trong xã hội, nhất là tầng lớp trung lưu và nghèo khổ. Do nhu cầu mở rộng sản xuất, Nhà nước tư bản không thể không mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó tiêu dùng cá nhân là một kênh quan trọng (kênh này chính là nhóm 99%; xã hội tiêu thụ là vấn đề sống còn của nền kinh tế tư bản). Những chính sách này dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong đời sống quần chúng lao động làm thuê. Sự cải thiện đó đã làm cho một bộ phận người lao động “mất” đi cái cảm giác “bị bóc lột”.
Sự điều chỉnh của CNTB phản ánh xu hướng thích nghi của nó trước sự thay đổi của thời đại, nhất là sự thoái trào của CNXH, xu thế toàn cầu hóa và những cuộc đại khủng hoảng có tính qui luật của CNTB. Xét cho cùng, trong mọi trường hợp, việc giải quyết những mâu thuẫn của CNTB hiện đại đều được thực hiện bằng cách bóc lột người lao động trong nước (bằng các chính sách thiên vị nhóm 1%) hoặc từ túi của các nước đang phát triển thông qua quá trình tư bản hóa toàn cầu đang được núp dưới cái tên “toàn cầu hóa kinh tế”.
CNTB hiện đại đã khoác trên mình một bộ áo mới. Nhưng bộ cánh mới không che đậy được những khuyết tật cố hữu của nó. Giai cấp tư sản vẫn hiện nguyên hình là giai cấp bóc lột, quần chúng lao động vẫn là những người bị bóc lột. Xã hội tư sản vẫn là xã hội bất công phi lý, mâu thuẫn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Cho dù phong trào “Chiếm phố Uôn” và các phong trào chống CNTB khác đi đến đâu, nó có chuyển hướng từ tính chất xã hội sang tính chất chính trị hay không thì vẫn cho thấy, những mâu thuẫn cơ bản của CNTB vẫn tồn tại và không thể giải quyết. Những điều chỉnh trong thời gian qua và sắp tới của CNTB hiện đại cũng chỉ là những giải pháp tình thế mà thôi.
Theo qui luật phát triển của xã hội loài người, hình thái kinh tế-xã hội bất công, phi lý ấy phải được thay thế bằng một hình thái tiến bộ hơn.
Trần Minh Tơn
Thượng tá, Phó trưởng ban, Viện Chiến lược và Khoa học Công an
1) “400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của 150 triệu người khác, 19 triệu người thất nghiệp (9,1%), 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, 46,2 triệu người (15,5% dân số) sống trong nghèo khổ, 18 triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng”.
2) Ở nước Mỹ, mọi người đều được dạy về “Giấc mơ Mỹ” ngay từ còn rất nhỏ rằng : "Là một người Mỹ có nghĩa là có quyền tiếp cận với sự thịnh vượng"