Từ khi có đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào ngày càng quan tâm đến công tác củng cố, hoàn thiện chính quyền nhà nước đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Xuất phát từ việc củng cố, xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh và có hiệu quả, Đảng và Nhà nước Lào đã tiến hành nhiều biện pháp: Tinh giản biên chế gọn nhẹ ở cấp trung ương và trong các cơ quan hành chính. Điều động cán bộ tăng cường cho cấp dưới, cơ sở. Phân biệt rõ chức năng quản lý - điều hành kinh tế với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh. Xây dựng, thực hiện cơ chế và quy chế phối hợp giữa quản lý theo ngành dọc trong toàn quốc với quản lý theo chiều ngang của cơ quan hành chính ở địa phương. Vừa tăng cường tính thống nhất toàn quốc, vừa phát huy tính chủ động của từng cấp. Tập trung tăng cường hiệu lực của pháp luật và hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính. Tiếp tục củng cố hoàn thiện bộ máy hành chính ở cấp trung ương, địa phương và cơ sở; xác định chức năng, phân cấp quản lý và thẩm quyền của mỗi cấp rõ ràng, xây dựng cơ chế phối hợp thông suốt, hợp lý giữa các ngành với nhau, giữa các cấp trong bộ máy nhà nước.
Yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xây dựng cơ sở chính trị và phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng bản và cụm bản phát triển, xóa nghèo cho nhân dân các bộ tộc cần cán bộ có chất lượng. Nhưng cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp cơ sở lại thiếu, chất lượng chưa cao. Để cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện vững mạnh, Trung ương và tỉnh cần phải cử cán bộ có trình độ, năng lực xuống tăng cường cho cấp huyện.
Ngày 11-3-2000, Thủ tướng Chính phủ Lào ra Chỉ thị số 01/TTg về việc xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị kế hoạch, tài chính và bản thành đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 20/BCTTWĐ, ngày 26-9-2003 về việc xây dựng cơ sở toàn diện và Chỉ thị số 09/BCTTWĐ, ngày 8-8-2004 về việc xây dựng bản và cụm bản phát triển giao cho cấp huyện chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện. Từ đó, tỉnh ủy và đảng ủy các cơ quan bộ cử cán bộ xuống giúp huyện lãnh đạo nhân dân tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở bản: bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, xây dựng chính quyền, lực lượng bảo vệ an ninh, tạo điều kiện cho cơ sở tự giải quyết tình hình và phát triển tại địa phương mình. Cụ thể:
Ngành nông-lâm nghiệp, trong năm 2007 đã cử 57 cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phối hợp với các bộ phận hữu quan xuống giúp 17 tỉnh và các huyện, cùng với hơn 1.700 công chức cấp tỉnh và huyện xuống tận cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ: Khảo sát thổ nhưỡng, quy hoạch nơi sản xuất theo đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương kết hợp với chính sách giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý. Xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ sản xuất nông nghiệp (trồng trọt-chăn nuôi) tại các cụm bản, nơi nhân dân trao đổi kinh nghiệm và thực hành cụ thể, cung ứng con giống, các vật liệu chủ yếu cho sản xuất tại chỗ. Cung cấp thông tin về thị trường nông sản cho nhân dân các bộ tộc theo thế mạnh tiềm năng của từng cụm bản và các vùng, miền.
Từ kinh nghiệm đưa cán bộ xuống cơ sở ở tỉnh Sê-kông, ngành y tế xây dựng mô hình lấy bệnh viện làm trung tâm, cử bác sỹ giúp các tỉnh. Ví dụ: Giao bác sỹ Bệnh viện Mạ-hổ-sốt xuống giúp tỉnh Chăm-pa-sắc, Sê-kông, Xa-la-văn và A-tô-pư; Bệnh viện Bà mẹ trẻ em giúp tỉnh Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Bệnh viện Sệt-thả-thi-lat giúp tỉnh Phông-xa-lỳ, Luông Nậm Tha, Bò-kẹo, Luông Pha Băng, Xay-nha-bu-ly v.v…
Các ngành khác đã cố gắng cử nhiều cán bộ, công chức có năng lực xuống huyện. Nói chung, trong thời gian qua đảng uỷ các cơ quan trung ương và các tỉnh đã tăng cường điều động cán bộ, công chức xuống cấp huyện động viên phong trào, tổ chức thực hiện đường lối chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra. Kết quả đã góp phần quan trọng ổn định về mặt chính trị, giúp nhân dân các bộ tộc ở các vùng miền có điều kiện thuận lợi xây dựng quê hương, bản làng. Việc sản xuất hàng hóa của nhân dân đã có bước tăng trưởng. Giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, hệ thống truyền thông đã phát triển và mở rộng xuống tận cơ sở nông thôn trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng gia đình và bản văn hóa có bước phát triển mới, con em nhân dân chưa có việc làm có cơ hội học nghề và đã có việc làm. Những người có công với Tổ quốc, cán bộ lão thành, hưu trí được quan tâm chăm sóc tốt hơn.
Mặc dù việc điều động cán bộ, công chức xuống huyện ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng vào việc phát triển cấp huyện và cấp cơ sở nhưng vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm giải quyết như sau:
Về số lượng, công chức ở các văn phòng cấp huyện chưa đủ so với yêu cầu, nhất là ở 9 văn phòng tham mưu của huyện. Theo thống kê của Tổng cục Hành chính và quản lý công chức năm 2007-2008 ở 7 huyện: Luông Nậm Thà, Lả (tỉnh U Đôm Xay), Mừn (tỉnh Viêng Chăn), Xê-băng-phay (tỉnh Khăm Muộn), Lạ-khon-phông (tỉnh Xa-la-văn), Phu-vông (tỉnh A-tô-pư), Xay-xệt-thả (Thủ đô Viêng Chăn) cho thấy bình quân mỗi huyện có 13 người. Văn phòng Ban Tổ chức bình quân có 4,4 người/huyện. Văn phòng Ban Kiểm tra bình quân mỗi huyện có 3,3 người, Ban Tuyên huấn bình quân mỗi huyện là 2,7 người. Đối với ngành dọc có số lượng nhiều hơn, như văn phòng y tế bình quân mỗi huyện có 10 người.
Ngoài việc thiếu về số lượng, công chức của các văn phòng cấp huyện phần lớn chất lượng chưa cao, nhất là ở 9 văn phòng tham mưu của huyện. Huyện Lả có 50 cán bộ, công chức, trong đó 8 người trình độ cao đẳng và 2 cử nhân. Huyện Xê-băng-phay có 43 công chức, có 2 cao đẳng và 5 cử nhân, huyện Phu-vông có 40 công chức, trong đó có 4 cao đẳng và 2 cử nhân.
Trong số cán bộ tăng cường xuống cơ sở có một số trường hợp không căn cứ vào tiêu chuẩn, không đúng với chuyên môn, năng lực và kiến thức của từng người. Một số không đủ sức khỏe. Thậm chí một số trường hợp khi ở đơn vị có vấn đề nhưng vẫn đưa xuống. Có những cán bộ không chấp hành sự điều động, không muốn xuống cơ sở.
Một số nơi điều động cán bộ, công chức xuống giúp huyện không theo yêu cầu cần thiết của công việc ở cấp huyện và cơ sở, không theo kế hoạch, dự án của huyện xây dựng trên cơ sở kế hoạch của bản và cụm bản.
Để việc điều động, tăng cường cán bộ, công chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh xuống cấp huyện có nền nếp, đạt yêu cầu phải quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Lựa chọn cán bộ, công chức cử xuống cơ sở đúng tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh, đúng với nghiệp vụ chuyên môn, công việc cụ thể sẽ làm và có sức khỏe tốt.
Cán bộ, công chức được bồi dưỡng, tập huấn về đường lối, chính sách liên quan đến công việc sẽ làm tại cơ sở. Nắm vững mục đích yêu cầu, có quyết tâm và nhiệt tình thực hiện công tác ở cơ sở.
Cử cán bộ, công chức theo đúng yêu cầu của dự án hoặc công việc của bản, cụm bản được xây dựng trên cơ sở kế hoạch sản xuất và dịch vụ của hộ gia đình hoặc của cụm sản xuất, cụm dịch vụ gắn với nhu cầu của thị trường.
Tóm lại, việc tăng cường công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức có năng lực xuống cấp huyện - cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân ở Lào - là việc cần thiết, cấp bách, được coi trọng và thực hiện khẩn trương nhằm giúp cho việc điều hành, quản lý nhà nước, quản lý xã hội an toàn, tiến bộ và công bằng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các bộ tộc Lào ngày càng được cải thiện tốt hơn theo lý tưởng của Đảng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, vì sự ấm no, hạnh phúc của các bộ tộc Lào. Chỉ làm được như vậy, vai trò uy tín của Đảng mới được bảo vệ và nâng cao.
Xỉ-phúc Vông- phắc- đi